RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Cẩm Thành, ai đã đặt tên?

Advertisement

(BQN) – Cẩm Thành là mỹ từ của thành cổ Quảng Ngãi, được xây dựng năm 1807, hoàn thành năm 1815, nơi đặt hành cung và bản doanh của bộ máy chính quyền hàng tỉnh lúc bấy giờ. Người xưa cho rằng địa cuộc nơi đây tụ hội khí thiêng, văn mạch của miền đất núi Ấn, sông Trà, nên Cẩm Thành trở thành địa danh văn hoá của Quảng Ngãi. Chính vì vậy, khi toà thành không còn nữa, mỹ từ Cẩm Thành vẫn tiếp tục tồn tại mang theo niềm tự hào của một vùng văn hoá địa linh, nhân kiệt.

Theo các di liệu thời Nguyễn (“Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh địa dư chí”, “Quảng Ngãi tỉnh chí”…), thành được xây bằng đá ong với kiểu kiến trúc vauban, chu vi 500 trượng 2 thước (2.008m), cao 1 trượng (4m). Quanh thành có hào, rộng 5 trượng (20m), sâu 1 trượng (4m), thông thuỷ với sông Trà Khúc ở góc Tây Bắc.

Về số cửa thành, “Đại Nam nhất thống chí”chép “3 cửa”, nhưng “Quảng Ngãi tỉnh chí” nói rõ hơn “có trổ 4 cửa thành ngay theo 4 hướng nên gọi là cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc. Cửa Nam nay đã lấp rồi, chỉ còn 3 cửa”.

Từ những ghi chép như thế, những nhà nghiên cứu đời sau (gần đây nhất là cuốn “Quảng Ngãi: đất nước, con người, văn hoá” do Sở VH-TT xuất bản) phân vân liệu thành “chỉ có 3 cửa” hay “nguyên có 4 cửa, sau còn 3”.
Dulichgo
Khi khảo cứu lại các tư liệu, chúng tôi nhận thấy “Đại Nam nhất thống chí” chép về thành Quảng Ngãi chỉ đại lược mấy dòng và cách ghi “3 cửa” là ghi theo hiện trạng. Điều này không phủ định cách hiểu “nguyên trạng có 4 cửa, sau 1 cửa bị lấp, còn 3”.  Riêng “Quảng Ngãi tỉnh chí” là cuốn địa chí chuyên khảo về Quảng Ngãi, những người biên soạn (Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chí, Khiếu Hữu Kiều) vốn là quan lại trấn nhậm ở Quảng Ngãi và là những nhà khảo cứu có uy tín đương thời; phần viết về tỉnh, thành khá cụ thể, mạch lạc, nên là tài liệu khả tín.

Hơn nữa, đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện “Hai con yêu cửa Nam thành Quảng Ngãi”, nhắc đến oan hồn của 2 người phụ nữ chết oan lúc thành mới xây, cũng là một cứ liệu truyền ngôn góp phần khẳng định thành Quảng Ngãi vốn có 4 cửa.

Với các bài thơ vịnh cảnh Thiên Ấn niêm hà, Thạch Bích tà dương, Nguyễn Cư Trinh (1716- 1767) người từng giữ chức tuần vũ ở Quảng Ngãi khoảng năm 1750 – 1752 có lẽ là người đầu tiên mang hai chữ Cẩm Thành vào trong thơ.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Thảng (đã quá cố) cho rằng, những bài thơ nôm vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi (trong đó có 2 bài đã nhắc trên) có thể không phải của Nguyễn Cư Trinh lý do là những bài này họa Hà tiên thập vịnh (vịnh 10 cảnh đẹp Hà Tiên), mà Hà Tiên thập vịnh dùng chữ Hán; xướng chữ Hán, họa chữ Nôm quả là đáng ngờ.

Mặt khác, tỉnh thành Quảng Ngãi chuyển về khu vực nay ta gọi là Thành Cổ – đầu đời Gia Long (đầu thế kỷ XIX); trong khi đó Nguyễn Cư Trinh mất năm 1767 làm sao ông lại có thể nhắc đến một toà thành mà sau khi ông qua đời gần 100 năm và với bao nhiêu biến động mới được xây dựng?
Dulichgo
Nghi vấn của cụ Nguyễn Đình Thảng về cái gọi là “Quảng Ngãi thập nhị cảnh” nêu ra trong cuốn thơ văn Nguyễn Cư Trinh do ông Phan Hứa Thuỵ biên soạn (NXB Thuận Hoá – 1989) là có cơ sở. Xin chép lại đoạn văn sau đây của “Đại Nam liệt truyện tiền biên”: “Cư Trinh ở ngoài biên 10 năm, oai vọng lẫy lừng, dân Việt, người Nam thảy đều khâm phục. Lại ưa ngâm vịnh, thường cùng đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ lấy thơ văn tặng đáp qua lại với nhau, lời lẽ bình đạm, đẹp đẽ. Những thơ văn ấy vì nhiều biến cố không được ghi chép lại, song có thơ họa “Hà Tiên thập vịnh” truyền tụng ở đời”.

Đã rõ, xướng là “thập vịnh” (10 bài), thì họa cũng thập vịnh, lấy đâu ra thập nhị (12). Trong 12 cảnh đẹp Quảng Ngãi, truyền tụng bấy nay, Nguyễn Cư Trinh chỉ vịnh 10 cảnh, còn 2 cảnh “Vân phong túc vũ” và “Thạch ky điếu tẩu” là do người đời sau thêm vào thôi.

Cũng có thể hiểu theo một cách khác để giải đi chữ “ngờ” đối với việc Nguyễn Cư Trinh nhắc đến Cẩm Thành. Phải chăng Cẩm Thành trong thơ Nguyễn Cư Trinh nói đến thành phủ Quảng Nghĩa khi còn đóng ở Phú Nhơn, phía bắc sông Trà Khúc. Khi phủ Quảng Nghĩa dời về Chương Nghĩa, xây thành mới, người ta đã mang theo luôn cái mỹ tự Cẩm Thành theo chăng?
Dulichgo
Khi Cẩm Thành đã trở thành địa danh văn hoá của cả vùng đất Quảng Ngãi, thì sự đồng nhất giữ lỵ sở ở Phú Nhơn và lỵ sở ở Chánh Lộ trong một cách gọi thiên về văn hoá tinh thần cũng là điều có thể xảy ra.
Dù sao cũng chỉ là giả thiết. Mong các nhà nghiên cứu bàn thêm để cùng nhau hiểu biết nhiều hơn về quê hương Quảng Ngãi mến yêu, như lời cha ông nhắc nhở “cây có cội, nước có nguồn”!

Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Người Miền Trung

Đất Cẩm Thành- Dấu tích một thời

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468