RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Ngược sông Giăng

Advertisement

(NDO) – Không được tận hưởng cảm giác thích thú khi vừa rời cái nóng đến bỏng rát ngoài trời những ngày hè rồi lập tức ùa vào không khí mát lạnh khi vào sâu Vườn quốc gia Pù Mát; không thấy được thác đổ như dải lụa giữa rừng…, nhưng đến Con Cuông (tỉnh Nghệ An) mùa này lại có những trải nghiệm thú vị khi ngược dòng sông Giăng gập ghềnh sỏi đá, nhìn ngắm hàng chục cọn nước nối nhau kẽo kẹt quay đều, hay trầm trồ trước cảnh rừng săng lẻ mùa lá rụng. Mầu trắng đến lạ của săng lẻ trơ cành níu cảm giác ngỡ ngàng trong lòng du khách…

Nơi vùng lõi Pù Mát

Khi cái lạnh chưa qua, nắng hè chưa tới, chúng tôi chọn điểm đến Con Cuông, để tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp của đại ngàn, cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Thuộc bên đông dãy Trường Sơn, vùng đất này có những đặc điểm, điều kiện khí hậu rất riêng, nhìn chung là khắc nghiệt đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng lại là tiềm năng cho du lịch vươn xa.

Nằm trong vùng được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển tây Nghệ An, Con Cuông là địa danh hấp dẫn nhờ có Vườn quốc gia Pù Mát, với cấu trúc núi đá vôi tạo ra nhiều hang động, thác nước đẹp. Những khu rừng nguyên sinh với thảm động thực vật phong phú, ôm trong lòng thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ… và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai…
Dulichgo

Từ trung tâm thị trấn Con Cuông, qua các bản làng người Thái tiến sâu vào vùng lõi của Pù Mát khoảng hơn 20 km tới đập Pha Lài. Theo tiếng Thái, Pha Lài có nghĩa là hoa của trời. Từ bến thuyền ngược dòng sông Giăng lên thượng nguồn Khe Khặng, đến với ba bản của người Đan Lai – tộc người thiểu số đang được bảo tồn và phát triển. Dòng sông Giăng vốn hiền hòa uốn lượn trong vùng lõi Pù Mát, mùa cạn trở nên dữ dội và kỳ thú khi dòng nước xối vào sỏi đá cuộn trào. Theo người lái thuyền có 15 năm kinh nghiệm chèo lái, đi thuyền mùa cạn nước nếu không thông thạo luồng lạch, địa hình, thuyền có thể va vào rất nhiều vật cản làm mất lái, tròng trành, quay ngang, thậm chí là lật úp. Hơn hai giờ ngược sông Giăng, du khách trải nghiệm cảm giác “phiêu” cùng con nước. Đi giữa rừng xanh, núi thẳm, ngắm những vạt hoa đủ sắc mầu in sắc nơi đáy sông đầy thơ mộng, cảm nhận sự bình lặng giữa hoang sơ khi thấy đàn cò nhảy nhót trên lưng những con trâu nằm ườn sưởi nắng… Nơi thượng nguồn vẫn âm vang đâu đó truyền thuyết về người Đan Lai càng hối chân du khách.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Trạm Biên phòng Khe Khặng, tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn. Trò chuyện thân mật như người quen lâu ngày gặp lại, Đại úy Võ Văn Hiệp chia sẻ, quê anh ở dưới xuôi, nhận nhiệm vụ tại Trạm Biên phòng Khe Khặng được khoảng một năm rồi. Gắn bó với địa bàn và người dân Đan Lai ở đây, khó khăn không làm anh quản ngại, mà chỉ băn khoăn làm sao để người dân ở đây bớt khổ. Từ bản Cò Phạt ra khu trung tâm xã, ngoài đường sông (không có phương tiện thường xuyên và chi phí tốn kém) chỉ có con đường duy nhất xuyên rừng, dài gần 20 km, trời nắng cũng khó đi, còn trời mưa thì không đi nổi. 112 hộ, 500 nhân khẩu đều là người Đan Lai và tất cả đều là hộ nghèo, với hơn 30% số người dân không biết chữ.

