RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị Marketing

10 tin tức marketing đáng chú ý trong tuần các marketers không thể bỏ qua

Advertisement

Những ngày Tết đã khép lại. Những chiến dịch Tết Nguyên đán của các thương hiệu lớn sẽ còn phải nhắc đến nhiều hơn từ các bài phân tích. Thế nhưng, tạm gác lại các tin tức truyền thông, marketing trong nước, hãy điểm qua những sự kiện đáng nhớ, “nóng hổi” trong tuần vừa qua đang khuấy động thị trường của nhiều ngành tuần vừa qua.

1. KFC “thỉnh tội” khi phải đóng cửa hàng trăm nhà hàng

Hành động “thỉnh tội” vô cùng thông minh của KFC khiến khách hàng không kìm nén được sự khâm phục. Do gặp vấn đề với nhà cung cấp gà mới, hàng trăm cửa hàng của KFC phải đóng cửa vì…thiếu gà. Tuy nhiên, nhà điều hành đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi hết sức tha thiết trên các trang báo lớn đi kèm cùng hình ảnh chiếc túi KFC “rỗng tuếch” và chữ cái đảo ngược “FCK” ?!

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt lần này đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín thương hiệu. Song, cách giải quyết của KFC được đánh giá là phản ứng nhạy bén và không kém phần hài hước trước tổn thất nặng nề của mình.

2. Kylie Jenner khiến Snapchat điêu đứng chỉ với một câu tút

Hôm 21/2, nàng hotgirl quyền lực nhà Kardishian đã đăng lên Twitter của mình: “Thế có ai thôi dùng Snapchat nữa không? Hay chỉ mình tôi thôi? Ôi thật là buồn”. Câu tút tưởng như vu vơ nhưng đã khiến cổ phiếu Snapchat sụt 1,5 tỉ USD chỉ trong 2 ngày sau đó. Chính Kylie Jenner, chủ nhân của lời tuyên bố từ bỏ Snapchat vì không hài lòng với các cập nhật mới, cũng không khỏi bất ngờ trước hiệu ứng của mình gây ra. 

Tuy nhiên, cô nàng đã nhanh chóng hàn gắn lại “sợi dây thân tình ” lâu năm với Snapchat bằng lời biện hộ “Thế nhưng vẫn yêu Snap.. Mối tình đầu của tôi”.

3. “Tối hậu thư” từ Unilever gửi đến Google và Facebook

Vừa qua Unilever đã đe dọa gỡ tất cả quảng cáo ra khỏi Google và Facebook nếu như hai “ông lớn” này không có động thái quyết liệt nào trong việc kiểm soát vấn nạn tin giả tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay. Ngoài ra, những nội dung độc hại khác như chủ nghĩa cực đoan, lạm dụng trẻ em, thao túng chính trị, phân biệt chủng tộc,… cũng là một trongnhững vấn đề mà Unilever quản lí đặc biệt gắt gao.

Keith Weed, người đứng đầu mảng Marketing của Unilever, cho biết rằng “tập đoàn của họ không thể chấp nhận một môi trường nơi mà khách hàng của họ không còn tin tưởng những gì họ thấy qua mạng xã hội”. Sau lời tối hậu thư từ Unilever, Facebook đã nhanh chóng phản hồi trong khi Google vẫn chưa đưa ra bất kì bình luận gì.

4. Aldi và cáo buộc quảng cáo mồi trái phép

Tập đoàn bán lẻ Aldi vừa bị buộc tội vì đã tung ra “quảng cáo mồi” và bị tiến hành điều tra qua chuỗi hoạt động bán những sản phẩm Special Buys giá rẻ vì vi phạm luật người tiêu dùng. Theo như lời quảng cáo trên catalogue thì rất nhiều người tiêu dùng đã xếp hàng chờ vào ngày thứ Tư và thứ Bảy khi siêu thị cung cấp những sản phẩm giảm giá, nhưng thực chất chỉ một số ít là có sẵn. Kéo theo đó là khung cảnh hỗn độn trong các cửa hàng Aldi vì họ không có đủ những mặt hàng phổ biến để cung cấp cho khách hàng như hứa hẹn.
Hiện Aldi đã xin lỗi về các ấn phẩm quảng cáo của mình. Đây không phải là lần đầu tiên mà Aldi bị “sờ gáy” vì những quảng cáo bất hợp pháp. Ad News đã từng tiết lộ rằng vào năm 2019 các chiến dịch dài hạn của Aldi rất dễ bị khiếu nại vì vi phạm bản quyền.

