(BNA) – Nhô mình ra phía trước đón từng đợt sóng biển, bãi đá Nghi Thiết (Nghi Lộc) như một bức bình phong che sóng, chắn gió cho các làng chài. Qua hàng triệu năm với những biến đổi địa chất, bàn tay thiên tạo đã ưu ái cho bãi đá bên biển này một vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần cuốn hút. Đây chính là nơi vẫy gọi con người đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên để trải nghiệm cảm giác yên bình…
Dịp cuối tuần, anh bạn thân đưa gia đình từ Hà Nội vào Nghệ An để nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn vẻ đẹp biển xứ Nghệ. Sau những phút giây thỏa thích nô đùa với biển xanh, cát trắng trên bãi tắm Cửa Lò và thưởng thức các các loại hải sản – “quà tặng” của biển, anh bạn ngỏ ý muốn được trải nghiệm, khám phá một chốn hoang sơ, tìm cho mình một không gian riêng ngắm biển trời.
Tôi đưa anh ngược lên vùng lạch Lò và ba-ra Nghi Quang, qua làng đóng tàu Trung Kiên đến bãi đá Nghi Thiết. Đúng như dự đoán của tôi, vừa đặt chân đến anh bạn đã tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Không ngờ cạnh phố biển Cửa Lò lại có một nơi hoang sơ và hùng vĩ như thế này. Tạo hóa thật khéo sắp đặt cho bãi đá mang đậm sắc màu cổ kính bên dải cát mịn màng, làm nên sự hài hòa trong một nét biển”.
Dulichgo
Chúng tôi rảo bước trên bãi đá để cảm nhận nét hoang sơ, cái mênh mông và hùng vĩ của bãi biển Nghi Thiết. Từng khối đá lớn nhỏ gối chồng lên nhau như tầng bậc của lịch sử, mỗi hòn đá mang một hình thù khác nhau, thỏa sức cho trí tưởng tượng bay bổng của con người.
Có những khối đá nom như hình con rùa đang bò trên bãi biển; lại có hòn đá trông như con gà trống đang vươn mình ra phía biển cất tiếng gáy gọi bình minh; cũng có hòn đá giống con thuyền dập dềnh trên sóng… Đá xếp thành khối, thành tảng được thiên tạo những màu sắc khác nhau, trên nền xám điểm xuyết sắc trắng, xanh, đỏ, tím, vàng như sự tổng hợp của sắc màu trong vũ trụ bao la.
Dulichgo
Chúng tôi ngả mình trên phiến đá bằng phẳng, sạch bóng, mặt hướng ra biển đón từng luồng gió mát rười rượi, từng đợt sóng va vào vách đá tạo ra bản nhạc trầm hùng. Phía ngoài kia, những con thuyền đang đánh bắt cá dưới bầu trời xanh trong rải muôn ánh nắng vàng…
Phong cảnh và âm thanh ấy như đưa con người hòa mình vào biển cả, đất trời. Những lo lắng và ưu phiền của cuộc sống thường nhật dường đã được gột rửa, tan biến theo từng con sóng vỗ bờ. Đến đây, người ta như tìm thấy chính mình với sự hồn nhiên và trong trẻo, chân chất và mộc mạc như đá, những hạt bụi gợn lên trong tâm hồn đã được sóng nước cuốn trôi, chỉ còn lại niềm yêu thương và khát vọng giao hòa.
Phía cuối bãi đá có một cửa hang nhô ra phía mặt biển, hang khá lớn, nền hang khá rộng rãi. Trên vách hang, những khối thạch nhũ muôn màu ánh lên dưới ánh sáng như sự hội tụ của những sắc màu kỳ ảo, điểm tô cho sự quyến rũ của bãi đá hùng vĩ này. Những vách đá và khối thạch nhũ có những giọt nước bám vào, thi thoảng nhỏ xuống nền bật lên âm thanh tí tách.
Những giọt nước ấy chính là những hạt mưa, hạt sương và cả sóng biển dội lên bãi đá, qua thời gian thẩm thấu qua từng kẽ đá để đến vách hang. Vì lẽ đó, những giọt nước ấy thực sự tinh khiết, cảm nhận được cái mát lạnh và vị mặn mòi của biển cả.
