(QBO) – “Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình…”. Cứ mỗi lần chạm những ngã đường dẫn lên khắp một dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Bình, những câu thơ của một thời cha ông “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” lại dội ngược về trong ký ức.
1. Tháng mười… từ thành phố Đồng Hới yên bình bên dòng Nhật Lệ, tôi bắt đầu hành trình mới, không biết đây là chuyến đi thứ trăm lẻ mấy của mình lên với núi rừng Trường Sơn. Vâng! Hàng trăm chuyến “ngược đường, ngược nắng” với Trường Sơn, lên đại ngàn nhưng không lần nào cảm xúc giống lần nào.
Những hình ảnh không cũ, tươi mới, đầy ám ảnh, bám lấy mình dù khi đã về xuôi. Trường Sơn… những ngôi nhà sàn lạc lõng, trơ vơ, nghèo nàn, dột nát một thời nay “thay áo” thanh bình, no ấm. Trường Sơn những ánh mắt trẻ trong veo, nụ cười ngọt ngào bắt gặp một thoáng nơi ngôi trường rộn vang tiếng học bài…
Có một Trường Sơn trong tôi đang chờ đợi sự đổi thay của thời xưa cũ, giờ đây vẫn trong muôn trùng gian khó nhưng trung trinh “cựa mình” thay đổi trên con đường xóa đói giảm nghèo, xích lại gần hơn miền xuôi ruột thịt. Với tôi, trong trái tim mình đang tồn tại một Trường Sơn mà hàng trăm chuyến đi vẫn chưa hiểu hết!
Dulichgo
2. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đưa tôi ghé lại nơi chân cầu Cây Sú, bản định cư của đồng bào dân tộc Vân Kiều bên phía đầu nguồn sông Long Đại thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Cầu Cây Sú nối từ thôn Hồng Sơn qua bản Cây Sú. Đây là cây cầu cáp treo dài 120m có vốn đầu tư trên 8,1 tỷ đồng.
Khởi công từ tháng 5-2015, sau gần 10 tháng khẩn trương xây dựng, cây cầu thành hình hài nối liền đôi bờ sông, biến ước mơ bao đời của người Vân Kiều bản Cây Sú thành hiện thực, không còn lo nỗi lo “cách sông trở đò”.
Lại nhớ, trên đoạn sông này, những năm 2015 trở về trước, ngày ngày những đứa trẻ Vân Kiều hẹn nhau buổi sáng lội nước đến trường học chữ, buổi chiều cùng nhau quay về bản. Sáng sớm đầu nguồn Long Đại, bọn trẻ phía bên kia sông được bố mẹ trao cho nắm cơm nhỏ đựng trong túi ni-lon rồi dẫn xuống tận bến.
Trên bến sông, đứa lớn thì cởi quần dài ra vắt lên cổ, mấy đứa nhỏ hơn chọn giải pháp an toàn là gói thêm áo quần từ nhà. Sang sông rồi, chúng cởi áo quần ướt treo lên cây dại mọc ven bờ, mặc áo quần khô ráo kịp vào lớp.
Bây giờ, trẻ em bản Cây Sú đến trường “trên nhịp cầu nối những bờ vui” cùng những bước chân sáo rộn vang tiếng cười. “Trẻ em vui, dân bản Cây Sú ấm lòng”-Trưởng bản Cây Sú Hồ Văn Ô chia sẻ với tôi sau cái bắt tay thật chặt bên chân cầu.
Dulichgo
Trở lại bản Eo Bù-Chút Mút, nơi giáp giới nước bạn Lào thuộc xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) lần này trên con đường được cán nhựa thông thoáng. Từ nhánh tây đường Hồ Chí Minh rẽ vào chừng 20 cây số, Eo Bù-Chút Mút hiện ra giữa bốn bề núi non trùng điệp. Tháng mười, gần với đất Lào nên ở Eo Bù-Chút Mút cảm giác mùa mưa dường như đến sớm hơn.
Khoảng 10 năm về trước, để vào Eo Bù-Chút Mút có thể cắt theo bốn tuyến đường xuyên giữa rừng già. Thời gian đó, đồng bào Vân Kiều trong bản có việc ra trung tâm xã Lâm Thủy hay về xuôi lại đóng đầy gùi lương thực, sắn, ngô rồi đi bộ trường kỳ. Ngày đó, khi điểm trường Eo Bù-Chút Mút chưa thành lập, chuyện học hành con trẻ trong bản đều do các thầy giáo quân hàm xanh Đồn Biên phòng Làng Ho đảm trách…
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư chi bộ Hồ Văn Nhường xuýt xoa khoe: “Dân bản mình bữa nay không còn đói mô, sở hữu hơn 3 ha lúa nước, 8 ha đất màu cùng với sự trợ giúp từ Nhà nước, cái ăn, cái mặc hết lo”. Ông nhắc đến chuyến đi đầu tiên của tôi lên bản.
