Kỹ năng giao tiếp ảnh hưởng đến mọi mối quan hệ trong cuộc sống của bạn, từ công việc, tình bạn đến cả tình yêu. Giao tiếp tốt giúp bạn gắn kết với mọi người tốt hơn, được tin tưởng hơn và nhờ đó cuộc sống thuận lợi hơn, và ngược lại, giao tiếp không tốt có thể khiến bạn bị hiều lầm và kéo theo vô vàn rắc rối và bất lợi.
(Chìa khóa thành công) Dưới đây là 10 chìa khóa thành công về kỹ năng giao tiếp quan trọng mà ai cũng cần phải biết.
1. Phát âm và sử dụng từ ngữ
Giọng nói thực sự có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp, việc bạn có giao tiếp được tốt không ít nhiều phụ thuộc vào yếu tố này. Nếu bạn nói chuyện lí nhí, quá nhỏ nhẹ hay quá lớn tiếng, nuốt chữ, giọng lè nhè hay quá ngập ngừng với các âm đệm “ừm, à, ồ…” sẽ khiến người nói chuyện với bạn khó nắm bắt và hết thông điệp mà bạn muốn nói. Kỹ năng nói kém cũng phần nào thể hiện sự thiếu tự tin và kiến thức.
Hãy rèn luyện cách phát âm và khả năng chọn lọc từ ngữ khi nói của bạn. Thử ghi âm lại giọng nói của mình để nghe lại xem chất lượng nội dung, ngữ điệu và âm lượng khi nói của bạn thế nào. Bạn có thể thắt một chiếc vòng chữ để đeo ở cổ tay để tự nhắc nhở mình nên suy nghĩ và chọn từ khi nói. Hãy luôn đứng thẳng, vai mở ra sau để lồng ngực không bị chèn ép, tư thế này giúp bạn thở dễ dàng hơn và nhờ đó có lượng hơi tốt hơn khi nói. Hãy chú ý nói chậm và bình tĩnh.
2. Sao chép biểu cảm
Bạn có biết rằng mình có thể sao chép biểu cảm nét mặt của người đối diện với mình trong vô thức? Có một loại neuron thần kinh trong não chịu trách nhiệm cho điều này, và hiện tượng này gửi đi một thông điệp về sự đồng cảm sâu sắc với đối phương. Những người có phản ứng sao chép biểu cảm của nhau thường dễ gầy dựng niềm tin, sự gắn kết và thông cảm với nhau.
Bạn có thể chủ động sử dụng “chiêu” này để kết nối với người khác. Lần tới khi bạn nói chuyện với ai, hãy thử “copy” vài khoảnh khắc biểu cảm của họ xem sao, nhưng hãy làm khéo và thật nhanh nhé, đừng để thành bắt chước lộ liễu. Hãy quan sát xem họ phản ứng thế nào khi bạn làm vậy nhé!
3. Đặt câu hỏi hay ho
Cách tốt nhất để biết nhiều hơn về ai đó và lắng nghe họ là hỏi những câu hỏi có giá trị. Câu hỏi dạng mở và thăm dò sẽ khiến đối phương phải chia sẻ nhiều hơn về chính mình. Việc này khiến họ cảm thấy được lắng nghe và có được sự liên kết thân mật với bạn.
Hãy tiếp tục phát triển câu chuyện xoay quanh câu hỏi của mình sau khi bạn nhận được câu trả lời để cho thấy sự tập trung và hứng thú của bạn vào đối phương. Bạn có thể hỏi tiếp những câu hỏi như “Rồi bạn càm thấy sao?”, “Sao bạn nghĩ vậy?”
Bạn nên tập thói quen nghe người khác nói hết, đừng ngắt lời khi người kia đang nói hay đừng trả lời quá nhanh khi người kia ngừng nói. Đôi khi sự im lặng khiến mọi người muốn lên tiếng chia sẻ nhiều hơn. Bất kỳ ai cũng muốn nói nhiều hơn, nếu như bạn đủ im lặng và tỏ ra muốn nghe họ nói. Nhưng đừng quá kiệm lời và im lặng, sẽ không ai muốn phơi bày ruột gan cho một người chỉ chòng chọc khai thác thông tin của mình nhưng loại quá phòng thủ thông tin của họ.