Nghe nói, hang này là chốn trú ẩn cho bà con ngư dân Nghi Thiết mỗi khi bất ngờ trời nổi giông, biển ầm ào bởi sóng to, gió lớn. Có lẽ vì thế mà cư dân nơi đây luôn giữ cho hang luôn sạch sẽ, các nhũ đá còn giữ được vẻ đẹp nguyên trạng như thuở ban sơ.
Dulichgo
Một con thuyền ghé vào bãi cát, ba lão ngư thong thả tiến đến nghỉ ngơi sau một buổi lênh đênh chài cá. Quanh năm làm bạn với sóng, gió, bãi cát và cái nắng đến bỏng rát nên ai nấy đều có nước da ngăm đen, mái tóc cũng có những đường lượn sóng. Lão ngư Nguyễn Văn Huỳnh cởi mở nói nhiều về những chuyến đi lộng, những con sóng bạc đầu và cả những trận bão tố, giông lốc trên biển.
Rồi ông lại hăng say nói về bãi đá quê mình, rằng nó đã có hàng nghìn, hàng vạn năm, rằng Nghi Thiết quê ông trước đây là biển, sau bao lần biển lùi rồi tiến, tiến rồi lùi, để rồi các dòng họ khắp mọi nơi tìm về đây khai khẩn đất đai, lập nên làng mạc. Hàng chục đời đi qua, làng xã thêm đông vui, biển khơi vẫn hào phóng ban tặng những món quà cho cư dân nơi đây không bao giờ rơi vào cảnh đói kém, để rồi ai cũng xem biển như là máu thịt của mình. Rồi ông kể về bãi đá, ngư dân Nghi Thiết gần như thuộc hết từng phiến đá lớn nhỏ, bởi từ lúc 4 – 5 tuổi đã chập chững bước ra chốn này. Bãi đá còn gắn với chiến công của quân và dân Nghi Thiết trong những năm đánh Mỹ.
Vào đêm 27/9/1965, địch cho một toán quân dùng xuồng cao su tập kích vào thôn Hải Thịnh, nhờ cảnh giác cao độ nên bà con đã sớm phát hiện. Dân quân Nghi Thiết tổ chức đánh đuổi, một tốp ém quân chờ sẵn trên bãi đá này khiến địch một phen hoảng loạn.
Dulichgo
Hơn 2 năm sau, vào ngày 26/12/1967, cũng tại bãi đá này, đơn vị dân quân trực chiến xã Nghi Thiết đã dùng pháo 75 ly bắn cháy một tàu khu trục của Hạm đội 7, giải vây cho thuyền đánh cá của ngư dân. Có thể xem đây là một trong những trận địa của dân quân Nghi Thiết trong những năm đối đầu với Hải quân Mỹ. Bãi đá này còn chứng kiến hàng trăm con tàu không số của làng Trung Kiên được hạ thủy ở bãi biển kề bên, để từ đây những con tàu ra Bắc, vào Nam làm nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vẻ hoang sơ của bãi đá sinh động lên khi có khoảng hơn 10 người, từ đầu đến chân đều được bịt kín, ngồi khom lưng trước những hòn đá lô nhô nơi mép sóng để đục ngao. Thủy triều lên, loài sinh vật biển này bị sóng đánh dạt vào bờ và bám chặt vào đá. Đây là món quà mà biển ban tặng cho người dân Nghi Thiết, bởi bà con chỉ cần cầm theo chiếc đục bằng sắt và vật dụng ra bãi đá là có sản phẩm hàu mang về. Chiếc dùi sắt được dùng để tách hàu ra khỏi mép đá và tách hàu ra khỏi vỏ, có điều người đục hàu phải phơi mình dưới cái nắng chang chang. “Món quà” này được đưa về cải thiện hoặc đem bán, mỗi người kiếm được một vài trăm nghìn đồng/ngày.
Xã Nghi Thiết đang trở mình trong nhịp phát triển kinh tế – xã hội hôm nay với những dự án xây dựng cảng biển, các nhà máy và đường giao thông đi về các ngả. Điểm xuyết sức hút khó cưỡng cho vùng đất này là một “miền cổ tích” như thế…
Theo Công Kiên (Báo Nghệ An)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.