RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Vườn cò giữa lòng thành phố

Advertisement

(THO) – Ngay trong lòng TP Thanh Hóa, có một vườn cò sinh thái đẹp nên thơ từ lâu đã được biết đến như một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: Đó là vườn cò Quai Vạc, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Không ai biết vườn cò có từ bao giờ. Các cụ cao niên kể lại từ xa xưa đã thấy cò về. Thời đó, nơi đây vẫn còn là cánh đồng hoang hóa, xen lẫn ao hồ, ruộng sâu nhưng có rất nhiều cò, vạc về trú ngụ nên người dân gọi là đầm Quai Vạc. Lịch sử của vườn cò cũng lắm thăng trầm, biến cố theo lịch sử của TP Thanh Hóa. Thời chiến tranh, sân bay Lai Thành xây dựng, máy bay, bom đạn đã xua đi đàn cò, đàn vạc, làm cho đồng Quai Vạc một thời đìu hiu quạnh vắng. Hòa bình lập lại, đàn cò lại trở về mỗi lúc một đông. Rồi lại có thời  không hiểu vì lý do gì mà cò, vạc bay đi hết, chỉ còn lác đác vài con.

< Cứ vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, đàn chim, cò lại rủ nhau bay về đây cư trú.

Khi thị xã Thanh Hóa lên thành phố, mảnh đất này trở thành đại công trường, xây dựng nhiều công trình mới. Lạ thay, lúc này từng đàn chim cò lại trở về. Chúng tụ tập ngay ở nơi trước kia gọi là đồng Quai Vạc. Phải chăng chúng vẫn còn nhớ tổ  để quay về?
Dulichgo
Gắn bó với vườn cò đã hơn 20 năm, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hiền và chị Ngô Thị Hoa là người có công bảo vệ vườn cò. Từ năm 1994, được chính quyền phường Đông Vệ và thành phố cho phép, vợ chồng anh Hiền, chị Hoa đã đầu tư khai hoang phục hóa, đào ao đắp lũy trồng tre gai tạo nơi cho chim cò về trú ngụ.

< Chiều tối, từng đàn cò trắng bay về tổ, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, khiến du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng, thích thú.

Theo  sách “Thành phố Thanh Hóa” của Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Lê Đức Nghi thì, các loài chim như cò, vạc, diệc, nông, đặc biệt là cò trắng cũng là loài hạc (hạc trắng). Xưa kia tổ Hạc là làng Hạc Oa, nay chim cò, đặc biệt cò trắng (hạc trắng) lại lũ lượt bay về đồng Quai Vạc làm tổ. Mới chỉ có hơn 20 năm, lũy cò đồng Quai Vạc của nhà hàng sinh thái Hiền Hoa đã lên tới hàng chục ngàn con, gồm 20 loài, từ chim sáo sậu, chim cu, chim cuốc, đến vạc, diệc, cò lửa, cò bợ và nhiều nhất vẫn là cò trắng, tạo nên một cảnh quan độc nhất vô nhị giữa lòng thành phố một thời mang tên chim Hạc, ít thấy ở những thành phố hiện đại nào khác trong nước.
Dulichgo

< Theo anh Hiền, khu vườn này còn có cả loài hạc trắng quý hiếm với khoảng 1.500-2.000 con hạc. Hạc có cánh sải rộng từ 80 cm, cao khoảng 60 cm; có bộ lông vũ màu trắng rất đẹp; mắt màu hồng…

Anh Nguyễn Trọng Hiền và chị Ngô Thị Hoa đều là người dân gốc sinh ra và lớn lên ở đây, gắn bó với những cánh cò từ thuở ấu thơ. Làng anh khi đó thuộc phường Đông Vệ có một nơi mang tên đồng Quai Vạc. Con vạc, con cò quanh năm lặn lội kiếm ăn trên cánh đồng này, gắn bó với con người như hình với bóng. Những câu ca dao được mẹ ru từ tuổi thơ đã theo anh trong suốt cuộc đời và anh thương những cánh cò trắng cứ lặn lội kiếm ăn trong cảnh quê hương lúc đó còn nghèo khó. Nơi đó có nhiều kỷ niệm của tuổi thơ anh. Cha mẹ anh thường nói: Đó là nơi đất lành chim đậu.

