Trong suốt sự nghiệp cố vấn kinh tế của mình, Lolly Daskal đã làm việc với hàng trăm doanh nhân, triệu phú và tỷ phú trên thế giới. Bà cho biết thói quen đọc sách tâm lý chính là cách để thấu hiểu và hợp tác dễ dàng với các đối tác.
Lolly Daskal là người sáng lập Lead from Within, công ty tư vấn toàn cầu dành cho các nhà kinh doanh, lãnh đạo cao cấp và thậm chí cả nguyên thủ của các quốc gia. Bà cũng là tác giả của cuốn sách “Suy nghĩ từ trái tim: 500 điều nên nghĩ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống” và lọt top 100 nữ doanh nhân truyền cảm hứng có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Sau nhiều năm tiếp xúc và hợp tác với nhiều lãnh đạo hàng đầu trên thế giới, bà Lolly Daskal nhận thấy đặc điểm chung ở họ chính là sự nhận thức khả năng của bản thân và cách phát huy khả năng đó.
Chia sẻ với CNBC, Lolly Daskal nói rằng dù mọi thông tin tràn lan trên mạng internet nhưng bà lại trung thành với cách tiếp thu kiến thức truyền thống. Bà thích đọc sách hơn là lướt mạng khi nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như, nếu không thể gặp gỡ trực tiếp huyền thoại của giới đầu tư Warren Buffett, bà sẽ tìm đọc những cuốn sách của ông để hiểu được lối suy nghĩ và triết lý sống cũng như phong cách làm việc của vị tỷ phú này.
Lolly Daskal thường có thói quen đọc sách vào buổi sáng. Bà cho rằng đó là cách để tập thể dục, nhưng không phải tập thể dục cho cơ thể mà tập thể dục cho tinh thần và trí óc. Lolly Daskal từng đọc rất nhiều thể loại sách từ kinh tế, tài chính, thơ ca đến những cuốn về khám phá tâm lý con người. Trong đó, không thể không kể đến cuốn sách đã định hình sự nghiệp cho bà Daskal trong suốt ba thập kỉ qua mang tựa đề “Man’s Search for Meaning” của tác giả Viktor Frankl (tạm dịch là: Đi tìm lẽ sống).
Đi tìm lẽ sống là cuốn sách nói về cách duy trì tinh thần lạc quan khi đối diện với nỗi đau, tội lỗi và cái chết. Tác giả Viktor Frankl đã phải trải qua quãng thời gian chịu nhiều đau khổ trong trại tập trung sống còn ở Đức Quốc Xã. Tuy nhiên thay vì đề cập đến những khó khăn nghiệt ngã ấy thì ông lại nhấn mạnh nhiều hơn về những nguồn sức mạnh giúp bản thân tồn tại, khả năng chịu đựng phi thường của con người trong điều kiện khắc nghiệt như thế nào.
Đây chính là cuốn sách đã thay đổi lối suy nghĩ và cách sống của bà Daskal. Không những thế, nó cũng giúp bà nắm bắt được cảm xúc và tâm lý của con người, tìm ra giải pháp chữa trị tâm hồn khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Thay vì than phiền, oán trách số phận thì chúng ta nên suy nghĩ lạc quan, tích cực giống như cách Viktor Frankl đã làm để trở thành người sống sót trong nạn diệt chủng ở Đức Quốc Xã. Lối suy nghĩ này đã giúp Lolly Daskal thành công hỗ trợ cho nhiều đối tác, đồng nghiệp. Tư vấn cho họ cách trở thành người lãnh đạo xuất chúng và dẫn dắt nhân viên vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Lolly Daskal tâm đắc với cuốn “Đi tìm lẽ sống” đến mức mỗi năm bà đều đọc lại ít nhất là một lần. Cho đến nay, bà đã đọc trên dưới 30 lần nhưng vẫn chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán: “Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là vào năm 18 tuổi. Nó đã thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của tôi. Đó là một cuốn hồi ký ghi chép về các mốc thời gian tác giả phải đấu tranh để sống sót tại 4 trại tập trung ở Đức Quốc Xã, trong đó có Auschwitz. Cuốn sách này đã khai sáng trí tuệ và tầm nhìn của tôi. Vì thế, mỗi năm tôi đều đọc lại”.
“Nếu không thể thay đổi tình huống hoặc thách thức xảy ra với bản thân thì phải thay đổi chính mình. Đôi khi, có những điều vượt ngoài tầm kiểm soát và suy nghĩ của bạn nhưng đừng hoang mang, hãy thay đổi bản thân để thích nghi với mọi tình huống. Làm được điều đó thì có lẽ sẽ không còn rào cản nào ngăn được sự tiến bước của bạn trên con đường thành công”, Lolly Daskal cũng chia sẻ về quan niệm sống và làm việc đã giúp bà trở thành nữ doanh nhân truyền cảm hứng có tầm ảnh hướng lớn trong suốt ba thập kỉ qua.
Giới thiệu về cuốn sách:
Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.
Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.
Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.
Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.
Link tải sách : Tại đây
?DienDan.Edu.Vn cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn. https://diendan.edu.vn/
?Các bạn tham khảo hướng dẫn tải file trên Quản Trị Excel tại đây: http://www.quantriexcel.info/2018/11/huong-dan-tai-file-tren-quan-tri-excel.html
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.