(PGVN) – Nhiều du khách thăm quan hoặc dân địa phương thường nhắc đến Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc như là một địa danh của du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần, một nơi tượng trưng cho phong cảnh “núi ấp ôm mây, mây ấp núi” đầy thơ mộng, huyền ảo và lung linh sắc mầu hoa lá cỏ cây.
Tam Đảo là một dãy núi ở vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, mờ mờ ảo ảo, đó là đỉnh Thạch Bàn (cao 1.388m so với mặt nước biển), đỉnh Thiên Thị (cao 1.375m) và đỉnh Máng Chì (Phù Nghì hay còn gọi là Phù Nghĩa) (cao 1.400m). Quanh năm một màu xanh biêng biếc của núi rừng, hòa quyện với cái trắng bàng bạc của mây.
Do tương đối dốc đứng, nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Thác Bạc có độ cao 50m, nước xối xuống tung bọt trắng xóa, ngay cả vào mùa khô. Cũng vì dốc đứng, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao. Nhiều loại rau quả ôn đới được trồng ở Tam Đảo, đặc biệt là su su, cung cấp cho các vùng xung quanh, nhất là cho Hà Nội. Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều.
Dulichgo
Loài cá cóc, là động vật đặc hữu của Tam Đảo. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng khoảng 36.883 ha, nằm trọn trong dãy núi này. Ở Tam Đảo có nhiều tài nguyên khoáng sản, đáng kể nhất là thiếc. Tất cả tạo nên một đại ngàn Tam Đảo được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái, đặc biệt là loài cây sặt và trúc – loài thực vật co vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn nước đầu nguồn Tam Đảo.
Trên dãy Tam Đảo có những di tích văn hóa-lịch sử nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu) thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu. Theo thần thoại, Quốc Mẫu Tây Thiên là do linh khí của núi rừng Tam Đảo hun đúc mà nên. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lên Tam Đảo, xây dựng một thị trấn ở đây làm nơi nghỉ mát cho các quan chức của chính quyền đô hộ.
Tổng cộng có 163 ngôi biệt thự, kiến trúc châu Âu đã được xây dựng. Ngày nay, hầu như tất cả đã đổ nát hết vì chiến dịch tiêu thổ kháng chiến chống Pháp và do con người phá hủy ko nương tay, trừ ngôi nhà thờ cổ kính. Tam Đảo là một khu du lịch nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến Tam Đảo, rất hữu ích cho những ai một lần muốn khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, ít trekker (người thích leo núi, băng rừng), thậm chí cả người dân bản địa biết rằng, trên ngọn núi Thạch Bàn, xưa kia đã từng tồn tại một ngôi chùa (đúng hơn là đền) Đồng Cổ cách đây đã hàng ngàn năm, cùng thời đại với các vua Hùng dựng nước.
Sau này do thời gian phong hóa, chiến tranh giặc giã liên miên, thậm chí có cả sự phá hoại của con người nữa, cộng thêm với địa thế cheo leo, xa xôi cách trở với nơi ở của người dân địa phương nên mọi dấu tích xưa dường như không còn nữa, ngoài cái mặt phẳng đúng với cái tên “Thạch Bàn” của nó, thách thức thời gian.
Thực hư chuyện tồn tại một ngôi đền Đồng Cổ trên đỉnh núi Thạch Bàn cứ ám ảnh tôi. Tra lần báo mạng, tìm hiểu các nguồn thông tin địa phương, tra cứu trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đều không thấy ghi rõ ràng, ngoài dòng chữ, “trên dãy núi Tam Đảo xưa kia đã từng có một ngôi đền Đồng Cổ”.
Dulichgo
Đâu mới là cái nôi gốc của Trống Đồng Việt? Tại sao “Trống Đồng” lại có tên là Linh phù tộc Việt? Vùng Đan Nê, Thanh Hóa cũng có đền thờ Đồng Cổ. Vậy đền nào có trước, đền nào có sau? Câu chuyện đền Trống Đồng này nhằm giải mã điều gì? Và nhiều câu hỏi khác cứ miên man chảy ra khiến tôi háo hức một lần muốn khám phá.
