RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 19

Advertisement

ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018
BÀI THI MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
          Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
                                                THỜI GIAN LÀ VÀNG
 Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
 (Phương Liên – Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005, tr. 36 – 37)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.(0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào?  (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra tác dụng của phép điệp được sử dụng trong văn bản. (1,0 điểm)
Câu 4. Từ ý nghĩa được gợi ra từ văn bản, anh/chị tâm đắc nhất với giá trị thời gian nào? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá”.
Câu 2. (5,0 điểm)            
Trình bày cảm nhận của anh/chị về khát vọngtình yêu của nhân vật trữ tình qua hai đoạn thơ sau: 
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
 (Trích Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, tr.23)
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một,NXB Giáo dục, tr.156)
                                                                                          
—— Hết ——
NỘI DUNG
ĐIỂM
I. ĐỌC HIỂU
3,0
Câu 1
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận
0,5
Câu 2
Theo tác giả Phương Liên, thời gian có những giá trị: thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền, thời gian là tri thức.
0,5
Câu 3
Tác dụng của phép điệp trong văn bản (Thời gian là….): nhấn mạnh giá trị quý báu của thời gian đối với con người.
1,0
Câu 4
Học sinh có thể chọn và lí giải một giá trị của thời gian mà bản thân tâm đắc nhất (có thể chọn một giá trị đã nêu trong văn bản hoặc ngoài văn bản mà bản thân tâm đắc).
1,0
II. LÀM VĂN
Câu 1:  Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu trên: “Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá”.
2,0
a.   Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo đúng cấu trúc đoạn văn nghị luận, dung lượng khoảng 200 chữ.
0,25
b. Yêu cầu về nội dung: Xác định đúng vấn đề, vận dụng tốt các thao tác lập luận để viết đoạn văn cơ bản đạt các nội dung sau:
– Giải thích: Thời gian quý giá như vàng, nhưng vàng thì có thể mua được, còn thời gian thì không mua được nên thời gian là vô giá.
– Bàn luận:
 + Khẳng định ý kiến trên hoàn toàn đúng. Thời gian trôi qua rất nhanh và không bao giờ trở lại. Do đó thời gian không thể mua được. Thời gian không thể đánh đổi bằng bất cứ một vật có giá trị nào, cho dù đó là vàng…
+ Phê phán những kẻ không biết quý trọng thời gian, sử dụng thời gian vào những việc làm vô bổ.
Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của thời gian, từ đó có ý thức tận dụng thời gian, sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện những việc có ích…
0,25
1,25
0,25
Câu 2: Trình bày cảm nhận về khát vọng tình yêu của nhân vật trữ tình qua hai đoạn thơ trích trong bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu và Sóng – Xuân Quỳnh.
5,0
a.    Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: khát vọng tình yêu của nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ.
0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
3,0
– Giới thiệu khái quát về hai tác giả và hai đoạn thơ.
Cảm nhận về hai đoạn thơ:
+ Đoạn thơ trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:
v   Đoạn thơ thể hiện “cái tôi” ham sống, muốn tận hưởng cuộc đời mãnh liệt. Như một tuyên ngôn của lòng mình, nhà thơ tự xác định một thái độ sống gấp, tận hưởng vì cảm nhận cái hữu hạn của cuộc đời (Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm); ý thức chiếm lĩnh, tận hưởng cuộc sống ở mức độ cao nhất (chếnh choáng, đã đầy, no nê) những gì tươi đẹp nhất (mùi thơm, ánh sáng, thời tươi).
v  Các yếu tố nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh.. góp phần thể hiện cái hối hả, gấp gáp, cuống quýt của tâm trạng, khiến nhịp điệu đoạn thơ sôi nổi, cuồng nhiệt.
+ Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:
v   Đoạn thơ thể hiện khát vọng lớn lao, cao cả trong tình yêu: ước mong được tan hòa cái tôi nhỏ bé con sóng cá thể, thành cái ta chung rộng lớn – “trăm con sóng” giữa biển cả mênh mông để tình yêu trở thành bất tử.
v  Thể thơ năm chữ, hình tượng “sóng” vừa mang tính ẩn dụ, vừa giàu tính thẩm mĩ.
– So sánh:
+ Điểm tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện được tình yêu mãnh liệt, trào dâng của nhân vật trữ tình; khao khát vượt qua giới hạn nhỏ hẹp để thỏa mãn tình yêu rộng lớn; có sự kết hợp giữa cảm xúc và triết lí; sử dụng thể thơ tự do.
+ Điểm khác biệt: Tình yêu trong Sóng là tình yêu lứa đôi còn tình yêu trong Vội vàng là tình yêu cuộc sống. Khát vọng trong Sóng là khát vọng bất tử hóa, vĩnh viễn hóa tình yêu còn khát vọng trong Vội vàng là khát vọng được tận hưởng hết vẻ đẹp của cuộc sống của trần gian. Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong Sóng là cảm xúc lắng sâu, tha thiết, đằm thắm còn trong Vội vàng là đắm say, cuồng nhiệt, vồ vập.
Điểm khác biệt không chỉ nằm ở phong cách thơ mà còn trong cách “ứng xử” của mỗi nhà thơ trước sự “chảy trôi” của thời gian. Xuân Diệu chọn cách sống gấp gáp, tận hưởng. Xuân Quỳnh lại thể hiện khát vọng muốn được tan hòa cái riêng vào cái chung để tình yêu trở thành bất tử …
Về nghệ thuật: ở Sóng, Xuân Quỳnh sử dụng thể thơ ngũ ngôn với những câu thơ nhịp nhàng, đều đặn gợi âm điệu của tiếng sóng biển, hình ảnh giản dị giàu sức gợi; còn ở Vội vàng, Xuân Diệu sử dụng thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn không đều nhau, hình ảnh tươi mới, tràn đầy sức sống, cách ngắt nhịp nhanh mạnh, giọng thơ sôi nổi.
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
0,5
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: Phần I + Phần II  = 10,0 điểm
Lưu ý chung:
– Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm đối với những bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải diễn đạt chặt chẽ, lưu loát, có cảm xúc.
– Khuyến khích những bài  viết sáng tạo. Bài viết có thể  không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và có ý nghĩa tích cực.
– Không cho điểm cao đối với những bài viết chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468