(BQN) – Quảng Nam Châu là cái tên chưa được đề cập nhiều khi nói về hệ sinh thái rừng Quảng Ninh.
< Các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng Quảng Nam Châu.
Rừng phòng hộ biên giới Quảng Nam Châu trên địa bàn hai xã Quảng Sơn và Quảng Đức (Hải Hà) gần như còn nguyên sơ, thảm thực vật dày, cấu trúc tầng tán với nhiều loài cây gỗ, loài thú lớn, dược liệu đặc hữu, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Chỉ nay mai khu vực này sẽ là khu bảo tồn rừng thứ 2 của tỉnh, sau Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ).
Hành trình về với thiên nhiên hoang sơ
Theo tài liệu lưu trữ của cơ quan chức năng, Quảng Nam Châu là rừng phòng hộ biên giới, nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn và Quảng Đức, huyện Hải Hà, với diện tích 12.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên lớn và liền khoảnh, đỉnh cao nhất trên 1.500m. Vùng lõi rừng Quảng Nam Châu gần như còn nguyên sơ.
Đoàn “thám hiểm” Quảng Nam Châu mà tôi tham gia gồm 2 cán bộ của Hạt Kiểm lâm Hải Hà, 1 chiến sĩ Lâm trường 103 (Đoàn Kinh tế quốc phòng 327), 1 người quay phim và tôi. Lộ trình là xuất phát từ trục đường biên giới thuộc xã Quảng Sơn, theo tuyến đường mòn lên Hang Vây rồi xuyên qua khu rừng lá rộng, khu rừng hỗn giao tre nứa – gỗ để vào vùng lõi Quảng Nam Châu.
Dulichgo
Chặng khởi đầu của chúng tôi mặc dù đi xuyên qua khu rừng tự nhiên lá rộng với những khe, thác nước, vạt cây gỗ sến to lớn, xù xì… nhưng không quá vất vả bởi tuyến đường mòn chúng tôi men theo khá rộng. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Thật thú vị bởi khung cảnh trên lưng chừng núi này là vùng thảo nguyên vô cùng tươi đẹp với bạt ngàn hoa mua tím ngắt và một hồ nước tự nhiên khá rộng.
Sau ít phút nghỉ ngơi, chúng tôi tiến về khu rừng hỗn giao tre nứa – gỗ để vào vùng lõi rừng Quảng Nam Châu. Khu rừng rất rậm rạp, bước vào rừng, ánh sáng và nhiệt độ xuống thấp đột ngột so với bên ngoài và gần như không có lối đi.
< Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà phát hiện cây trầu một lá, một loại cây thuốc nam trong rừng Quảng Nam Châu.
Chúng tôi vừa đi vừa mở đường như những người thợ rừng thực thụ. Tuy nhiên, chỉ được khoảng 20 phút sau, cả đoàn chúng tôi ai cũng phát hoảng vì đàn vắt nhỏ to như ngửi thấy hơi người thi nhau bật thân bám vào giày, vào tất, leo lên quần áo của mỗi người. Trông chúng hung hăng, tưởng như chẳng mấy chốc mà sẽ bám lên đầu lên cổ chúng tôi. Riêng tôi do không có kinh nghiệm đi rừng, chuẩn bị tư trang không kỹ nên đã bị vắt cắn, nhiều con no mọng máu.
Dulichgo
Vừa đi chúng tôi vừa nghe đồng chí cán bộ kiểm lâm kể về sự khác lạ của vùng rừng đặc biệt này. Theo lời kể khu vực này từng xuất hiện nhiều loài thú lớn như gấu, báo, hổ. Thông tin này là do những người dân trong khu vực chuyên làm nghề khai thác lâm sản cho biết. Trong những lần đi rừng Quảng Nam Châu đã từng nhìn thấy gấu, ước nặng khoảng 60-70kg, còn việc bắt gặp các dấu vết của nó để lại thì rất nhiều. Đặc biệt nhiều người dân 2 xã Quảng Sơn và Quảng Đức đều xác nhận còn có báo, hổ xuất hiện tại Quảng Nam Châu…
Theo tài liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chúng tôi được biết trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ đã thực hiện đề tài đánh giá và xác định đa dạng sinh học khu hệ thú tại rừng Quảng Nam Châu.
Kết quả đơn vị thực hiện đã xác nhận thông tin về 23 loài thú thuộc 14 họ và 6 bộ, tiêu biểu như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, lợn rừng, gấu ngựa, cu li, sóc, chuột, mèo, nai, hoẵng… Trong số đó, có 6 loài được xếp trong sách Đỏ Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức săn bắt, buôn bán; có 8 loài được liệt kê trong danh sách động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ.
