(DNSG) – Giữa đồi núi trùng điệp nam Tây Nguyên mấy chục năm trước đã hình thành nên huyện Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng. Những địa danh như Mê Linh, Cổ Nhuế, Đông Anh… của Hà Nội cũng là tên của các xã ở vùng đất mới này.
Cách Đà Lạt 20 km, xã Mê Linh hình thành năm 1984 từ “4 khu, 4 huyện” của Hà Nội. Thấy vẻ thắc mắc của tôi, ông Lưu Thành Vui (quê huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, nay là Hà Nội) – một người dân địa phương – ôn tồn giải thích: “Những người dân Bắc đầu tiên vào đây là ở 4 khu trung tâm và 4 huyện ngoại thành của thủ đô, như quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, huyện Thanh Trì, huyện Từ Liêm… Lúc đó, quản lý địa bàn là hợp tác xã Mê Linh, chủ nhiệm hợp tác xã (tương đương chủ tịch xã), rất có quyền uy trong việc cấp đất. Mãi đến năm 1990, 1991 khi chính quyền xã Mê Linh hình thành mới có con dấu tròn thay con dấu hình chữ nhật”.
Vào vùng đất mới khi còn là thanh niên, ông Vui đi bộ đội thuộc tỉnh đội Lâm Đồng. Sau khi giải ngũ, ông về nhà cưới vợ cũng là người Bắc. Gia đình ông sống bằng nghề kinh doanh cà phê và hiện ăn nên làm ra. Cậu con út của ông tên Hiếu đang cùng cha xây dựng cơ sở sản xuất cà phê mang nhãn hiệu Trung Hiếu.
Trên vùng đất bazan mưa thì nhão nhoẹt, nắng thì lấm bụi, gia đình ông mua được xe hơi và có căn nhà lầu khang trang. Theo ông Vui thì số người có “xế hộp” ở xã Mê Linh ngày càng nhiều.
Ông Phạm Ngọc Ngà – nguyên chủ tịch xã Mê Linh là một trong những người đầu tiên đưa dân Hà Nội vào vùng kinh tế mới Lâm Hà. “Thời đó rất khó khăn, gạo thiếu, tôi phải xuống miền Tây để mua gạo về cho dân. Những người Hà Nội khi đó phải giáp mặt với Fulro (tàn quân của Mặt trận Thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức). Đêm về, dân không dám ra đường vì sợ bọn chúng giết hại, ban ngày đi làm phải có du kích, công an xã bảo vệ”, ông Ngà nhớ lại.
Nguyên là sĩ quan quân đội ở Đoàn 559, ông vẫn giữ thói quen của một người lính Cụ Hồ trong việc giáo dục con cái sống có trách nhiệm, vận động người dân tuân thủ pháp luật.
Trưởng công an xã Phạm Ngọc Đĩnh cho biết, trước đây dân xã Mê Linh chủ yếu là người của huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, nay là Hà Nội và đồng bào Kho, Cil gốc Tây Nguyên nhưng nay xã đã có người của 20 tỉnh, thành về sinh sống trên diện tích hơn 4000ha. Đĩnh là người Yên Bái, vợ là người Mê Linh cùng vào vùng kinh tế mới.
Chúng tôi đi dọc con đường bê tông chạy dài giữa những quả đồi đang được khai phá để vào trung tâm xã Mê Linh. Hai bên đường, nhiều nhà lầu khang trang với xe hơi đỗ trong sân.
Ở Mê Linh có thác Voi đẹp đến nao lòng, từ lâu đã trở thành khu du lịch với nhà hàng, nhà nghỉ thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng mấy vạt rừng già còn sót lại và con thác nước đổ quanh năm.
Dọc đường liên huyện, nhiều người Kho mang nông sản, thực phẩm, heo gà ra chợ trung tâm xã hoặc thị trấn để bán. Mặt hàng họ mua về phần nhiều là nhu yếu phẩm và đồ dùng gia đình. Dân tộc Kho ở Lâm Đồng khoảng 100 ngàn người, chia làm nhiều nhánh, như Lạch, Snốp, lối sống không còn lạc hậu. Họ giao thương rộng rãi, con cái được đi học, không còn cúng Yàng khi đau ốm, nói sõi tiếng Kinh do thường xuyên tiếp xúc với dân kinh tế mới Hà Nội.
