RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Đi bộ giữa biển mây

Advertisement

(NĐT) – Chúng tôi “ồ” lên vui sướng khi nhìn thấy băng tuyết đóng trên ngọn cỏ, vạt cây. Mặt trời đang nhô lên từ đằng đông, nhuộm hồng cả một biển mây mênh mông lưng chừng núi. Cảnh vật mới kì vĩ làm sao…

< Chinh phục đỉnh Kỳ Quan San.

20h đêm. Nhiệt độ chưa đến 10 độ C. Đêm 13 nhưng là trăng 18, bầu trời sáng vằng vặc. Chỉ có tiếng gió rít, tiếng bước chân đi và tiếng thở phì phì vì mệt.
Chúng tôi đang ở độ cao khoảng 2.800m so với mặt nước biển.

Lên đỉnh Kỳ Quan San “săn” mưa sao băng

< Thông điệp bảo vệ môi trường rất đáng biểu dương của Hội đam mê leo núi.

Cả nhóm vừa từ độ cao 3.046m xuống. Đây là độ cao của một trong bốn đỉnh núi cao nhất của Việt Nam – đỉnh Kỳ Quan San.

Kỳ Quan San (hay vẫn được dân leo núi gọi là Bạch Mộc Lương Tử), là dãy núi thuộc ranh giới giữa huyện Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu). Kỳ Quan San được gọi theo tên của một bản ở chân núi của xã Sàng Ma Sáo. Để đi đến đây, ngoài hai cung đường: một là đi từ hướng Tam Đường (Lai Châu), hai là Mường Hum (Lào Cai), chúng tôi chọn cung đường thứ ba đi từ Sàng Ma Sáo.

< Những khóm hoa đỗ quyên trên đỉnh núi bung nở trong giá rét.

Chuyến đi lần này, ngoài mục đích chinh phục đỉnh núi có độ cao 3.046m này, cả nhóm còn muốn “săn” mưa sao băng. Bởi theo thông tin chúng tôi được biết thì, mỗi năm có rất nhiều mưa sao băng: Quadrantids  (từ 1 đến 5 tháng 1 hàng năm. Cực điểm thường vào 3 – 4 tháng 1). η-Aquariids (từ 19 tháng 4 đến 28 tháng 5 hàng năm. Cực điểm vào 5-6 tháng 5). Perseids  (từ 17 tháng 7 đến 24 tháng 8. Cực điểm vào 12-13 tháng 8). Orionids (từ 2 đến 7 tháng 10. Cực điểm vào 4-5 tháng 10). Leonids (từ 10 đến 23 tháng 11. Cực điểm vào 16-17 tháng 11). Và Geminids (từ 07 đến 17 tháng 12. Cực điểm vào 12-13 tháng 12).

< Thử thách của đường rừng.

Mưa sao băng Geminids hay còn được gọi là mưa sao băng Song Tử được dự đoán đạt cực đại vào đêm 13 rạng sáng ngày 14.12. Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982. Trận mưa sao băng này diễn ra hằng năm từ ngày 7-17.12, đạt cực đại vào đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14 với tần suất có thể lên tới 120 vệt sao băng một giờ.

Đây chính là lý do vì sao chúng tôi lựa chọn thời điểm ở đỉnh núi vào đúng ngày 13.12. Bởi điều kiện quan sát tốt nhất là nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Tất nhiên, một yếu tố rất quan trọng khác để ngắm được sao băng là thời tiết. Trời nhiều mù hay trăng quá sáng cũng làm giảm đi điều kiện để ngắm sao băng.

Và… kế hoạch “săn” mưa sao băng của chúng tôi đã không thành công. Một thành viên trong đoàn chỉ kịp nhìn thấy duy nhất một vệt sao băng lúc gần về đêm. Nhưng bù đắp lại cho chúng tôi là một đêm trăng sáng, và bầu trời đầy sao giữa núi rừng.

< Chạm đỉnh Kỳ Quan San sau chặng đường rừng đầy trải nghiệm.

Không chỉ có thế, nhóm đã có một hành trình trải nghiệm thú vị trên cung đường chinh phục đỉnh Kỳ Quan San.

