RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Cây bàng thăng trầm cùng người dân Côn Đảo

Advertisement

(TTO) – Nếu ai từng đặt chân tới Côn Đảo, ắt hẳn đều có những cảm xúc riêng khi khám phá hòn đảo lịch sử này. Một trong những nét rất đặc trưng của Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là những cây bàng cổ thụ hiện diện ở khắp nơi.

< Hai tuyến đường có nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận “cây di sản” nhất đảo là đường Tôn Đức Thắng với 19 cây và đường Lê Duẩn 11 cây.

Không chỉ có ý nghĩa với người tù cách mạng, cây bàng còn hiện hữu rất nhiều trong đời sống người dân Côn Đảo. Bất kỳ một con đường, ngõ nhỏ nào ở đây đều có sự xuất hiện của loài cây này.

< Những cây bàng tỏa bóng mát trên tuyến đường Tôn Đức Thắng ở thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo.

< Ngày xưa, các chiến sĩ cách mạng thường ăn lá bàng non để chống đói và duy trì sự sống.

Ngày trước, cây bàng cùng tù nhân Côn Đảo vượt qua những năm tháng đấu tranh cách mạng ở chốn “địa ngục trần gian”. Bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ đói nhưng các chiến sĩ vẫn không nản lòng, họ nhiều khi phải ăn lá bàng non để duy trì sự sống. Vì thế, trong các hệ thống trại giam, nhà tù Côn Đảo đến nay vẫn còn rất nhiều cây bàng cổ thụ, như một nhân chứng lịch sử bi hùng của dân tộc.

< Những cây bàng cổ thụ đi qua thăng trầm lịch sử cùng những người tù cách mạng trong di tích trại giam Phú Hải.

< Cây bàng do cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trồng trong trại giam Phú Hải.

Bàng ở Côn Đảo tuy hứng chịu nắng gió, mưa bão khắc nghiệt nhưng vẫn dẻo dai, vững chãi và xanh tốt. Theo người dân địa phương thì khí hậu, thời tiết, môi trường đặc trưng ở Côn Đảo tác động nên cây bàng ở đây có gốc rộng hơn, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn bàng trồng ở đất liền.

< Cây bàng từ bao đời nay đã gắn bó với người dân Côn Đảo và trở thành nét đặc trưng của hòn đảo lịch sử này. Nhiều cây bàng gốc to xù xì, cỡ 3-4 người vòng tay ôm, với nhiều hình dáng lạ mắt khiến du khách đi Côn Đảo thích thú dừng chân chụp ảnh.

< Con đường bỗng trở nên thơ mộng hơn dưới tán lá bàng.

Ngoài việc tỏa bóng mát, bàng còn đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây. Với lượng hạt phong phú thì người dân đã tận dụng để tạo nên đặc sản cho vùng đất mình.

< Từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm, quả bàng chín rụng nhiều, người dân Côn Đảo lại đi nhặt về đem phơi khô để làm mứt.

< Quả bàng sau khi phơi khô sẽ được chẻ thủ công để lấy hạt. Công đoạn này cần sự khéo léo để hạt bàng còn nguyên vẹn, không bị vỡ làm đôi.

< Hạt bàng ở Côn Đảo có độ săn chắc và đầy thịt hơn hẳn. Khi nhai, ngoài cái giòn giòn, bùi bùi thì đọng lại vị giác của bạn sẽ là chút béo thơm dễ chịu.

Hạt bàng khi thu về phải được phơi qua nhiều lần nắng để vỏ khô lại, rồi mới đem đi chế biến. Trước đây, mứt hạt bàng chỉ có hai vị là vị mặn và vị ngọt, tuy nhiên thời gian gần đây để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, mứt bàng đã được chế biến đa dạng vị hơn. Hạt bàng giờ đây đã trở thành một đặc sản rất riêng, được du khách tìm mua mỗi khi đến Côn Đảo.

< Hạt bàng dân dã, bình dị nhưng lại rất nhọc công khi thu nhặt và chế biến. Hiện nay, nếu ở Côn Đảo thì mức giá có thể dao động 450.000 – 500.000/kg và khi về thành phố thì có thể “nhỉnh” hơn đôi chút.

< Tuy có đắt nhưng với những ai sành ăn, đây lại là món quà vặt vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng và được nhiều du khách chọn mua khi đến Côn Đảo.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây bàng vẫn sừng sững giữa đất trời, để giờ người dân Côn Đảo luôn nhắc đến cây bàng với sự tự hào và trìu mến.

Theo Duyên Phan (Dulich.Tuoitre)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468