RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Đầu xuân thăm nghĩa trang LS Vị Xuyên

Advertisement

(TPO) – Vị Xuyên (Hà Giang) những ngày đầu năm 2019 lạnh buốt. Trên đỉnh Đài hương 468, nhìn về phía cao điểm 1509 mịt mù mây phủ. Những câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới chống quân xâm lược 40 năm trước cứ nối dài…

Từ Đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) chỉ cách chưa đến một cây số là Cửa khẩu Thanh Thủy nối sang bên kia biên giới. Cũng chỉ cách vài cây số để lên tới Đài hương 468, nơi tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ ngã xuống bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Ngồi sau xe cán bộ Đồn biên phòng Thanh Thủy, chúng tôi men theo con đường dẫn lên Đài hương 468.

Đường đang được đổ bê tông từ chân núi, men theo đường mòn, lên gần tới Đài hương. Được biết, những năm gần đây, các chuyến hành hương, về nguồn, tưởng nhớ đồng đội ngày càng nhiều, tuyến đường được làm mới để thuận tiện đi lại. Theo tiến độ, tuyến đường sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới chống quân xâm lược.

Trời về chiều, Đài hương đứng sừng sững giữa núi non hùng vĩ. Lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, cây hoa giấy rung rinh trong gió. Từ Đài hương 468 có thể quan sát được các cao điểm 1509, 772, 685… Dẫn chúng tôi đến dâng hương, sau đó đi một vòng, chỉ vào bức phù điêu “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, ông Vàng Văn Xuyên, người trông coi Đài hương 468 kể, đó là câu nói nổi tiếng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Anh Ninh từng là Trung đội trưởng, người Phú Thọ. Anh khắc vào báng súng “sống bám đá, chết hóa đá, hóa thành bất tử”. Trong khi chiến đấu, anh bị thương hai lần, cấp trên yêu cầu anh trở lại phía sau nhưng anh kiên quyết trụ lại. Đến lần thứ ba anh Ninh bị thương nặng nên đã hy sinh…

Chỉ xuống con đường ngoằn ngoèo dẫn lên Đài hương, ông Xuyên nói, bây giờ đường dễ đi nhiều rồi, nhưng nếu mưa thì vẫn khó. Ấy vậy mà ngày xưa, thế hệ các chú, các bác chiến đấu chống quân xâm lược phải vượt qua gian nan, vất vả bội phần. Họ vác đạn, vác bê tông đến 80 – 90 cân lên làm hầm hào, công sự dọc theo đường mòn nhỏ vốn chỉ là chỗ ngựa đi, ông Xuyên nói. Đến Đài hương, mọi người nhìn về các cao điểm, trong dạt dào cảm xúc tự hào về thế hệ cha anh không tiếc máu xương vì biên cương Tổ quốc…

Ông Xuyên là người thứ 3 trông coi Đài hương 468. Có lẽ cũng là cái duyên, bởi ông từng là cựu chiến binh chiến đấu trên mặt trận này, thuộc Trung đoàn 824. Trong suốt giai đoạn 1979 – 1984, ông có mặt ở hầu hết các điểm cao. Do đặc trưng là lính trinh sát đặc công, ông không tham gia trực diện chiến đấu, công việc chủ yếu là đi nắm tình hình địch. Những cứ điểm hiểm yếu, chỗ nào nóng bỏng nhất là ông có mặt.

Khi rời quân ngũ, ban đầu, ông chỉ nhận trông hộ Đài hương 1 – 2 tháng, nhưng rồi duyên nợ với đồng đội, ông tiếp tục công việc đến hôm nay. Nói về Đài hương, ông Xuyên kể, trước đây, cựu chiến binh lên thăm chiến trường đã dựng một cây hương phía dưới. Những dịp tháng hướng về ngày 27/7, nhiều đồng đội lên thăm chiến trường xưa đều hướng về phía các cao điểm đớn đau, thảng thốt gọi tên “Đồng đội ơi, chúng mình lên thăm đồng đội đây”.