Hành trình 30km đường rừng

Tuy không phải là những vận động viên leo núi chuyên nghiệp nhưng với kinh nghiệm đã từng chinh phục một số đỉnh khác như Phan Si Păng, Tà Chì Nhù… nên cả nhóm trang bị khá kỹ dụng cụ cá nhân cũng như thông tin về nơi mình sẽ đến.

< Món quà tuyệt vời đó là thoả thích ngắm nhìn biển mây.

Khởi đầu ở chân núi đã “tiếp đãi” chúng tôi liên tục là những dốc cao. Nếu không được chuẩn bị về thể lực, bất cứ ai cũng sẽ bị hạ gục ngay từ những bước đầu tiên này.

Đi bộ liên tục qua rừng tre, rừng thảo quả, rừng đỗ quyên, rừng mắc khén, đồi trọc, rừng trúc lùn, những con suối và vô số những dốc dựng, cũng như vách đá. Thỉnh thoảng trong khu rừng thảo quả, cảm nhận như có hương thuốc Bắc tan trong không khí, thật dễ chịu mà không biết là nó tỏa ra từ loại cây nào. Chỉ biết rằng, hương thơm ấy làm cho cung đường đi trở nên thêm thú vị và dễ chịu.

Càng lên cao càng thấm mệt, nhưng khung cảnh càng mở ra tựa thiên đường. Dưới chân chúng tôi là mây bồng bềnh. Gần xa là những ngọn núi mờ ảo. Bước lên thì mệt, mà đường xuống thì chùn gối. Thỉnh thoảng nhóm chỉ dám nghỉ một chút để lấy lại sức.

Đêm xuống, các thành viên trong đoàn lần bước nhau mà đi. Trong đêm, tiếng giầy gõ đất, tiếng thở phì phì, tiếng gió rít, thỉnh thoảng có tiếng lục lạc của một đàn dê nào gần đây và bàng bạc một màu trăng 18.

< Trải nghiệm đêm trên độ cao 2.100m.

Cuối cùng cả nhóm lựa chọn ngủ lại lán ở độ cao 2.100m so với mực nước biển để tiện đón bình minh nơi núi Muối.

Gọi là núi Muối vì nơi đây có nhiều cây cỏ muối. Nhiệt độ ở đây chênh lệch rõ rệt giữa ngày và đêm.

< Băng đóng trên ngọn cỏ, vạt cây.

Chúng tôi “ồ” lên vui sướng khi nhìn thấy băng tuyết đóng trên ngọn cỏ, vạt cây. Mặt trời đang nhô lên từ đằng đông, nhuộm hồng cả một biển mây mênh mông lưng chừng núi. Cảnh vật mới kì vĩ làm sao. Con người trước thiên nhiên trở nên thật nhỏ bé.

< Đón bình minh nơi núi Muối.

Giữa mênh mông lạnh giá của mùa đông nơi núi rừng, những cái nhìn và nụ cười ấm áp, lời hỏi thăm của dân bản đi rừng mà chúng tôi gặp giữa đường khiến mình có thêm năng lượng để bước tiếp.

Nếu không có điều kiện để leo núi, thì một lần thôi, bạn hãy thử trải nghiệm cuộc sống cùng những người dân nơi rừng núi để cảm hết cái tình người mộc mạc đơn sơ của họ.

Một chén rượu ngô không chỉ làm ấm người lúc lạnh giá, nó mang theo hương của núi rừng, hương của vẻ đẹp lao động cần mẫn lưng chừng núi, hương của khói bếp ngài ngài, nồng nồng đặc trưng mà chỉ có ai trải nghiệm mới có thể cảm nhận được.

Vừa trở về xuôi, nhưng tôi nhớ ngay được hương rừng thân quen ấy. Nhớ cảm giác lạnh đầu lưỡi khi uống giọt sương tan nơi chiếc lá, hít đầy lồng ngực không khí trong veo của buổi bình minh núi rừng.

Và có một điều chắc chắn rằng, tôi sẽ còn đi nữa, đi cho hết thảy những yêu thương và cảnh vật của đất nước mình…

Theo Lệ Quyên (Người Đô Thị)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468