RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị chiến lược Quản trị Logistics

Thị trường Logistics: Doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài

Advertisement

Không nhiều công ty trong nước đủ năng lực đảm nhận toàn bộ chuỗi cung ứng bao gồm vận chuyển đường bộ, kho bãi, đóng gói, thuê tàu…

Số lượng các công ty giao nhận Việt Nam đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh đầu thập niên 1990, nay đã có hơn 2.000 công ty giao nhận hoạt động từ Bắc,Trung, Nam

Theo sở Kế hoạch và đầu tư, hiện nay cứ trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận được cấp phép hoạt động.

Nhỏ và manh mún

Phát triển ồ ạt về số lượng như thế nhưng quy mô phần lớn các công ty giao nhận Việt Nam nhỏ và manh mún.

Vốn nhỏ, trang thiết bị lạc hậu và nhân lực thì đa số chỉ có 10 – 20 người/công ty. Nghiệp vụ chủ yếu của các công ty trong nước chỉ là mua bán cước đường biển, hàng không, khai thuê hải quan, dịch vụ xe tải. Không nhiều công ty đủ năng lực đảm nhận toàn bộ chuỗi cung ứng bao gồm vận chuyển đường bộ, kho bãi, đóng gói, thuê tàu…

Theo ông Lê Thạch Hùng, chánh văn phòng hiệp hội Giao nhận Việt Nam, đặc điểm của ngành logistics là một chu trình khép kín từ kho nhà sản xuất đến tay khách hàng. Vì là quy trình đòi hỏi tích hợp nhiều dịch vụ có thể diễn ra ở nhiều quốc gia nên những công ty lớn thường cẩn thận kiểm tra năng lực của công ty logistics thông qua mạng lưới rộng khắp.

Trong khi đó các công ty Việt Nam chưa có hệ thống đại lý ở nước ngoài nên thường gặp khó khăn khi khách hàng cần dịch vụ tích hợp từ đường biển, hàng không cho tới đường bộ ở nước ngoài.

Ông Huỳnh Vi Phúc, giám đốc điều hành công ty Amytrans cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ nội địa xuất hiện ở nhiều phân khúc của thị trường như dịch vụ xe container, khai thuê hải quan… Một tín hiệu tốt với các doanh nghiệp logistics là xu hướng xuất khẩu theo điều khoản CIF (giá bán, bảo hiểm, phí vận chuyển). Với điều khoản này, các doanh nghiệp Việt Namkhông phải chịu sự chi phối của người mua phía nước ngoài để dễ dàng quyết định thuê một công ty logistics trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước cho biết, phương thức “bán FOB, mua CIF” của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước khiến cho phần lớn hợp đồng vận chuyển giao nhận rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Bên cạnh đó, hàng hoá xuất nhập khẩu phục vụ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khá, và các công ty này thường sử dụng công ty giao nhận của nước họ. Các công ty Nhật sử dụng Yusen Logistic, Nippon Express… Các công ty Đức trung thành với Kuehne Nagel, Schenker…

Theo ông Võ Công Thanh, trưởng phòng marketing của công ty liên doanh vận tải hỗn hợp Việt Nhật số 2 (Logitem), doanh nghiệp Việt yếu về áp dụng công nghệ thông tin, trình độ quản lý, tiềm lực về vốn.

Theo ông Thanh, một điều quan trọng nữa là vấn đề chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp với nhau thông qua một hiệp hội đủ mạnh. Các công ty logistics của Nhật hoặc Hàn Quốc khi có ý định hoạt động ở Việt Nam đều được các tổ chức như Jetro, Kotra hỗ trợ thông tin thương mại, tiềm năng thị trường…

Cá lớn

Nếu với Việt Nam, logistics còn là ngành mới mẻ thì đối với nước ngoài, đây đã là ngành dịch vụ có lịch sử lâu đời với nhiều tập đoàn quy mô có bề dày hơn 100 năm.

Với chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu như Việt Nam, đa số các công ty logistics lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam từ đầu thập niên 1990.

Bắt đầu bằng văn phòng đại diện, các công ty này chuyển sang góp vốn liên doanh rồi là 100% vốn nước ngoài. Một vài công ty logistics lớn trên danh nghĩa vẫn nhờ một công ty Việt Namlàm đại lý. Tuy nhiên mọi hoạt động đều do phía nước ngoài quản lý, các doanh nghiệp ViệtNam thường không can thiệp được nhiều ngoài việc ăn phí đại lý trên mỗi hợp đồng dịch vụ.

Các hợp đồng vận chuyển hoặc cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam của các công ty lớn như Nike, Adidas, Nortel, Carrefour… thường về tay các công ty logistics toàn cầu như Kuehne Nagel, Schenker, Panalpina, DHL… Các công ty Việt Nam khó chen chân phần vì chưa có tên tuổi trên thị trường logistics quốc tế, phần vì các cuộc đấu thầu (tender) hàng năm của các tập đoàn lớn thường diễn ra ở nước ngoài.

“Hơn 90% hợp đồng vận chuyển của các tập đoàn lớn được thoả thuận từ ngoài lãnh thổ ViệtNam”, chị Phan Thanh, trưởng phòng giao nhận công ty Glink cho biết.

Các hãng tàu lớn hiện nay có các công ty logistics riêng.

APL có APL Logistics, NYK có NYK Logistics, O OCL có OOCL Logistics… Riêng tập đoàn AP Moller ngoài sở hữu hãng tàu Maersk Line ra, họ còn có ba công ty giao nhận đang hoạt động tại Việt Nam là Maersk Logistics, DSL Star Express, Damco. Các công ty logistics của các hãng tàu này thường cung cấp luôn dich vụ trọn gói cho các khách hàng thuê tàu.

Giao hàng theo giá FOB : bên bán giao hàng cho bên mua là hết trách nhiệm; bên mua tự chọn nhà vận chuyển,…

Mua hàng theo giá CIF: bên mua chỉ nhận hàng tại địa điểm quy định trong hợp đồng, còn bên bán tự chọn đơn vị vận chuyển, mua bảo hiểm, …

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468