RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Cột chỉ đường cổ nhất Đà Nẵng nằm ở đâu?

Advertisement

(IFN) – Thực ra nó nằm ngay giữa trung tâm TP, tại góc ngã ba Bạch Đằng – Thành Điện Hải, cạnh khách sạn 5 sao Novotel, phía sau là Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, nhưng lại không mấy ai biết!

Cột chỉ đường từ thời thuộc Pháp, chỉ dẫn tới Bảo tàng Henri Parmentier

Ngày 24/11, Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, nhằm khảo sát các điểm đến mới hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước, vào ngày 30/11 Sở sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí khảo sát thực tế và trao đổi, thảo luận về một số điểm đến văn hóa, gồm: Cột tên chỉ đường cổ – Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng – Đình làng Hải Châu – Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Nếu tên tuổi các điểm đến Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Đình làng Hải Châu, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã khá quen thuộc với người dân, du khách và được thông tin khá thường xuyên trên báo chí thì ngược lại, hầu như chưa mấy ai biết gì về “Cột chỉ đường cổ” tại Đà Nẵng, dù nó nằm tại góc ngã ba Bạch Đằng – Thành Điện Hải, cạnh khách sạn 5 sao Novotel, phía sau là Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng.
Dulichgo
Cột chỉ đường này được đúc bằng xi măng, cốt thép rất chắc chắn, phía trên có một tấm bảng cũng đúc bằng xi măng, hiện còn dấu tích của dòng chữ tiếng Pháp dù đã bị đục bỏ nhưng vẫn còn có thể cho thấy đây là bảng chỉ đường tới Musée Henri Parmentier, tức Bảo tàng Henri Parmentier. Vậy Bảo tàng Henri Parmentier nằm ở đâu?


< Dấu tích của dòng chữ cho thấy đây là bảng chỉ đường tới Musée Henri Parmentier, nay chính là Bảo tàng điêu khắc Chăm…

Theo các tài liệu, cuối thế kỷ 19, công sứ tỉnh Quảng Nam là Charles Lemire, người Pháp, đã tiến hành khảo cổ các di tích văn hóa Chăm và đem các di vật tìm được về trưng bày tại Đà Nẵng. Sau đó, năm 1900, Trường Viễn Đông Bác cổ (École Française d’Extrême-Orient) tiến hành khai quật khảo cổ ở quy mô lớn hơn. Từ đó, nảy sinh nhu cầu xây dựng một nhà bảo tàng tại Đà Nẵng để bảo quản, trưng bày các cổ vật Chăm.

Năm 1902, nhà khảo cổ Henri Parmentier – Chủ nhiệm khoa Khảo cổ của của Trường Viễn Đông Bác cổ – chính thức đề cử dự án kiến thiết rồi được hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thực hiện. Công trình được Trường Viễn Đông Bác cổ khởi xây năm 1915, đến năm 1919 thì hoàn tất với tên gọi “Công viên Tourane”.
Dulichgo
Bộ sưu tập đầu tiên trưng bày ở đây là 160 cổ vật điêu khắc do nhà khảo cổ Henri Parmentier thu thập từ thế kỷ 19, rồi được bổ sung thêm các hiện vật phát hiện về sau. Năm 1927, kiến trúc sư J. Y. Claeys (Trường Viễn Đông Bác cổ) đề xướng mở rộng bảo tàng nhưng đến năm 1936 mới hoàn tất. Ngày 11/3/1936, nhân tái khánh thành bảo tàng có sự hiện diện của Henri Parmentier, Trường Viễn Đông Bác cổ vinh danh ông bằng cách chính thức đặt tên cho bảo tàng này là Musée Henri Parmentier, nay chính là Bảo tàng điêu khắc Chăm.


< Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cột chỉ đường này vẫn đang đứng nguyên gần góc ngã ba Bạch Đằng – Thành Điện Hải nhưng không mấy ai biết.

Như vậy, “Cột chỉ đường cổ” nêu trên chính là cột chỉ đường tới một bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới tại Đà Nẵng. Cột chỉ đường này được xây dựng từ lúc nào? Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, người Pháp rất tôn trọng và có ý thức giữ gìn các di sản văn hóa. Vì vậy sau khi tái khánh thành và đặt tên “Musée Henri Parmentier” năm 1936 thì họ có ngay các biện pháp truyền thông, quảng bá và hướng dẫn về bảo tàng này.

