RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

10 Đề thi cơ bản THPT Quốc gia 2018

Advertisement

ĐỀ ÔN THI SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Điều gì là quan trọng?
Chuyện xảy ra tại một trường trung học.
Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:
– Các em có thấy gì không?
Cả phòng học vang lên câu trả lời:
– Đó là một vệt đen.
Thầy giáo nhận xét:
            – Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Và thầy kết luận:
– Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời. (Trích Quà tặng cuộc sống – Dẫn theo http://gacsach.com)
Câu 1: Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản trên? Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác.
Câu 3: Trong lời khuyên của thầy giáo, hình ảnh “vết đen” tượng trưng cho điều gì?
 Câu 4: Theo anh/chị, việc chỉ “chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” thể hiện một cách đánh giá con người như thế nào?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của thầy giáo trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời”.
Câu 2. (5,0 đim)
Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị  trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị  trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị  chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mị , Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ… Mị  phảng phất nghĩ như vậy.
            Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị  không thổi, cũng không đứng lên. Mị  nhớ lại đời mình. Mị  tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ là Mị  đã cởi trói cho nó, Mị  liền phải trói thay vào đấy. Mị  chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mị  cũng không thấy sợ…
            Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị  rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mị  tưởng như A Phủ biết có người bước lại… Mị  rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị  cũng hốt hoảng. Mị  chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…” rồi Mị  nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống không bước nổi.Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
            Mị  đứng lặng trong bóng tối.
            Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Mị  vẫn băng đi. Mị  đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc, Mị  nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
            – A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị  lại nói:
            – Ở đây chết mất.
A Phủ chợt hiểu.
            Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói : “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao xuống dốc núi.
(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài,  Ngữ văn 12 – Tập 2, NXB GD Việt Nam 2016)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ. Từ đó, liên hệ với tâm trạng của hai chị em Liên trong cảnh đợi tàu (Hai đứa trẻ – Thạch Lam, Ngữ văn 11 tập 1, NXB GD Việt Nam 2016) để nhận xét về cách nhìn và tình cảm của nhà văn đối với người lao động trong xã hội cũ.
———————————————————————
ĐỀ ÔN THI SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Nói điều bạn muốn
Có bao giờ bạn nhận ra rằng người mình yêu thương nhất lại là người mình thường bỏ lơ? Thật kỳ quặc, phải không? Bạn dễ dàng dành rất ít thời gian với gia đình vì họ luôn ở ngay bên bạn (hoặc bạn tưởng là thế). Thật dễ bỏ qua những sự biểu lộ tình cảm với người mình yêu mến bởi vì dường như chưa cần phải làm thế ngay. Nhưng còn gì quan trọng hơn gia đình chứ? Thành công vượt trội nhưng cô đơn thì có ý nghĩa gì? Cuốn album gia đình có ý nghĩa với tôi hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng. Rất thực lòng.
Vậy hãy nhấc máy lên và nói với cha mẹ rằng bạn rất yêu thương họ. Trước khi đi làm, hãy bày tỏ cử chỉ yêu thương với người bạn đời. Hãy ôm chặt các con và nói rằng bạn rất thương chúng. Con bạn chỉ bé bỏng có một thời. Và khi cánh cửa cơ hội đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt.
(Theo Đời ngắn, đừng ngủ dài, Robin Sharma, Nxb Trẻ, 2015, tr. 92-93)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Theo tác giả, vì sao cha mẹ nên ôm chặt các con và nói lời yêu thương với chúng?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp nghệ thuật chính của văn bản.
Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ văn bản đọc hiểu trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của tác giả: Cuốn album gia đình có ý nghĩa với tôi hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng.
Câu 2. (5,0 đim)
Xác hàng thịt : (lắc đầu) Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khổn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác.
Hồn Trương Ba :  A, mày cũng biết nói kia à? Vô lý, mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u, đui mù…
Xác hàng thịt : Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!
