RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Muốn khóc ở Nam Kang Ho Tao – Phần cuối

Advertisement

(Tiếp theo – NHHM) – Ngày cuối: Trở về

Điều tuyệt vời nhất khi ngủ lại trong rừng đó là buổi sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa cái mênh mang, sâu thẳm của rừng núi, nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy. Và từng giọt sương đọng nhẹ trên tán lá.
Mở cửa lều, tôi thấy mọi thứ nhẹ bẫng kì lạ. Hôm nay, chúng tôi sẽ xuống núi, ra khỏi cánh rừng và trở về nhà anh Phình.

Chúng tôi mau chóng thu dọn đồ đạc và đeo balo trên vai, lên đường xuống núi. Không đi lại con đường cũ vì có nhiều đoạn rất nguy hiểm, chúng tôi lựa chọn con đường dễ hơn nhưng lại dài hơn. Lối đi xuyên qua những rừng thảo quả, qua bao dòng suối nước xiết chảy, qua cả những cây cầu trơn ướt là thân cây đổ.

Nếu như 2 ngày qua, cảm giác chinh phục thôi thúc chúng tôi leo thì hôm nay, cảm giác được trở về nhà với chăn ấm đệm êm, với bát cơm nóng và nồi canh ngọt, với giấc ngủ ấm và êm lại khiến bước chân chúng tôi thêm quyết tâm hơn.
Dulichgo
Chặng đường buổi sáng khá dài nhưng không có đoạn nào quá nguy hiểm. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. A Sinh thỉnh thoảng lại nhắc tôi: “Con gái mà đi rừng là chồng bỏ đấy cô ạ. Đấy cô xem, ngày đầu tiên nhìn cô còn trắng trắng, mặt còn tròn tròn. Mới ở rừng có vài ngày mà mặt đen xạm và hốc hác rồi đấy.”

Chúng tôi bật cười trước sự phân tích tình trạng đi rừng của một cô gái do A Sinh bình luận. Tôi, gạt bỏ cái nắng gió, đen xạm, xước xáp da thịt hay đại loại là cái tương lai “khó lấy chồng” mà anh A Sinh phân tích; chỉ mong mình trở về nhà an toàn, lành lặn và giữ được trọn vẹn cảm xúc, trải nghiệm này trong kí ức.

Chúng tôi cố đi đến lán trại mà đêm đầu tiên đã ngủ lại để nấu bữa trưa. Do cháo lon ăn liền không còn đủ, chúng tôi phải nấu mì tôm với nấm để ăn. Nấm A Suối hái hôm nọ ăn rất ngon và ngọt. Trở lại lán trại này, tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Tại cái lán chật chội này đêm hôm trước, mình còn xoay sở vì cảm lạnh, còn lắng lo không biết có lên được đến đỉnh không, còn háo hức chẳng rõ đỉnh cao nhất là Xin Chơ Pao hay Nam Kang Ho Tao.

Ăn vội vàng bát mì, chúng tôi lại lên đường đi tiếp. Chiều nay con đường sẽ nhiều đoạn nguy hiểm hơn, và có thể sẽ lại phải trek trong đêm tối. Những người hay đi núi thường bảo, lúc xuống núi sẽ nhanh hơn khi leo lên núi. Trong trường hợp ngọn núi này, tôi thấy đường về vẫn thật xa hun hút. Lúc này, phía trước tôi là đoạn dốc đá. Đá cheo leo bám nhau. Tầm nhìn rất rộng và cao. Tôi đứng lặng, choáng ngợp trước những gì trước mắt. Với đoạn dốc đá cao như thế này, tôi không thể nhảy đá, chạy đá được.

Nhìn xuống phía dưới khá sâu và có cảm giác chóng mặt, tôi đành bước từng bước thật cẩn thận. Thậm chí có những lúc tôi ngồi hẳn xuống đá để bò. Đi đường đất có vẻ tự tin hơn đường đá. Ở đoạn đường này, nếu không may trượt chân, lộn cổ vài vòng thì chắc có lẽ khó giữ được mạng. Vì vậy, tôi được đi giữa đoàn để các anh có thể hỗ trợ nếu chẳng may tôi ngã.

