Nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn, đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại phiên Quốc hội thảo luận quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 cuối tuần qua. Cái gọi là “ngưỡng an toàn” của nợ công Việt Nam đã hơn một lần được các nhà làm quản lý khẳng định, song, theo giới chuyên gia kinh tế, nếu tính đúng, và nhìn xa hơn, vấn đề nợ công hiện nay là rất đáng lo ngại.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, nợ công tại Việt Nam tăng nhanh một cách đáng lo ngại. Và theo giới chuyên gia, nếu tính đúng, tính đủ theo thông lệ quốc tế, con số nợ công của Việt Nam có thể sẽ cao hơn nhiều thông lệ quốc tế. Bởi nếu nhìn vào mức độ nợ công phổ biến được khuyến cáo ở các nền kinh tế đang phát triển, chỉ từ 30-40%GDP, thì con số 54,9% đã là con số cao hơn rất nhiều mức khuyến cáo nói trên. Còn nếu so nợ nước ngoài của Việt Nam đối với các nước ASEAN, thì Việt Nam đang được xếp ở… “top đầu”.
Nợ công vẫn trong giới hạn cho phép
Theo số liệu của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, tổng số dư nợ công đến 31-12-2011 bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với năm 2010, song con số này vẫn trong giới hạn cho phép. Khẳng định điều này một lần nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, so với quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, cũng như Quyết định phê duyệt chiến lược nợ công, nợ công được phép bằng 65% GDP. Hiện nợ công của Việt Nam vẫn chưa đến mức này, do đó vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Nhìn vào con số, lẽ đương nhiên, vẫn có thể khẳng định điều này. Song, nếu nhìn vào thực tiễn, không thể không lo lắng về sự gia tăng nhanh chóng của vấn đề nợ công. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nợ công tại Việt Nam tăng nhanh một cách đáng lo ngại. Và theo giới chuyên gia, nếu tính đúng, tính đủ theo thông lệ quốc tế, con số nợ công của Việt Nam có thể sẽ cao hơn nhiều thông lệ quốc tế. Bởi nếu nhìn vào mức độ nợ công phổ biến được khuyến cáo ở các nền kinh tế đang phát triển, chỉ từ 30-40%GDP, thì con số 54,9% đã là con số cao hơn rất nhiều mức khuyến cáo nói trên. Còn nếu so nợ nước ngoài của Việt Nam đối với các nước ASEAN, thì Việt Nam đang được xếp ở… “top đầu”.
Bài học từ khủng hoảng nợ công ở Châu Âu vẫn còn đang nóng hổi. Trong đó không thể không nhắc lại câu chuyện của Cộng hòa Sip. Quốc gia này đã có nợ công chiếm đến 85% GDP, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này của Sip đã nhiều lần được giới chuyên gia phân tích, mổ xẻ, đó là do những lỏng lẻo trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ, cũng như việc đầu tư không kiểm soát vào những nơi rủi ro cao… Những nguyên nhân khiến Sip rơi vào khủng hoảng nợ công, được các chuyên gia nhìn nhận, thấy bóng dáng của Việt Nam trong đó. Do vậy, nếu coi cuộc khủng hoảng nợ công của Sip là bài học để Việt Nam tránh đi vào “vết xe đổ”, hay nói đúng hơn không quá chủ quan với “ngưỡng an toàn” của nợ công hiện nay cũng là điều chúng ta nên thừa nhận.
Không thể chủ quan!
Một chuyên gia kinh tế nhận định, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP để nói rằng Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng an toàn thì hơi chủ quan. “Chúng ta không thể cứ ung dung khi thấy còn xa nợ công mới đến mức giới hạn, trong khi một loạt các vấn đề đằng sau nó lại chưa giải quyết nổi” – vị chuyên gia này thẳng thắn. Một loạt các vấn đề đó là gì? Sự hoạt động yếu kém của hệ thống ngân hàng, những bất cập trong điều hành tài chính tiền tệ, nợ xấu, bong bóng bất động sản… Đó là những “khối u” vẫn chưa được phẫu thuật đối với nền kinh tế Việt Nam. Và khi tất cả các vấn đề này chưa được giải quyết, thì chúng ta không thể chủ quan đối với bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề nợ công.
TS Lê Xuân Nghĩa không ít lần nhấn mạnh rằng, nếu như hệ thống ngân hàng không làm tốt vai trò của mình thì sẽ bóp chết tất cả các thị trường: Chứng khoán, bất động sản, tín dụng… Và đương nhiên nền kinh tế sẽ chết theo khi những mảng được coi là xương sống đều đã bị gãy. Điều này, không phải là nguy cơ đối với câu chuyện khủng hoảng nợ công hay sao?
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây với chủ đề “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam”, chỉ ra câu chuyện khủng hoảng nợ công của châu Âu, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Học Viện Ngoại giao đã có kết luận rằng: Khủng hoảng nợ công ở châu Âu một phần nguyên nhân chính bởi những bất hợp lý từ mô hình kinh tế thiên về dịch vụ tài chính và ngân hàng. Theo ông Tuấn, trong khi ngành dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển mạnh nhưng chủ yếu dựa trên kẽ hở của thị trường, thiên về đầu cơ tài chính nên xuất hiện những viễn cảnh giàu có ‘ảo’. Hậu quả làm nảy sinh nhiều bất ổn trong cơ cấu ngành nghề, phân khúc giàu nghèo và số người thất nghiệp tăng lên sống nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ. Và theo TS Tuấn, đây chính là bài học đắt giá đối với vấn đề nợ công của Việt Nam.
Có lẽ, cần phải nhắc lại, chúng ta không nên có tâm lý “yên tâm” nếu chỉ nhìn vào con số tỷ lệ nợ công trên GDP được cho là “an toàn” khi một loạt các vấn đề căn cơ của nền kinh tế vẫn chưa được giải tỏa triệt để. Và cho dù đưa ra nhận định, nợ công vẫn ở giới hạn cho phép, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vẫn cảnh báo, nợ công đang có xu hướng tăng nhanh. Bởi vậy, tăng cường quản lý nợ công vẫn là yêu cầu đặt ra đối với chúng ta lúc này và quan trọng vẫn là “không thể chủ quan”.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.