RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị kinh doanh Quản trị Logistics

Nhận thức về logistics đã thay đổi

Advertisement

Ngân hàng thế giới đã xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động logistics năm nay, trong đó Việt Nam đứng thứ 53 trên toàn thế giới và thứ 5 trong khu vực ASEAN. Cái yếu về logistics của Việt Nam có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn nhân lực.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi cùng thạc sĩ Ngô Thanh Minh, Viện trưởng Viện Tiếp vận MGC ( MGC Institute of Logistics – MIL ), nơi chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, giáo sư Michael Porter trong hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam” diễn ra tại TPHCM ngày 1-12 đã đề xuất Việt Nam nên ưu tiên phát triển logistics trong chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng dường như Việt Nam chưa có sự chuẩn bị nhiều cho nhân lực của ngành này?
Hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực cho logistics từ trước tới nay ở Việt Nam là chưa hề có trường nào từ trung cấp cho tới đại học có khoa đào tạo chuyên môn. Một vài nơi như một số hiệp hội có liên quan tới giao nhận, vận tải có đào tạo ngắn hạn nhưng theo kiểu “bất chợt”, năm có năm không.
Tôi được biết Đại học Giao thông Vận tải có kế hoạch tổ chức tuyển sinh 80 sinh viên cho khoa mới mở là logistics trong năm nay. Trong khi đó ở các nước phát triển, khoa logistics có mặt ở nhiều trường đại học danh tiếng và đào tạo khá bài bản.
Theo tôi, sở dĩ chúng ta chưa chuẩn bị gì nhiều cho nhân lực của logistics là do cộng đồng doanh nghiệp, xã hội lẫn cơ quan quản lý chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của logistics. Mãi tới gần đây, logistics mới được pháp lý hóa lần đầu tiên trong Luật Thương mại năm 2005, có hiệu lực ngày 1-1-2006, dành hẳn 9 điều từ điều 233 tới 240 để nói về hoạt động logistics.
Đó là luật pháp còn trên thực tế kinh doanh thì tranh luận xung quanh logistics là gì, nó ra làm sao, thậm chí là tranh luận cả ở khía cạnh học thuật về logistics, vì theo trường phái Mỹ thì logistics cũng khác, Nhật cũng khác, đã xảy ra trong nhiều năm qua trong giới quản trị doanh nghiệp.
Có tới sáu khóa học liên quan tới logistics do MIL tổ chức trong ba tháng cuối năm nay, có vẻ như nhận thức về logistics đã thay đổi?
Cho tới bây giờ vẫn còn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xem logistics chỉ đơn thuần là các dịch vụ “hậu cần cho xuất nhập khẩu”, có nghĩa gói gọn trong vận tải, cảng biển, hệ thống kho bãi, hãng tàu. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng như vậy, mà đã có thay đổi rất lớn, rất nhanh trong doanh nghiệp về logistics.
Tôi kể anh câu chuyện này. Có tổng giám đốc công ty bia và nước giải khát được MIL mời tham dự hội thảo về logistics trong tháng 9 năm nay và sau khi trở về, ông liền cử cán bộ cấp phòng theo học các khóa huấn luyện về logistics.
Gặp tôi ông nói rằng ông ngỡ logistics chỉ dành cho hàng xuất hay nhập khẩu còn công ty ông tiêu thụ trong nước nên không cần. Còn bây giờ, ông hiểu logistics với công ty ông có nghĩa là nhập khẩu nguyên phụ liệu, đưa về nhập kho, đưa vào nhà máy sản xuất ra thành phẩm, vận chuyển xuống đại lý, rồi sau đó lại thu gom vỏ chai mang về kho và cứ như thế liên tục. Đó là một chuỗi của hoạt động logistics.
Hiện tại do thuật ngữ logistics còn khá mới mẻ nên MIL chỉ đặt ra mục tiêu là phổ biến kiến thức logistics cho cộng đồng doanh nghiệp cả về lý thuyết và thực tiễn. Chúng tôi tổ chức đều đặn hàng tuần, hàng tháng, hàng quí và có lịch cụ thể thông báo trước để thuận tiện cho những nhân viên, doanh nghiệp có nhu cầu vừa làm, vừa sắp xếp lịch học.
Ngoài đào tạo ngắn hạn theo từng chuyên đề, mang tính bổ túc kiến thức, chúng tôi còn phối hợp với Viện Logistics của Australia (ALA) trong công tác đào tạo dài hạn và do cơ quan này cấp bằng. Bằng do ALA cấp tương đương bằng cao đẳng, đại học, sau đại học, và tất nhiên, người học phải giỏi tiếng Anh.
Chỉ tính từ khi thành lập MIL vào tháng 3 đến nay đã có hơn 300 học viên. Còn đào tạo dài hạn thông qua hợp tác với ALA hiện đã có học viên nhận được bằng từ viện này.
Nhiều doanh nghiệp còn mời chúng tôi đến tận công ty của họ thiết kế chương trình đào tạo riêng cho nhân viên, nhiều học viên từ Hà Nội, Hải Phòng cũng bay vào TPHCM. Điều đó chứng tỏ đã có sự thay đổi trong nhận thức về logistics.
Ông nhận xét ra sao khi có người nói doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì quan tâm tới logistics còn doanh nghiệp trong nước thì không?
Điều đó hoàn toàn đúng nhưng hiện đã thay đổi. Việc Metro hay Big C, những tên tuổi lớn trong hệ thống phân phối cử nhân viên mình đi học logistics là chuyện bình thường, vì khi họ đầu tư vào Việt Nam, họ đã có kinh nghiệm logistics trong quản lý kho bãi, hàng hóa từ công ty mẹ nên thành lập bộ phận hoặc phòng chuyên quản lý dịch vụ logistics. Tuy nhiên, các học viên của MIL hiện nay, ngoài những người đến từ doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đa phần còn lại là từ doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần trong nước.

Trước đây các công ty nước ngoài mở lớp tại công ty và MIL đến đào tạo, nay công ty tư nhân trong nước đăng ký học kiểu này khá nhiều, thậm chí là ở các tỉnh chứ không riêng gì TPHCM.
Hiện nay nhiều công ty đã hiểu logistics theo nghĩa là tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí trong kinh doanh. Đây là mục đích cuối cùng của logistics chứ không chỉ là hàng hóa xuất nhập khẩu hay giao nhận, vận tải biển, cảng biển.
Xin cám ơn ông!
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Phó giám đốc Trung tâm học tập phát triển thuộc UBND TPHCM, một chuyên gia về quy hoạch cảng biển, đã cho rằng logistics ở Việt Nam hiện nay được hiểu là tiếp vận, là hậu cần cho xuất nhập khẩu và hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Logistics là tối ưu hóa ba dòng luân chuyển gồm hàng hóa, tài chính và thông tin trong kinh doanh.

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468