– Nếu bạn không có may mắn được lọt vào danh sách những người mà đại tỷ phú trong lĩnh vực giải trí Donald Trump gọi là có số “giàu từ trong trứng”, nghĩa là bạn không được sinh ra trong một gia đình giàu có, thì ít nhất bạn cũng đã một lần nghĩ đến việc làm thế nào để giàu lên được. Cũng có thể, bạn đã từng nghĩ làm thế nào để kiếm được 1 triệu đầu tiên, hoặc làm thế nào để nhanh chóng có bạc tỷ.
Nếu bạn từng nung nấu ý tưởng này thì trước khi bắt tay vào biến nó thành hiện thực hãy tự đánh giá mình một cách thật khách quan xem bạn có sở hữu những phẩm chất cá nhân giống như ở các nhà tỷ phú thế giới hay không.
Nhìn và thấy
Những người tự tay làm nên bạc tỷ như Bill Gates hoặc Warren Buffet, thực chất là những nhà cách mạng. Nhà cách mạng ở đây được hiểu theo nghĩa họ không chỉ đạt được sự vượt trội trong một ngành công nghiệp nào đó, mà còn thực hiện các cuộc cải tổ mang ý nghĩa cách mạng đối với ngành đó. Để làm được điều vĩ đại ấy, tất nhiên là họ phải có trí tuệ, sự dũng cảm và cả yếu tố may mắn. Nhưng, ngần ấy thứ dường như vẫn là chưa đủ. Yếu tố cốt lõi mang đến cho họ thành công chính là khả năng nhìn xa trông rộng và nhữn phán đoán mang tính tiên tri.
Gerald Kraines, Giám đốc điều hành Levinson Institute nhận định rằng những tỷ phú tự mình làm nên cơ nghiệp đều có khả năng đoán trước được tương lai phát triển của sự việc và thấy được điều phần đông người khác không thể thấy.
Cách đây vài năm, các giáo sư trường Harvard Business School là Antony Maijo và Nitin Noria đã lập ra danh sách 100 nhà lãnh đạo kinh doanh kiệt xuất nhất nước Mỹ thế kỷ 20. Trong đó, từng nhân vật được xem xét trong một bối cảnh lịch sử nhất định và nghiên cứu mối quan hệ giữ những sự kiện xảy ra vào thời điểm đó với hoạt động của từng người. Kết quả là, các giáo sư đã xác định được nhân tố then chốt làm nên thành công trong kinh doanh của phần đông các nhà lãnh đạo chính là khả năng phản ứng một cách hiệu quả với thực tiễn.
Maijo đã định nghĩa trí tuệ như là khả năng hiểu được ở tầm vĩ mô các nhân tố xảy ra ở một thời điểm nào đó. Nghĩa là thành công trong kinh doanh và bạc tỷ chỉ đến với những người có khả năng nắm bắt được những xu thế đang nảy sinh và sử dụng được sức mạnh của những thay đổi.
Tự tin hay tin vào chính mình
Trong khi sự tự tin có thể dẫn đến những kết cục buồn thảm thì sự tin tưởng vào sức mạnh nội lực và sự đúng đắn của bản thân lại là một nét khá đặc trưng của tất cả các tỷ phú. Sự tin tưởng này giống như sức mạnh để đạt được mục đích đề ra. Piter Skarzinki, Giám đốc tập đoàn tư vấn Strategos từng khẳng định tất cả các tỷ phú đều có một điểm chung là họ luôn có một niềm tin vững chắc rằng họ đã tìm được phương pháp tốt nhất để giải quyết một vấn đề nào đó.
Ngoài ra, các tỷ phú còn có một phẩm chất khác là sẵn sàng mạo hiểm. Công việc kinh doanh càng phát triển thì tỉ lệ rủi ro càng tăng. Điều này có nghĩa là nhà tỷ phú không được phép sợ hậu quả có thể xảy đến.
Tâm lý giàu có
Tiến sỹ Sedney Lekker, nhà tâm lý nhiều năm làm việc với các nhà kinh doanh và chuyên gia cao cấp từng nghiên cứu phẩm chất của những người giàu và viết nên cuốn sách đắt giá “The Money Personality”. N.Y.: Simon & Schuster. 1979. Trong công trình của mình, ông sử dụng thuật ngữ «money personality», hiểu nôm na là một nhân cách có thể “hút” được tiền về phía mình. Trả lời câu hỏi về việc những nhân cách này có khác người thường không, Lekker khẳng định ngay rằng rất khác, thậm chí hoàn toàn khác. Ông đã đưa ra 7 khả năng khác biệt của những người “đông tiền”. Đó là:
1. Những người này không sợ cái “to lớn”. Họ không hề ngại phải làm việc với những con số lớn, những dự án lớn, không ngại phải làm việc với những người cao lớn hay một nhân cách lớn.
