RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Ai qua Tây Bắc, không nhớ tên đèo?

Advertisement

(DNSG) – Đẹp và trữ tình, mà cũng hiểm hóc vô vàn. Những con đèo trên dải đất hình chữ S luôn gợi lên niềm đam mê mãnh liệt với “bước chân giang hồ” của bao kẻ yêu thú ngao du, khám phá.

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương…”

Tây Bắc trong thơ Chế Lan Viên hay trong khách đường xa cũng thế: đắm cái đẹp của cảnh, mê mải với những cung đường đèo đã đi vào “huyền thoại phượt”. Chúng tôi lên đường theo hành trình vòng quanh Tây Bắc trong cái lạnh đầu đông, với những chấm đỏ đậm nhất là Khau Phạ, Ô Quý Hồ, Chăn Nưa và Thung Khe.

– Miệt mài Ô Quý Hồ (Lào Cai)

Tạm biệt Khau Phạ, giã từ Mù Cang Chải, chúng tôi tiếp tục lên đường theo quốc lộ 32 hướng về Lai Châu. Tới ngã ba Bình Lư, rẽ phải, thêm một dấu mốc nằm chờ phía trước – Ô Quý Hồ, con đèo dài nhất miền Tây Bắc, đồng thời là tuyến đường huyết mạch nối giữa Tam Đường (Lai Châu) với Sapa (Lào Cai). Cung đường đèo dài ngoằn ngoèo này được nhiều “tay lái lụa” hâm mộ vì tha hồ thể hiện những đoạn dốc đầy mạo hiểm.

Chúng tôi đã có một buổi sáng với lưng chừng Ô Quý Hồ thật nhiều nắng ấm như đang rắc từng hạt vàng xuống “dòng suối ruộng bậc thang” từ sườn núi xuống thung lũng bên dưới; một buổi trưa với mây mù chụp xuống toàn bộ đỉnh đèo. Đoàn xe cứ thế bật đèn cốt, lầm lũi nối đuôi nhau leo dốc, ôm cua, xuyên qua bức màn mây nhiều hơi nước kết hợp với gió làm tái tê da thịt.

Thêm vài kilomet thả dốc, bỏ lại mây và gió sau lưng, chúng tôi nghỉ chân tại một quán cóc bên chân Thác Bạc, nếm lại vị của trứng nướng, khoai nướng để nhớ về những đêm lang thang ngoài phố núi Sapa – nơi chỉ còn cách chúng tôi chừng 10km nữa.

Sau hơn một ngày dành cho những hoa cỏ trong vườn ngôi nhà thờ nữ tu bỏ hoang đầu Tả Phìn (Sapa), cung đường đầy thử thách vào Mường Hum (Bát Xát), vòng ra Giàng Phìn, chúng tôi lại vượt Ô Quý Hồ theo hướng ngược lại, về Lai Châu trong màn đêm, mưa lạnh, gió rít từng hồi. Miệt mài, chúng tôi cũng về tới Tam Đường. Trời đêm vẫn đen kịt một màu mây, lỡ hẹn đêm trăng rằm sơn cước…

Hành trình: Khau Phạ – Mù Cang Chải – Than Uyên – Tân Uyên – ngã ba Bình Lư (Lai Châu) – Ô Quý Hồ
Điểm đến ghé thăm: Các điểm dừng chân dọc đèo Ô Quý Hồ, Thác Bạc, Tả Phìn, Giàng Phìn, Mường Hum…

– Mê mải Chăn Nưa (Lai Châu)

Bình minh ngày mới, chúng tôi từ biệt Tam Đường để đến một “Sapa thứ hai của Tây Bắc” – Sìn Hồ. Từ đó, sẽ qua đèo Chăn Nưa, lặn lội vào Mường Lay, đang bày ra một đại công trường của thủy điện.

Điệp khúc mưa, sương mù, gió lạnh lại được dịp tấu lên suốt chặng đường hơn 80km từ Tam Đường qua thị xã Lai Châu, rồi trung tâm thị trấn Sìn Hồ, chỉ dừng lại khi chúng tôi thấy mình đang đứng ở đỉnh đèo Chăn Nưa. Tạm quên đi những gian khổ vừa trải qua, chúng tôi được cảnh vật và đất trời thết đãi một bữa tiệc thị giác, mà không thể tìm được ngôn từ nào cô đọng hơn để mô tả, ngoài “con đường mây trắng”.

Mây len lỏi giữa các thung lũng được xếp lớp; mây lãng đãng trên những khoảng ruộng bậc thang và con đường quanh co dốc. Mây chẳng vội vã như cơn mưa chợt qua. Bầu không khí tĩnh lặng như cô đặc thời gian lại, cho chúng tôi bỏ quên hết suy tư và mệt nhọc dặm trường, cuộc sống thật cần những giây phút chậm rãi như thế!

