RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 7

Advertisement

ĐỀ THI  THỬ QUỐC GIA THPT
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
  Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 :
(…)(1)Vỉa hè nói riêng, không gian đô thị nói chung phải là của chung, của cộng đồng, dứt khoát không thuộc về riêng ai. Ai lấn chiếm thì phải trả. Ai không chịu trả thì buộc phải trả, dù đó là cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.
(2)Ở nước ta, nhất là các đô thị, kinh tế vỉa hè đã từng tồn tại, đó là thực tế. Nhưng rất nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là người bán hàng rong, buôn thúng bán bưng, tức là tầng lớp nghèo dưới đáy xã hội, nếu có lập lại trật tự đô thị, dẹp lấn chiếm vỉa hè thì cần phải thông cảm cho họ. Thực ra cũng có những người này chứ chẳng phải là không, nhưng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là những người có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu. Họ đứng ra kinh doanh hoặc cho thuê diện tích để người khác kinh doanh. Họ không chịu bỏ một phần diện tích trong nhà cho việc kinh doanh, giữ xe của khách mà lại chiếm vỉa hè của cộng đồng làm của riêng. Dẹp là đúng rồi. Phần còn lại tiếp theo với chính quyền “của dân, vì dân” là làm sao tìm giải pháp lo cho người buôn thúng bán bưng vốn lâu nay cát cứ vỉa hè, giúp bà con có chỗ làm ăn thuận lợi, kiếm kế sinh nhai phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.
(3)Điều mà nhiều người băn khoăn là liệu lần này có như những lần trước không, có đi vào vết xe cũ không. Dân tình lo ngại cũng có lý bởi họ từng chứng kiến bao cuộc ra quân, bao chiến dịch, bao phong trào… lúc đầu thì trống giong cờ mở, rầm rầm rộ rộ, khí thế ngất trời, hơn cả cái thời Từ Hải điều quân “đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri”, về sau thì tắt lịm, kết quả chả đi đến đâu, đâu lại vào đấy, mèo lại hoàn mèo. Họ nói với nhau rằng cứ kiểu “ném đá ao bèo”, “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” thế mãi thì chả biết tin vào bất cứ cái gì được chính quyền khơi ra. Niềm tin vốn đã mong manh, đừng làm cho nó trở thành quý hiếm, khi bị mất rất khó phục hồi. Có thể nói, đợt lập lại trật tự đô thị lần này chính là liều thuốc thử cho niềm tin ấy.(…)
           ( Nguồn http://thanhnien.vn/- Chiến dịch “lấy lại vỉa hè”: Không dứt điểm lần này, sẽ không bao giờ nữa, Nguyễn Thông)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Hành động lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là những người có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu thể hiện điều gì ?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của những thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn (3)
Câu 4. Anh/chị tâm đắc điều gì nhất qua bài viết của tác giả Nguyễn Thông thể hiện trong văn bản ?
Phn II. Làm văn (7,0 đim)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về hành vi lấn chiếm vỉa hè hiện nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
                        Phân tích “phong vị dân gian”thể hiện qua đoạn thơ sau trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Phần
Câu/Ý
Nội dung
Điểm
I
Đọc hiểu
3.0
1
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
0.5
2
Hành động lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là những người có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu thể hiện:
 – Sự thiếu ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của con người
 – Lòng tham và sự ích kỉ, lỗ hổng trong văn hoá đời sống của người Việt Nam.
0.5
3
 Chỉ ra và nêu tác dụng của những thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn (3) :
          -Những thành ngữ dân gian được sử dụng: “trống giong cờ mở”;“ném đá ao bèo”;“đánh trống bỏ dùi”;, “đầu voi đuôi chuột”;“mèo lại hoàn mèo”.
           – Tác dụng: giúp sự diễn đạt trở nên gần gũi, dễ hiểu. Qua đó, người viết báo động tình trạng thực thi pháp luật không đến nơi đến chốn của cơ quan công quyền hiện nay.