Hồn Trương Ba :  Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc !
Xác hàng thịt : Có thật thế không?
Hồn Trương Ba :  Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…
Xác hàng thịt : Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: khi ông ở bên nhà tôi… khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…Đêm hôm đó, suýt nữa thì…
Hồn Trương Ba :  Im đi! Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày…
Xác hàng thịt : Thì tôi có ghen đâu! Ai lại ghen với chính thân thể mình nhỉ! Tôi chỉ trách là sao đêm ấy ông lại tự dưng bỏ chạy, hoài của !…Này, nhưng ta nên thành thật với nhau một chút: chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao? Để thỏa mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào, hãy thành thật trả lời!
Hồn Trương Ba :  Ta… ta… đã bảo mày im đi!
Xác hàng thịt : Rõ là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tớ được! Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi!
Hồn Trương Ba :  Không! Ta vẫn có một đời sống riêng : nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…
Xác hàng thịt : Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!
Hồn Trương Ba :  (bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!
(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ; Sgk Ngữ văn 12, tập 2, tr.144-145, Nxb Giáo dục, 2016)
Cảm nhận của anh/chị về bi kịch của nhân vật Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với bi kịch bị tha hoá của nhân vật Chí Phèo (truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao), để làm rõ quan niệm nghệ thuật về con người mà các tác giả đã gửi gắm.
———–HẾT———-
 —————————————————————————————– 
ĐỀ ÔN THI SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Lễ hội dân gian là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần, thể hiện sức mạnh của cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc […] nhưng ngày nay, lễ hội dân gian lại đang dần biến tướng thành tệ nạn với nhiều hành vi phản văn hóa.
Đó là cảnh người dân chen chúc, xô đẩy, tranh cướp lộc của nhau, 1 số bạn trẻ nóng tính dẫn đến tình trạng ẩu đả, đánh nhau tại lễ hội. Chẳng hạn như lễ hội phết Hiền Quan, Phú Thọ được tổ chức vào ngày 13/1 mới đây. Hàng ngàn thanh niên trai tráng tham gia cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau khiến ít nhất 10 người ngất xỉu.
Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh được mệnh danh là một trong những “ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất Châu Á”. […] Để tỏ lòng với Phật, cầu lộc, cầu tài, cầu duyên, người người khi lên đến đây đã đua nhau dùng đồng tiền để thực hiện đủ các hành động mua thần, bán thánh, xua rủi cầu may. Họ chà, xát, gài, ném tiền như những cơn mưa vào chùa Đồng. Với những hành vi mê nhiều hơn tín đó, chùa Đồng, chuông đồng và cả khánh đồng ánh lên màu vàng, đỏ lấp lánh, hao mòn dần đi so với nguyên gốc. Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu an và chắc chắn sẽ không có phúc lành, bình an ở những nơi mà con người ứng xử với nhau bằng những nắm đấm, bằng bạo lực, bằng những hành động mua thần bán thánh hay bằng những cơ hội kiếm chác mất nhân tính. Có thể nói, tín ngưỡng của người dân Việt Nam đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người.”(Theo http://vietq.vn )
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính ?
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản ?
Câu  3. Theo anh/chị, căn cứ vào đâu tác giả cho rằng “tín ngưỡng của người dân Việt Nam
đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người” ?
Câu 4.  Thông điệp của văn bản trên?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Viết đoạn văn Khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh ( chị ) về hiện tượng được đề cập đến trong phần đọc hiểu: “Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu an và chắc chắn sẽ không có phúc lành, bình an ở những nơi mà con người ứng xử với nhau bằng những nắm đấm, bằng bạo lực, bằng những hành động mua thần bán thánh hay bằng những cơ hội kiếm chác mất nhân tính. Có thể nói, tín ngưỡng của người dân Việt Nam đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người”
Câu 2. (5,0 đim)
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Ngàn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, Núi Hồng”
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Cảm nhận anh/chị những nét đặc về sắc nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên. Từ đó liên hệ với bài thơ “Từ ấy” để làm rõ phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu?