“Tôi nghĩ có khả năng cột chỉ đường này xây dựng trong năm 1936 hoặc chậm nhất là 1937, tức cách đây hơn 80 năm. Đà Nẵng thời thuộc Pháp chỉ có một trục đường chính duy nhất là Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) chạy dọc bờ Tây sông Hàn. Cột chỉ đường đến Musée Henri Parmentier nằm ngay trên trục đường này. Đây cũng là cột chỉ đường duy nhất do người Pháp xây dựng còn lại trên đất Đà Nẵng cho đến nay!” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Khuếch trương tên tuổi và bảo vệ dấu tích lịch sử này bằng cách nào?
Dulichgo
Trước đó vài tháng, PV Infonet đã thông tin tới lãnh đạo Sở Du lịch, Sở GTVT Đà Nẵng về “cột chỉ đường cổ” này. Họ đã kiểm tra và rất ngạc nhiên, không hiểu sao nó vẫn tồn tại qua hai cuộc chiến tranh và bao nhiêu biến thiên của lịch sử? Đặc biệt, không hiểu sao nó vẫn còn có thể đứng nguyên tại chỗ sau nhiều lần sửa chữa, mở rộng đường Bạch Đằng; tháo dỡ tòa nhà kiến trúc Pháp vốn là trụ sở TAND tỉnh QN-ĐN cũ trên cùng khu đất để xây khách sạn Novotel?…

< Du khách tham quan cột chỉ đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cách đây hơn gần trăm năm…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, khi mở rộng đường Bạch Đằng và khi xây khách sạn Novotel, Bảo tàng Đà Nẵng đều cử cán bộ tới làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công, đề nghị có biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng của “cột chỉ đường cổ” vì đây biển báo giao thông duy nhất của Đà Nẵng thời thuộc Pháp còn lại đến bây giờ, một dấu tích lịch sử của TP.

“Khi khách sạn Novotel tháo dỡ trụ sở TAND tỉnh QN-ĐN cũ để làm sân vườn thì chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thực hiện đúng theo yêu cầu của Bảo tàng Đà Nẵng, giữ nguyên hiện trạng của cột chỉ đường cổ, đồng thời gia cố thêm móng cột cho chắc chắn hơn nữa!” – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Và nay thì Sở Du lịch Đà Nẵng sắp đưa “cột chỉ đường cổ” này thành một điểm đến, góp phàn cho người dân cùng du khách trong và ngoài nước hiểu biết thêm về lịch sử hình thành và phát triển của TP. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cũng cho biết đã có dự định làm một bảng thuyết minh bằng meca đặt dưới chân “cột chỉ đường cổ” này cho mọi người đến đây được biết.
Dulichgo
Về lâu dài, Bảo tàng Đà Nẵng đề xuất Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thể thao cần phối hợp lập và thực hiện dự án số hóa toàn bộ các tên đường, trong đó có “cột chỉ đường cổ” này cũng như các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh… để người dân, du khách dễ dàng tiếp cận thông tin thuyết minh.


< Đã bắt đầu thấy xuất hiện những vệt sơn vẽ bậy trên thân cột.

Tuy nhiên lại có một nguy cơ khác đặt ra. Lâu nay không ai biết tới thì không “mệnh hệ” gì; nay với việc lai lịch được công bố, trở thành “điểm check-in” thì liệu “cột chỉ đường cổ” này, nhất là tấm bảng xi măng, có sẽ bị ai đó “lưu danh” lên hay không? Việc hai bức tranh phong cảnh kỷ lục do Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng trưng bày tại hầm đi bộ bờ Tây cầu Rồng bị viết vẽ bậy tới mức vừa phải tháo dỡ chính là một bài học nhãn tiền.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, đối với “cột chỉ đường cổ”, quan điểm của Bảo tàng Đà Nẵng là giữ nguyên hiện trạng chớ không đụng chạm đến, không dùng hóa chất hay vật liệu gì để tác động. gây ảnh hưởng đến yếu tố gốc của dấu tích lịch sử này. Đồng thời cũng không lập hàng rào bảo vệ chung quanh vì sẽ rất phản cảm trên tuyến đường du lịch ven sông Hàn.
Dulichgo
Tuy nhiên ông thừa nhận nguy cơ “cột chỉ đường cổ” bị viết vẽ bậy là có nhiều khả năng xảy ra. Chỉ cần kẻ nào đó xịt sơn lên tấm bảng chỉ đường đến Musée Henri Parmentier như vẫn thấy ở nhiều nơi trên đường phố thì sẽ rất khó tẩy xóa, thậm chí không thể khắc phục được. Vì vậy, ông đề nghị các cấp, ngành hữu quan cần giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân và du khách chung tay giữ gìn các di sản văn hóa, lịch sử.

“Đó là về lâu dài, còn trước mắt chúng tôi sẽ đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch làm việc với khách sạn Novotel để họ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ “cột tên đường cổ” đúng hiện trạng, vì cột chỉ đường này nằm trên cùng khu đất với họ nên rất thuận tiện; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan có biện pháp quảng bá, khuếch trương về dấu tích lịch sử này đến người dân, du khách trong và ngoài nước!” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Theo Hải Châu (Infonet)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468