Để chuẩn bị cho chuyến đi thực địa ngược dòng lịch sử đầy thú vị này, tôi đã tranh thủ lướt web và tra trong Đại Việt sử ký toàn thư và được biết, ở trong Đan Nê, Thanh Hóa (Thôn Đan Nê – xã Yên Thọ – huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hoá) có một ngôi đền Đồng Cổ, tương truyền rằng vào năm 1020, vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) vào Thanh Hóa, tiến đánh quân Chiêm Thành đang lâm le dấy binh vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt ta (tên quốc hiệu này tồn tại từ thời vua Lý Thánh Tông 1054 đến thời vua Nguyễn Gia Long 1804). Trong một đêm ngủ trước khi xuất tướng chinh phạt Chiêm Thành, vua nằm mộng gặp vị thần Đồng Cổ hiển linh phò giúp đánh tan giặc Chiêm. Quả thật, trận năm đó quân ta thắng lớn, khiến quân Chiêm thất kinh, kinh thành bị thiêu trụi.
Ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, số 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, tọa lạc bên bờ sông Tô Lịch xưa một ngôi đền cũng mang tên Ðồng Cổ. Vì xưa kia, vua Lý Thái Tông cho rước thần Ðồng Cổ từ Ðan Nê, Thanh Hóa về lập đàn thề trên đất Thăng Long vào năm 1028, phong cho thần chức quan “chủ trì việc thề trong cả nước”. Và cứ đến ngày 4 tháng Tư âm lịch hàng năm, nhà vua và các quan trong triều lại đến đền thề trước thần Ðồng Cổ: “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu – thần linh tru diệt…”. Dân ta thường gặp chuyện gì rắc rối cũng đến đó thề trước thần Ðồng Cổ.
Dulichgo
Sách Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên (Thế kỷ XV) kể thêm: Tám năm sau (năm 1028), trước hôm vua Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), lại được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có ba tước vương sẽ nổi loạn… Phật Mã vâng lời cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô, quả như thần đã báo mộng. Khi Lý Thái Tổ vừa băng hà, ba con trai là Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương đưa quân vào ém trong Cấm Thành, toan đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử đã dẹp được cuộc nổi loạn này. Mười ngày sau khi lên ngôi, Lý Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông, 1028 – 1054) cho xây ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng Ba tiến hành hội thề tại đền. Trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thần vị Đồng Cổ, quan giám thị điều khiển hội thề. Bách quan văn, võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quì trước thần vị, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh chu diệt”.
Về sau, vì ngày hội thề trùng với ngày kỵ của vua, nên hội thề chuyển sang ngày 4 tháng Tư (âm lịch). Các đời vua Lý đều giữ lệ thề ấy.
Đến thời Trần (1225 – 1400) cũng tiếp tục giữ lệ này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái bốn phương đổ về xem chật ních cả đường phố.
Lễ hội Đồng Cổ gắn với Trống Đồng đó là biểu tượng của sức mạnh vật chất, tinh thần cổ truyền của dân tộc. Hội thề “Trung hiếu” đền Đồng Cổ là lễ hội độc đáo, có ý nghĩa giáo dục đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc.
Dulichgo
Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh bao đời nay, di tích đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đây thực sự là Di tích lịch sử – văn hóa có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam, phát huy những giá trị tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc ta. Đây cũng là điểm tham quan, thưởng ngoạn và thắp hương cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về.
Trên đây là một đôi nét về đền Đồng Cổ ở Đan Nê, Thanh Hóa. Tuy nhiên, liệu đó có phải là cái nôi phát tích của Trống Đồng chưa, vẫn đang là câu hỏi bỏ lửng. Cách đây không lâu tại Phú Thọ, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều lò đúc đồng, Nồi nấu, rót đồng là những hiện vật thường gặp trong các di tích Văn hóa Đông Sơn (2.500 – 2000 năm cách ngày nay). Ở di tích Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) cũng phát hiện nồi nấu đồng. Với những khảo cứu khoa học này cho phép tôi hi vọng sự hiện hữu một ngôi đền Đồng Cổ ở nơi đây.