Hiện tại, trạm biên phòng kết hợp điểm trường cắm bản đã vận động 16 người từ 41 đến 50 tuổi tham gia lớp xóa mù chữ. Bản Cò Phạt đã có điểm trường tiểu học, trạm y tế quân dân y kết hợp, điện lưới. Tuy nhiên, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, tự cung tự cấp; đất sản xuất nông nghiệp quá ít, không có hướng thoát nghèo bền vững. Một người phụ nữ Đan Lai còn rất trẻ cho hay, chị có ba người con từ 11 đến 15 tuổi, đứa lớn đã nghỉ học, ở nhà chưa biết làm gì vì nghề không có, ruộng nương cũng không đủ. Phó Trưởng bản Cò Phạt Lê Văn Điệp, sinh năm 1982, cũng có bốn con.
Dulichgo

Theo anh, cuộc sống của đồng bào ở đây khó trăm bề; 112 hộ chỉ có 3 ha đất canh tác. Nhà anh có sáu người với 400 m2, ai khỏe thì đi rừng kiếm sống, nhưng phần lớn không muốn di dời. Nhà nước có hỗ trợ hộ nghèo, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Trẻ em lớn lên ra ngoài tìm việc cũng không dễ và phần nhiều đều quay về bản. Hỏi anh vì sao lấy vợ sớm, anh bảo: “Trước kia chỉ sống trong rừng, không có đường ra trung tâm, không tiếp xúc với bên ngoài, thành ra vậy…”. Về chuyện tộc người mình có thói quen ngủ ngồi, anh bảo, ấy là ngày xưa chạy càn, chứ bây giờ, nhà nào cũng có giường nằm hết cả.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, tộc người thiểu số Đan Lai cư trú chủ yếu ở vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, với khoảng 250 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Vùng thượng nguồn Khe Khẳng có ba bản Khe Cồn, Búng và Cò Phạt thuộc xã biên giới Môn Sơn, cách trung tâm huyện 40 km (cách trung tâm tỉnh 160 km). Trước năm 2001 chưa có đường vào bản, cho nên việc di chuyển chủ yếu là đi bộ theo lối mòn và thuyền ba lá dọc khe suối. Điều kiện cách biệt về địa lý và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, săn bắn, hái lượm và phát rẫy, nghèo đói quanh năm. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến…

Nhằm bảo tồn, phát triển bền vững, giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và bảo tồn Vườn quốc gia Pù Mát, bảo vệ an ninh biên giới kết hợp du lịch, năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai; trước đó là dự án di dời, tái định cư các hộ đồng bào Đan Lai của tỉnh Nghệ An. Từ năm 2002 đến nay, 77 hộ tộc người Đan Lai sinh sống tại thượng nguồn Khe Khặng đã được di dời tới các điểm tái định cư xã Thạch Ngàn, 36 hộ ra hai bản thuộc xã Môn Sơn (chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề án do thiếu quỹ đất, nguồn vốn và điều kiện sinh hoạt…). Để ổn định đời sống đồng bào Đan Lai cả ở nơi cũ và điểm tái định cư, cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa giữa lực lượng biên phòng, kiểm lâm và cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, nỗ lực bước đầu đã làm thay đổi cách nghĩ, thói quen lạc hậu của đồng bào. Trẻ em được đến trường, người bệnh được chăm sóc y tế… cơ bản ngăn chặn được nạn hôn nhân cận huyết, bảo vệ và phát triển giống nòi cũng như giữ rừng thiêng Pù Mát.
Dulichgo

Làm du lịch từ giữ gìn bản sắc…

Không uổng công khi vượt hàng trăm cây số lên bản Đình, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, để chiêm ngưỡng hàng chục cây cọn nước rêu phong dọc theo con suối nhỏ. Trong lúc tìm đường lên bản, chúng tôi đi “lạc” mấy chục cây số đường vòng. Bù lại là đến được bản Coọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương và ngắm nhìn thỏa thích gần 30 cọn nước xếp đều tăm tắp, kẽo kẹt quay đều. Cọn nước có ở rất nhiều nơi, như các vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái,… nhưng tập trung tại một điểm như ở bản Coọc, bản Đình thì không nhiều nơi có. Giữa thung lũng xanh mướt của đồng lúa đương thì con gái, được bao quanh bởi những dãy núi chạy vòng cánh cung, những hàng cọn nước như điểm nhấn sinh động làm đẹp thêm bức tranh thiên nhiên miền sơn cước.

