RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị Marketing

Bí Quyết Tạo Call To Action Thu Hút Cho Trang Web

Advertisement
Trong marketing hiện đại, việc kết nối với khách hàng và khiến họ thực hiện những hành vi tương tác là điều rất quan trọng. Ở thời đại số, những hành vi tương tác này thường là hành động click chuột (hay chạm vào màn hình đối với tablet hoặc smartphone) để từ đó tạo nên sự chuyển đổi (conversion) –quá trình khách hàng truy cập website và có hành động trên website như mua hàng, đăng ký thành viên, đăng ký nhận email…
Trên thực tế, có nhiều trang web mua sắm hoặc các dịch vụ trực tuyến được đầu tư thiết kế giao diện đẹp mắt, chi trả khá nhiều tiền để quảng cáo và cũng có kha khá khách viếng thăm. Tuy nhiên, lý do nào khiến những người viếng thăm không biến thành khách mua hàng của bạn?
Một trong những lý do chính là khách truy cập gặp khó khăn trong việc điều hướng trên trang web của bạn, bởi những yếu tố kêu gọi hành động (call to action – viết tắt CTA) không được rõ ràng. Nói cách khác, khách truy cập không biết nhấn vào đâu trên trang web của bạn để thực hiện hành động (mua hàng, đăng ký khóa học, đăng ký nhận bản tin…) mà họ muốn.
Việc thấu hiểu call to action cũng như ứng dụng tâm lý học căn bản đằng sau nút call to action sẽ góp phần tạo nên hiệu quả to lớn cho doanh thu của bạn.


Call to action là gì?

CTA là thành phần báo cho người dùng biết họ nên làm gì, nên click vào đâu, và nên mua những gì khi truy cập vào trang web của bạn. CTA có chức năng “dẫn dắt” người dùng đến với trang thanh toán và biến một khách truy cập thành một khách mua hàng càng nhanh chóng càng tốt.
Ví dụ sinh động nhất về một CTA là nút “Mua ngay” hoặc “Đăng ký ngay” được đặt trên giao diện bán hàng. Về mặt nguyên lý, không có một đáp án nhất định cho vấn đề dùng nút bấm, từ ngữ, kiểu chữ hoặc kích cỡ như thế nào là hiệu quả nhất. Chính vì vậy, bạn phải thường xuyên kiểm tra và tối ưu hóa giao diện trang web của mình để có những phương án thay đổi phù hợp đối với CTA.
Theo nghiên cứu, đối với bộ não, một vài nút bấm có sức thu hút khiến người ta click vào nhiều hơn các nút bấm khác. Những năm gần đây, người làm tiếp thị thông minh trong thời đại số đã sử dụng khoa học não bộ cơ bản để áp dụng vào những chiến dịch marketing để thu hút sự chú ý của khách hàng. Theo đó, nút CTA cũng không phải ngoại lệ.
Sau đây là một số bí quyết giúp bạn tăng tỉ lệ click vào nút CTA hiệu quả hơn:


1. Tăng tính cấp bách để tăng tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate)

Mục đích cuối cùng của nút CTA là thúc đẩy người dùng thực hiện tương tác ngay lập tức. Do đó, bạn cần sử dụng những câu chữ khiến người dùng không thể không click bằng cách tăng tính cấp bách của việc mua hàng. Khi khách hàng cảm thấy cơ hội mua hàng đang bị giới hạn, cảm giác bị thôi thúc mua hàng bên trong của họ sẽ tăng lên.
Ví dụ, nếu bạn thể hiện ở nút CTA trên web về số lượng sản phẩm còn lại như “Chỉ còn 5 ưu đãi” hoặc một dòng với nội dung “Mua ngay – chỉ giảm giá trong hôm nay” thì đó chính là cách bạn tạo cảm giác cấp bách nơi khách hàng. Một trường hợp được nghiên cứu bởi nhóm ConversionXL (một nhóm nghiên cứu và viết blog về cách nâng cao tỉ lệ chuyển đổi) cho thấy: bằng cách thêm yếu tố cấp bách vào sản phẩm đang bán, chủ doanh nghiệp có thể tăng tỉ lệ chuyển đổi thêm 332%. Con số đó quả là một lợi thế cực lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào.
Khi viết nội dung cho nút CTA, bạn nên sử dụng những động từ chủ động để thúc đẩy hành vi click chuột của người dùng. Tuy nhiên, việc lạm dụng những từ ngữ tạo tính cấp bách đôi khi cũng gây ra phản ứng tâm lý trái ngược. Hãy thử tưởng tượng, bạn là một khách hàng và đang ghé thăm một trang web về thời trang để chọn mua một chiếc áo mới. Bên dưới bài viết là khu vực hiển thị hình ảnh chiếc áo với nút “MUA NGAY” được viết in hoa và thiết kế khá rực rỡ. Với một số khách hàng, ngay lập tức họ sẽ hình thành phản ứng khó chịu vì cảm thấy như đang bị “hét” vào mặt kiểu “Có mua ngay không thì bảo!”. Để hạn chế điều này, bạn có thể chuyển sang dùng những từ ngữ nhẹ nhàng mà vẫn thân thiện như “Sở hữu ngay”, “Bỏ ngay vào giỏ hàng”…
Có thể thấy, việc lựa chọn những câu từ trên nút CTA ngắn gọn chưa hẳn đã là tốt (như trường hợp “MUA NGAY” ở trên là một ví dụ). Một khi đã kêu gọi một hành động mà bạn muốn tối ưu hóa, hãy tự hỏi mình 2 câu hỏi:
  • Có điểm nào thu hút khiến khách hàng tiềm năng của bạn sẽ nhấn nút CTA này?
  • Các khách hàng tiềm năng của bạn mong muốn gì khi nhấn vào nút CTA này?


2. Sử dụng những màu sắc thu hút

Tuy hiệu quả chuyển đổi cao nhất không phụ thuộc vào một màu nhất định nào, bạn cũng phải bảo đảm màu sắc mà mình đang sử dụng hài hòa với thương hiệu và phù hợp với đối tượng khách hàng. Hình dạng, màu sắc của nút bấm chính là yếu tố thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng một cách trực quan. Nó giải quyết vấn đề “Tôi nên bấm ở đâu?” của khách hàng.
Google trước đây đã thử nghiệm 50 sắc thái khác nhau của màu xanh cho nút CTA của họ và tìm ra được sắc thái có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất. Có lẽ bạn không thể kiểm nghiệm trên 50 sắc thái khác nhau của một màu, nhưng bạn vẫn có thể thử nghiệm một vài màu khác nhau. Mỗi màu sắc trong marketing sẽ tạo ra cảm giác khác nhau, chẳng hạn như màu đỏ thể hiện sự gấp rút, màu cam sẽ thúc đẩy hành động, còn màu xanh lá cây giúp thư giãn tâm trí và thúc đẩy tăng trưởng.
Sau đây là một vài bí quyết bạn có thể tham khảo khi quyết định màu sắc được sử dụng cho CTA:
  • Sử dụng màu trắng cho không gian bao quanh CTA, giúp khách hàng xác định rõ nên click ở đâu.

  • Bảo đảm CTA nổi bật so với nền và có một sự tương phản tốt giữa màu sắc của nút (button) và màu sắc của trang web.
  • Hạn chế hòa trộn quá nhiều màu sắc và ảnh minh họa.


Hình dáng và kích thước thân thiện

Có rất nhiều số liệu và nghiên cứu cho thấy sử dụng các nút bấm sẽ tạo hiệu quả tốt trong việc hướng khách viếng thăm trang web đến khâu thanh toán. Do vậy, bạn nên đảm bảo sao cho CTA xuất hiện dưới dạng nút bấm chứ không đơn thuần là câu chữ. Ngay cả khi nút bấm CTA có viền mỏng bao quanh thì điều này cũng hay hơn là chỉ có link dưới dạng chữ.
Nút bấm của bạn cũng nên đủ lớn để có thể dễ dàng tương tác trên các thiết bị di động, chỉ cần đừng quá lớn đến mức phá hỏng tổng thể thiết kế. Để hiển thị trang web trên các smartphone, các doanh nghiệp thiết kế thiếu chuyên nghiệp thường làm các nút CTA quá nhỏ. Nếu người sử dụng phải phóng to lên để click vào nút CTA hoặc click sai bởi kích thước quá nhỏ thì thông thường, họ sẽ thất vọng và rời khỏi trang web.
Nếu không chắc chắn về kích thước nút CTA của bạn, hãy thử một mẹo nhỏ sau đây: hãy quay đi chỗ khác một lúc rồi quay lại màn hình máy tính, nheo mắt nhìn lại trang web – khi đó tất cả các chi tiết sẽ mờ và bạn chỉ nhìn thấy những hình dạng chung; nếu nút CTA vẫn nổi bật lên, thì kích thước bạn chọn đang rất tốt.