0.75
0.25
4
            Anh/chị tâm đắc điều gì nhất qua bài viết của tác giả Nguyễn Thông thể hiện trong văn bản.
           HS trình bày suy nghĩ cá nhân, thể hiện sự tâm đắc của mình với những vấn đề đặt ra qua bài viết. Lập luận chặt chẽ, có lí, có tình, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:
             – Vỉa hè là của công. Bất cứ cá nhân, tổ chức có hành vi lấn chiếm đều vi phạm pháp luật;
             – Ra quân giải toả vỉa hè là việc làm thiết thực, không những tạo sự an toàn cho người đi bộ mà còn đem lại mĩ quan trong đời sống cộng đồng;
             – Để việc làm có hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền ý thức tự giác của người dân, kiên quyết xử lí tình trạng vi phạm, tái phạm, tránh nửa vời.            
1.0
II
Làm văn
1
Từ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về hành vi lấn chiếm vỉa hè hiện nay.
2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một hiện tượng đời sống: hành vi lấn chiếm vỉa hè hiện nay.
0.25
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục. Cụ thể:
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan từ chiến dịch giành lại vỉa hè thể hiện trong phần Đọc hiểu để nêu vấn đề cần nghị luận.
– Các câu phát triển đoạn:
     + Giải thích:
       ++Vỉa hè là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước. Vỉa hè, lòng đường còn bao chứa các công trình cấp, thoát nước, chiếu sáng, thông tin, môi trường và các công trình khác.
        ++ Lấn chiếm vỉa hè: là hành vi một bộ phận cá nhân, tổ chức nhà nước sử dụng phạm vi vỉa hè trái với quy định của pháp luật.  
       + Phân tích, chứng minh:
         ++Tác hại:
           +++Khi lòng đường bị chiếm dụng thì người đi bộ phải xuống lòng đường để đi, phần đường dành cho các phương tiện giao thông bị thu hẹp,  nhiều vụ ùn tắc và tai nạn giao thông đã xảy ra.
           +++Việc lần chiếm vỉa hè,  lòng lề đường, gây mất mỹ quan đô thị, việc xử lý cũng rất khó khăn.              
           ++ Nguyên nhân:
              +++ Xuất phát từ mục đích lấn chiếm vỉa hè: để kinh doanh, buôn bán cụ thể là: vừa thuận tiện cho việc mời chào khách hàng, vừa không phải đóng thuế cho Nhà nước.
               +++Xuất phát từ ý thức của con người: không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, lợi dụng của chung để làm việc riêng mà trục lợi
               +++Do buông lỏng quản lí, thiếu sự đồng bộ trong xử phạt…            
1.00
          – Câu kết đoạn: đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp:
             + Với cá nhân: có ý thức thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật
              + Với Nhà nước: tăng cường tuyên truyền, vận động; xử phạt nghiêm minh, không cả nể, buông lỏng; tạo điều kiện cho người dân có nơi kinh doanh phù hợp…
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25
2
  Phân tích “phong vị dân gian”thể hiện qua đoạn thơ…
5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một khía cạnh nội dung trong một bài thơ.  
             Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
               “Phong vị dân gian”thể hiện qua đoạn thơ…
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
a/ Mở bài:  (0,25)
– Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình-chính trị, đậm đà tính dân tộc.
– Đoạn thơ là 8 câu đầu của bài Việt Bắc- bài thơ tiêu biểu trong chặng đường thơ thời kì chống Pháp.
– Đoạn thơ đậm chất “Phong vị dân gian”.
b/ Thân bài:
– Khái quát bài thơ, đoạn thơ ( về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng…)(0,25)
– Giải thích: (0,5)
 +”Phong vị” thường được hiểu như là nét riêng, đặc điểm riêng tạo nên sắc thái riêng có sức hấp dẫn của một sự vật, hiện tượng.