Thường thì thành phần kiến tạo nên Trống đồng bao gồm: Đồng – chì – kẽm; Đồng – Antimone; Đồng – chì – thiếc… Các quặng được khai thác tại chỗ. Và như vậy, với nguồn khoáng sản sẵn có ở vùng Tam Đảo này đã cho phép cha ông ta đúc được những Trống đồng với vẻ tinh xảo, điêu luyện và những nét đẹp lạ thường, phản ánh đời sống thịnh vượng của người Việt cổ xưa.
Dulichgo
Khi nghe nói ở trên đỉnh một ngọn núi thuộc Tam Đảo này có thờ vị thần “Đồng Cổ” khiến tôi vừa tò mò, vừa muốn khám phá, tôi đã đem thắc mắc và đôi điều thú vị này sang mạn đàm với nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Qua trao đổi, nhà văn đã khẳng định ngay: “Trong tập ba của bộ sách “Tám triều vua Lý” chú đã viết về ngôi chùa (đền) Đồng Cổ này rồi và khẳng định, cội nguồn của Trống Đồng phải ở Việt Trì – Phú Thọ chứ không phải là ở Thanh Hóa. Tuy vậy, chú cũng chưa một lần đặt chân đến đó. Vậy là tâm truyền tâm. Cả hai chú cháu đều khởi nguyện sẽ đi Tam Đảo một chuyến, mục sở thị xem ngôi chùa (đền) đó giờ thế nào.
Rất may trong đợt này, đạo diễn phim, NSƯT Lê Đức Tiến (người nổi tiếng với bộ phim “Sóng ở đáy sông”) đang xây dựng bộ phim truyền hình dài tập về “Mẫu Tây Thiên”, khi được biết chú cháu tôi muốn đi thực địa nên ông vui vẻ muốn tham gia đoàn, âu cũng là dịp để chú ấy xâm nhập thực tế.
Như có sự hối thúc từ trong tiềm thức do đoàn đã khởi nguyện, ngày 30/7/2014 chúng tôi chính thức lên đường. Đi theo đoàn đợt này, ngoài hai chú cháu tôi, chú Tiến, còn có chị Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, Phó Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Quốc Oanh (guider), được ví như “con ma rừng” của Tam Đảo, sẽ dẫn đoàn.
Vì Tam Đảo trực thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Tam Đảo nên việc trước tiên, chúng tôi phải xin phép Ban quản lý và rất may mắn được ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc vườn quốc gia hết sức tạo điều kiện thuận lợi, gọi điện chỉ đạo cho các trạm kiểm lâm đón tiếp cũng như chỉ dẫn những thông tin bổ ích khi đi vượt núi, xuyên rừng. Bên cạnh đó, đoàn cũng được anh Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo nhiệt tình đón đoàn, chia sẻ, bố trí người hướng dẫn đi cùng.
Dulichgo
Trước khi lên đường một ngày, đoàn được anh Thà phổ biến kinh nghiệm đi rừng như sau:
* Về tư trang: Mùa này trời hay có mưa nên phải chuẩn bị áo mưa chuyên dụng, giầy leo núi, tất dài, 01 vài bộ quần áo ấm phòng thân, thuốc D.E.P để bôi lên những chỗ hở như cổ, mặt mũi, tay…tránh vắt xanh, loại này hút máu ngọt lắm, máu lại không đông ngay được và chỗ bị chúng đốt coi như bị hoại tử. Hiểm ở chỗ, phàm thời tiết âm u, mưa xuống thì vắt xanh nhiều vô kể, giống như những kẻ hủy diệt, cứ thấy người là lao tới, nên phải có thuốc D.E.P, dầu gió (loại này không ăn thua lắm).
* Về đồ ăn: Đồ ăn nguội, nhẹ (trứng, xôi, bánh, kẹo…), nước uống.
* Về thời gian: Quãng đường leo lên đỉnh Thạch Bàn tuy không xa, khoảng 8 – 9km, nhưng vì độ dốc của núi khá thẳng đứng, rất khó leo trèo nên đoàn phải đi sớm, khoảng 7h sáng khởi hành là tốt nhất. Cả đi cả về mất khoảng 7 – 8h.