2. Họ luôn biết cách đặt ra những mục tiêu đơn giản. Họ biết mục đích và sứ mệnh kinh doanh của mình và hoàn toàn không bị sao nhãng bởi những nhiệm vụ không liên quan đến việc phát triển kinh doanh.
3. Tất cả những người này đều có khả năng tư duy hết sức đặc biệt “không phụ thuộc vào trường sinh học”. Nói cách khác, họ không bị lúng túng bởi những tiểu tiết vụn vặt trong quá trình thảo luận và lập kế hoạch. Trong khi những người bình thường nhìn thấy sự lộn xộn hoặc các số liệu phức tạp thì những cá nhân thành đạt trong kinh doanh lại rất nhanh chóng rút ra được những thông tin cần thiết từ mớ bòng bong.
4. Những nhân cách «Money personalities» còn khác với người thường ở khả năng tư duy trừu tượng rất phát triển. Họ có khả năng chỉ dùng tư duy “mường tượng” để lên kế hoạch và điều khiển các công việc liên quan đến xây dựng nhà máy, sản xuất, thậm chí là hoạt động bán hàng.
5. Họ có khả năng thích ứng nhanh với cái trừu tượng và tiến lên phía trước ngay cả khi chưa có đủ thông tin. Nhờ đó, họ thường là những người về đích trước người khác. Từ đây, họ được số đông ngưỡng mộ, tôn trọng và mong muốn được theo họ.
6. Một nét đặc trưng khá quan trọng nữa của những người thành đạt trong kinh doanh là ý thức trách nhiệm cao. Mặc dù họ hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc điều khiển ý chí của người khác, nhưng cũng luôn ý thức được rằng không ai có thể điểu khiển ý thức trách nhiệm. Vì thế, nếu ở đâu đó công việc không được suôn sẻ thì những người này luôn biết rằng đó là công việc và trách nhiệm của họ. Họ không có thói quen đổ lỗi cho người khác.
7. Đặc điểm cuối cùng là họ không bao giờ cảm thấy hối hận vì đã quá say mê đến thành công. Họ luôn hài lòng với ý nghĩ rằng họ là những người kiệt xuất và có quyền sở hữu lượng tài sản “kiệt xuất”, thậm chí là nhiều hơn thế.
Nếu tổng hợp các đặc điểm này lại, chúng ta có thể dựng được chân dung của một người luôn tin vào bản thân và tin vào việc anh ta là người sở hữu xứng đáng đối với tất cả khả năng và sự sung túc do đồng tiền đem lại.
Tự khẳng định lại lần nữa
Nếu bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời thì hãy tự hỏi mình một lần nữa. Ví dụ như bạn có khả năng đưa ra những quyết định cứng rắn và phi thường vì sự phát triển trong kinh doanh không? Nếu để làm điều đó bạn có sẵn sàng đi ngược lại với ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người đã cùng chung tay khởi nghiệp với bạn?
Bạn đánh giá sự độc lập của mình cao đến đâu? Bạn sẵn sàng thể hi sinh những gì? Lưu ý rằng, việc kinh doanh càng phát triển thì lịch công tác và quyết định của bạn càng ngày càng ít phụ thuộc vào bạn. Đấy là chưa kể bạn còn có các các nhà đầu tư, các cổ đông và hội đồng quản trị. Bạn sẽ phải xem xét quyết định của họ.
Bạn đã sẵn sàng xuất hiện trước công chúng? Nếu chỉ nghe nhắc đến đám đông, đầu gối bạn đã run lên thì lúc đó ai sẽ là người giới thiệu công ty bạn tới công chúng? Và ai sẽ là người thay bạn phát biểu trước các cuộc họp tại hội đồng quản trị và trả lời phỏng vấn báo đài?
Và điều cuối cùng, bạn đã chuẩn bị tâm lý cho việc vì lòng say mê lao động, vì thành tích và tài sản của bạn, người ta sẽ không những không kính trọng mà còn nghen ghét, ganh tỵ?
Theo Forbes, Harvard Business School
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.