Có một câu chuyện liên quan đến rạn san hô được kể như sau:
Trong các chuyến du lịch tham quan vùng Great Barrier, trải dài khoảng 1.800km từ New Guinea đến Úc, những hướng dẫn du lịch thường đưa du khách đi xem các rạn san hô nơi đó. Trong một tour như vậy, một du khách đã đặt câu hỏi khá thú vị cho hướng dẫn viên: “Tôi nhận thấy rạn san hô về phía gần đầm nước có vẻ tai tái xanh, và hình như nó vô hồn làm sao ấy, còn phần hướng ra phía đại dương thì có vẻ sống động và màu sắc sặc sỡ hơn nhiều. Anh giải thích xem tại sao nó lại như vậy được không?”.
Người hướng dẫn du lịch đã trả lời, cũng thú vị không kém: “Phần rạn san hô hướng về phía đầm nước nằm trong một vùng nước tĩnh, không đối mặt với một thử thách nào khiến chúng trở nên sống động, do vậy chúng có vẻ tai tái như đã chết. Còn phần san hô hướng ra phía đại dương luôn chịu thách thức bởi các cơn gió, rồi sóng biển và muôn vàn bão táp luôn tập trung vào chúng. Chúng phải chiến đấu để tồn tại hằng ngày. Do phải chịu thử thách như vậy, chúng đã phải thay đổi và dần thích ứng được. Chúng đã phát triển mạnh mẽ và sinh sôi nhanh chóng”. Anh còn nói tiếp: “Chuyện này không phải chỉ riêng với san hô, mà là chuyện của các sinh vật sống”.
Trong ngạn ngữ Anh cũng có một câu tương tự: “Một vùng biển lặng không tạo ra được thủy thủ giỏi giang”. Quay lại với câu chuyện quản lý, chúng ta có thể áp dụng chuyện kể trên vào việc phát triển nhân viên. Sự thử thách trong giao việc, với những việc hơi quá sức một chút so với năng lực hiện tại của nhân viên, sẽ là cơ hội để nhân viên phát triển năng lực của mình. Và nhờ sự đáp ứng sống động của nhân viên trong việc chấp nhận thử thách, họ sẽ trưởng thành hơn qua những công việc hơi quá sức nhưng đã được họ hoàn thành. Lúc đó nhân viên cũng giống như phần rạn san hô đang hướng về phía đại dương vậy.
Tất nhiên, khi gặp công việc quá sức, nhân viên không dễ gì vượt qua được, nhưng tinh thần chấp nhận thử thách và xoay xở để vươn lên hoàn thành công việc kiểu như vậy sẽ đem đến cho họ những bài học sống động. Sau mỗi thử thách, họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước đó và trưởng thành về mặt năng lực.
Từ câu chuyện trên, nhà quản lý muốn phát triển nhân viên sẽ không chỉ đơn thuần là giao cho nhân viên nhiều việc, mà chính là chọn lọc giao cho họ những công việc có độ khó hơn một chút so với năng lực hiện tại, để nhân viên xoay xở “với” tới cho được. Nghĩa của chữ “phát triển” được hiểu như vậy: Một mặt tôi vừa thúc đẩy anh bước lên nấc thang năng lực, mặt khác anh cũng phải có thiện chí xoay xở tốt hơn để có thể bước lên nấc thang ấy. Vậy thì đây là câu chuyện dành cho hai phía: Phía nhà quản lý và phía nhân viên.
Về phía nhân viên thì đã rõ, phía nhà quản lý cũng có thử thách. Thử thách ở đây là bên cạnh giao cho nhân viên những việc bình thường, “tĩnh lặng”, nhà quản lý còn phải chọn những công việc mang tính chất như “các cơn gió, sóng biển và bão táp” để tạo cơ hội cho nhân viên của mình bước lên trên nấc thang năng lực của họ.
Thang năng lực được thiết kế không phải để ngắm nhìn, xuýt xoa mà là để quản lý và phát triển con người. Chừng nào chưa đạt được điều đó thì thang năng lực còn là một cái gì đó còn rất xa xỉ trong hoạt động tại doanh nghiệp.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.