Ông bảo: “Tao nhớ như in, nhà báo lội suối người ướt hết trơn mới qua được nhà tao, uống với tao chén rượu, để tao có dịp kể chuyện đời người, đời bản Eo Bù-Chút Mút. Bây giờ toàn bản Eo Bù-Chút Mút có trên 50 hộ dân, hơn 215 nhân khẩu. Chuyện dân bản xem như tạm ổn, no cái bụng, ấm cái mặc, kín cái nhà. Chỉ thương bọn trẻ con trên hành trình tìm con chữ Bác Hồ”.
Dulichgo
Hồ Văn Nhường “nhắc khéo” làm tôi nhớ đến chuyện học hành của con em Vân Kiều bản Eo Bù-Chút Mút. Học sinh Eo Bù-Chút Mút lên lớp ba phải ra học tại ở điểm trường chính tại Xà Khía, trung tâm xã Lâm Thủy.
Hành trình các em đến với thầy cô, với con chữ quả không đơn giản chút nào. Chiều chủ nhật tuần trước, bọn trẻ trong bản khăn gói lục đục cắt rừng trở lại trường. Chiều thứ sáu tuần sau, chúng tạm biệt trường về nhà. Quảng đường đi bộ mòn mỏi xa… ngót nghét tầm 20 cây số.
Cũng trên hành trình trở lại với đại ngàn Trường Sơn ở xã Lâm Thủy, tôi tìm về bản Bạch Đàn. Ngày 14-11-2001, xã Lâm Thủy thành lập. Ngày công bố thành lập xã, tôi theo chân Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồ Thị Hà vào thăm bản Bạch Đàn. Thời gian thoi đưa, cảm giác mới đó mà đã 17 năm trời.
Dulichgo
Bây giờ, gặp lại vợ chồng Hồ Thị Hà, Hồ Thanh Tình, họ đã về hưu, thành người già uy tín trong bản. Đời người già đi, kỷ niệm vẫn tươi nguyên, bản mới thành hình hài đúng như kỳ vọng của lớp người tiền bối. Bản Bạch Đàn, nơi cư trú của 51 hộ, 227 khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Từ trung tâm xã Lâm Thủy đến bản chỉ khoảng chừng 5 cây số đường chim bay, nhưng trên thực tế hai con đường vào bản lại quá hiểm trở, chông chênh, cực kỳ gian khó… nên Bạch Đàn hóa xa xôi.
Trưởng bản Hồ Văn Dự cho biết: “Năm nay, điều kiện kinh tế bản Bạch Đàn khá hơn rất nhiều nhờ lúa nước được mùa. Cả bản có 9 ha lúa nước, 5 ha lúa rẫy và 20 ha trồng sắn, đậu xanh, ngô, lạc… toàn bản nuôi gần 100 con trâu, bò”.
Dấu chân tôi trải khắp các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc núi rừng Trường Sơn phía tây Quảng Bình, nhưng hiếm gặp bản nào xanh-sạch-đẹp và văn minh như Bạch Đàn. Bản sạch từ đường đi… sạch cho đến chân cầu thang dẫn lên những ngôi nhà sàn vững chãi.
Hồ Văn Dự bảo: “Cũng nhờ ý thức bà con thôi anh. Người Vân Kiều bản Bạch Đàn biết rào vườn để trâu bò không vào phá, biết nuôi lợn gà riêng biệt chứ không cho ở dưới gầm nhà sàn như trước đây. Rồi cả bản tự động viên nhau vệ sinh đường đi lối lại, phát quang cây cối quanh bản. Từ đó, bản ngày càng đẹp thêm!”.
Dulichgo
Trở lại Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, muốn đi tới tận cùng, nơi vùng đất giáp ranh Quảng Bình, Quảng Trị; muốn tới tận các bản làng từ xã Trường Sơn, qua Lâm Thủy, đến Kim Thủy; muốn vô từng nhà đồng bào, gặp người cũ một thời đùm bọc, cưu mang mình… nhưng lỗi hẹn.
Đành tự động viên mình thôi hãy để những chuyến đi lần thứ trăm lẻ mấy sau sau nữa. Để tìm thấy, để hiểu rằng giữa đất và người dọc một dãy Trường Sơn vẫn hiện hữu hình bóng mình!
Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Người Miền Trung
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.