—————————————————————————- 
ĐỀ ÔN THI SỐ 4
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
 “Chỉ còn hơn một tháng nữa là con sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, con biết kỳ thi này sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời con. Tuy mẹ không nói ra nhưng con biết từ sâu thẳm trong lòng mẹ mong con sẽ có kết quả thật tốt để được một tấm vé vào trường Đại học Ngoại thương.
Mẹ luôn nói với con rằng, phải học thật giỏi, phải đỗ đại học thì sau này mới có công việc ổn định, mới có thể sống thật tốt và làm chủ cuộc đời mình. Nhưng mẹ ơi, theo thống kê mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân ra trường và thất nghiệp chỉ vì “thừa thầy thiếu thợ”. Mẹ à, bằng cấp giống như một tấm vé để chúng ta bước lên một hòn đảo hoang nhưng có tồn tại được trên hòn đảo ấy không thì phải do năng lực và trí tuệ đúng không mẹ. Cuộc đời cũng vậy mẹ nhỉ? Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc. 
Trở thành một nhà đối ngoại kinh tế là ước mơ mà mẹ định hướng cho con và cũng là niềm tự hào của mẹ. Con biết khi con nói ra điều này mẹ sẽ sốc lắm. Thế nhưng mẹ ơi, mẹ nghĩ sao nếu con không nộp hồ sơ vào trường Đại học Ngoại thương như mẹ mong muốn mà con chọn học một trường nghề? Mẹ sẽ thất vọng vì con đúng không ạ? Chắc chắn là thế rồi bởi vì mẹ hy vọng ở con nhiều thế cơ mà. Con sẽ học nghề thay vì học đại học được không mẹ? Con muốn trở thành một người thợ lành nghề. Con thấy rằng, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về người thợ lành nghề càng cao. Trong khi mọi người chỉ đổ xô đi học đại học, lượng người đi học nghề rất ít. Thành một người thợ có lẽ cuộc sống sẽ vất vả hơn nhưng ít nhất con biết mình sẽ không thất nghiệp. Con sẽ tự lo cuộc sống của con và những người con yêu thương mẹ ạ. Con sẽ phấn đấu và nỗ lực để có những thành công của riêng con và không làm mẹ thất vọng. Và đương nhiên con vẫn là đứa con ngoan của mẹ.
Con muốn tự mình quyết định tương lai và cuộc đời mình. Con muốn làm một người thợ nghề thành công thực sự chứ không muốn thành một nhà đối ngoại trong mộng tưởng. Mong mẹ hãy ủng hộ con!” (Trích Thư gửi mẹ – Lời tâm sự của đứa con trước kỳ thi THPT quốc gia – Báo Infonet)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ chính của đoạn trích trên.
Câu 2. Vì sao người mẹ luôn mong muốn con mình phải vào được đại học?
Câu 3. Giải thích cụm từ “thừa thầy thiếu thợ”, tại sao nghịch lí đó lại diễn ra trong cuộc sống hiện nay?
Câu 4. Anh/ chị có cùng quan điểm với người con qua câu nói: Con muốn tự mình quyết định tương lai và cuộc đời mình? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Viết đoạn văn Khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về nội dugn được cập đến trong phần đọc hiểu: “Lễ hội đầu năm là để cầu phúc, lễ chùa đầu năm là để cầu an và chắc chắn sẽ không có phúc lành, bình an ở những nơi mà con người ứng xử với nhau bằng những nắm đấm, bằng bạo lực, bằng những hành động mua thần bán thánh hay bằng những cơ hội kiếm chác mất nhân tính. Có thể nói, tín ngưỡng của người dân Việt Nam đang bị “bán đứng” bởi lòng tham của chính con người”
Câu 2. (5,0 đim)
Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
                        (Tuyên ngôn độc lập, SGK Ngữ văn 12, tập 1, tr.39 , NXB Giáo dục 2008)
Phân tích nghệ thuật lập luận văn chính luận trong đoạn trích trên. Từ đó liên hệ với bài thơ Chiều tối (SGK Ngữ văn 11, tập 2) để làm rõ sự thống nhất và đa dạng trong quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh.
