RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Khám phá dấu chân tiên và tảng đá chồng

Advertisement

(BAG) – Đồi núi ở An Giang có nhiều hiện tượng bí ẩn mà con người chưa thể giải thích được. Riêng ở Thoại Sơn, có tảng đá in “dấu chân tiên” ở núi Bà (thị trấn Núi Sập) và tảng đá chồng lên nhau ở núi Chóc (xã Vọng Đông) khiến người ta không khỏi tò mò.

“Dấu chân tiên” trên núi Bà

“Dấu chân tiên” (DCT) trên núi Bà (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang) từ lâu là hiện tượng kỳ bí, gắn với những câu chuyện ly kỳ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Không khó để tìm được DCT, bởi cứ hỏi bất kỳ người dân nào ở đây, họ sẽ chỉ đường đi rất nhiệt tình. Để lên được DCT, chúng tôi phải cuốc bộ lên những bậc thang cao. Không khó đi hay thách đố gì, đoạn đường lên đến mõn đá có DCT không xa nhưng đủ để vai áo lấm tấm mồ hôi.

Đến nơi, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự hùng vĩ của thiên nhiên. Khi đứng từ trên cao phóng tầm mắt ra xa, nhìn xung quanh chỉ thấy màu xanh của cây lá, những đỉnh chùa ẩn khuất sau vách núi hay từng mảng xanh của ruộng lúa nhấp nhô.

“DCT đây rồi!” – người bạn theo cùng tôi thốt lên. Trước mắt chúng tôi, 1 vũng lõm rất to nằm ngay giữa mõm đá “cheo leo”. Trong lúc những người đi cùng mãi mê nhìn ngắm, chạm tay vào DCT, tôi thì bận với việc tìm góc nhìn ngắm để xem có giống như hình dáng bàn chân mà nhiều người truyền bảo không.

Quả nhiên, nếu đứng từ vị trí gót chân (người dân địa phương hướng dẫn) thì dấu vết bàn chân in trên đá sẽ thấy rất rõ. Dấu chân có đủ 5 ngón, chu vi từ đỉnh đầu các ngón chân đến gót chân thu hẹp dân ở nơi gót chân. Nơi vùng trũng của dấu chân có vũng nước đọng khá to, có lẽ do cơn mưa hôm qua tạo thành. Gần chỗ gót chân, chúng tôi thấy có 1 lư hương với khá nhiều chân nhang.

Một người dân cho biết, nhiều người tin rằng, DCT này là 1 phép màu, sự kỳ diệu của tạo hóa nên đã lập lư hương để khấn vái, cầu xin điều may mắn cho cuộc sống.
Dulichgo
Theo tìm hiểu, được biết đây là dấu chân bằng đá lớn nhất và được xác lập vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2009. Nó được cho là dấu của bàn chân trái với đầy đủ 5 ngón, ngón cái dài 5cm, ngang 5cm, các ngón còn lại dài 1,5cm. Chiều dài từ gót chân đến đầu ngón chân là 4m, chiều ngang phần gót chân là 0,5m, ngang phía trước bàn chân là 1,65m, độ sâu khoảng 2,5cm.

Quanh khu vực có DCT và các bậc thang, nhiều vết khắc hay dấu vẽ tên của rất nhiều người. Có lẽ, họ muốn lưu lại kỷ niệm khi đặt chân đến nơi mà dân gian vẫn cho là có DCT từng hiện hữu.

Tranh thủ lưu lại vài tấm ảnh ở DCT, chúng tôi nhanh chân xuống núi vì thấy trời đã bắt đầu kéo mây đen. Gần đó, có 1 quán võng khá yên tĩnh và mát mẽ là nơi chúng tôi chọn làm điểm nghỉ chân. Tại đây, nhiều câu chuyện kỳ bí về DCT dần được tiết lộ qua lời kể của những người cao niên.
Dulichgo
“Năm nay, tôi đã 83 tuổi. Tôi được ông bà, cha mẹ kể nhiều về DCT rất nhiều lần. Nếu hỏi, dấu chân ấy có từ khi nào, có lẽ không ai có câu trả lời! Nhưng truyền thuyết về sự xuất hiện của nó thì có rất nhiều. Có người cho rằng, đó là dấu chân của 1 vị Phật nào đó. Có người nói rằng dấu chân đó của 1 vị thần tiên. Từ núi Ba Thê (Thoại Sơn), thần bước chân qua núi Sập chỉ bằng 1 bước chân. Và đó là dấu chân trái, còn dấu chân phải hiện vẫn còn hiện hữu ở núi Ba Thê nhưng nhỏ hơn nhiều lần” – bà Khá (ngụ thị trấn Núi Sập) bắt đầu câu chuyện DCT như thế.

