RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Yên Thành: Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Advertisement

(NAO) – Yên Thành là vùng đất cổ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, là vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ An có nguồn tài nguyên tự nhiên và xã hội nhân văn vô cùng phong phú với hàng trăm di tích lịch sử, hàng chục điểm tham quan và nhiều lễ hội hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, dưới đây là một số điểm đến tiêu biểu như:

+ Hồ Vệ Vừng (Xã Đồng Thành)

Nằm ở phía Tây huyện Yên Thành, với diện tích trên 720 ha có trữ lượng gần 20 triệu mét khối nước, thuộc vùng đất các xã Đồng Thành, Kim Thành, Quang Thành, hồ Vệ Vừng là một công trình thuỷ lợi quan trọng của huyện Yên Thành và chỉ đứng sau hồ Kẻ Gỗ của tỉnh Hà Tĩnh. Không chỉ có giá trị về tưới tiêu cho hàng ngàn ha lúa nước và hoa màu trên địa bàn huyện, hồ Vệ Vừng còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Đến với hồ Vệ Vừng, du khách như lạc vào thế giới kỳ vỹ, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình làm đắm say lòng người.

Cũng như hồ Quản Hài (Phúc Thành), hồ Vệ Vừng được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp, những khe suối tự nhiên, uốn khúc, quoanh co kéo dài của mạch rừng đầu nguồn với thảm thực, động vật khá phong phú và đa dạng. Giữa mây, trời, núi non lồng lộng, khi hoàng hôn buông, hàng ngàn cánh cò trắng bay về lượn lờ, chao nghiêng, tìm mái ấm trên những ngọn cây xanh của những cánh rừng.
Dulichgo
Hồ Vệ Vừng còn có một trữ lượng cá nước ngọt đủ loài với sản lượng ước tính trên 150 tấn, có nhiều con trắm nặng trên 30 kg. Ngoài thú vui du thuyền, ngắm cảnh, leo núi, câu cá, đắm mình trong làn nước ngọt trong lành…du khách còn được thưởng thức món cá nướng, nhâm nhi với chén rượu quê và thỏa sức với những làn điệu Ví, Giặm của quê lúa Yên Thành.

+ Đền Đức Hoàng (Xã Phúc Thành)

Đền Đức Hoàng thuộc địa phận làng Diệu Ốc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành là một trong những di tích nổi tiếng về sự cổ kính và linh thiêng nhất trên địa bàn huyện Yên Thành nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung, được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1998.

Đền nằm giữa một rừng lim rậm rạp ven đầm sen Diệu Ốc (một trong tám cảnh đẹp của Đông Thành nhị huyện xưa – huyện Yên Thành và Diễn Châu ngày nay), giữa cảnh non xanh nước biếc tạo cho ta có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và thanh thoát đến nao lòng. Đền có kiến trúc kiểu chữ tam gồm 3 tòa là nhà Thượng điện, nhà Hạ điện và nhà Trung điện với quy mô nhỏ, kiểu dáng kiến trúc đơn giản thời Nguyễn.

Nhân vật được thờ trong di tích là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một vị tướng có công trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, mang lại thái bình cho đất nước và công lớn trong việc chiêu dân, khai khẩn đất đai, lập làng, mở trường dạy học, dạy cho dân biết làm ruộng… đồng thời phối thờ Bạch Y Công chúa và Liễu Hạnh Công chúa – những vị thần linh luôn phù hộ cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dulichgo
Lễ hội chính của đền diễn ra từ ngày 29 tháng Giêng đến hết ngày 2 tháng 2 âm lịch hàng năm thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân và du khách gần xa về tham dự.

+ Nhà thờ và lèn đá Bảo Nham (Xã Bảo Thành)

Nhà thờ đá và lèn đá Bảo Nham xã Bảo Thành, huyện Yên Thành nằm sát Quốc lộ 7, cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía Bắc là công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo của xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành. Đây là ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1888, với nguyên liệu hoàn toàn bằng đá tảng lấy từ Lam Sơn ( tỉnh Thanh Hóa) theo kiểu kiến trúc Gôtic, lấy mẫu từ nhà thờ Luôcxơ (Pháp).

