RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 43 – TP1(2019)

Advertisement

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.
Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định“đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thức để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.
Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận“tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
                                    (Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,5 điểm).
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người? (0,5 điểm).
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. (1,0 điểm).
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân mình? (1,0 điểm).
  1. LÀM VĂN (7,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
Câu 2 (5,0 điểm):
           Cùng tái hiện cảnh đoàn quân ra trận mỗi nhà nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:
    “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
                                    (Tây Tiến – Quang Dũng)
Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu mũ bạn cùng mũ nan”
                                 (Việt Bắc – Tố Hữu)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên để làm sáng tỏ cách khám phá thể hiện riêng đó của hai nhà thơ.
 – HẾT
Nội dung
Đọc hiểu
1
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
2
Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người
3
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:
– “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.
– Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.
4
Thí sinh có thể rút ra bài học có ý nghĩa cho bản thân và lí giải:
– Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
– Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người
Làm văn
1
    Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
1. Yêu cầu chung
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ
– Đoạn văn có h×nh thøc rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả…
– Thí sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
2. Yêu cầu cụ thể
a. Giải thích
– Ước mơ là mong muốn đến những điều tốt đẹp ở tương lai. “Đẳng cấp” nhân cách chỉ mức độ cao về bản lĩnh, đạo đức, nhân cách của một con người.
– Ý kiến khẳng định con đường, cách thức thực hiện ước mơ của mỗi người sẽ cho thấy bản lĩnh, đạo đức, lối sống và giá trị đích thực của người đó.
b. Phân tích, bàn luận
– Ước mơ có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Nhờ có ước mơ con người có thể chinh phục tự nhiên, tạo nên những thành tựu về khoa học và công nghệ.
– Ước mơ hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, quản lí xã hội…
– Thực tế cho thấy có nhiều cách thức để chinh phục, thực hiện những mong ước như tự thân, tương tác trí tuệ tập thể…
– Phê phán thói dựa dẫm, ỷ lại, thụ động, không có ước mơ, hoài bão…
c. Bài học
– Sống có ước mơ và dám ước mơ
– Tự trọng, tự tin khi thực hiện ước mơ của mình.
2
   Cảm nhận về hai đoạn thơ:
2.1 Yêu cầu chung
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học
– Bài viết có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả…
– Thí sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát tác phẩm, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận.
– Sáng tạo, linh hoạt phù hợp lô gic.
2.2 Yêu cầu cụ thể
2.1.1 Giới thiệu vấn đề nghị luậnTây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu là nỗi nhớ của các tác giả về một thời kì kháng chiến gian khổ mà nghĩa tình hình ảnh những người ra mặt trận hiện lên rất chân thực mà hào hùng.
2.1.2 Giải quyết vấn đề nghị luận:
 a.  Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến
* Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm:
– Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài (thơ, văn, nhạc, hoạ), cũng là một người lính, sống một đời lính oanh liệt, hào hùng. Quãng đời ấy đã trở thành cảm hứng đặc sắc trong thơ ông.
– Bài thơ Tây Tiến viết về người lính, về những chàng trai “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – người lính Tây Tiến. Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, không bao lâu, ông nhớ đơn vị cũ sáng tác bài thơ này.
* Cảm nhận nội dung đoạn thơ:
– Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ: nhớ về đồng đội và địa bàn hoạt động của đoàn quân, nhớ về vùng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, trữ tình.
– Hình ảnh người lính Tây Tiến: Họ hiện lên thật ấn tượng với những nét ngoại hình khác thường và vẻ đẹp phẩm chất hào hùng đáng kính:
+ Ngòi bút của nhà thơ Quang Dũng  đã chọn được những nét tiêu biểu để khắc hoạ gương mặt chung của cả đoàn quân nhưng ông cũng không hề né tránh hiện thực.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
-> Người lính Tây Tiến mang những nét ốm yếu, xanh xao, tiều tuỵ. Hình ảnh đó thể hiện điều kiện sống và chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Bằng thái độ yêu thương, trân trọng và tự hào về đồng đội, nhà thơ đã tái dựng chân dung họ tiều tuỵ những họ vẫn oai phong lẫm liệt, vẫn làm chủ của núi rừng. Họ chủ động vượt lên hoàn cảnh, coi thường gian khổ.