+“Phong vị dân gian”của một bài thơ là chất ca dao, dân ca trong bài thơ đó, tạo nên sắc thái riêng của bài thơ. Phong vị ấy được tạo thành từ chất liệu hình ảnh, các mô tip, ngôn từ, lối diễn đạt,… gần gũi với ca dao, hoặc lấy thẳng từ ca dao. Nhưng phong vị được tạo nên không chỉ bằng chất liệu hình thức, mà quan trọng hơn là tâm hồn, điệu cảm xúc của tác giả có sự gặp gỡ, tiếp nối với truyền thống ca dao, dân ca.
+Ở bài Việt Bắc của Tố Hữu, phong vị dân gian được thể hiện ở các phương diện và yếu tố sau :
++ Về nội dung: thể hiện qua chiều sâu của tình cảm, cảm xúc, ở điệu tâm hồn nhà thơ. Nghĩa tình sâu nặng, thuỷ chung, gắn bó giữa cách mạng và nhân dân, giữa người cán bộ và đồng bào Việt Bắc, giữa nhân dân với lãnh tụ, giữa hiện tại với quá khứ,… trong bài thơ đã gặp gỡ và tiếp nối truyền thống coi trọng nghĩa tình, đề cao ơn nghĩa, thuỷ chung của nhân dân, của dân tộc, đã được thể hiện sâu đậm trong ca dao, dân ca.
  ++ Về nghệ thuật: Cách kết cấu theo lối đối đáp của ca dao, dân ca, đặc biệt là ca dao về đề tài tình yêu đôi lứa. Nhiều hình ảnh gần gũi với ca dao hoặc được gợi ra từ những hình ảnh của ca dao, với cách biểu đạt quen thuộc của dân gian. Ngôn ngữ, các biện pháp chuyển nghĩa, cách miêu tả, biểu cảm ở nhiều chỗ phảng phất hoặc đậm chất ca dao.
“Phong vị dân gian”qua đọan thơ: (2,25 điểm)
+Ở phương diện nội dung:
Đoạn thơ tái hiện cuộc chia tay lưu luyến giữa người dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng.
++Bốn câu thơ đầu là lời ướm hỏi dạt dào tình cảm của người ở lại, khơi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội nghĩa tình, thể hiện tâm trạng nhớ thương, tình cảm gắn bó, thủy chung của quê hương Việt Bắc, con người Việt Bắc dành cho người về xuôi.
++Bốn câu sau là tiếng lòng của người cán bộ cách mạng về xuôi: tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn đầy lưu luyến, bịn rịn của người kháng chiến đối với cảnh và người Việt Bắc.
+Ở phương diện nghệ thuật:
++Thể thơ lục bát: Tố Hữu đã vận dụng và phát huy được ưu thế của thể thơ lục bát, một thể thơ dân tộc có nhạc điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển rất phù hợp để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của kẻ ở, người về.
++Kết cấu đối đáp quen thuộc của ca dao. 4 câu trên là lời của người ở lại; 4 câu dưới là lời đồng vọng của người về xuôi;
++Sử dụng tài tình đại từ mình – ta quan thuộc trong ca dao tình yêu ( Mình nói với ta mình hãy còn son…) để nói tình cảm thuỷ chung cách mạng.   
++Lối nói truyền thống được thể hiện qua biện pháp hoán dụ. Câu thơ giàu nhạc điệu với hệ thống từ láy, cách ngắt nhịp…
++Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết. Đoạn thơ là khúc hát ru kỉ niệm, khúc hát ân nghĩa, ân tình.
– Đánh giá chung: (0,5)
++Đoạn thơ nói riêng và bài thơ Việt Bắc nói chung là minh chứng cho sự thành công của thơ Tố Hữu trong việc thể hiện phong vị dân gian: tình nghĩa thuỷ chung cách mạng được thể hiện qua cách diễn đạt đậm chất dân gian.
++ Phong vị dân gian làm cho thơ Tố Hữu trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ thuộc và làm rung động lòng người.
c/ Kết bài:(0,25)
– Tóm lại vấn đề đã nghị luận
          – Cảm nghĩ của bản thân về vẻ đẹp phong vị dân gian trong thơ Tố Hữu.
(4.00)
4. Sáng tạo                                                   
            Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        
            Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
( 0,25)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468