(PTTT) – Dù không phải một cái tên quen thuộc trong bản đồ du lịch, nhưng bản Ú còn nguyên vẹn những nét hoang sơ, bình dị lại đẹp đến nao lòng.
Cách Hà Nội khoảng 130 km, bản Ú là một bản hẻo lánh nhất vùng Thu Cúc, một xã thuộc huyện vùng cao Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nằm ở ngã ba giữa quốc lộ 32 lên Yên Bái và 32B sang Sơn La, nơi đây là điểm dừng chân của các đoàn du lịch và những phượt thủ với hành trình khám phá Tây Bắc.
Hầu như những người dừng chân chốn này chỉ ở lại phút chốc, rồi họ lại mải mê với hành trình đã định. Ít người dừng lại và khám phá khung cảnh hoang sơ, nên thơ của vùng đất miền trung du này. Có lẽ vì thế mà vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Ú vẫn ít người nhận ra.
Ngay từ lối vào bản Ú, xa xôi nhưng lại choáng ngợp. Hai bên đường thấp thoáng những nếp nhà lợp lá cọ đơn sơ của đồng bào Mường. Càng đi, khung cảnh hiện ngày một hoang sơ, thanh bình với những cánh đồng lúa xanh tươi bên dòng sông Bứa cuồn cuộn chảy.
Dulichgo
Những hàng cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát trên thảm cỏ xanh, đây cũng là nơi nghỉ ngơi tránh nắng của bà con nông dân. Những chú trâu thơ thẩn gặm cỏ. Mấy chú mục đồng vui đùa ngay dưới bờ sông. Khung cảnh bình dị như miền quê Bắc Bộ từ hàng chục năm về trước vậy.
Nơi đây còn có con đập bằng gỗ chặn ngang dòng sông Bứa khiến hiều người cũng sẽ không khỏi ấn tượng. Nước chảy róc rách, róc rách như dòng thác giữa bản xa.
Ở bản Ú, chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống. Người Mường nơi đây sống dựa chủ yếu vào nghề trồng lúa nước nên nguồn thủy lợi để canh tác đặc biệt được bà con coi trọng. Ngay từ những năm 1960, cộng đồng dân cư bản Ú đã cùng nhau chặn dòng sông Bứa làm hồ chứa nước phục vụ canh tác.
Cũng từ đó hình thành nên đập Ú – con đập gỗ độc đáo có một không hai. Đập được người dân làm từ gỗ keo, phên lứa, lá cọ và đất. Đầu tiên một lớp gỗ được xếp ngang dòng sông rồi một lớp gỗ khác xếp dọc lên trên, cứ như vậy cho đến khi đập cao chừng 5m mới thôi.
Dulichgo
Tiếp theo người dân sẽ đan một phên lứa dài để che phủ mặt phía trong của đập, sau đó dùng lớp lá cọ trải lên lớp phên lứa và cuối cùng là một lớp đất phủ lên lớp lá cọ.
Có lẽ đây là cách làm đập thủ công và độc nhất vô nhị của người Mường không chỉ riêng vùng Thu Cúc mà cả vùng Tây Bắc nước ta.
Ngoài con đập giữa dòng sông Bứa, ở bản Ú còn có những hồ nước trong xanh, nước xanh ngắt một màu như màu xanh của lá, của núi rừng. Xung quanh là cảnh sắc hoang sơ với những vạt rừng già nguyên sinh và thảm thực vật xanh tươi.
Dulichgo
Nhiều người Mường bản địa vẫn giữ cách qua sông bằng bè mảng được ghép từ những cây giang. Đây đó, bạn vẫn có thể bắt gặp những chàng trai, cô gái Mường đi chặt giang, nứa trên rừng rồi bó lại cho trôi sông. Họ cưỡi trên bó giang, nứa rẽ nước, len lỏi qua những tảng đá với chiếc sào trên tay để cầm lái trông thật phiêu lưu, mạo hiểm.
Vào những ngày hè oi bức, người Mường ở Thu Cúc và các khu vực lân cận thường tìm đến đập Ú và các điểm dọc sông Bứa để tận hưởng không khí mát mẻ trong lành.
Theo Phutho.Tintuc.vn
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.