RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Xuân nơi địa đầu cực Bắc

Advertisement

(GD&TĐ) – Ngày xuân, đi trên con “Đường hạnh phúc” huyền thoại nơi địa đầu cực Bắc, du khách sẽ chìm đắm trong cảm xúc giữa sắc màu quyện hòa của hoa mận, hoa đào, hoa tam giác mạch, hoa cải… Sắc xuân rực rỡ giữa núi rừng biên giới khiến bất cứ ai cũng xao lòng.

Xuân về cao nguyên đá nở hoa

Xuân về, chúng tôi lại ngược miền cực Bắc, rong ruổi theo những cung đường xuân. “Đường hạnh phúc” là tên gọi của con đường huyền thoại trên vùng đất Hà Giang, có tổng chiều dài 185 km từ TP Hà Giang qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và kết thúc ở điểm giao cắt với Quốc lộ 34 tại xã Lý Bôn, Bảo Lạc, Cao Bằng.

Xuân ở cao nguyên đá Đồng Văn không trắng tinh khôi như Bắc Hà, hay Mộc Châu với sắc trắng của hoa mận nở khắp núi rừng. Xuân nơi miền đá xám được điểm xuyết tinh tế bởi sắc hồng của hoa đào, sắc tím hoa tam giác mạch và màu vàng rực rỡ của hoa cải ở những thung lũng nhỏ, chen vào các khe đá, dưới mái hiên nhà, duyên dáng và đầy quyến rũ.

Xuân trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn còn được tô điểm bởi sự đa dạng sắc màu văn hóa của cộng đồng người Lô Lô, Mông, Dao, Tày… với vẻ đẹp tự nhiên, rực rỡ trên váy áo, trên những chiếc khăn thêu của thiếu nữ.

Đó là tiếng khèn bổng trầm, dìu dặt, kể câu chuyện tình yêu của các chàng trai, cô gái khi đến hội xuân. Những dấu hiệu mùa xuân về với cao nguyên đá bởi sắc màu rực rỡ của các loài hoa. Hoa nở trên đá, trên mái nhà, trên các bờ rào đá và ở trong mỗi khu vườn…

Người ta bảo, xuân về đá ở cao nguyên Đồng Văn biết nở hoa. Chả biết có thật thế không? Hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn nở từ đầu thu tháng 10, hoa ngũ sắc, hoa cúc cam vàng, hoa thun tu đỏ, hoa tam giác mạch tím hồng nối tiếp nhau nở rộ.
Loài hoa này tàn nối tiếp loài hoa kia nở. Hoa nối hoa như mùa nối mùa. Hoa nở từ trong những khe đá nhỏ, phủ lên trên đá, phủ lên mầu xám xanh của đá những sắc màu rực rỡ.

Đã bao nhiêu lần đến cao nguyên đá Đồng Văn, đi trên con “Đường hạnh phúc” giữa những mùa hoa. Nhưng với tôi mùa đẹp nhất chính là mùa xuân, mùa của hội hè, của tuổi trẻ. “Đường hạnh phúc” mỗi lần đi lại thấy rộng hơn, đẹp hơn, ít xa ngái hơn và hoa cũng nhiều hơn.

Nhưng có lẽ, đẹp nhất vẫn là sắc hoa trên váy áo của những cô gái người Mông, người Lô Lô, người Dao đung đưa theo nhịp bước chân thoăn thoắt trên những con đường mòn như dải lụa mềm vắt lên sườn núi đá.

Người con gái vùng cao có đôi tay khéo léo, ai cũng biết làm pao, biết tự may váy áo cho mình, bộ váy áo đẹp nhất sẽ để dành cho ngày cưới. Các cô gái tụ thành từng nhóm, rộn ràng không khí đi chơi hội ngày xuân trong những bộ váy áo đẹp nhất. Những bộ váy áo tự thêu, may để làm duyên với bạn tình.

“Anh ném quả pao, nào em có tình, đừng để pao rơi xuống đất. Quả pao anh ném, quả pao em ném, đem cả lòng mình cho nhau. Mắt không rời mắt, tay không ngừng tay, mà trao cuộc tình đã nói…”.

Độc đáo Tết của người Lô Lô

Nơi địa đầu, xuân thường hay đến sớm. Giữa không gian rực rỡ sắc hoa, Tết của người Lô Lô, người Mông, ở xã Lũng Cú, nơi có cột cờ Lũng Cú đánh dấu điểm địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có những nét văn hóa riêng, đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền…

Bản Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, đây là bản có dân định cư lâu đời nhất ở vùng đất địa đầu cực Bắc. Người Lô Lô ở đón Tết từ ngày 28 – 29 tháng Chạp. Các gia đình quét dọn nhà cửa sạch sẽ.

Chiều 30 Tết là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, xẻng, dao, rựa, cày, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được “nghỉ Tết”, không ai được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác trong những ngày này.

Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, cúng khấn tổ tiên, mời các cụ về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, náo nhiệt cả bản.

Ông Sìn Mí Tình, Bí thư bản Lô Lô Chải chia sẻ: Cũng giống như người Kinh có tục hái lộc đầu năm để lấy may, người Lô Lô có tục “trộm” lộc đầu năm. Sau thời khắc giao thừa, nếu gia đình nào có người đi “lấy trộm” được đồ của nhà khác mang về thì cả năm đó gia đình sẽ may mắn, khỏe mạnh, mùa màng, gia súc đủ đầy. Những thứ “lấy trộm” chỉ là thanh củi, bông hoa, củ khoai, hạt muối… nếu lấy được đồ trong bếp nhà khác thì lại càng may mắn.

