RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Bí ẩn bãi đá cổ ở Hố Quáng Phìn

Advertisement

(TH) – Nằm giữa 2 thôn Tả Phìn và Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn, cách đường biên giới Việt – Trung gần 10km về phía nam) là 5 tảng đá có kích thước lớn nhỏ khác nhau được phát hiện có những hình khắc cổ, mang những bí ẩn cần được giải mã và cần được gìn giữ, bảo vệ khi ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa, ghi lại những dấu ấn nghệ thuật tạo hình cổ sơ của cha ông ta cách nay nhiều thế kỷ.

Quan sát địa hình nơi có những tảng đá mang hình khắc cổ, là những dải núi đất cao xen kẽ những thung lũng nhỏ, năm tảng đá to có hình khắc vẽ nằm rải rác, xen kẽ giữa hàng chục tảng đá lớn nổi trên bề mặt.

Những tảng đá này thực chất là đá gốc trồi lên, loại đá granite biến chất, tương tự như loại đá có hình khắc ở thung lũng Mường Hoa, Sa Pa. Tuy tập trung liền khoảnh, nhưng khoảng cách giữa 5 tảng đá có hình khắc không đều nhau, khoảng từ 5-15m. Cả 5 tảng đó không có hình dáng xác định, kích cỡ khác nhau.

Tất cả có hơn 100 hình khắc trên những tảng đá đó, số lượng các hình khắc vẽ phân bố không đều trên các tảng đá. Các hình này được tạo bằng cách đục khắc trên bề mặt tảng đá thành những rãnh sâu hình lòng máng với chiều rộng từ 1,5-2,2m, sâu từ 1,0-1,5cm.
Dulichgo
Quan sát những dấu vết để lại trong rãnh khắc cho thấy người xưa đã sử dụng dụng cụ có đầu nhọn, có thể bằng kim loại để tạo nên những hình họa bí ẩn.

Hầu hết những hình tạo nên mang tính biểu tượng cao. Mô típ thể hiện qua những hình khắc gồm: Những hình tròn ở giữa có khoét lỗ vũm, hình vòng tròn xoáy ốc, hình sin, hình tròn giữa có hai lỗ vũm khoét, hình chữ nhật có lỗ vũm ở giữa, hình khắc vạch song song dạng bậc thang. Đáng chú ý hơn cả là hình sinh thực khí của nữ giới với hình tam giác không cân xứng với rãnh dọc ở giữa. Số còn lại là những hình không xác định.

Xung quanh những hình khắc cổ, có tồn tại những truyền thuyết liên quan không? Đó là vấn đề cần làm sáng tỏ đối với những người khảo sát. Bằng phương pháp phỏng vấn dân tộc học, các cụ lão niên ở địa phương cho biết, đã từ bao đời nay, sự tồn tại của bãi đá cổ với những hình khắc luôn là điều bí ẩn, họ cũng không rõ những tảng đá có hình khắc đó có từ bao giờ.
Dulichgo

Trả lời câu hỏi “Ai đục những hình khắc đó?”, phần lớn người dân cho rằng, đó là do những “người trời” tạo ra để đánh dấu nơi họ hạ giới. Khi hỏi về ý nghĩa của những hình khắc, tất cả đều lắc đầu: “Không biết, linh thiêng bí ẩn lắm, không dám đụng vào đâu!”. Như vậy, những tác phẩm trên đá ở đây đã bị chìm sâu vào trong quên lãng của ký ức dân gian vùng.

Khi so sánh những hình khắc cổ ở đây, các nhà nghiên cứu liên tưởng đến những hình khắc tương tự tìm thấy ở Nậm Dầu, huyện Xín Mần (Hà Giang), ở Lao Chải, Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), ở Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) và đặc biệt ở Sa Pa (Lào Cai). Có thể nói, những hình khắc trên đá ở Hố Quáng Phìn, Đồng Văn là những tác phẩm thực sự của người đời xưa. Những hình khắc mang tính biểu tượng rất cao, chứa đựng những mã ký hiệu ghi ý. Các chủ đề hình khắc này cho thấy cộng đồng cư dân cổ, chủ nhân của những hình khắc muốn thể hiện 2 nội dung chính: Bản đồ đánh dấu khu vực và tính phồn thực. Ở đây không có các cảnh săn bắn hay hình ảnh các con thú.
Dulichgo
Đứng trên vị trí phân bố bãi đá cổ, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn những thảm rừng xanh bên dưới, những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hoặc, thấp thoáng đây đó những mái nhà ẩn dưới những lùm cây. Trong một không gian bao la như vậy, thì những hình khắc trên đá có tính cổ xưa này đem lại cho ta cảm giác như chúng là một sự họa đồ lại những bức tranh khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Nó có ý nghĩa thực tiễn như đánh dấu vị trí địa lý các khu rừng, đồi núi, cụm cư trú, hay ruộng nương.

Các hình khắc có điểm nhấn chung là có những lỗ vũm được tạo ở trung tâm hình khắc vẽ. Đó là điều bí ẩn chưa có lời giải. Sự có mặt của hình sinh thực khí nữ giới cho chúng ta biết tín ngưỡng phồn thực rất thịnh hành trong đời sống đương thời và có nhiều khả năng xã hội của chủ nhân các hình khắc vẽ đang trong chế độ mẫu hệ được coi trọng với nền sản xuất nông nghiệp nương rẫy.

Qua so sánh với các di tích tương đồng khác trong khu vực, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng bãi đá cổ Hố Quáng Phìn trên cao nguyên đá Đồng Văn có niên đại nằm trong khoảng thiên niên kỷ I sau Công nguyên.

Đến nay, một câu hỏi lớn đặt ra: Ai là chủ nhân sáng tạo ra những hình khắc trên đá ở Đồng Văn vẫn còn là điều bí ẩn, như những đám mây hồng mỏng, bồng bềnh phủ quấn quýt quanh bãi đá cổ mỗi khi xuân về trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Dulichgo
Đây là di tích văn hóa cổ có giá trị lịch sử to lớn. Hiện nay, những tảng đá này đang nằm trên diện tích mỏ Vonfram đang được khai thác; nếu không có sự quan tâm, xây dựng kế hoạch bảo vệ của địa phương cũng như các ngành chức năng, e rằng những tảng đá mang hình khắc cổ sẽ bị phá hủy hoặc chìm vào quên lãng.

Người Miền Trung ! tổng hợp từ Dulichhagiang, Dongvan.gov

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468