Khi anh bắt đầu lập nghiệp tại đây, trong đầu anh luôn chập chờn nghĩ đến những cánh cò trắng… những cánh cò trong ký ức tuổi thơ, trong câu ca dao, trong lời hát… nghe thương xót quá: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”.
Dulichgo
Thương con cò, con vạc lặn lội bờ ao, vợ chồng anh đã trồng thêm nhiều cây tre, đảm bảo môi trường sống an toàn cho đàn cò, biến một vùng đất hoang sơ thành một khu sinh thái để có một nơi bình yên cho cò về đậu. Bàn tay của hai vợ chồng anh đã chai sần khi ra đây mỗi ngày phải gánh đất, đắp nên lũy cò ở giữa hồ nước mênh mông. Có nhiều thời điểm khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn quyết tâm giữ đàn cò.

Với chị Ngô Thị  Hoa vợ anh thì chị tin rằng cuộc đời mỗi người đều gắn với chữ duyên. Có duyên thì vợ chồng mới đến ở được vùng đất này và có duyên thì đàn cò mới về đây ở với gia đình anh như bầu bạn.

Quả thật, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều điều kỳ thú như một câu chuyện cổ tích. Mỗi buổi chiều, hàng vạn cánh cò, vạc từ khắp nơi bay về tổ đậu san sát trên các ngọn tre, nhìn từ xa giống như những cành hoa điểm đầy bông trắng là cảnh tượng ngoạn mục ở vườn cò Quai Vạc. Bên trên là những cánh chim trời, bên dưới là dòng nước trong xanh, những đám bèo bồng bềnh, nhẹ nhàng và hiền dịu lững lờ trôi làm duyên thêm cho cảnh vật.

< Bên ngoài khu sinh thái vườn cò, gia đình anh Hiền kết hợp kinh doanh nhà hàng ẩm thực.
Dulichgo
Du khách đến đây được về với thiên nhiên, chiêm ngưỡng sự kỳ thú của tạo hóa và cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của quê hương. Khi ánh nắng  chiều dần tắt cũng là lúc những chú chim đi kiếm ăn quay trở về xao động cả một góc trời thành phố.

Giữa những ngôi nhà cao tầng, những hàng cây xanh, ánh hoàng hôn lan tỏa là những cánh chim chao liệng giữa bầu trời. Điều đặc biệt, những loài chim quý mà vốn trước đây chúng ta thường chỉ được nghe trong những câu chuyện cổ tích như chim hạc nay lại hiện ra trong khung cảnh tuyệt đẹp này.

< Khu vườn cò rộng 2 ha được anh Hiền đắp đất nhô lên giữa lòng hồ rộng 4 ha và trồng các loại cây tre và lát để chim cư trú.

Bức tranh thiên nhiên thanh bình với hàng ngàn cánh cò chập chờn bay về tổ trong ánh nhập nhoạng của hoàng hôn mang đến cho du khách cảm giác mênh mang lạ. Chính trong thời điểm cò bay về tổ, cả “khu vườn yên tĩnh” sẽ bỗng náo động với nhiều loại âm thanh thú vị: Tiếng xào xạc của những bụi tre bị oằn mình khi bị hàng chục con cò đậu lên, tiếng cò mẹ gọi con, tiếng giành mồi, giành chỗ của chúng… Lúc đó, mỗi nhành cây, mỗi ngọn tre sẽ là một bức tranh sống động về sinh hoạt của loài cò, bức tranh chim mẹ mớm mồi cho chim non, hay một chú cò rỉa cánh sau một ngày kiếm ăn…
Dulichgo
TP Thanh Hóa đang trên đường phát triển và đổi mới. Mỗi ngày, dòng đời vẫn hối hả ngược xuôi. Giữa người xe nhộn nhịp, nhà cao tầng san sát, những vòm xanh vẫn như những cánh tay vươn dài vẫy gọi đàn chim trở về.

Theo Minh Thúy (Báo Thanh Hóa)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468