RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị kinh doanh

Quản trị công nghệ – Công nghệ và quản trị công nghệ

Advertisement

___________________________________________________________________
Khái niệm về công nghệ
Các tổ chức quốc tế về Khoa học – công nghệ đã có nhiều cố gắng trong việc đưa ra một định nghĩa công nghệ có thể dung hoà các quan điểm, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát triển và hoà nhập các quốc gia trong từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Có bốn khía cạnh cần bao quát trong định nghĩa công nghệ, đó là:
Khía cạnh “công nghệ là máy biến đổi”
Khía cạnh “công nghệ là một công cụ”
Khía cạnh “công nghệ là kiến thức”
Khía cạnh “công nghệ hàm chứa trong các dạng hiện thân của nó”.
– Khía cạnh thứ nhất đề cập đến khả năng làm ra đồ vật, đồng thời công nghệ phải đáp ứng mục tiêu khi sử dụng và thoả mãn yêu cầu về mặt kinh tế nếu nó muốn được áp dụng trên thực tế. Đây là điểm khác biệt giữa khoa học và công nghệ.
– Khía cạnh thứ hai nhấn mạnh công nghệ là một sản phẩm của con người, do đó con người có thể làm chủ được nó vì nó hoàn toàn không phải là “cái hộp đen” huyền bí đối với các nước đang phát triển. Vì là một công cụ nên công nghệ có mối quan hệ chặt chẽ đối với con người và cơ cấu tổ chức.
– Khía cạnh kiến thức của công nghệ đề cập đến cốt lõi của mọi hoạt động công nghệ là kiến thức. Nó bác bỏ quan niệm công nghệ phải là các vật thể, phải nhìn thấy được. Đặc trưng kiến thức khẳng định vai trò dẫn đường của khoa học đối với công nghệ, đồng thời nhấn mạnh rằng không phải ở các quốc gia có các công nghệ giống nhau sẽ đạt được kết quả như nhau. Việc sử dụng một công nghệ đòi hỏi con người cần phải được đào tạo về kĩ năng, trang bị kiến thức và phải luôn cập nhật những kiến thức đó.
– Khía cạnh thứ tư đề cập đến vấn đề: công nghệ dù là kiến thức song vẫn có thể được mua, được bán. Đó là do công nghệ hàm chứa trong các vật thể tạo nên nó. Trung tâm chuyển giao công nghệ khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (The Asian and Pacific Center For Transfer of Technology – APCTT) coi công nghệ hàm chứa trong bốn thành phần: kỹ thuật, kỹ năng con người, thông tin và tổ chức.
Xuất phát từ các khía cạnh trên, chúng ta thừa nhận định nghĩa công nghệ do Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á –Thái Bình Dương (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific – ESCAP) đưa ra:
Công nghệ là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin. Nó bao gồm kiến thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hoá và cung cấp dịch vụ.
Các bộ phận cấu thành công nghệ
– Công nghệ hàm chứa trong các vật thể
Bao gồm: Các công cụ, thiết bị, máy móc, phương tiện và các cấu trúc hạ tầng khác. Trong công nghệ sản xuất, các vật thể này thường làm thành dây chuyền để thực hiện quá trình biến đổi (thường gọi là dây chuyền công nghệ), ứng với một qui trình công nghệ nhất định, đảm bảo tính liên tục của quá trình công nghệ.
Có thể gọi thành phần này là phần kỹ thuật (Technoware – ký hiệu T).
– Công nghệ hàm chứa trong kỹ năng công nghệ của con người làm việc trong công nghệ
Bao gồm: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng do học hỏi, tích luỹ được trong quá trình hoạt động, nó cũng bao gồm các tố chất của con người như tính sáng tạo, sự khôn ngoan, khả năng phối hợp, đạo đức lao động…
Có thể gọi thành phần này là phần con người (Humanware – ký hiệu H).
– Công nghệ hàm chứa trong khung thể chế để xây dựng cấu trúc tổ chức:
Những qui định về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ, sự phối hợp của các cá nhân hoạt động trong công nghệ, kể cả những qui trình đào tạo công nhân, bố trí sắp xếp thiết bị nhằm sử dụng tốt nhất phần kỹ thuật và phần con người.
Có thể gọi thành phần này là phần tổ chức (Orgaware – ký hiệu O).
– Công nghệ hàm chứa trong các dữ liệu đã được tư liệu hoá được sử dụng trong công nghệ
Bao gồm các dữ liệu về phần kỹ thuật, về phần con người và phần tổ chức. Ví dụ, dữ liệu về phần kỹ thuật như: Các thông số về đặc tính của thiết bị, số liệu về vận hành thiết bị, để duy trì và bảo dưỡng, dữ liệu để nâng cao và dữ liệu để thiết kế các bộ phận của phần kỹ thuật.
Có thể gọi thành phần này là phần thông tin của công nghệ (Inforware–ký hiệu I).
Mối quan hệ giữa các thành phần T-H-I-O
Các thành phần của một công nghệ có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, không thể thiếu bất cứ thành phần nào. Tuy nhiên, có một giới hạn tối thiểu cho mỗi thành phần để có thể thực hiện quá trình biến đổi, đồng thời có một giới hạn tối đa cho mỗi thành phần để hoạt động biến đổi không mất đi tính tối ưu hoặc tính hiệu quả.
– Phần kỹ thuật là cốt lõi của bất kỳ công nghệ nào, máy móc  giúp đạt được kết quả cao hơn con người như: nhanh hơn, mạnh hơn, phức tạp hơn và chính xác hơn.
– Để dây chuyền công nghệ có thể hoạt động được, cần có sự liên kiết giữa phần kỹ thuật, phần con người và phần thông tin. Con người làm cho máy móc hoạt động, đồng thời con người còn có thể cải tiến, mở rộng các tính năng của nó. Do mối tương tác giữa phần kỹ thuật, con người, thông tin, nên khi phần kỹ thuật được nâng cấp, thì phần con người, phần thông tin cũng được nâng cấp tương ứng. Con người đóng vai trò chủ động trong bất kỳ công nghệ nào.
– Phần thông tin biểu hiện các tri thức được tích luỹ trong công nghệ, nó giúp trả lời câu hòi “Làm cái gì – know what” và “Làm như thế nào – know how”. Nhờ các tri thức áp dụng trong công nghệ mà các sản phẩm của nó có các đặc trưng mà sản phẩm cùng loại của các công nghệ khác làm ra không thể có được.
– Phần tổ chức đóng vai trò điều  hòa, phối hợp ba thành phần trên của công nghệ để thực hiện hoạt động biến đổi một cách hiệu quả. Nó là công cụ để quản lý: lập kế hoạch, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, động viên thúc đẩy và kiểm soát mọi hoạt động trong công nghệ.
nguồn giáo trình QTCN
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468