————————————————————————-

ĐỀ ÔN THI SỐ 5
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Tại sao…?” Tại sao không…?” và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!”. Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.
            Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình một bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ “chạm đến một lần rồi bỏ xó”. Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và  vươn ra biển lớn”
 (Trích Tìm kiếm niềm đam mê, Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr 17, 18)
Câu 1: Anh/chị hãy xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: “Tôi biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!?
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và  vươn ra biển lớn”?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần cá tính của bạn?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của niềm đam mê trong cuộc sống?
Câu 2. (5,0 đim)
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăn con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, SGK Ngữ Văn 12 tập 1, NXBGD VN)
Cảm nhận của anh/chị vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với khổ thơ sau để làm rõ cảm xúc khát vọng của các nhà thơ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
(Trích Vội Vàng – Xuân Diệu, SGK Ngữ văn 11 tập 2, NXBGD VN)
———–HẾT———-
————————————————————
ĐỀ ÔN THI SỐ 6
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
– Ông ơi, cuộc sống là gì? – Một cậu bé da đỏ hỏi ông mình.
– Ông cảm thấy cuộc sống như hai con sói đang đánh nhau, một con thì hung dữ, đầy thù hận, còn một con thì tràn ngập lòng yêu thương, vị tha. – Người ông trả lời.
– Thế con sói nào sẽ chiến thắng hả ông? – Đứa cháu ngây thơ hỏi.
– À, điều này còn tùy vào chúng ta muốn con nào thắng, cháu ạ! – Người ông chậm rãi đáp.
Câu chuyện trên hé mở cho chúng ta thấy một quy luật bất biến của vũ trụ, một quy luật có khả năng thay đổi cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên những gì mình nghĩ.
Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta suy nghĩ tích cực, thì những điều tốt đẹp của cuộc sống cũng đến với chúng ta. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực chỉ đem lại cho chúng ta những điều không mong đợi. Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng. Đúng như những gì trong quyển “The power of Positive Thinking” (Quyền năng của suy nghĩ tích cực), tiến sĩ Norman Vincent Peale đã viết: “Hãy kì vọng, chứ đừng hoài nghi. Vì sự kì vọng sẽ giúp bạn vượt qua bất kì khó khăn, trở ngại nào. Còn sự hoài nghi sẽ chỉ ngăn trở bạn mà thôi”.
Do đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể tạo nên những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình. Biết bắt tay vào thực hiện những công việc được coi là tốt nhất dành cho mình tức là bạn đang gửi một thông điệp rằng bạn không những biết quý trọng bản thân mà bạn còn mến yêu cuộc đời này biết bao. Với cuộc sống và với cá nhân bạn, không có điều gì là không thể. Bạn hãy tin vào điều đó!
 (Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 05)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng?
Câu 3. Theo văn bản,thế nào là suy nghĩ tích cực, thế nào là suy nghĩ tiêu cực?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu nói của tiến sĩ Norman Vincent Peale: “Hãy kvọng, chứ đừng hoài nghi. Vì sự k vọng sẽ giúp bạn vượt qua bất kkhó khăn, trở ngại nào. Còn sự hoài nghi sẽ chỉ ngăn trở bạn mà thôi” được dẫn ở phần Đọc hiểu
Câu 2. (5,0 đim)
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
(trích Tây Tiến – Quang Dũng)
Cảm nhận anh/chị về nét đặc sắc của các khổ thơ trên. Từ đó liên hệ đến khổ thơ sau trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử để làm rõ cảm hứng lãng mạn các nhà thơ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
———–HẾT———-
 ——————————————————–


ĐỀ ÔN THI SỐ 7
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sau khi tốt nghiệp, chắc chắn bạn sẽ dấn thân vào thị trường lao động ngay khi có thể. Nếu bạn sở hữu những kĩ năng mềm dưới đây thì cơ hội thành công của bạn rất cao. Theo bạn, đó là những kĩ năng gì ? Chúng tôi sẽ gợi ý một số kĩ năng mà các bạn sinh viên mới ra trường cần có: kỹ năng truyền đạt thông tin, kỹ năng sử dụng máy móc công nghệ, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng thích nghi nhanh và kỹ năng giao tiếp.