Đối với câu chuyện về sự có mặt của 2 loại thú lớn, gấu ngựa và báo lửa, theo tài liệu của Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ ghi nhận có dấu vết cào cấu của loài gấu ngựa trên cây và đưa ra phỏng đoán về sự có mặt của gấu ngựa ở khu vực Quảng Nam Châu. Theo ông Mạc Văn Xuyên, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nếu giả thuyết này được chứng minh thì đây là thông tin mới của khoa học, bởi Quảng Ninh vốn không phải là địa bàn phân bố sinh sống của loài gấu. Còn đối với báo lửa, đoàn nghiên cứu nhận định, Quảng Nam Châu là nơi có các loài thú nhỏ thuộc bộ gặm nhấm và guốc chẵn, vốn là nguồn thức ăn của báo lửa. Tuy nhiên, trong thời gian điều tra ngoại nghiệp đoàn không ghi nhận bất kỳ dấu vết nào của loài này.
Dulichgo
Cái khó của những người gác rừng
Hiện nay, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng Quảng Nam Châu thuộc về 3 đơn vị Ban Quản lý rừng phòng hộ Chúc Bài Sơn, Lâm trường 103 và Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà.
< Là rừng phòng hộ biên giới, thế nhưng người dân vẫn tự do ra vào, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm rừng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, những năm gần đây, 3 đơn vị này đã phối hợp duy trì 7 trạm gác rừng, mỗi trạm thường xuyên có từ 5-7 người. Các trạm gác đều được đặt ở sát chân rừng, vị trí hẻo lánh, vùng sâu xa, nhằm bảo vệ các điểm xung yếu của rừng, nên điều kiện đi lại, ăn ở rất thiếu thốn, hạn chế.
Tiêu biểu như trạm Hang Vây nằm biệt lập trên tuyến đường biên giới đoạn qua xã Quảng Sơn, cách 18km mới có nhà dân. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình thấp, bị bao kín bởi các cánh núi nên sương mù nhiều, độ ẩm không khí rất cao, mưa kéo dài. Đại uý Nguyễn Hữu Doanh, Lâm trường 103, Trưởng trạm Hang Vây, cho biết: Chính vì đặc thù thời tiết như vậy nên trong khi vùng lân cận nắng ráo thì khu vực Hang Vây vẫn mưa hoặc sương giăng mờ lối, khiến mọi đồ đạc cá nhân thường xuyên bị ẩm mốc, quần áo nhiều khi phơi cả ngày cũng không khô nổi. Nhiều anh em trong trạm cũng vì thế mà thường mắc các bệnh ngoài da.
Đặc biệt khu vực này hiện chưa có điện lưới, hiện trạm gác rừng Hang Vây đang dùng pin năng lượng mặt trời, tuy nhiên theo anh Doanh cũng chỉ đủ để chiếu sáng một chốc buổi tối, nạp đèn pin, điện thoại… chứ không dùng được các thiết bị điện khác.
< Rừng Quảng Nam Châu có những thác nước rất đẹp.
Anh Nguyễn Văn Điềm, nhân viên Hạt Kiểm lâm Hải Hà được điều động bổ sung lực lượng cho trạm Hang Vây 3 buổi/tuần, cho biết: Tôi thì đi đi về về nên dễ thay đổi tư trang, chứ còn các anh em phải trực đến cuối tuần nên rất khổ. Giá mà ở đây có điện lưới như ở các trạm khác thì anh em đỡ vất vả nhiều lắm, an tâm làm nhiệm vụ hơn…
Dulichgo
Với sự chủ động của các đơn vị quản lý, sự nỗ lực của từng nhân viên các trạm gác rừng, nên nhiều năm qua rừng Quảng Nam Châu được quản lý, bảo vệ tốt, không xảy ra tình trạng xâm phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, khu rừng này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại, nhất là từ việc khai thác lâm sản hay tập quán chăn thả gia súc của người dân. Trong chuyến thâm nhập thực tế vào vùng lõi rừng Quảng Nam Châu, chúng tôi không khó bắt gặp từng nhóm người dân tự do ra, vào rừng hoặc những đàn trâu, bò được chăn thả trên núi cao. Chính bởi vậy, thiết nghĩ, để quản lý, bảo vệ khu rừng Quảng Nam Châu cần có chính sách khuyến khích người dân phát triển rừng trồng thay cho việc sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên của Quảng Nam Châu như hiện nay. Bên cạnh đó, về lâu dài, Quảng Nam Châu cần hướng tới 1 chủ rừng duy nhất, giống như mô hình các khu bảo tồn rừng đang có.
Có thể thấy, qua chuyến đi thực tế và những thông tin chúng tôi thu thập được chỉ thể hiện một phần rất nhỏ giá trị, sự tươi đẹp, giàu có, đa dạng sinh học của khu rừng Quảng Nam Châu. Nơi đây thật sự cần có thêm những nghiên cứu khoa học đồng bộ, để từ đó làm cơ sở đẩy nhanh lộ trình thành lập khu bảo tồn rừng như mục tiêu đã đề ra.
Theo Việt Hoa (Báo Quảng Ninh)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.