RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 42 – TP1(2019)

Advertisement

  1. Phần 1 : Đọc – hiểu (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới
Cách đây hàng triệu năm, sa mạc Sahara còn là những khu rừng xanh tốt, cây cối um tùm. Các loài cây đều thỏa thuê hút và tận hưởng dòng nước ngầm dồi dào mát lành và thi nhau đâm cành trổ lá xum xuê. Riêng có cây sồi Tenere là vẫn chịu khó đâm xuyên những chiếc rễ của mình xuống tận sâu dưới lòng đất. Cho đến một ngày kia khi nguồn nước ngỡ như vô tận bỗng cạn kiệt dần rồi biến mất hẳn, các loài cây đều không chịu nổi hạn hán và chết dần, duy chỉ có cây sồi Tenere là vẫn còn tồn tại giữa sa mạc Sahara. Tên tuổi của nó được cả thế giới biết đến khi một mình đứng giữa sa mạc, xung quanh bán kính 400km không một bóng cây nào bầu bạn. Người ta kinh ngạc khi phát hiện ra rễ cây đã đâm sâu xuống đất tận 36m để tìm nước.
Bạn có thấy rằng trong cuộc sống cũng có một dòng chảy luôn vận động không ngừng không? Đó chính là thời gian; nó quan trọng như là nước đối với cây cối.
Sẽ có những người chỉ sử dụng thời gian để lớn lên, hưởng những thú vui đời thường và rồi những thách thức cuộc đời sẽ đánh gục họ, khiến họ phải đau khổ, giống như những cái cây chỉ biết “hút và tận hưởng”.
Nhưng có những người có sự chuẩn bị tốt, họ học cách sử dụng thời gian hiệu quả, họ đầu tư cho sự phát triển bản thân cũng giống như cầy sồi đầu tư cho sự phát triển bộ rễ của mình.
Họ hiểu triết lí: Bộ rễ yếu ớt không thể nào giữ được cái thân to khoẻ. Bạn khó có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị tốt về những kĩ năng và kiến thức nền tảng.
(Phỏng theo Hạt giống tâm hồn – Câu chuyện về cây sồi, https://saostar.vn)
Câu 1.(0,5 điểm) Theo tác giả thời gian quan trọng như thế nào?
Câu 2. (0,5 điểm)Theo anh (chị) câu văn sau có ý nghĩa gì:“Nhưng có những người có sự chuẩn bị tốt, họ học cách sử dụng thời gian hiệu quả, họ đầu tư cho sự phát triển bản thân cũng giống như cây sồi đầu tư cho sự phát triển bộ rễ của mình”.
Câu 3.(1,0 điểm) Anh (chị) hiểu như thế nào về ý nghĩa biểu tượng của hai hình ảnh: Hình ảnh cây sồi Tenere với bộ rễ đâm sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nguồn nước và hình ảnh những loài cây khác chỉ biết “hút và tận hưởng”?
Câu 4.(1,0 điểm) Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
2.Phần  2: Iàm văn (7,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Bạn khó có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức nền tảng”.
Câu 2: (5,0 điểm)
Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những tháng ngày kháng chiến gian khổ:
Mình đi có nhớ những ngày
                          Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
                                    Mình về có nhớ chiến khu
                           Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai
và tái hiện những chiến thắng lịch sử hào hùng của quân dân Việt Bắc:
                                     Tin vui chiến thắng trăm miền
                              Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
                                     Vui từ Đồng Tháp An Khê
                               Vui lên Việt Bắc đèo De núi Hồng.
Việt Bắc, SGK Ngữ văn 12, tập một, trang 110, 112)
Anh (chị) hãy phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật sự vận động của cảm xúc thơ Tố Hữu.
————–
Đọc hiểu
1
– “Những cái cây chỉ biết hút và tận hưởng” giống như những người chỉ sử dụng thời gian để lớn lên, hưởng những thú vui đời thường và rồi những thách thức cuộc đời sẽ đánh gục họ, khiến họ phải đau khổ, thậm chí sự sống có thể bị đe doạ.
2
– Câu văn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng thời gian. Con người muốn tồn tại trong xã hội cạnh tranh khốc liệt hiện nay cần biết sử dụng thời gian hợp lí để đầu tư cho sự phát triển của bản thân.
3
– Hình ảnh cây sồi Tenere với bộ rễ đâm sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nguồn nước là biểu tượng cho những người biết tranh thủ thời gian để học tập mọi kĩ năng và kiến thức cần thiết để sinh tồn.
– Hình ảnh những cây chỉ biết “hút và tận hưởng” là biểu tượng cho những người chỉ biết lãng phí thời gian vào những việc vô bổ và hưởng thụ lạc thú của cuộc đời mà không biết lo xa, phòng bị trước cho bản thân.
4
Có thể lựa chọn một trong các thông điệp sau:
– Thông điệp về thái độ sống biết lo xa, phòng trước mọi biến cố không may trong cuộc đời.
– Thông điệp về việc tranh thủ thời gian để học hỏi mọi kiến thức và kĩ năng cần thiết.
Chọn thông điệp nào cũng cần có sự phân tích lí giải hợp lí.
LÀM VĂN
1
Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Bạn khó có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức nền tảng.
a
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: có câu mở đoạn, các câu phát triển ý, câu kết đoạn. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu.
b
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức để có được thành công trong cuộc sống.
c
Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề  theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:
* Giải thích:
– “Thành công”: Là có được thành quả, đạt được những mục đích mà mình đặt ra.
– “Kỹ năng”: Là khả năng thích nghi, ứng phó và giải quyết các tình huống thực tiễn.
– “Kiến thức”: Là những hiểu biết có được từ sách vở và đời sống thông qua quá trình học tập, trải nghiệm.
=> Ý kiến khẳng định: muốn có được thành công trong cuộc sống cần phải chuẩn bị tốt cả về kỹ năng và kiến thức cơ bản.
* Bàn luận:
– Thành công luôn là đích đến của mỗi người trong cuộc sống. Cuộc sống luôn có những khó khăn, thuận lợi chia đều cho mỗi người, vì vậy cần biết vượt qua những khó khăn, tận dụng những thuận lợi để đạt được mục đích của mình.
– Kỹ năng và kiến thức chính là nền tảng để có được thành công.
+ Việc rèn luyện kỹ năng sống giúp con người thích ứng và hòa nhập với môi trường sống.
+ Việc tích lũy kiến thức giúp con người tăng vốn hiểu biết để khám phá thế giới, khẳng định bản thân, vươn tới thành công.
( Dẫn chứng từ thực tế cuộc sống để minh họa)
* Mở rộng: Chuẩn bị tốt kiến thức, kĩ năng nền tảng phải gắn liền với việc thực hành những kiến thức và kĩ năng ấy mới đem lại hiệu quả cao.
* Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt kỹ năng và kiến thức nền tảng để hoàn thiện bản thân, vươn đến thành công.
d
Đảm bảo quy tắc chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
2
Phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ, từ đó làm nổi bật sự vận động của cảm xúc thơ Tố Hữu
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phầm mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật sự vận động của cảm xúc thơ Tố Hữu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
1.Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu được coi là thi sử của cách mạng dân tộc
– Tập thơ Việt Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ Tố Hữu. Trong đó “Việt Bắc” là thành công xuất sắc. Tác phẩm là bản hùng ca về cuộc kháng chiến 9 năm gian lao mà anh dũng, là bản tình ca ân nghĩa thủy chung giữa cán bộ miền xuôi và đồng bào Việt Bắc.
– Hai đoạn thơ trích dẫn dưới đây là đoạn đặc sắc, thể hiện rõ nét cảm xúc thơ, phong cách thơ Tố Hữu
2. Cảm nhận về hai đoạn thơ
* Đoạn thơ thứ nhất:
– Tái hiện những tháng ngày kháng chiến thiếu thốn gian khổ nhưng vẫn ngời sáng ý chí và tinh thần quyết tâm của quân  dân Việt Bắc
+ Cặp đại từ “mình – ta” thể hiện tình cảm thương mến, ngọt ngào, tha thiết
+ Điệp từ “có nhớ” gợi sự hồi tưởng, gợi nhớ những tháng ngày kháng chiến gian khổ đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi cùng nhau chia sẻ
+ Hệ thống hình ảnh đa dạng, giàu ý nghĩa biểu tượng khái quát: Hình ảnh gợi nhớ thiên nhiên Việt Bắc khắc nghiệt, gợi sinh hoạt kháng chiến gian khổ, gợi ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ của quân dân Việt Bắc…
=> Nhà thơ bộc lộ tâm trạng bồi hồi xúc động, từ đó tri ân đồng bào Việt Bắc đã đồng cam cộng khổ, hết lòng vì cách mạng, vì kháng chiến.
* Đoạn thơ thứ hai:
– Tái hiện những tháng ngày quân dân Việt Bắc quật khởi hào  hùng, những chiến thắng dồn dập dội về. Việt Bắc trở thành điểm hội tụ niềm vui muôn phương.
+ Một loạt địa danh được gọi tên gợi nhớ những chiến công lừng lẫy của quân và dân Việt Bắc dội về từ muôn nẻo đường.
+ Giọng điệu thơ nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui sướng tự hào.
+ Nghệ thuật điệp linh hoạt biến hóa: Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng cho thấy niềm vui bao trùm không gian Việt Bắc và ngân nga trong lòng quân và dân cả nước.
=> Bộc lộ cảm xúc hân hoan phấn chấn tự hào. Tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, ý chí quyết tâm sắt đá đã tạo nên sức mạnh để quân dân Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng.
3. Nhận xét về sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu qua hai đoạn thơ
+ Qua hai đoạn thơ cảm xúc thơ có sự vận động rõ nét: từ trữ tình sâu lắng đến hân hoan hào hùng, tự xúc động ngậm ngùi đến tươi vui rạng rỡ, từ cảm  nhận sự gian khổ đến niềm vui chiến thắng ngập tràn.
+ Từ đó độc giả hình dung được về sự vận động phát triển của cách mạng Việt Nam, về các giai đoạn của cuộc kháng chiến, trân trọng sự đóng góp hi sinh của đồng bào Việt Bắc cho kháng chiến
+ Từ sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu, độc giả nhận ra đặc điểm thơ Tố Hữu: Lối thơ trữ tình – chính trị. Mọi cung bậc cảm xúc tâm trạng đều xuất phát từ những vấn đề chính trị, cách mạng của dân tộc của thời đại
+ Nghệ thuật thể hiện: Bút pháp từ trữ tình sâu lắng đến sử thi hào hùng, giọng điệu từ bồi hồi xúc động đến lạc quan tin tưởng, ngôn từ hình ảnh từ đặc tả biểu tượng đến những địa danh được lịch sử hóa.
3. Đánh giá:
– Hai đoạn thơ đặc sắc góp  phần tạo nên thành công của Việt Bắc, góp phần sáng tỏ ý nghĩa hùng ca – tình ca của Việt Bắc
– Tố Hữu xứng đáng được vinh danh là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam
c. Sáng tạo : Có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm, thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu : Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Tổng
Điểm phần I + II

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468