Anh Quốc Anh đi trước tôi, thỉnh thoảng đỡ tôi qua một đoạn vách trơn. Anh Hachi đi ngay sau tôi, sẵn sàng túm tôi lại nếu tôi lỡ chân húi về phía trước. Tôi không nhớ rõ chúng tôi đã mất bao lâu để đi qua đoạn vách đá này, chỉ thấy cơ mặt mình lúc đó giãn ra, mắt hoa đi vì đá. Trời thì buông dần ánh chiều lui về sau đỉnh núi. Nhìn phía trước vẫn hun hút. Đường về, dài thật dài.
Dulichgo
Qua gần đoạn dốc đá, anh Hachi, anh Quốc Anh và A Tơ tách đoàn để về trước, chuẩn bị cho mọi người bữa cơm tối. Điều này khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Đoạn đường về vẫn còn xa quá, chúng tôi tự tách nhau ra thế này liệu có an tâm không?

Rồi các anh cũng quyết định đi trước, tôi đi top sau cùng với anh Đức Lê và Omachi, A Suối, A Sinh. Chúng tôi tự bảo nhau phải tăng tốc để về kịp được vách đá dựng đứng nguy hiểm mà hôm nọ mãi mới leo lên được, trước khi trời tối.

Vẫn là cảnh rừng chiều với ánh nắng vàng cam hắt qua từng tán lá, với gió đìu hiu và xào xạc lá cây dưới bước chân đi. Đi thêm một đoạn, tôi thấy bóng anh Quốc Anh đang đứng chờ đoàn. Hỏi thêm mới biết, A Tơ và Hachi đi nhanh quá, anh không theo kịp nên đứng lại chờ vì sợ lạc. Đi trong rừng già khi trời sắp tối là một điều mạo hiểm. Vì vậy, chúng tôi bảo nhau bám đoàn. A Sinh đi trước dẫn đường,  A Suối đi sau cùng chốt đoàn. Tôi vẫn bám theo bước chân anh Quốc Anh, sau tôi là anh Đào Hà, a Đức Lê và Omachi.

Trời dần tối, mà vách đá dựng cũng đã ở trước mặt. Chúng tôi vừa vui vừa lo lắng. Vui vì về kịp điểm này trước khi trời tối. Lo lắng vì giờ phải đối mặt với việc vượt qua vách đá nguy hiểm này. Tôi, có lẽ còn sợ hơn cả. Tôi sợ bàn tay mình yếu, đôi mắt hoa và chân đang run. Cơ thể đang biểu tình, còn tinh thần thì lên dây cót để bình tĩnh trở lại. A Sinh xuống đầu tiên với những bước chân linh hoạt, đôi tay bám đá một cách khéo léo. Anh Quốc Anh bám dây rất cẩn trọng, xuống vách trong sự hồi hộp nhìn theo của tất cả chúng tôi ở phía trên. Đến lượt tôi. Tôi hít một hơi thật dài, bình tĩnh và chắc tay ôm dây. Tôi không dám nhìn xuống vì sợ chóng mặt. Tôi chỉ chú ý đến từng mép đá khiến tôi an tâm bám vào và dồn trọng lực cơ thể vào nó. Chỉ có chân, chân tôi đạp vào bất cứ đâu cũng thấy trượt.

Loay hoay mất một lúc, tôi đành kêu cứu. A Sinh bò lên đỡ chân tôi. Tay A Sinh và anh Quốc Anh trở thành điểm tựa để tôi đạp chân vào, bước xuống. Tôi thấy mình đang ở lưng chừng, tay yếu vô cùng và người thì như sắp nhào xuống. Ngước lên thấy cả Đào Hà, Đức Lê, Omachi đang lo lắng dõi theo mình. Tôi nép mình sát vào đá, tin tưởng đoạn vách cuối cùng này mình sẽ xuống an toàn. Và rồi, nhờ có anh Quốc Anh và A Sinh giúp đỡ, tôi đã qua được vách, tự thấy mình đang thở dốc và mắt hoa đi vì chóng mặt. Phía trên, từng người một bám xuống vách. Đến lượt Omachi với cái balo to hơn người, tôi cảm tưởng anh có thể ngã nhào vì balo đè lên người. Không liều được, anh đành đưa balo cho A Sinh trước, rồi bám vào mép đá mà xuống. Chỉ khi đứng ở dưới nhìn lên, thấy đồng đội mình dò dẫm từng bước xuống vách mới cảm nhận được hết cái nguy hiểm của con vách này. Phía dưới là suối đá cạn, rơi xuống, chắc toi mạng luôn rồi.
Dulichgo