[…] Mục đích của giao tiếp là phải truyền tải được các thông điệp. Muốn truyền tải thành công, những suy nghĩ cũng như ý tưởng của bạn phải truyền đi một cách hiệu quả nhất. Nếu không, những ý tưởng của bạn sẽ không được phản ánh, gây hiểu lầm và tạo ra những rào cản để bạn đạt được mục tiêu. Brian Tracy, một trong diễn giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản trị nhân sự đã nói: “Để thành công trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp, bạn cần học kỹ năng giao tiếp. 85% thành công của bạn sẽ được quyết định bởi chính khả năng xây dựng các mối quan hệ của mình và chỉ có 15% được quyết định bởi bằng cấp, kiến thức và trí thông minh của bạn”.  Giao tiếp hiệu quả chính là bí quyết thành công của mỗi người trong cuộc sống. Giao tiếp không đơn thuần là một kỹ năng mà thực chất là một nghệ thuật. Và bạn là một nghệ sĩ, một diễn viên, một người viết kịch bản đồng thời là một đạo diễn tạo nên thành công của mình trước công chúng. Giao tiếp là một kỹ năng đời thường và cũng là một nhu cầu cơ bản của con người. Nói chuyện với người khác, trao đổi thông tin với người khác là một việc không dễ và thật sự khó khăn để bạn có thể tạo ấn tượng với họ khi giao tiếp. (Trích 50 điều trường học không dạy bạn và 20 điều cần làm trước khi rời ghế nhà trường, NXB Khoa học xã hội, 2016, tr. 293-294)
Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Tác giả đã nêu ra những kỹ năng mềm nào mà bạn sinh viên mới ra trường cần có? Đoạn trích chủ yếu bàn về kỹ năng gì?
Câu 3: Tại sao giao tiếp không đơn thuần là một kỹ năng mà thực chất là một nghệ thuật?
Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Và bạn là một nghệ sĩ, một diễn viên, một người viết kịch bản đồng thời là một đạo diễn tạo nên thành công của mình trước công chúng.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến Brian Tracy: Để thành công trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp, bạn cần học kỹ  năng giao tiếp.
Câu 2. (5,0 đim)
“Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.”
Cảm nhận của anh/chị về đoạn kết trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Từ đó liên hệ đến chi tiết Cửu Trùng Đài bị đốt trong vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô để làm rõ quan niệm về nghệ thuật của các nhà văn

————————————————-
ĐỀ ÔN THI SỐ 8
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tất nhiên, đối với con người, việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dùng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng,… tự chúng không kiếm được mồi sao ? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.
 Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.
[…] Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao ? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ. Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống. Người Châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”. (Fukazawa Yukichi, Khuyến học hay những bài học về tình thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, Nxb Thế giới, 2015)
Câu 1.Nhận diện phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra thái độ của tác giả đối với những người chỉ biết đến lợi ích cá nhân và gia đình.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 4. Phẩm chất nào của người Nhật Bản mà anh/chị có thể học tập và phát huy, nhất là trong cuộc sống hôm nay?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”.
Câu 2. (5,0 đim)
Cảm nhận của anh/chị về kết thúc vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ). Từ đó liên hệ đến kết thúc vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô để làm rõ thông điệp nhà văn muốn gửi gắm.
