Bài viết này phân tích các khía cạnh cơ bản về rủi ro đạo đức của vấn đề đảo nợ và đưa ra một số hàm ý chính sách để gỡ k" />
RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị kinh doanh

Đảo nợ-những vấn đề tiềm ẩn

Advertisement
Bài viết này phân tích các khía cạnh cơ bản về rủi ro đạo đức của vấn đề đảo nợ và đưa ra một số hàm ý chính sách để gỡ khó cho các doanh nghiệp hiện nay.
Không nên tạo tiền lệ xấu
Ở Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng (2004) cũng không cấm đảo nợ mà chỉ quy định việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ cũng như NHNN là không cho phép đảo nợ.
Chúng tôi cho rằng trong điều kiện thực hiện gói hỗ trợ lãi suất hiện nay với những mục tiêu chính sách đã đặt ra thì cần phải hết sức thận trọng trước vấn đề đảo nợ. Nhìn bề ngoài đảo nợ tạo cho người ta cái ảo giác về các khoản nợ được hoàn trả tốt, tỷ lệ nợ xấu hay nợ quá hạn giảm xuống nhưng thực chất thì không phải vậy.
Giả sử một doanh nghiệp đang có dư nợ cũ tại ngân hàng với lãi suất cao và trong điều kiện khó khăn hiện nay khiến khoản nợ trên có nguy cơ trở thành nợ xấu. Với chính sách cho vay đảo nợ, doanh nghiệp chỉ cần vay khoản nợ mới để trả khoản nợ cũ và như thế khiến cho người ta dễ đánh giá rằng doanh nghiệp đã trả được tốt khoản nợ vay, còn ngân hàng thì không những thu hồi được vốn vay mà nợ xấu cũng không có.
Thực ra vấn đề không phải đơn giản như vậy vì chúng ta chưa bàn đến “số mệnh” của khoản nợ mới sẽ như thế nào. Khoản nợ mới được dùng để trả nợ cũ thì không thể tạo ra thu nhập để trả nợ cho chính nó. Doanh nghiệp sẽ lấy tiền đâu để trả khoản nợ mới đây?
Hơn nữa, nếu đảo nợ được thực hiện quá dễ dàng và không được kiểm soát tốt thì người vay sẽ chẳng phải ý thức đến việc phải sử dụng vốn vay hiệu quả và trả nợ theo cam kết.
Bởi vì khi nợ vay đến hạn họ chỉ cần vay khoản tiền mới để trả khoản nợ cũ, rồi khoản nợ mới lại đến hạn và người ta lại tiếp tục vay nợ mới để trả nợ cũ, cứ xoay vòng như vậy cho đến mãi mãi.