Sau này, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 356, 361 và đồng ý chủ trương xây Đài tưởng niệm 468. Rồi chính các cựu chiến binh đứng lên kêu gọi xã hội hóa, quyên góp để hoàn thành Đài hương như hôm nay. “Bây giờ Đài hương trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh. Người dân khắp cả nước đều về đây để nhớ về những người ngã xuống vì từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Ngày xưa, quân đoàn 3 được lệnh di chuyển từ Tây Nam ra, nên liệt sĩ có nhiều người ở miền trong”, ông Xuyên nói.

Ở Thanh Thủy, những địa danh như ngã ba cửa tử, đồi thịt băm… vẫn còn là ký ức bi hùng của quân và dân ta quật cường, dũng cảm bảo vệ từng tấc đất biên giới. Từ các điểm cao, quân thù băm nát, giày xéo đất thiêng không thương tiếc. Chúng dùng tất cả hỏa lực bắn phá không ngừng nghỉ, đến nỗi đá núi nóng quá thành vôi, cây cối bị san phẳng như bình địa.

Ông Xuyên, người trông Đài hương, lâu nay trở thành “hướng dẫn viên” mỗi dịp có khách lên thăm viếng. Chỉ tay xuống khu vực hướng về phía UBND xã Thanh Thủy, ông Xuyên nhớ lại, 40 năm trước khu vực này bị băm nát, sang phẳng ngỡ như không còn sự sống. “Thấy đồng đội ngã xuống, lúc đó chỉ biết căm thù, bất chấp hy sinh gian khổ. Phên giậu của Tổ quốc là trên hết. Không kẻ thù, thế lực nào có thể động đến dẫu chỉ một tấc đất của cha ông. Biên cương, lãnh thổ mãi bất khả xâm phạm”, ông Xuyên nói.

Hướng dẫn di chuyển tới nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên

Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên nằm cạnh đường quốc lộ 2A, thuộc địa phận thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang khoảng 18 km. Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên hiện nay là nơi an nghỉ của gần 1.770 liệt sỹ đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Từ Hà Nội đến Hà Giang: Khoảng cách từ Hà Nội đến Hà Giang khoảng 300km. Bạn có thể di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn nên di chuyển bằng xe khách để đảm bảo an toàn vì đường Hà Giang rất khó đi, nhiều dốc gần vách núi hiểm trở. Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, bạn có thể tham khảo một số nhà xe uy tín như: nhà xe Hưng Thành, nhà xe Hải Vân, nhà xe Ngọc Cường.

Di chuyển bằng xe máy, bạn có thể đi theo hướng đại lộ Thăng Long. Sau đó, di chuyển hướng Quốc lộ 21 lên Sơn Tây. Từ Sơn Tây qua cầu Trung Hà, men theo đường 32 đến địa phân tỉnh Phú Thọ bạn rẽ trái vào QL2. Sau đó, bạn tiếp tục chạy thẳng đến vòng xuyến tại quốc lộ 2C, Hàm Yên, Tuyên Quang. Sau khi đến thành phố Tuyên Quang, bạn đi theo Quốc lộ 2 đến Hàm Yên, Bắc Quang, Vị Xuyên là đến thành phố Hà Giang.

Từ trung tâm thành phố Hà Giang đến nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên: Di chuyển theo hướng quốc lộ 2A, đến km số 18 là đến địa phận huyện Vị Xuyên, di chuyển tiếp đến thị trấn Vị Xuyên hỏi thăm người dân nghĩa trang liệt Sỹ Vị Xuyên là đến nơi.

Năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu và phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam (15 tập) từ thời khởi thủy của Việt Nam đến năm 2000, trong đó, đáng chú ý, tại tập 14, từ trang 351 – 359 có viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Sách viết: 5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km. Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Theo Tiền Phong

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468