Đi hết xã Mê Linh, chúng tôi tới thị trấn Nam Ban (thị trấn thứ hai của huyện Lâm Hà sau thị trấn Đinh Văn). Ở trung tâm thị trấn có khu chợ Thăng Long kinh doanh đủ loại mặt hàng, từ vàng bạc, phân bón cho tới hàng mã. Cạnh chợ là trường tiểu học Thăng Long, Gia Lâm. Thị trấn có nhiều tên đường được đặt theo tên đường ở Hà Nội. Từ đây vào sân bay Liên Khương, ra huyện Bảo Lộc hoặc đi Đắk Lắk rất gần.
Những người ở các vùng quê của Hà Nội ngày trước vào đây phải đi mấy chặng tàu xe thì nay có thể ra sân bay Liên Khương để về quê sau vài giờ đồng hồ. Nhờ đô thị hóa nên vùng đất này nhà cửa, phố xá tập nập. Bà con ngoại thành Hà Nội vào đây sinh sống ngày một đông.
Chúng tôi tấp vào một quán cóc ven đường để uống tách trà chẳng khác ở vỉa hè phố phường Hà Nội. Nhiều người đàn ông vừa uống trà, vừa rít thuốc Lào mang từ Bắc vào. Biết người viết đang tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội ở Lâm Hà, bà chủ hàng nước liền giới thiệu: “Ở đây toàn là người Bắc nên có cả mắm tôm, bánh dẻo, bún ốc. Thời gian đầu vào đây, mọi người nhớ nhà lắm, năm nào cũng bắt xe khách về quê nhưng rồi cả xã tôi vào đây, có cả họ hàng nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai dần. Ngày Tết, ngoài cây mai của miền Nam, ở đây có đào Nhật Tân đem giống từ ngoài ấy vào”.
Đinh Văn là huyên lỵ của Lâm Hà có nét gì đó hao hao với thị trấn Ayun Pa hay An Khê (nay là thị xã) ở tỉnh Gia Lai với những con đường nhựa rộng rãi, có nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tấp nập. Trụ sở cơ quan huyện và thị trấn rất khang trang
Phó chủ tịch huyện Lâm Hà Đinh Tấn Bái cho biết vắn tắt, huyện thành lập ngày 28/10/1987. Lâm Hà là tên ghép của Lâm Đồng và Hà Nội. Diện tích tự nhiên của huyện 93.000ha, dân số 141.784 người, khoảng 60% là người Hà Nội vào lập nghiệp, hồi đó gọi là đi xây dựng vùng kinh tế mới. Huyện có 300ha cà phê, 31ha chè, 325ha dâu tằm.
Năm 2015, thu nhập bình quân của dân đã đạt 2.100 đô la Mỹ. Từ đây đến Đà Lạt chỉ hơn 20km nên nhiều người dân phố huyện có ô tô thường lên đấy ăn sáng, uống cà phê trước khi đi làm, buổi tối cũng có người về Đà Lạt nhảy đầm, ăn nhậu. Nhờ trồng cà phê, hồ tiêu, mắc ca, mỗi năm một người làm nương rẫy ở Lâm Hà lãi vài trăm triệu đồng là bình thường.
Anh Bái nói: “Ánh sáng văn hóa đến tận buôn làng, ngõ ngách trong cái huyện tương đối mới này. Họ chăm chỉ làm ăn, tích lũy nên cuộc sống khấm khá dần. Cái nghèo, cái đói chỉ còn trong hoài niệm. Lớp trẻ bây giờ làm ăn giỏi nên kinh tế huyện nhà mỗi ngày một khá. Điều đặc biệt là những người ở Hà Nội vào đây lập nghiệp vẫn giữ được truyền thống quê cha đất tổ, giữ được nếp nhà và giọng nói của từng vùng”.
Khi chúng tôi chuẩn bị rời trụ sở huyện thì có một đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Đông Anh, Hà Nội chạy xe vào. Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười chảy tràn trên môi giữa những người đồng hương gặp nhau ở tận nam Tây Nguyên xa xôi sao mà đầm ấm lạ!
Theo Hà Tiên (Doanh Nhân Sàigòn)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.