May thay, khi tất cả chúng tôi xuống được vách an toàn thì trời cũng tối hẳn. Thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi cười hoan hỉ, nghĩ đến A Sinh và Hachi chắc giờ này đã về tới Bản Thào A rồi cũng nên. Xem đồng hồ đã hơn 6h tối rồi. Chúng tôi lại tiếp tục vượt qua con suối cạn nước, nhảy đá trong ánh đèn leo lắt của đèn pin và đèn điện thoại. Tôi, cơ mặt đã đến mức tê không còn cảm giác. Chính xác thì tôi đang lầm lũi đi như kẻ mộng du, bước chân không còn chuẩn nữa.

Khi đi lại con đường cũ, tôi mới cảm thấy lạ vì sao lúc về lại khó đi hơn lúc leo. Mọi người bảo nếu là leo đá thì lúc leo sẽ dễ hơn lúc xuống. Thêm nữa vì đôi tay đã yếu, mắt hoa lại rệu rã nên sức cũng lả hơn. Chúng tôi đi, trong niềm tin sẽ về đến nhà anh Phình trước 10h tối. Cả quãng đường đó, tôi đi mà không nói bất kì câu gì. Chốc chốc, Omachi lại nhắc tôi: “Anh thấy em đang mất bình tĩnh” – nhưng lúc này đây, tôi rất bình tĩnh. Tôi chỉ quá mệt và run chân, khó kiểm soát cơ thể thôi. Lí trí tôi vẫn rất tỉnh táo.

Tôi biết rõ có vài lúc tôi ngã nhào một cách rất buồn cười hoặc trượt chân mà ôm đá. Đoạn đường ấy, sao dài lê thê đến thế. Anh Quốc Anh không an tâm nên đôi lúc lại quay lại ngó tôi. Anh Đào Hà cũng có vài lần suýt vồ ếch vì hụt chân, do tôi đột ngột ngã ngay trước mặt anh. Omachi bị cận, có vẻ cũng đi chậm hơn bình thường. Chỉ có Đức Lê, Đào Hà là vẫn say sưa bàn tán chủ đề Cave Mông với A Suối. Đoạn đường cuối cùng cũng lắm chuyện buồn cười. Chúng tôi dặn nhau, về đến nhà anh Phình sẽ cho Hachi một trận vì tội tách đoàn.

Đi đến lối mòn gần bản, chúng tôi như trẻ được kẹo, tự nhiên bước chân nhanh và hồ hởi đến thế. Phía xa xa, thấy ánh đèn thấp thoáng sau những bụi cây rừng. Tôi mừng khôn xiết. Vậy là về đến nhà. Vậy là thoát khỏi rừng già. Vậy là chúng tôi đã an toàn trở về.
Dulichgo

* * *

Đêm nay, không còn là mưa đá lạnh buốt xương. Không còn là suối, là vách, là thân trúc cứa vào da thịt. Không còn là lều chật chội, là cảm lạnh, là mưa rừng. Không còn cái cảm giác lo sợ phải ở lại rừng thiêng mãi mãi. Không còn là áp lực mình là người yếu nhất đoàn, khiến đoàn đi chậm. Không còn gì sợ hãi, lắng lo nữa cả. Chúng tôi đã vượt qua mọi thứ, cùng với nhau. Trên hết, đó là điều tuyệt vời nhất mà tất cả anh em chúng tôi đã làm được.

Bữa cơm tối cuối cùng ở bản thào A là cơm thịt gà, tiết canh, rau xào và những chén rượu ngô ngọt và say. Là những lời tâm sự thật tấm lòng.

Tôi thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhoài, nghe thấy các anh thủ thỉ tâm tình với nhau. Trong giấc mơ, tôi thấy chiếc chăn bông to oành đắp lên người mình. Thấy trời tối thui còn xung quanh là đủ âm thanh kì lạ. Tôi thức giấc giữa đêm trong tiếng ngáy của mọi người. Giật mình tưởng mình đang nằm trong rừng sâu với tiếng thú hoang kêu, tôi lên tiếng hỏi trong vô thức: “Em đang ở đâu?”