4. Bắt chuyện xã giao
Phần lớn các mối quan hệ trên đời đều bắt đầu từ những lần bắt chuyện xã giao vu vơ. Những cuộc nói chuyện lịch sự và tưởng chừng vô bổ ở các sự kiện xã hội hay các bữa tiệc chủ yếu để tạo không khí thân thiện nhưng cũng có thể móc nối rất nhiều các mối quan hệ quan trọng cho bạn sau này.
Kỹ năng bắt chuyện với người lạ là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với những ai làm việc trong các ngành kinh doanh cần quan hệ rộng, hoạt động xã hội hay truyền thông. Bắt chuyện không chỉ là đến nói chuyện với một ai đó không quen mà còn phải tạo ra một cuộc nói chuyện tự nhiên và không gây áp lực với người khác. Nhưng trước hết thì bạn hãy vượt qua chính mình để bắt chuyện với mọi người đi đã nhé.
5. Thể hiện kiến thức và trình bày rành mạch
Dù bạn cần phải trình bày ý tưởng và thông tin cho mục đích công việc hay chỉ là nói chuyện thông thường thì cũng nên chuẩn bị nội dung trình bày của mình cho mạch lạc. Trước hết, bạn cần biết chính xác điều mình muốn diễn đạt cho người khác, tiếp đến hãy thu thập các thông tin và lập luận rồi hệ thống chúng lại cho hợp lý. Bạn cũng cần để ý là bạn trình bày cho ai nghe để có thể chuẩn bị phần nói của mình đúng đối tượng, dễ hiểu mà không bị quá non.
Đừng cố tỏ ra “nguy hiểm” bằng việc dùng thuật ngữ hay từ to tát không cần thiết, hoặc quá suồng sã với từ lóng, hãy giữ cho nội dung bạn nói rõ ràng, đơn giản và chính xác. Bạn càng hiểu rõ và có kiến thức về những gì mình nói, bạn sẽ càng tự tin và người nghe hoàn toàn có thể cảm nhận được sự chắc chắn về kiến thức của bạn để hứng thú lắng nghe.
6. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Cơ thể bạn nói lên rất nhiều điều trước cả khi bạn mở miệng thành lời. Cách bạn đứng, biểu cảm khuôn mặt, và ánh mắt của bạn ngay tức khắc đã tạo ấn tượng đầu tiên về bạn đối với người đối diện. Cho dù bạn có khéo ăn khéo nói đến thế nào, nhưng khi mọi người đã có ấn tượng không tốt đẹp về bạn thì tài ăn nói cũng rất khó phát huy giá trị của nó.
Hãy để ý đến những ngôn ngữ cơ thể của mình và điều chỉnh chúng. Hãy luôn nhìn vào mắt đối phương khi bạn nói chuyện (nhưng đừng nhìn chòng chọc nhé!), thường xuyên mỉm cười, bắt tay niềm nở (trong công việc) hay ôm nhẹ (với bạn bè người thân). Hãy luôn nhớ giữ lưng thẳng, đầu ngẩng cao khi đứng hoặc ngồi, vai mở tự nhiên về phía sau. Ngoài ra, khi tiếp xúc, tránh khoanh tay trước ngực hay bắt béo chân vì nó tạo ấn tượng về sự phòng thủ.
7. Biết nghe chủ động
Giao tiếp tốt không chỉ là nói và sử dụng ngôn ngữ cơ thể tốt, kỹ năng nghe cũng rất quan trọng. Khi nghe tốt, bạn có thể cải thiện rất nhiều các mối quan hệ và tương tác xã hội của mình, cũng như khả năng tạo ảnh hưởng, thuyết phục và đàm phán.
Kỹ năng nghe chủ động còn liên quan đến cả việc ghi nhận thông tin ngoài lời nói của đối phương. Khi bạn biết lắng nghe một cách chủ động, bạn hoàn toàn chăm chú để nắm bắt thông điệp mà người nói gửi đến cho bạn, chủ ý qua lời nói và vô thức qua ngôn ngữ cơ thể của họ. Để cho thấy sự chú ý lắng nghe của mình, bạn hãy kết hợp cùng ngôn ngữ cơ thể của bạn bằng cách gật đầu, mỉm cười, trả lời và phản hồi một cách có suy nghĩ.
8. Hoá giải xung đột
Xung đột là không thể tránh khỏi trong mọi mối quan hệ, và học cách để xử lý xung đột là cần thiết để nuôi dưỡng các mối quan hệ một cách lành mạnh. Nhiều người chọn cách tránh xa xung đột vì ngại đối mặt với cảm giác khó chịu và đau khổ, nhưng cách đó chỉ càng làm tăng thêm oán ghét và hiểu lầm. Khi sự xung đột tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ thì thường là có một vấn đề sâu sắc trong mối quan hệ này cần phải được giải quyết. Nhu cầu và cảm xúc của cả đôi bên cần được tôn trọng và cân nhắc.
