Để có một bức thư xin việc và CV (sơ yếu lý lịch) hoàn hảo, gây ấn tượng và thuyết phục, bạn phải “bán cái người khác cần mua, bán cái thị trường cần, chứ không nên rao bán cái mình có”.
Đó là nguyên tắc đầu tiên mở màn cho chặng đường xin việc.
Những việc đầu tiên cần thực hiện đó là cần phải tìm hiểu về nhà tuyển dụng, phải biết họ cần gì, họ muốn gì. Những thứ họ cần bạn có không, nếu có, hãy nêu bật chúng, tận dụng chúng tối đa để làm nhà tuyển dụng hài lòng.
Đối với nhà tuyển dụng, điều quan trọng là tuyển được người có khả năng phù hợp với công việc. Họ không cần một người bằng cấp đầy mình nhưng lại chẳng ăn nhập gì với công việc cả. Vì vậy, dù bạn có rất nhiều bằng cấp cũng đừng nghĩ rằng cứ liệt kê hết ra là đủ.
Đừng quá phô trương bản thân nhưng phải biết chú trọng vào những điểm mạnh của mình, tránh để lãng phí chúng.
HS xin việc thường bao gồm:
– Đơn xin việc (Cover Letter)
– Sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae /Resumé)
– Bằng cấp – Thư giới thiệu.
– Các tài liệu chứng minh thành tích.
Thư giới thiệu hay còn gọi là Thư tiến cử. Có nhiều cách để bạn có được thư này. Thư này có thể được viết bởi người quản lý bạn trong công ty bạn vừa mới nghỉ việc. Thư tiến cử cũng có thể được viết bởi người cấp trên của của bạn trong công tác Đoàn Hội, hay chính là giáo viên bộ môn mà môn đó bạn học xuất sắc. Thư tiến cử chắc chắn sẽ là một lợi thế của bạn so với các ứng viên khác.
Có 4 kiểu CV cơ bản: CV kiểu kỹ năng, CV theo trình tự thời gian, CV theo kiểu chức năng, CV kiểu hình tượng.
Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm trước tiên tới những CV cơ bản nhưng đầy đủ thông tin và dễ tiếp nhận. Đây là một trong những lý do đòi hỏi bạn phải thực sự nghiêm túc tìm hiểu trước khi viết CV xin việc.
Các chuyên gia tuyển dụng cũng đưa ra lời khuyên: Chọn lựa cỡ chữ 12, 13, phông chữ cơ bản như Arial, Verdana, Calibri, và Times New Roman là phù hợp. Ngoài ra, với những tiêu đề lớn, bạn có thể tô đậm hoặc lựa chọn cỡ chữ to hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều từ in đậm, in nghiêng, gạch chân hay các tính năng làm nổi bật khác. Quan trọng trong CV của bạn, mọi thứ phải hoàn toàn thống nhất.
Các nội dung chính của một CV:
1. Thông tin cá nhân: Họ và tên, giới tính, năm sinh, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại.
2. Học vấn: Cao học (Đại học), chuyên ngành, năm tốt nghiệp, các khóa ngắn hạn có liên quan. Thành tích nổi bật, cho kèm bằng khen (nếu có).
3. Kinh nghiệm làm việc: Bạn có thể sắp xếp theo nhiều cách: Theo thứ tự từ công việc gần nhất, theo thứ tự kinh nghiệm liên quan quan trọng nhất. Các thành quả đạt được trong công việc. Thêm kinh nghiệm bán thời gian hoặc tình nguyện.
Các bạn sinh viên mới ra trường hơi thiếu khoản này. Vì vậy, ngay bây giờ phải gấp rút lăn xả vào thực tế, hòng kiếm cái để ghi vào mục này đi nhé. Không cần phải liệt kê tất tần tật những công việc lớn nhỏ mà bạn đã làm qua. Chỉ cần lựa chọn một hai công việc có giá nhất và thành tựu lớn nhất đạt được là đủ.
4. Các kỹ năng có liên quan đến công việc:
Khả năng giải quyết vấn đề. Ví dụ: “Tôi đã tham gia đề tài giải quyết vấn đề nghỉ học của sinh viên. Tôi đã phỏng vấn một số sinh viên để tìm ra nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp để hạn chế sinh viên bỏ học. Kết quả là lượng sinh viên bỏ học đã giảm 20% sau 3 tháng áp dụng”.
Khả năng giao tiếp – kỹ năng thuyết trình. Hãy liệt kê các dịp phát biểu trước công chúng, các bài thuyết trình ở hội thảo. Ví dụ: “Tôi đã từng được mời phát biểu trong kỳ Đại hội Hội Sinh viên TP.HCM năm 2005”.
Khả năng trình bày.
Khả năng quản lý thời gian.
Khả năng quản lý dự án.
Một số kỹ năng ngoài, những sở trường đặc biệt, ít người có.
5. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ cần sử dụng súc tích, tránh dài dòng, bóng bẩy hay thái quá, ngoa ngôn.
6. Sở thích, mối quan tâm: Chỉ ghi khi thực sự cần thiết hoặc có liên quan hay mang tính đặc trưng cho nghề nghiệp.
7. Người tham khảo: Là người sẵn sàng chứng thực cho bạn về những khả năng tuyệt vời mà bạn có. Người đó phải sẵn sàng tiếp đón đại diện công ty mà bạn ứng tuyển nếu công ty đó có nhu cầu thẩm tra về bạn. Người tham khảo có thể cũng chính là người viết Thư giới thiệu cho bạn.
Cách viết thư xin việc:
* Phần giới thiệu:
Giới thiệu vắn tắt về bạn và những giá trị mà bạn có thể mang đến cho công ty.
* Phần thân bài:
Trình bày kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn và thành tích của bạn.
* Phần kết:
Bày tỏ mong muốn chân thật và tâm huyết của bạn được làm việc với công ty
6 điểm nhấn để đạt 100 điểm cho thư tìm việc của bạn
1. Đừng bắt đầu bằng “Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí… đăng trên báo X ngày…”
Chắc bạn còn nhớ NTD chỉ dành khoảng 15 giây để “liếc” qua hồ sơ của ứng viên, vì vậy câu đầu tiên của bạn phải bắt được sự chú ý của họ. Thử nghĩ mà xem, NTD sẽ cảm thấy như thế nào nếu nhận được 100 hồ sơ và có đến 90 hồ sơ bắt đầu bằng câu nói truyền thống trên? Vì vậy, cách hay nhất để thu hút sự chú ý của NTD là bạn nêu các kỹ năng nổi bật của mình “Với 5 năm kinh nghiệm về quản lý dự án, tôi tin mình sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Quý công ty”.
2. Chọn cách xưng hô
Bạn nên nêu rõ tên của người phụ trách tuyển dụng (để làm được điều đó bạn phải dành thời gian tìm hiểu) “Thưa Ông/Bà X” thay vì “Thưa Ông/Bà” chung chung. Như thế vừa tạo được sự gần gũi vừa thể hiện bạn là ứng viên chuyên nghiệp.
3. Trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp
Trong phần chính của thư tìm việc, bạn chỉ nên trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Minh họa thành tích của bạn bằng số liệu cụ thể là cách tốt nhất để tạo ấn tượng thuyết phục đối với NTD. Để trình bày kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp, bạn cần đọc thật kỹ mục mô tả công việc.
4. Nhấn mạnh đam mê của bạn đối với công việc và công ty
Bạn đừng bao giờ đề cập đến “lý do tài chính” ở đây (cho dù đó là sự thật!). Thay vào đó, hãy khéo léo bày tỏ đam mê của bạn đối với công việc, với những cơ hội mà công việc này sẽ mang đến cho bạn. Để “tranh thủ” tình cảm của NTD (hẳn bạn còn nhớ cảm nhận của NTD đóng vai trò như thế nào đối với quyết định tuyển chọn ứng viên), bạn có thể bày tỏ sự khâm phục của mình đối với truyền thống, thành tựu và văn hóa của công ty.
5. Đừng viết quá dài
Thư tìm việc không phải là tác phẩm văn chương nên bạn đừng viết dài quá vì điều đó chỉ khiến NTD ngán ngẩm. Một thư tìm việc lý tưởng chỉ nên gói gọn trên một trang A4.
Thư tìm việc nên được trình bày dễ đọc, không cần màu mè. Bạn nên định dạng thư tìm việc với những kiểu chữ dễ nhìn như Arial, kích thước chuẩn là 12.
6. Kết thúc bằng sự nhiệt huyết
Giống như một bản giao hưởng nổi tiếng, bạn nên kết thúc thư tìm việc của mình bằng một nốt nhạc cao vút khơi gợi sự hứng khởi đối với người nghe. Hãy thể hiện sự sẵn sàng gặp gỡ NTD trong một buổi phỏng vấn gần đây nhất. “Tôi rất mong được gặp ông/bà để chúng ta có thể trao đổi thêm về kinh nghiệm của tôi ở vị trí này. Ông/Bà có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào theo số điện thoại 0903…” Để lại số điện thoại là cách giúp NTD liên lạc với bạn nhanh chóng trong trường hợp họ “chấm” bạn.
Thư tìm việc ngắn thôi nhưng lại đóng vai trò quan trọng không nhỏ đến việc bạn có lọt vào “mắt xanh” của NTD hay không. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và chất xám tương xứng cho nó. Cuối cùng, bạn nên đọc thật kỹ thư tìm việc sau khi viết xong để lỗi ngữ pháp/chính tả không làm hỏng tình cảm tốt đẹp của NTD dành cho bạn nhé.
TruongVu
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.