Nằm thong dong trên võng, bà Khá chậm rãi nhớ lại: “Ngày còn trẻ, tôi thường leo lên xem DCT, vì nhà sát ngay bên cạnh. Lúc đó, dấu chân nhìn rõ lắm và hình như không to lớn như bây giờ. Ngày thường có khách viếng chùa, tham quan l, nhưng những dịp rằm, lễ là người ta đến đây rất nhiều. Tôi không nhớ mình đã kể đi kể lại câu chuyện về DCT bao nhiêu lần cho các vị khách ghé quán!”.

Theo cụ, khách tham quan nhiều cũng vui mừng vì du lịch huyện nhà phát triển. Song, nhiều người vẫn còn thiếu ý thức khi lên mõm đá có DCT bày biện, khấn vái, ăn uống xong thì xả rác khắp nơi, khiến cho cảnh vật mất đi vẻ huyền bí, linh thiêng. Bù lại, không ít khách thấy rác nhiều, đã nhặt cho sạch, trả lại vẻ mỹ quan vốn có của nó.

Theo người dân nơi đây, mùa mưa, DCT sẽ bị đọng nước nhiều. Khách tham quan ngay dịp này, có người sẽ lấy nước ở đó để rửa tay, rửa mặt với mong muốn được “nước tiên” phù hộ cho nhiều may mắn, thuận lợi.
Dulichgo
“DCT có từ xa xưa, do ông bà truyền lại nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn giữa giá trị tâm linh với những mê tín. Cầu xin, khấn vái là một lẽ nhưng để được phước lành phần nhiều do công đức, duyên thiện bản thân mọi người tạo nên. Bằng không, có đi chùa hay khấn vái, cầu xin thế nào cũng không được như mong muốn” – bà Khá từ tốn chia sẻ.

Ngẫm lời bậc cao niên nói mà chúng tôi nhận ra nhiều đạo lý ở đời. Còn DCT thì vẫn hiện hữu ở đó, không biết tạo hóa sẽ thay đổi thế nào, nhưng truyền thuyết đẹp về nó sẽ vẫn mãi được lưu truyền.

Tảng đá chồng lên nhau

Núi Chóc nằm trong cụm núi Ba Thê với 5 ngọn, gồm: Núi Nhỏ, núi Tượng, núi Ba Thê, núi Trọi và núi Chóc. Tảng đá chồng lên nhau tọa lạc ở núi Chóc (ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông), chỉ cao 19m, chu vi 550m. Dù khiêm tốn về độ cao và chiều rộng nhưng nơi đây lại tập hợp nhiều điều kỳ thú mà nhiều thế hệ đã qua vẫn chưa có lời giải thích thuận tai. Trước hết, tại nơi này có phiến đá dài độ 3m, ngang 1,5m, khi gõ vào phần bìa tảng đá sẽ phát ra thanh âm trong trẻo và vang xa như tiếng mõ của nhà chùa. Cũng tảng đá này, nếu gõ sâu vào bên trong, âm thanh sẽ nhỏ lại và nặng trịch. Bên cạnh núi có tảng đá hình chóp nằm ở đỉnh cao nhất, một thời gây xôn xao dư luận, đến mức chính quyền địa phương buộc phải “cấm” người lên núi.
Dulichgo
Khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX, một du khách đang lưu thông trên Tỉnh lộ 943, khi đến núi Chóc, nhìn lên tảng đá hình chóp trông giống hình “Phật Bà”. Sau đó, vị khách này thông tin về sự kiện trên và khách thập phương liên tục nhiều ngày đến thăm núi Chóc như đi lễ hội. “Lúc đó, anh em chúng tôi chia nhau giữ gìn an ninh, trật tự và giải thích đủ kiểu, nhưng bà con vẫn không chịu nghe mà còn cho là cản trở quyền tự do của họ. Đến nhiều ngày sau vẫn không thấy hình “Phật Bà”, bà con mới chịu rút đi” – anh Dũng (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vọng Đông) nhớ lại.

Về tảng đá chồng lên nhau, những người sống cố cựu cho biết, khoảng 50 năm trước, chúng chỉ là 2 cục đá lớn nằm chồng lên, giống như 2 con rùa. Chiều cao tảng đá khoảng 12m, chu vi chừng 100m, diện tích tảng đá phía dưới độ bằng 2/3 tảng trên. Trước đây, khi khai thác đá thủ công, thấy tảng đá nhỏ, hình thù ngộ nghĩnh nên nhiều người không đục đẽo nên mới còn nguyên vẹn như bây giờ. Đến ngày nay, 2 tảng đá cứ lớn dần, bề thế và làm nét chấm phá cho cụm núi nhỏ bé này.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn, thông tin: “Tuy cụm núi Chóc nhỏ bé nhưng có nhiều cảnh đẹp, điều kỳ thú, rất thích hợp cho việc khai thác du lịch, nhất là du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng. Từ con kênh này đến núi Chóc chỉ vài chục mét rất thuận lợi cho việc quy hoạch nơi đây là vệ tinh liên hoàn của khu du lịch vừa có sông, có núi hữu tình, bắt đầu từ núi Sập. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu về vấn đề này trình UBND huyện xem xét, quyết định”.

Người Miền Trung ! tổng hợp từ báo An Giang

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468