Nếu bạn có dịp tới Sìn Hồ, trước khi vượt đèo Chăn Nưa sang Điện Biên, hãy men theo tỉnh lộ 129 dẫn từ thị xã Lai Châu. Bạn sẽ có 60km đường đèo ấn tượng không kém “con đường mây trắng” mà chúng tôi may mắn đi qua. Cung đường ấy còn có những nếp nhà nhỏ, nằm ngay ven đường, vào những ngày đẹp trời sát phiên chợ cuối tuần, thiếu nữ Sìn Hồ sẽ ngồi đạp máy khâu trên khoảng sân trước hiên nhà. Người Sìn Hồ sửa soạn váy áo, dải dây lưng, để đi chơi chợ đấy!

Hành trình: Ô Quý Hồ – Tam Đường – thị xã Lai Châu – Sìn Hồ – Chăn Nưa
Điểm đến ghé thăm: Động Pusamcap (ven tỉnh lộ 129), xã Tả Phìn, chợ trung tâm thị trấn Sìn Hồ (họp chính vào Chủ Nhật hàng tuần)

– Thong dong Thung Khe (Hòa Bình)

Đoạn cuối của hành trình, là một cung rất dài, từ Mường Lay về thủ đô theo hướng Tuần Giáo – Mộc Châu – Hòa Bình – Hà Nội. Đoàn phải vòng qua thành phố Điện Biên Phủ để tránh con đường ngập bùn đất về Tuần Giáo, bỏ lại Sơn La ngày mưa, để rồi thong dong cho lại sức trên đèo Thung Khe êm đềm.

So với ba con đèo đã đi qua, Thung Khe không phải là một thử thách, nhưng gây ấn tượng với lữ khách bằng những cung dài uốn lượn giữa màu trắng xóa của núi đá vôi. Độ xuân sang, dải đèo Thung Nhuối – Thung Khe trở nên đặc biệt hơn bất cứ mùa nào trong năm, với những vườn mận khai hoa dưới vườn nhà ven đường, đào lơ thơ trong gió. Chúng tôi tấp vào khu lều chợ trên đèo, nhấm nháp vài bắp ngô mới luộc xong, vài ngụm nước luộc ngô làm dịu lại cái họng khô, mua vài bó rau dớn về làm quà (thứ rau tuyệt nhất khi được nhúng qua nước sôi rồi ngắt đoạn xào thịt bò). Mùa nào thức nấy, khu lều chợ này là điểm dừng chân không thể bỏ qua cho đám lữ khách tìm nếm trải phong vị hoang sơ.

Hành trình: Chăn Nưa – Mường Lay – thành phố Điện Biên Phủ – Mộc Châu – Mai Châu – Thung Khe – Hà Nội
Điểm đến ghé thăm: Cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, cao nguyên Mộc Châu, bản Lác, bản Com Poọng…

– Mênh mang Khau Phạ (Yên Bái)

Khau Phạ của cung đường lúa huyền thoại Tú Lệ – Mù Cang Chải – Sapa. Nghe nói, đây là con đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32, dài hơn 30km, ở độ cao từ 1.200-1.500m so với mực nước biển. Hai huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái “đồng sở hữu” một trong những con đèo trữ tình nhất này của Tây Bắc. Với 250km từ Hà Nội, con đèo này và cánh đồng dưới kia hòa quyện vào nhau như trải ra hình ảnh của một thế giới khác mà tạo hóa và con người sao khéo hợp sức nhào nặn?

Từ Khau Phạ nhìn xuống, cánh đồng Cao Phạ vàng óng và mượt mà giăng nên một tấm thảm lúa đang vào vụ gặt. Không nói đến trời, đến mây, đến nắng gió dào dạt… chỉ cần dõi theo muôn vàn dải đường cong uốn lượn, xếp chồng tầng tầng lớp lớp – những nếp ruộng bậc thang, cũng đủ đắm đuối không rời.

Chúng tôi gặp ba khách lãng du đến từ phương Nam xa xôi, cũng thong dong xe máy trên cùng tuyến đường. Chưa kịp hỏi, bạn đồng hành không quen đã vội nhoẻn miệng cười: “Đẹp quá, chụp mãi không chán, đã kịp ăn trưa đâu!”. Giật mình, đã 3 giờ chiều…

Nếu lấy Khau Phạ là trung tâm, bán kính quanh nó vài kilomet thực sự là thiên đường của đồng lúa, đẹp bốn mùa, dù đang độ chín vàng thời vụ, hay bàng bạc gốc rạ.

Hành trình: Trung tâm Hà Nội – Sơn Tây – Thanh Sơn và Thu Cúc (Phú Thọ) – Nghĩa Lộ (Yên Bái) – Tú Lệ – Khau Phạ
Điểm đến ghé thăm: Tú Lệ, Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, La Pán Tẩn…

Theo Nguyễn Loan (Báo Doanh Nhân Sàigòn)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468