Phía trước nhà thờ có 1 tháp chuông cao 28m, trên đỉnh tháp có đặt một con gà được làm bằng hợp kim Angtimon có thể xoay chuyển theo chiều gió. Ngoài ra, xung quanh nhà thờ còn có 24 tháp nhỏ bằng đá, mỗi tháp cao 2,5m, được thiết kế rất tinh xảo.
Dulichgo

Cách nhà thờ khoảng 200m là khu vực Lèn đá, một danh thắng tuyệt đẹp gắn với những câu chuyện cổ trong tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.

Lèn đá có diện tích tổng thể là 5678m2, chiều cao tính từ mặt đất đến đỉnh lèn là 40m. Tận dụng vẻ đẹp của lèn đá, người dân và những vị linh mục về đây quản nhiệm xây dựng một đường bậc thang bằng đá lên tới đỉnh và mở lối xuống vòng phía sau chân lèn. Đường đi lên có 171 bậc uốn cong cong hình chữ S, giống như đầu và thân của chú rồng con uốn mình bám lấy lèn. Đường đi xuống phía sau giống như hình đuôi rồng, gồm 137 bậc. Hai bên đường đi là các bức tượng lớn miêu tả 14 chặng đường Thánh giá, làm thành một tuyến đường tham quan và hành hương cho du khách.

Từ trên đỉnh lèn đá, du khách có thể trông ra bốn hướng, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp trù phú của những làng quê của các huyện lân cận với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xinh xắn được bao bọc bởi những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

+ Đền – Chùa Gám (Xã Xuân Thành)

Đền, Chùa Gám là quần thể di tích được xây dựng từ thời Trần, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3727/QĐ-UBND.VX ngày 27/9/2007. Di tích gồm cả đền và chùa, điều đó thể hiện rõ sự hài hòa giữa các tôn giáo và dấu ấn tư tưởng của “Tam giáo đồng nguyên” là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Đây là một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng của xã Xuân Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói chung.
Dulichgo
Lễ hội truyền thống Đền, Chùa Gám diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ các Chư vị Thần, Phật như Cao Sơn – Cao Các, Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại vương, Tứ vị thánh nương, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát… Thông qua các hoạt động diễn ra trong lễ hội, không những đã đáp ứng được phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hoá của đông đảo nhân dân, mà qua đó còn khơi dậy truyền thống trọng đạo nghĩa, tình đoàn kết cộng đồng, ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, đồng thời đây cũng là hình thức bảo lưu, gìn giữ một cách có hiệu quả nhất các giá trị văn hoá dân tộc nói chung, bản sắc văn hoá của người dân quê lúa.

Nơi đây còn có nhiều những thắng cảnh thiên nhiên, công trình kinh tế phục vụ đời sống con người, nằm cạnh các khu văn hóa như chùa Gám, chùa Bảo Lâm, chùa Non Nước, nhà thờ đá Bảo Nham… cạnh đó còn là những di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành)… Điệp trùng những di tích – danh thắng ấy trên vùng quê lúa đã đi vào truyền thuyết “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống” sẽ là những điểm du lịch tham quan, vãn cảnh, nghiên cứu và học tập đầy hấp dẫn.

Huyện Yên Thành có trên 200 di tích – danh thắng đã được lập danh mục quản lý, trong đó có 21 di tích được công nhận di tích quốc gia, 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh, là huyện có nhiều di tích được công nhận nhất tỉnh. Yên Thành còn là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, văn hiến với 22 vị đại khoa mà tiêu biểu là trạng nguyên Bạch Liêu – ông tổ khai khoa của xứ Nghệ. Nơi đây còn là một địa danh cách mạng lâu đời, nơi có căn cứ địa của phong trào Cần Vương chống Pháp do cụ Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã lãnh đạo, là địa chỉ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931… Đó là niềm tự hào mà Đảng bộ, nhân dân của huyện Yên Thành đang ra sức phát huy, để những giá trị đó trường tồn, đem đến những giá trị tinh thần, vật chất trong giai đoạn mới “.

Theo Ngheantourism
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468