-> Nghệ thuật đảo ngữ, dùng từ trong các câu thơ trên đã nhấn mạnh vào hình tượng trung tâm của bài thơ: Họ đã đạp bằng gian khổ, thiếu thốn  để chiến đấu vì lí tưởng“chiến trường đi” “không tiếc đời mình”.
– Bên cạnh phẩm chất hào hùng, những người lính Tây Tiến còn là những tâm hồn hào hoa, lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
-> Hình ảnh “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ, thề sống chết với kẻ thù. Nhưng đôi mắt mở trừng mà “gửi mộng qua biên giới” đó là đôi mắt của niềm khao khát hoà bình, khao khát về sự yên bình trên quê hương. Đó cùng là đôi mắt “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dù nhiệm vụ chiến đấu đang khẩn trương, con đường hành quân vội vã, điều kiện chiến đấu gian khổ nhưng không hề đánh mất tâm hồn trong trẻo, trẻ trung, lãng mạn của họ. Trái tim họ vẫn rạo rực yêu đương, khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Bởi trước khi lên đường đi chiến đấu, họ cũng đã từng là những con người bình thường, những học sinh, sinh viên hồn nhiên, bình dị và trẻ trung.
-> Thơ ca chống Pháp cũng đã có nhiều nhà thơ nói về nỗi nhớ bất chợt đến với người lính như thế. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã rạo rực với nhịp đập con tim mình: “Những đêm dài hành quân nung nấu – Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”; nhà thơ Chính Hữu cũng đã viết “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”; Hồng Nguyên thì cồn cào, da diết trong  thẳm sâu: “Ba năm rồi gửi lại mái lều tranh – Luống cày đất đỏ – Tiếng mõ đêm trường – Ít nhiều người vợ trẻ – Mòn chân bên cối gạo canh khuya”.
– Về nghệ thuật:
+ Bốn câu thơ trên được viết bằng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn, đậm chất sử thi.
+ Ông đã kết hợp hài hoà cách sử dụng từ Hán Việt với từ thuần Việt, sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: tương phản, ẩn dụ.
– Đánh giá:
+Nhà thơ đã khắc hoạ thành công hình tượng những con người phi thường trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến
+ Thái độ, tình cảm của tác giả: yêu thương, trân trọng, cảm phục và kính trọng đồng đội – những người hùng của thời đại.
b. Đoạn thơ trong bài Việt Bắc
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
– Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông mang tính chất trữ tình chính trị và khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn khá đậm nét. Ông viết nhiều về các sự kiện chính trị, lịch sử.
– Một trong những bài thơ thể hiện rất rõ cảm hứng và đặc điểm nghệ thuật của Tố Hữu là bài thơ Việt Bắc(1954), in trong tập thơ cùng tên. Tác phẩm viết về những kỉ niệm nơi chiến khu Việt Bắc gian khổ mà hào hùng, sâu đậm nghĩa tình.
* Cảm nhận đoạn thơ:
– Về nội dung: Đoạn thơ trong đề bài lại mang một giọng điệu khác, giọng điệu hào hùng khi tác giả tái hiện hình ảnh Việt Bắc ra trận – cũng là hình ảnh cả nước ra trận hào hùng trong kháng chiến chống Pháp:
+ Ấn tượng đậm nét trong đoạn thơ này là hình ảnh những đoàn quân cứ đi vội vã. Không khí khẩn trương, mạnh mẽ, hào hứng, sôi nổi  của cuộc kháng chiến được gợi ra bằng hình ảnh:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
+> Câu thơ “Những đường Việt Bắc của ta” vang lên đầy hào sảng, chất chứa niềm tự hào, tự hào về những con đường kháng chiến, tự hào về những con đường ra mặt trận, tự hào về con đường giải phóng, giành lại chủ quyền vốn là của ta.  Đó là những con đường đi đến những trận đánh vang dội, những chiến công oanh liệt.