Đặt nút CTA ở vị trí nổi bật

Một lời khuyên dành cho các marketer là nên đặt nút CTA ở vị trí nửa trên của trang web(hay còn gọi là “above the fold”, trong đó “fold” là một điểm trên trang web mà từ đó người dùng phải cuộn xuống mới thấy được các phần bên dưới). Bất cứ phần nội dung nào nằm phía trên của trang web sẽ trở thành nội dung mà khách hàng thấy được ngay lập tức khi họ truy cập trang web của bạn.
Theo nghiên cứu, người dùng thường bỏ ra hơn 80% thời gian để tương tác phần trên của khối thông tin. Do đó, bạn sẽ phải thu hút những người đang sẵn sàng hành động ngay lập tức chứ không nên bắt họ đọc hết toàn bộ nội dung mới thấy được nút CTA. Nếu bạn có thể khiến cho khách hàng chú ý ngay tại vị trí trên thì nhiều khả năng là họ sẽ tiếp tục click vào các nội dung và đi đến những trang khác trong website của bạn.
Ngoài ra, một nút bấm với nền trắng xung quanh sẽ trở nên vô cùng nổi bật. Vì vậy, hãychừa cho nút bấm của bạn có nhiều khoảng trống, nhưng đừng quá nhiều đến nỗi khiến người dùng cảm thấy nó bị “cô lập” khỏi giao diện. 
Hãy xem qua một số trang bán hàng thành công đã áp dụng một vài thủ thuật trên vào website của họ:

1. Beastmode Apparel
Bằng cách cho khách hàng biết rõ rằng sản phẩm áo khoác với phiên bản hai màu đen – vàng có số lượng giới hạn, ngay lập tức chủ shop đã làm tăng “độ hiếm” của sản phẩm và khiến khách hàng cảm nhận được sự cấp bách.  
Lý do thứ hai là họ đã tận dụng được nguyên lý làm nổi bật CTA bằng cách bao quanh cụm từ “Shop Now” với khung viền hình chữ nhật. Điều này giúp nút CTA nổi bật trên ảnh nền và chiếm được sự chú ý của khách hàng.

2. Department of Motivation
Department of Motivation đã tận dụng được việc đặt những thành phần quan trọng nhất lên đầu trang. Thêm vào đó, việc sử dụng hiệu quả một hình ảnh cỡ lớn giúp khách hàng biết được đó là sản phẩm gì, trông như thế nào, và chính xác là họ nên click ở đâu.
Bằng cách ứng dụng responsive design, họ làm cho trang chủ được hiển thị rất tốt và đầy đủ trên bất cứ thiết bị nào, với bất cứ độ phân giải nào. 

3. Manspack
Trang chính của Manpacks là một ví dụ xuất sắc cho việc ứng dụng những thủ thuật mà chúng ta đã biết. Nút CTA chính được đặt ở nửa trên trang web, nằm trên phần ảnh chủ và cực kỳ rõ ràng.
Họ mô tả rõ những gì mình đang bán, có nút CTA rất nổi bật cũng như cho phép khách hàng bắt đầu bằng cách kết nối với tài khoản Facebook.
Sau khi chúng ta đã xem qua những ví dụ về cách làm CTA, bây giờ đến lượt bạn hành động và áp dụng một vài thủ thuật cho trang bán hàng của mình. Không có một công thức chung nào để tạo ra tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) tăng vọt. Hãy thử “làm thí nghiệm” nhiều hơn trên trang web của bạn với một vài sự biến tấu về màu sắc, câu chữ, và xem chúng đem lại hiệu quả như thế nào. 

Chúc bạn thành công.
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468