5. Pepsi Co tập trung vào sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe và thương mại điện tử

Ông lớn trong ngành nước giải khát cho biết doanh thu của quý 1 vừa rồi rất khả quan và được cải thiện thông qua sự thay đổi trong xu hướng người tiêu dùng vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và cải tiến trong thương mại điện tử.
Hiện tại Pepsi đang tăng cường tập trung vào thương mại điện tử vì đây “không chỉ là cần thiết mà còn là một đầu tư thông minh” – theo lời giám đốc điều hành công ty. Vì xu hướng của người tiêu dùng ngày càng tập trung vào lối sống lành mạnh hơn, mục tiêu mới của Pepsi cũng nhằm vào việc tạo ra những thức uống “bổ dưỡng hơn” nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

6. Amazon đứng đầu top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2019

Hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh Brand Finance vừa công bố xếp hạng 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019. Không nằm ngoài dự đoán, thương hiệu Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã soán ngôi của Google để dẫn đầu danh sách. Amazon được xem là “ông trùm” trong nhiều lĩnh vực thương mại điện tử, cửa hàng truyền thống, âm nhạc…với 47% giá trị thương hiệu tăng chóng mặt trong năm 2019.
Theo ngay sau Amazon là Apple, Google, Samsung, Facebook…, hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc đua khốc liệt không hồi kết.

7. Deliveroo tích cực chạy chiến dịch toàn cầu “Eat more amazing”

Ra mắt ngày 21/2, chiến dịch toàn cầu “ Eat More Amazing” của Deliveroo cung cấp đa dạng các lựa chọn thức ăn mang đi từ truyền thống của Anh đến các món phổ biến thế giới, được đề xuất dài hạn nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ. 
Sau khi bị đẩy xuống hạng 42/46 thương hiệu thức ăn nhanh danh tiếng và chất lượng, chiến dịch “Eat More Amazing” của Deliveroo lần này được chau chuốt hơn bao giờ hết, khiến cuộc chạy đua với các thị trường phân phối thực phẩm khác như: Just Eat, UberEats và Amazon Restaurants… ngày càng gay gắt hơn.

8. Google bị cáo buộc sa thải nhân viên với lí do không rõ ràng

Một cựu nhân viên của Google có tên là Tim Chevalier vừa tố cáo công ty này đã sa thải anh vì những lùm xùm trong quan điểm chính trị cá nhân như ủng hộ đa dạng chính trị và giới tính và những nỗ lực thay đổi văn hóa của Google. Theo như phía luật sư của Chevalier, anh đã bị sa thải với lí do không rõ ràng, đồng thời cũng tố cáo Google đã tạo ra một “môi trường làm việc đầy tính thù địch”.
Được biết trước đó một cựu nhân viên khác của Google cũng bị sa thải sau khi nói về chính trị nội bộ của công ty. Trong tuyên bố mới nhất của Google đưa ra về vụ kiện cáo này có nhấn mạnh một phần văn hóa của công ty là những cuộc thảo luận sôi nổi phù hợp với qui định, đồng thời những quyết định đưa ra không liên quan đến quan điểm chính trị của nhân viên.

9. The New Air Jordan cháy hàng nhờ Snapchat

Thay vì những hình ảnh chú cún xinh xắn, Snapchat tập trung vào một ống kính thực tế tăng cường sự hiện diện của Michael Jordan, quảng cáo cho những chiếc giày Air Jordan III Tinker sneaker mới, chưa được phát hành, được bán thông qua mã QR đặc biệt trong ứng dụng.
Chỉ trong vài phút tích tắc, các đôi giày Jordan đã được bán hết nhẵn ( tuy nhiên Nike vẫn còn úp mở về số lượng hàng đã bán) cho thấy tiềm năng thương mại điện tử khổng lồ của Snapchat và tạo ra cơ hội cho Snapchat hợp tác với các nhãn hiệu khác để cung cấp một phương thức mới tiếp cận và mua các sản phẩm.

10. Samsung bắt tay với Mobeewave mở dịch vụ thanh toán bằng di động

Samsung đã thành công trong việc thỏa thuận với công ty fintech Mobeewave để chuyển các thiết bị di động hàng đầu của mình thành các thiết bị thanh toán không cần tiếp xúc. Việc tích hợp các dịch vụ của Mobeewave mang đến “ông trùm xứ Hàn” giải pháp thanh toán trực tiếp qua chiếc smartphone và có ưu điểm bảo mật dữ liệu cá nhân trong mỗi giao dịch. 
Liệu sự hợp tác lần này có khiến Samsung “chiếm sóng” không gian thanh toán qua di động trong thế cạnh tranh với Apple Pay và Google Pay?
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468