Từ nhiều đời nay, cọn nước đã xuất hiện trong đời sống người dân tộc thiểu số vùng cao như một biểu tượng văn minh lúa nước. Đó không chỉ là phương thức thủy lợi phổ biến mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, thể hiện đầy đủ tính sáng tạo trong kỹ thuật và mỹ thuật của đồng bào. Cọn nước chỉ hoạt động mùa nước cạn; còn khi mùa lũ về, người dân tháo ra và cất đi. Càng ngắm nghía, trầm trồ, càng khâm phục khả năng sáng tạo của người xưa trong việc chinh phục thiên nhiên. Để rồi lại băn khoăn, rồi đây khi cơ giới hóa nông nghiệp càng phát triển, máy bơm, máy hút xuất hiện phổ biến hơn, những cọn nước sẽ mất dần vai trò đảm nhiệm từ bao đời nay. Sẽ thật tiếc nếu du lịch khám phá và trải nghiệm văn hóa vùng cao mà không còn được chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của các cây cọn nước.
Dulichgo

Ngoài điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, cộng đồng các dân tộc quần tụ ở Con Cuông, trong đó hơn 70% số người dân tộc Thái, đã tạo nên nhiều nét văn hóa truyền thống hấp dẫn. Theo UBND huyện Con Cuông, một số khu, điểm du lịch như Pha Lài – sông Giăng; thác Khe Kèm (xã Lục Dạ); khe nước Mọc (xã Yên Khê)… đã thu hút đông đảo du khách. Mô hình du lịch văn hóa gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân ca, nhạc cụ dân tộc bước đầu hoạt động hiệu quả, hấp dẫn du khách tại các điểm du lịch cộng đồng, di tích lịch sử văn hóa… Toàn huyện hiện có bốn bản được lựa chọn gắn biển du lịch cộng đồng, đó là: Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Yên Thành (xã Lục Dạ). Nhưng đi vào hoạt động hiệu quả chỉ có hai bản Nưa và Khe Rạn.

Trải nghiệm mô hình du lịch homestay (ăn, ở tại nhà dân) tại bản Nưa, chúng tôi được chị chủ nhà Lô Thị Hoa giới thiệu đầy đủ những sản phẩm du lịch trong chương trình. Tới đây, du khách được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, các điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, được “ba cùng” với người dân bản.

Chị Hoa cho biết, tham gia mô hình này từ năm 2011, chị được tổ chức UNESCO tập huấn và cho đi thực tế học hỏi cách làm du lịch cộng đồng, học cách giới thiệu cho du khách hiểu về văn hóa bản địa, để cùng người dân địa phương bảo vệ tài nguyên đất, rừng, tài nguyên văn hóa của dân tộc mình. Được Vườn quốc gia Pù Mát hỗ trợ, chọn tham gia dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phát triển du lịch cộng đồng, với những cam kết cụ thể hướng tới gần gũi thiên nhiên, chị càng hiểu hơn giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa nơi mình sinh sống. Mô hình homestay đã góp phần thay đổi quan niệm và thói quen ứng xử với môi trường của dân bản.
Dulichgo
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Con Cuông như mong đợi, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng có lẽ, song hành với phát triển, điều quan trọng nhất là nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trân trọng môi trường và các giá trị truyền thống vốn có, xây dựng thành chuỗi giá trị có tính thương hiệu, đặc thù. Ý thức về phát triển du lịch bền vững sẽ thay đổi ngay từ những hành động nhỏ gần gũi thiên nhiên, hướng tới cộng đồng.

Theo Tiểu Phương (Nhân Dân)
Người Miền Trung !

“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng”
Ngược dòng sông Giăng

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468