RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Bất ngờ lễ cúng chè cổ Nậm Ty

Advertisement

(NĐT) – Dưới gốc chè to đến ba người ôm, thầy cúng cầm hai thanh tre già, tay run run đập mạnh xuống đất, rì rầm khấn… Vậy là ở Việt Nam, cho đến nay ngoài người H’Mông Suối Giàng, có thêm người Dao ở Hoàng Su Phì làm lễ cúng chè.

Cúng là một hoạt động tâm linh gắn chặt với đời sống tâm linh theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt với người miền cao, lễ cúng rất quan trọng. Cúng để cầu điềm lành, bình an, hạnh phúc, cúng để tạ ơn. Ở chiều ngược lại, cúng cũng là để xua đi cái ác, cái xấu, tà ma, bệnh tật gây hại cho con người.

Thầy cúng luôn chiếm giữ vị trí hàng đầu trong cộng đồng, là người giữ gìn mối dây liên kết giữa cộng đồng – con người và tổ tiên – thế giới tâm linh. Trở lại chuyện cây chè shan tuyết cổ thụ, do tập tính mọc trên núi cao, thường từ hơn 1.000m trở lên, đó cũng là nơi cư trú bao đời người Dao và H’Mông bản địa.

Khoảng năm năm trở lại đây, sản phẩm chè shan được người miền xuôi biết đến nhiều, nhờ vậy việc thu hái chè trước kia chỉ phục vụ đời sống cộng đồng, nay đã phát triển, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho người miền cao. Và để nhớ ơn cây chè, lễ cúng được tiến hành như một lời tạ ơn.

Chè cổ Nậm Ty

Trong dải chè cổ thụ trải dọc theo dãy Himalaya, Việt Nam hiện là quốc gia sở hữu vùng chè cổ thụ (giống shan tuyết) có trữ lượng, diện tích hàng đầu thế giới. Trong số các địa danh có chè cổ thụ, từ Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ (rừng quốc gia Xuân Sơn)… Hà Giang đang là điểm son.

Dựa trên số liệu của ngành chè Việt, Hà Giang có diện tích chè xếp thứ ba cả nước với 21.000 hecta (sau hai vùng chè Lâm Đồng, Thái Nguyên), nhưng lại dẫn đầu về diện tích chè shan tuyết với hơn 18.700 hecta, trong đó 7.200 hecta là những gốc chè trăm năm tuổi.

Theo khảo sát và công bố gần đây, toàn huyện Hoàng Su Phì có đến 4.542 hecta, đều là giống chè shan tuyết cổ thụ ở các xã Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, Túng Sán, Nậm Ty với hơn 10.000 cây chè được công nhận có tuổi đời hơn 100 năm.

Trong số đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 85 cây chè shan tuyết cổ thụ ở năm xã: Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán.

Mùa thu cũng là vụ thu hoạch chè shan tuyết cuối của năm, trước khi để cây chè vào vụ ngủ đông, trốn cái rét buốt sương núi. Tôi có dịp đồng hành cùng 15 chuyên gia trong ngành chè thế giới đến từ Canada, Mỹ, Úc, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan… lên vùng chè Hoàng Su Phì để được tham dự lễ cúng cây chè của người Dao bản địa. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động khám phá, tìm hiểu các vùng chè cổ thụ dành cho chuyên gia ngành chè thế giới.

Thật khó để hình dung về những khổ ải nơi vùng chè cổ, từ địa phận Bắc Quang hành trình vào cung đường núi lên Hoàng Su Phì bắt đầu với những khúc quanh liên hoàn, khiến khách xuôi thất kinh hồn vía.

< Ông Hoàng Sùng Keng bên cây chè của tổ tiên để lại, được xác định hơn 600 năm tuổi.

Hơn ba tiếng đồng hồ cho khoảng 80 cây số, phần nào đủ nói lên độ khó, nhưng chỉ mới tới thị trấn Vinh Quang, đường lên vùng chè cổ Nậm Ty, nơi có lễ cúng chè, mất thêm một chặng xe bốn bánh, qua hai bánh và cuối cùng là lội bộ mới đến được vườn chè của ông Hoàng Sùng Keng, dân tộc Dao, ngụ ở lưng chừng núi thuộc thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì.

Người Dao cúng chè

Đến được gốc chè cổ nhất vùng Nậm Ty của ông Hoàng Sùng Keng, được ghi nhận hơn 600 năm tuổi, thầy cúng của thôn Nậm Piên đã chuẩn bị xong mâm cúng. Từng tham dự lễ cúng chè ở Suối Giàng, có thể thấy lối cúng chè của người Dao có phần khác.