Nhưng đáp lại tôi vẫn là tiếng ngáy của mọi người xung quanh. Trằn trọc trong đêm tối, tôi chợt nghĩ, chắc vì đêm ấm áp quá, chiếu êm quá nên mình khó ngủ. :v Mà thôi, mình không còn ở rừng Kang Nam nữa. Tất cả đã qua rồi. Chẳng nhẹ nhàng, êm ái. Nhưng cũng giống như một giấc mơ mây.
Dulichgo

Buổi sáng tỉnh dậy, bản Thào A yên bình đến thế. Cảnh vật vẫn đẹp như thế, hệt như ngày đầu tiên chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình chinh phục ngọn núi. Chúng tôi không kịp gặp lại 3 anh chàng porter đã cùng mình đi qua khó khăn trong rừng thẳm suối sâu để chào tạm biệt. Nhưng chắc chắn rồi, tôi sẽ nhớ mãi họ. Mỗi người một tính cách. A Sinh sinh năm 85, đã có 3 con. Anh là người đàn ông hiền lành, sống biết điều nhưng có lẽ không phải là người có uy nhất mặc dù tuổi lớn nhất trong 3 porter ở đây. Tôi vẫn nhớ A Sinh từng khuyên tôi là con gái thì ít đi rừng thôi để còn giữ nhan sắc =)) Anh còn bảo tôi nếu muốn cưới chồng Mông thì thách giá khoảng 20 triệu là được. Ôi chao, 22 năm bố mẹ nuôi tốn cơm tốn cháo mà thách cưới 20 triệu xong lên bản lấy chồng Mông thì chắc tôi chớt.

Còn A Tơ, chàng trai sinh năm 91 này còn trẻ mà đã có 4 đứa con rồi. Tính cách hài hước và rất tự tin, chỉ có điều hơi lười và hay bàn lùi. A Tơ từng khen Hachi đẹp trai nhất đoàn khiến Hachi phổng mũi.

Và có một câu nói của A Tơ khiến chúng tôi nhớ mãi, đó là khi A Tơ đi cùng Hachi về trước, đến đoạn vách dựng, A Tơ nói với Hachi: “Anh phải nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi thì mới vượt qua nó.”  Một câu nói khiến chúng tôi phải suy ngẫm.

Người cuối cùng là A Suối, sinh năm 92 và có cô vợ xinh nhất bản. Chàng trai này rất ít nói, trầm tính nhưng tốt bụng và biết quan tâm. Là người luôn đi sau tôi gần như cả cuộc hành trình.

Đến ngày cuối cùng thì có vẻ bất lực vì tôi đi chậm quá, anh phải đi sau gùi theo rất nhiều đồ nên khá mất sức. Thế nên anh đề nghị cho tôi đi trước để anh khỏi phải đợi tôi. 3 con người, 3 tính cách, đã cùng chúng tôi vượt qua gian khổ và giúp chúng tôi chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất Nam Kang Ho Tao.
Dulichgo

6 anh em chúng tôi chào tạm biệt và cảm ơn gia đình anh Phình trưởng bản, tiếp tục đi hơn 300km nữa để về Hà Nội. Con đường offroad sáng nay đẹp đến lạ. Không còn cảm giác vất vả với đồ đoàn trong đêm tối nữa.

Chúng tôi đi qua những nương ruộng bậc thang đang chìm trong mây. Lòng bồi hồi nghĩ lại những trải nghiệm trong suốt mấy ngày qua. Nhạc đến bài “Thị trấn”, tôi bỗng thấy mình bé nhỏ và yên bình trong câu chuyện về Nam Kang Ho Tao cùng với 5 người bạn đồng hành.

“Đêm qua em nằm mơ đi lạc trong núi,
Cơn mưa đêm xa nhà thường là lạnh lắm.
Nước mắt em nhòa một vùng mơ,
Em đi núi đứng nhìn theo.
Em đi phố khép màn chiều,
Nhà vắng, tiếng nói, tiếng hát, bâng khuâng chờ em.
Ơi phố xá của em, mùi café thơm thật mềm…”

Tạm biệt Nam Kang HoTao! Tôi, sẽ trở về nhà! 🙂
(Hết)

Phần 1Phần 2 – Phần cuối

Theo Facebook Nguyễn Hạnh Hà My
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468