–> Trên những con đường máu lửa, những con đường chiến đấu và chiến thắng ấy là hình ảnh những con người tiến ra mặt trận: “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Câu thơ mang âm hưởng hùng tráng, hào sảng cùng từ láy“rầm rập” như gợi ra nhịp bước hành quân đều đặn của những chiến sĩ ta. Những đoàn quân đi khiến núi rừng rung chuyển, đó là hình ảnh thực nhưng vẫn đậm chất lãng mạn và sử thi. Đó là hình ảnh cả nước ra trận, “cả nước hành quân – cả nước thành chiến sĩ”.
+ Hình ảnh những đoàn quân ra trận đã khẳng định sức mạnh của quân đội ta: Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
-> Đoàn quân nối dài trên những con đường Việt Bắc của ta thật hùng tráng. Những từ láy“điệp điệp”, “trùng trùng” và nhịp điệu đều đặn của câu thơ gợi hình ảnh quân đội nhấp nhô như lượn sóng trên những con đường uốn quanh đồi núi, cũng gợi về sự đông đảo của quân đội, binh lính ta như cứ trải dài mãi, vươn rộng mãi đến khắp các chiến trường trên cả nước. Đó là hình ảnh của những con người đáng kính “Dù bom đạn xương tan, thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Họ đi cùng “ánh sao đầu súng”. Đó là ánh sao thực của bầu trời đêm Việt Bắc, cũng là ánh sao của lí tưởng cách mạng đang dẫn đường họ tới chiến thắng. Hình ảnh trong câu thơ vì thế mang niềm lạc quan, sự tin tưởng, niềm hân hoan khi hướng về “chiến thắng trăm miền”.
– Về nghệ thuật:
+ Đoạn thơ sử dụng thể thơ lục bát nhưng âm điệu hùng tráng, tràn đầy cảm hứng lãng mạn, niềm tin tất thắng.
+ Sử dụng linh hoạt điệp âm, điệp từ, từ láy với ngôn ngữ tạo hình cùng các biện pháp hoán dụ, ẩn dụ, nhân hoá.
– Đánh giá: Thái độ, tình cảm của tác giả: tự hào về cuộc kháng chiến ở Việt Bắc nói riêng, trên cả nước nói chung, tự hào về sức mạnh của các lực lượng tham gia kháng chiến, về sức mạnh của dân tộc chúng ta.
c. So sánh hai đoạn thơ để chỉ ra điểm gặp gỡ và cách thể hiện riêng của mỗi tác giả.
* Điểm tương đồng:
– Cả hai bài thơ, hai đoạn thơ đều viết về cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả hai bài thơ đều được viết ra từ nỗi nhớ da diết, mênh mang về một thời đã qua – thời kì gian khổ mà hào hùng, tình nghĩa. Đó là nỗi nhớ của người trong cuộc khi đã chia xa nhớ về.
– Hai tác giả đều sử dụng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn, sử thi nhưng cảm hứng sử thi, lãng mạn vẫn nổi bật để khẳng định vẻ đẹp của những con người cách mạng, những con người làm nên chiến thắng vang dội trên các chiến trường.
* Nét riêng trong cách thể hiện của hai nhà thơ:
– Thể thơ. Giọng điệu thơ. Các biện pháp tu từ. Bút pháp nghệ thuật…
– Nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh người lính mang vẻ đẹp bi tráng. Hồn thơ Quang Dũng thiên về thể hiện cái phi thường trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Còn bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu viết khi cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân ta đã chiến thắng vang dội, miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng. Hình ảnh con người kháng chiến vì thế mang vẻ đẹp hùng tráng, đầy khí thế chiến thắng.
– Nỗi nhớ trong bài Tây Tiến là nỗi nhớ của cá nhân nhà thơ, nỗi nhớ của một người lính nhớ về đồng đội bằng tình yêu thương, cảm phục, tự hào cũng là của riêng nhà thơ Quang Dũng. Còn nỗi nhớ trong bài Việt Bắc là nỗi nhớ không chỉ của riêng nhà thơ Tố Hữu, còn là nỗi nhớ của những người cán bộ cách mạng về xuôi. Tình cảm trong bài thơ là tình cảm cách mạng, tình cảm cộng sản.
– Thể thơ. Giọng điệu thơ. Các biện pháp tu từ. Bút pháp nghệ thuật…
2.1.3 Kết thúc vấn đề nghị luận:

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468