Người H’Mông cúng chè, lễ vật là con gà đang sống, sau lời khấn, con gà được hóa kiếp ngay gốc chè cổ để chuyển lời khấn lên thần linh. Mâm cúng còn có thêm năm chén uống rượu, một chai rượu nếp cùng xấp giấy làm từ rơm rạ theo truyền thống người Dao bản địa.

Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu, với hơn 40 năm hành nghề trên thôn bản Nậm Ty, đọc bài văn cúng mà ông thuộc làu. Trong văn cúng của ông, có cả Mỹ, Pháp, Canada, Nga, Hàn Quốc… Hóa ra đấy là đoạn báo cáo tổ tiên rằng hôm nay có khách quý từ các nước đến vùng chè, cầu mong tổ tiên chúc phúc cho họ.

Suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu liên tục đọc bài văn cúng, thỉnh thoảng ông lại dừng lời, gieo hai thanh tre xuống đất đôi ba lần, rồi lại cúng. Trong lúc thầy cúng làm nhiệm vụ liên lạc với thần linh, tổ tiên, ông chủ cây chè cổ Hoàng Sùng Keng dẫn khách vào vùng chè, ông Keng bảo: “Tôi sinh năm 1957, tổ tiên dặn lại, đến tôi là đời thứ 9 sống ở đất này, mà từ xa xưa thế đã có cây chè này rồi. Vườn nhà tôi hiện có 5 hecta chè, trồng rải rác, đất trời chăm sóc chúng nó thôi, chúng tôi chỉ việc thu hái.

< Thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu bên mâm cúng chè cổ.

Trước làm chè phơi, gọi là chè vàng, bây giờ có máy làm được chè xanh. Tôi đón nhiều khách lên thăm cây chè lắm, hôm nọ cây được công nhận là Cây Di sản, có anh người mù, nghe tin trên tivi tận Hà Giang, vậy mà nhờ người đưa đến, anh ngồi mân mê, ôm gốc cây cả nửa ngày mới về đấy”.

Lễ cúng kết thúc, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu chia sẻ thêm: “Người Dao cúng cây chè, vì nó gắn bó như tổ tiên, mỗi năm cúng một lần, hoặc ba năm cúng một lần, nhớ lại công ơn tổ tiên ngày xưa trồng chè. Cúng chè cũng để tạ ơn ông cha có sức có lực, có công trồng gốc chè. Hôm nay người các nước đến đây, đều là bạn bè, tôi cảm thấy may mắn, báo cho tổ tiên phù hộ khách đi đâu cũng tốt, không xảy ra cái gì cả”.

Tham dự lễ cúng có Carine Baudry – chuyên gia nghiên cứu chè đến từ Pháp, chị thực sự ngạc nhiên: “Có quá nhiều cảm xúc khiến tôi không thể diễn tả bằng lời. Chưa bao giờ đứng trước một gốc chè tôi lại rung động đến thế. Tôi đã có cơ hội sao sấy thử giống chè shan ở đây, vị rất khác lạ so với các vùng tôi đi qua như ở Vân Nam, Trung Quốc. Trở về Pháp, tôi sẽ tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, chia sẻ thông tin về chè shan Việt Nam để người Pháp hiểu hơn về nguồn nguyên liệu quý giá này”.

< Hai chuyên gia chè đến từ Pháp Carine và Florian (phải) trong mẻ chè tự tay sao sấy.

Điều hấp dẫn là những chuyên gia nghiên cứu chè và người làm chè đến từ Canada, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga… đã thu nhận nhiều mẫu chè, nghiên cứu cách làm chè, thử các loại chè để cùng chung tay phát triển sản phẩm chè shan cổ thụ vùng Nậm Ty nói riêng và Việt Nam nói chung ra với thị trường thế giới. Lý do khiến những chuyên gia chè thế giới bắt đầu tập trung chú ý nhiều vào chè cổ thụ Việt là bên cạnh giá trị sạch – tiêu chí hàng đầu để hòa nhập với thế giới, chè cổ thụ còn lưu giữ câu chuyện của đồng bào miền cao, của người làm chè.

Uống chén chè shan cổ thụ, không chỉ là thức uống giá trị, bổ dưỡng mà còn là một trải nghiệm thú vị về những nét văn hóa, tập tính dân tộc đầy hấp dẫn.

Theo Lam Phong (Người Đô Thị)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468