Kỹ năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh đòi hỏi bạn phải biết phản ứng bình tĩnh, tôn trọng và không tìm mọi cách để phòng thủ. Khi bạn đã kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn có thể truyền đạt ý kiến và nhu cầu của mình mà không đe doạ, chỉ trích hay làm người khác tổn thương. Hoá giải xung đột cũng có nghĩa là bạn có thể tha thứ và quên đi lỗi lầm của người kia, và bạn chấp nhận thoả hiệp để không phá hỏng mối quan hệ của mình.
9. Tỏ ra chân thành và đáng tin
Bạn có thể không tin nhưng mọi người có thể “đánh hơi” được việc bạn “chém gió” những thứ không đúng về chính bạn từ cách xa hàng cây số. Khi bạn cố khoác lên mình những thông tin sai lệch, những phẩm chất không phải là bạn, hầu hết mọi người đều biết là bạn nói dối, hoặc đang cố gồng gánh lấy hình tượng không phải là mình. Bạn có thể không nhận ra, nhưng khi bạn “nổ” bạn cũng vô tình dựng lên một bức tường ảo để bảo vệ những gì bạn nói, và chính bức tường đó sẽ tố cáo sự thiếu trung thực của bạn.
Kỹ năng thể hiện bản thân chân thành qua giao tiếp chính là việc bạn thoải mái thể hiện con người thực của mình, với những góc nhìn và chính kiến của chính bản thân bạn một cách thuyết phục mà không phải lắt léo hay hư cấu thêm. Thể hiện bản thân có thể không dễ dàng, hãy bắt đầu bằng cách hiểu rõ bản thân và giá trị của mình. Bạn có thể tập nói chuyện chân thành, thể hiện một chút nhạy cảm, và chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân nho nhỏ với những người liên quan.
10. Ứng biến với cảm xúc
Trí thông minh cảm xúc là khả năng thấu hiểu, diễn giải và ứng phó với cảm xúc của người khác. Đây là kỹ năng cần thiết để giao tiếp hiệu quả, vì giao tiếp nên là hoạt động cho và nhận qua lại giữa hai người. Việc đánh giá được cảm xúc của đối phương giúp cuộc nói chuyện luôn được điều chỉnh cho phù hợp.
Bạn có thể rèn luyện trí thông minh cảm xúc bằng cách chú ý vào tín hiệu không lời của người đối diện, như ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm nét mặt. Khi đã nhận biết các dấu hiệu này, hãy tìm cách hiểu ý nghĩa cũng những tín hiệu cảm xúc đó, như họ đang giận dữ, đang buồn, đang hứng thú hay sợ hãi…
Sự thông minh khi ứng biến với cảm xúc được thể hiện qua việc ứng xử với cảm xúc của dối phương trong cuộc nói chuyện. Chẳng hạn, khi đối phương có vẻ phân tâm khi nghe bạn nói, họ có thể đang bận nghĩ gì đó hoặc chủ đề của bạn không đủ hấp dẫn, hãy hỏi xem liệu họ có muốn nói chuyện sau hoặc tỏ ra quan tâm đến vấn đề làm họ phân tâm.
Để trở thành một người giao tiếp tốt thì bạn phải rèn luyện. Hãy tự đánh giá lại 10 kỹ năng giao tiếp quan trọng trên đây của bạn và xác định đâu là điểm yếu của bạn, sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên và lên kế hoạch rèn luyện cho những kỹ năng mình còn yếu. Mới đầu việc này không dễ dàng chút nào, nhưng bạn sẽ sớm thoát ra khỏi giới hạn của mình để dần dà ăn nói tốt hơn. Giao tiếp là kỹ năng bạn có thể học được, cũng giống như lái xe hay đánh máy, nếu bạn chịu khó rèn luyện, bạn sẽ sớm thành tài thôi.
Bạn có cảm thấy mình giao tiếp rất tốt? Hay bạn vẫn còn những điểm chưa hài lòng và thiếu tự tin trong cách giao tiếp và ăn nói của mình? Và bạn đã từng trải qua những tình huống giao tiếo mà bạn ước gì đã có thể làm tốt hơn? Hãy chia sẻ nhé!
Chìa khóa thành công (theo webtretho)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.