———–HẾT———-
 —————————————————————–
ĐỀ ÔN THI SỐ 9
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt dứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
(Theo Đặng Hoàng Giang, Vẻ đẹp của người đứng một mình, trích Bức xúc không làm ta vô can, NXB Hội Nhà văn, 2016)
      Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
      Câu 2. Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tổn hại gì?
      Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?
      Câu 4. Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề “Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân.”
Câu 2. (5,0 đim)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Từ đó liên hệ đến bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để làm rõ lý tưởng của thanh niên Việt Nam thời kỳ cách mạng
———–HẾT———-
 ——————————————————————————
  
ĐỀ ÔN THI SỐ 10
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Con đã được học và nghe giảng rất nhiều về lòng dũng cảm. Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm, không cô đọng nhưng đầy ý nghĩa.
Là bố, người đã nén nỗi đau quặn thắt vì căn bệnh ung thư mà mỗi tối vẫn đặt tay lên vai con, nói với con về cuộc đời, về đôi vai con sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho mẹ và chị. Những phút giây bố giành giật sự sống của mình để nhìn con lớn lên từng ngày, con không bao giờ quên. Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…
Là mẹ, người đã vất vả, tất bật vì công việc mà nuôi hai chị em con ăn học. Suốt mười mấy năm, quần quật từ lúc giọt sương chưa tan đến tận khi mặt trời co rúm ró phía đằng Tây, nhưng chưa buổi tối nào, mẹ bỏ con ngồi học một mình. Hình phạt “nặng nề” trong buổi học của con là những lần thước vào tay. Mẹ đã gửi lòng dũng cảm và niềm tin của mình trong bàn tay con, để những lần con nhìn thấy đường chỉ trên bàn tay và lại nghĩ về những vết chân chim nứt nẻ trên ruộng đồng mỗi mùa hạn hán…
Là chị, người đã cố gắng hết mình nhưng vẫn bị “trì hoãn thành công” sau kì thi Đại học. Nhưng suốt một năm sau đó, chị đã miệt mài hằng đêm với những quyển sách dày cộm, chỉ với một quyết tâm: “phải học cho mẹ đỡ khổ”. Ngày cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển, chị đã bật khóc lên vì sung sướng trong vòng tay mẹ. Những giọt nước mắt của chị cho con biết rằng thành công phải đổi bằng mặn chát của nước mắt và lòng dũng cảm của mình…
Hai mươi tuổi, con đã bước đi bằng hành trang vô giá là lòng dũng cảm. Bàn chân nhiều lúc tập tễnh ngã dúi dụi về phía trước, nhưng chưa một lần có ý định dừng lại… “Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm”, đó là cách duy nhất để con đã đang và sẽ vững bước trên chặng đưòng dài phía trước. Con đã đi, bước ra cuộc đời như thế!
(Nguyễn Thái Anh, Dũng cảm bước đi, bài dự thi báo Văn hóa và Thể thao ngày 14/5/2009)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Theo anh/chị vì sao người viết cho rằng: Bố đã gửi lòng dũng cảm của mình trên đôi vai con, để con luôn đứng vừng và mạnh mẽ tiến về phía trước…”
Câu 3. Nhưng những gì mà con đã được thấy ở sâu thẳm cuộc sống xung quanh đã chép lại trong con một định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm”. Theo anh/chị người viết đã “định nghĩa rất mới về lòng dũng cảm” như thế nào?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về chủ đề “Dũng cảm bước đi”
Câu 2. (5,0 đim)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp sông Hương trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Từ đó liên hệ đến hình ảnh “trời rộng sông dài” trong bài thơ Tràng giang (Huy Cận) để làm rõ mạch cảm xúc của nhà thơ trước cảnh sắc thiên nhiên
———–HẾT———-

5/5 - (1 bình chọn)

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468