Đồ “lấy trộm” không phải đồ có giá trị mà chỉ mang ý nghĩa tâm linh, hình thức nên những gia đình “bị trộm” cũng không có thiệt hại gì. Tuy nhiên, dù vật bị trộm là gì thì cũng phải lấy cho đủ 12 cái giống nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Khi “lấy trộm”, nếu bị chủ nhà phát hiện thì những thứ đã cầm trên tay sẽ được giữ lại, rồi cứ trừ đi 12 tháng, những tháng nào còn thiếu thì đến đầu tháng, gia đình người đi “lấy trộm” sẽ phải cúng “làm lý”, giải xui. Còn chủ nhà khi bắt được người “trộm” lộc sẽ “xử trộm” bằng cách bắt cúi xuống, dơ mông bên bếp lửa và đá nhẹ vào mông vài cái, tương ứng với số lượng đồ bị lấy để “làm lý”, sau đó mời “kẻ trộm” vào nhà uống rượu mừng năm mới.

Tết của người Lô Lô cũng là cuộc gặp gỡ người thân. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hằng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: “Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn”, cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Chuyện kể dưới cột cờ Lũng Cú

Nhâm nhi ly rượu ngô thơm nồng bên bếp lửa chờ thời khắc giao thừa, ông Sìn Gỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải kể cho khách và con cháu trong gia đình câu truyện lịch sử về truyền thống của người Lô Lô khi đến định cư ở vùng đất địa đầu cực Bắc.

Theo đó, bản Lô Lô Chải là một “bản tiền tiêu”, nằm ngay dưới chân núi Long Cư, nơi dựng cột cờ Lũng Cú. Vùng đất Lũng Cú còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ ghi lại dấu ấn của người Lô Lô, tộc người định cư lâu đời nhất ở nơi địa đầu Tổ quốc, mà hơn thế, bản Lô Lô Chải còn là nơi lịch sử ghi dấu những chiến công của người Lô Lô trong việc bảo vệ cương thổ quốc gia qua nhiều triều đại.

Và cho đến ngày nay, những người dân Lô Lô, bản Lô Lô Chải vẫn là phên dậu vững chắc trong việc giữ gìn an ninh biên giới.

Trong hương rượu ngô thơm nồng, giọng ông Gai trầm đặc như lời kể ông cha tự bao đời của người Lô Lô vẫn thế. Câu chuyện nói về sự linh thiêng và tục lệ sử dụng trống đồng trong văn hóa của người Lô Lô ở bản Lô Lô Chải. Đây là chiếc trống đồng vua ban cho người Lô Lô để làm công cụ truyền tin, bảo vệ biên cương, bờ cõi.

Truyện xưa kể rằng, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy đã treo một lá cờ lớn trên đỉnh núi Long Cư. Ông cho chôn một hòn đá tảng để đánh dấu nơi đây và dặn dò người dân Lô Lô coi đây như cột mốc cao nhất, đánh dấu biên cương lãnh thổ.

Đến thời Quang Trung, nhà vua cũng đích thân lên Lũng Cú, vẫn theo vị trí đó mà dựng một cột cờ lớn, lại đặt trống đồng báo cầm canh và giao cho dân bản Lô Lô Chải trông nom. Thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là nơi trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.

Tiếng trống vua ban cũng là âm báo từ tiền tiêu mỗi khi có giặc xâm chiếm biên cương. Lịch sử hàng trăm năm đến nay vẫn lưu truyền, chiếc trống đồng cổ vẫn được người dân bản Lô Lô Chải trông giữ như một bảo vật của dân tộc mình.

Chiếc trống đồng cổ mà vua Quang Trung giao hiện vẫn được cất giữ cẩn thận tại nhà thầy cúng của bản Lô Lô Chải. Đây là loại “trống rồng”, bởi trên mặt trống có hình rồng, biểu tượng của nhà vua, không giống với những chiếc trống đồng vẫn dùng trong đám ma, lễ hội cúng thần rừng, cúng tổ tiên của người Lô Lô, Pu Péo ở địa phương (chỉ có hình sao trên mặt trống).

Tiếp nối truyền thống hào hùng của người Lô Lô qua nhiều thế hệ, người dân bản Lô Lô Chải hôm nay vẫn đang hằng ngày giúp cho lực lượng Biên phòng giữ gìn an ninh biên giới. Bí thư Đảng ủy Đồn biên phòng Lũng Cú, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, người dân bản Lô Lô Chải đã làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự biên giới.

Đồn biên phòng Lũng Cú đã đưa chiến sĩ về sinh hoạt thường xuyên tại thôn bản, tham gia các đội thanh niên làm kinh tế giỏi… từ đó vận động quần chúng trực tiếp để giáo dục kiến thức, kết hợp với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố mặt trận quốc phòng toàn dân vững mạnh”.

Ngày xuân tới thăm cột cờ Lũng Cú, dừng chân nghỉ lại bản Lô Lô Chải, cùng trải nghiệm không khí ngày xuân, tìm hiểu phong tục đón Tết truyền thống của người Lô Lô, nghe câu chuyện lịch sử của những người đã tiếp nối bao đời sinh sống và bảo vệ biên cương, lại càng thêm yêu quý mảnh đất, con người ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Theo Vũ Thành (Giáo Dục Thời Đại)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468