Như vậy khoản nợ cũ ban đầu thực ra chẳng bao giờ đáo hạn trong khi ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người gửi. Tất nhiên đây chỉ là lý thuyết nhưng thực tế nếu đảo nợ chỉ diễn ra qua ba vòng thì cũng đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.
Trong khi Chính phủ đang ra sức khuyến khích tăng trưởng tín dụng nhằm duy trì sức tăng trưởng của nền kinh tế thì yêu cầu bảo đảm chất lượng tín dụng cũng phải được đặt lên hàng đầu. Cho phép đảo nợ lúc này sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt, làm xấu đi tính lành mạnh của hệ thống tài chính vốn đang rất yếu ớt và rất khó kiểm soát.
Giả sử nếu cho phép doanh nghiệp được vay mới để trả nợ cũ thì có thể tạm xem như khoản nợ cũ đã được hoàn trả xong, gỡ một phần gánh nặng lãi suất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ lấy gì để chứng minh với ngân hàng rằng họ có khả năng trả được nợ mới trong khi khoản nợ này không được dùng cho mục đích sản xuất hay đầu tư để mang lại thu nhập – dòng tiền chính dùng để trả nợ ngân hàng.
Nếu doanh nghiệp vay khoản vốn mới với số tiền lớn hơn khoản nợ cũ để không chỉ dùng cho việc đảo nợ mà còn dùng vào đầu tư thì đòi hỏi tỷ suất sinh lợi của vốn đầu tư phải rất cao mới có cơ sở trả được nợ. Đây là điều khó có thể đạt được trong điều kiện khủng hoảng kinh tế hiện nay. Như vậy sau này liệu có nguy cơ xảy ra đảo nợ mới nữa hay không?!
Bên cạnh đó, nếu Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được phép vay mới theo chương trình hỗ trợ lãi suất để trả các khoản nợ cũ trước đây đã “trót” vay với lãi suất cao thì có nguy cơ tạo ra hiện tượng người ăn theo (free rider).
Mặc dù Chính phủ có thể đưa ra những quy định cụ thể đối với những đối tượng và phạm vi được đảo nợ, tuy nhiên do thông tin bất cân xứng nên Chính phủ không thể kiểm soát được đâu là khoản nợ mà doanh nghiệp đã vay với lãi suất cao trong thời kỳ chạy đua lãi suất và đâu là những khoản nợ quá hạn hay nợ xấu đang nằm trong hệ thống ngân hàng chưa được xử lý trước đây.
Người làm luật không có quyền được đánh giá thấp năng lực sáng tạo của người tuân thủ luật. Các khoản nợ xấu sẽ “ăn theo” các khoản nợ trong diện được đảo nợ để hưởng “lộc trời cho”. Chính sách của Chính phủ có nguy cơ bị lợi dụng và mục tiêu chính sách rất khó đạt được.
Lợi bất cập hại! Các ngân hàng cũng có động cơ để tăng cường cho vay đảo nợ vì nếu không cho vay thì các khoản nợ xấu vẫn “nằm im” trên bảng tổng kết tài sản, còn nếu cho vay thì không những sẽ “làm sạch” được các khoản nợ xấu mà còn có thêm thu nhập từ các khoản tiền lãi hỗ trợ của Chính phủ.
Trước mắt có thể như vậy nhưng nếu cái gốc không được giải quyết thì cuối cùng các khoản nợ mới cũng sẽ quay lại “nằm” đúng vào chỗ các khoản nợ xấu trước kia mà thôi.
Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp khi ấy vẫn còn nguyên và không nên chuyển gánh nặng đó sang vai của hệ thống ngân hàng vốn rất nhạy cảm với các biến số rủi ro trong điều kiện bất ổn vĩ mô hiện nay.
Thực tế nếu như không có chính sách hỗ trợ lãi suất thì nguy cơ đảo nợ cũng có thể xảy ra vì mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đã được điều chỉnh giảm theo hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên việc Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, áp dụng cho các khoản vay mới kể từ ngày 1-2-2009 đã tạo lý do cho các đề xuất đảo nợ. Tất nhiên chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ là cần thiết và tự nó không có lỗi mà vấn đề nằm ở khía cạnh rủi ro đạo đức.
Đâu là giải pháp?
Luật Các tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay hiện hành đưa ra các điều kiện vay vốn trong đó quy định mục đích sử dụng vốn vay phải hợp pháp và khách hàng phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tất nhiên trong hoạt động tín dụng ngân hàng, thông tin bất cân xứng luôn là một thách thức lớn cho các ngân hàng nhưng cũng khó để “thoát” được những quy định pháp lý trừ khi nhân viên tín dụng được thừa nhận là không đủ “năng lực”.
Giải pháp ngắn hạn cho vấn đề này là thay vì cho phép đảo nợ, các ngân hàng nên xem xét cấu trúc lại danh mục các khoản nợ vay trước đây của các doanh nghiệp có lãi suất cao.
Theo đó, các hợp đồng tín dụng có điều khoản lãi suất thả nổi hoặc điều chỉnh định kỳ nhưng chưa đến hạn thì nên sớm điều chỉnh lại lãi suất cho doanh nghiệp nhằm chia sẻ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với hợp đồng có điều khoản lãi suất cố định, ngân hàng cần tiến hành rà soát và đánh giá lại các phương án vay vốn, tái thẩm định lại các dự án đầu tư theo các tiêu chí hiện tại.
Chỉ những dự án nào được đánh giá hiệu quả theo những tiêu chí mới, có triển vọng trả nợ thì đề xuất Chính phủ xem xét đưa vào diện được hỗ trợ lãi suất. Khoản lãi suất hỗ trợ sẽ chỉ được hoàn lại khi doanh nghiệp trả được nợ đầy đủ và đúng hạn cho ngân hàng theo cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Những dự án gặp khó khăn tạm thời thì cần phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho phép doanh nghiệp được giãn, hoãn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong một giai đoạn nhất định hay thực hiện ân hạn, gia hạn nợ vay cho doanh nghiệp.
Ngân hàng cũng không nên quá thận trọng khi quy định doanh nghiệp phải hoàn trả nợ cũ trước khi vay mới nếu như khoản nợ cũ chưa đến hạn.
Trong một số lĩnh vực (nông, lâm, ngư nghiệp, xuất khẩu… được sự khuyến khích của Chính phủ), nếu khoản nợ cũ đã đến hạn nhưng doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ do gặp khó khăn tạm thời hoặc khách quan thì có thể trình Chính phủ xem xét khoanh nợ và tiến hành cho vay mới nếu phương án sử dụng vốn vay mới được đánh giá khả thi và hiệu quả.
Việc một doanh nghiệp có thể cùng lúc vay nhiều khoản vốn khác nhau tại một hoặc nhiều ngân hàng là điều bình thường. Mỗi khoản vay sẽ phải tuân thủ các quy định về điều kiện vay vốn theo Quy chế cho vay của NHNN một cách độc lập tương đối với nhau.
Ngoài ra, một trong những rào cản cố hữu làm hạn chế quyền tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), là tài sản đảm bảo. Đã đến lúc các quỹ bảo lãnh DNNVV cần phải tích cực phát huy vai trò quan trọng của mình.
Tuy nhiên, hơn ai hết các ngân hàng nên thực hiện đánh giá lại giá trị các tài sản đảm bảo nợ vay của các doanh nghiệp và tiến hành giải chấp hoặc cho vay bổ sung phần vốn tương ứng với phần giá trị tài sản đảm bảo dôi ra nếu có nhằm “giải phóng” lực cản tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Tóm lại, đảo nợ là một vấn đề hết sức nhạy cảm nên cần phải thận trọng khi quyết định có cho phép đảo nợ hay không. Phân tích khía cạnh rủi ro đạo đức cho thấy đảo nợ nếu không được kiểm soát tốt có thể làm xấu đi tính lành mạnh của hệ thống tài chính.
Thay vì cho phép đảo nợ, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các ngân hàng cơ cấu lại nợ vay cho doanh nghiệp, điều chỉnh lại lãi suất và xem xét giảm, giãn lãi cho doanh nghiệp.
Chính sách này, mặc dù không hoàn toàn giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn nội tại và bản thân nó cũng không thể tránh khỏi yếu tố rủi ro đạo đức, nhưng trước mắt nó cũng giúp gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468