Một điều tối quan trọng cần lưu ý là đoàn phải đi bám sát nhau vì nói là đường lên đỉnh Thạch Bàn nhưng lại không có lối, vì ít có người đi lại, chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm của người đi rừng thường xuyên nên đánh dấu đường bằng cách thi thoảng dùng dao chém nhẹ vào thân cây hai bên lối đi vừa được mở để làm dấu. Mỗi người tự trang bị lấy một cái gậy, vừa để dò đường, chống ngã, cũng là để tự vệ khi gặp rắn rết và thú hoang.
Dulichgo
Có được những thông tin cần thiết, lại có anh “ma rừng” Oanh đi cùng, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Đêm 30 đoàn nghỉ tại Vĩnh Phúc. Và theo đúng hẹn, 7h sáng hôm sau đoàn đã có mặt ở trạm kiểm lâm bên sườn trái dãy núi Tam Đảo và cũng là điểm chốt cuối cùng. xe ô tô chuyên dụng gầm cao không thể lên được nữa.
Theo “ma rừng” Nguyễn Quốc Oanh thì ở điểm đỗ xe cách mực nước biển khoảng 1000m. Vậy là chỉ còn khoảng 400m băng núi vượt rừng. Cả đoàn ai cũng háo hức, mọi thứ đã sẵn sàng. Sáng 31/7/2014, thời tiết đẹp vô cùng. Ánh nắng vàng lên rực rỡ, cảnh vật núi rừng trở nên xanh tươi và đầy sức sống lạ thường. Những đàn bướm rừng tung tăng bay lượn, những bông hoa rừng mọc rải rác ven lối đường mòn khó đi vì có những đoạn, đường được lót bởi những khúc gỗ dài rồi trải cây giang (họ tre) lên trên làm lối đi tạm (sạn đạo). Đi bộ được chừng 2km dài, gặp con suối nhỏ chảy cắt ngang lối đi, đây cũng chính là điểm mốc giới tự nhiên giúp người đi rừng phân biệt được hai dãy núi Thiên Thạch và Phù Nghì. Cũng chính từ điểm này, đoàn bắt đầu leo núi theo sự chỉ dẫn của guider Oanh.
Càng leo lên, dốc núi càng thẳng đứng. Dưới dân núi (tính từ điểm chúng tôi bắt đầu leo), những thân cây gỗ mọc lưa thưa, đủ để cho ánh nắng xuyên qua kẽ lá, ngắm nghía giống như một tấm màng nắng, vàng óng như tơ. Xòe bàn tay ra đón lấy ánh nắng buổi sáng, lòng tôi đầy khoan khoái, rộn ràng niềm vui. Vậy là ước nguyện bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Đoàn vừa leo, vừa nói cười vui vẻ. Thi thoảng, tôi lại hát một bài, chị Thanh Vĩnh cũng hát phụ họa, Phó Trưởng phòng Văn nghệ mà, một giọng hát rất ngọt và ấm nữa, làm phá tan đi cái âm u, lạnh lẽo của núi rừng.
Mồ hôi bắt đầu chảy, thấm qua quần áo giống như một máy điều hòa tự nhiên làm làn da mát rượi. Càng lên cao, cây cối ken mỗi lúc một dày đặc, mà làm gì có gió, chỉ có tiếng ve, tiếng vắt, tiếng côn trùng đập cánh lượn lờ theo chúng tôi rình cơ hội là lao phập vào người.
Sau chừng 2 tiếng leo rừng, bước chân dường như có vẻ chậm lại vì độ dốc, điểm bám là các rễ cây, mô đá gồ ghề, thi thoảng mới bám được vào thân cây nho nhỏ, loài ưa bóng râm. Độ ẩm tăng dần và độ âm u cũng tăng lên tương ứng. Tôi bắt đầu nhìn thấy những mảng mây, chạm tay được vào nó. Đó là những đám bụi nước nhỏ li ti, mờ mờ, đục đục, lượn lờ, lững thững trôi. Kỳ lạ thật đấy! Lần đầu tiên tôi có cái cảm giác được “tắm” trong mây mù. Một cảm giác mát lạnh, làm giảm đi độ hừng hực của cơ thể khi phải gắng sức trèo lên.
Thi thoảng tôi lại hỏi xem nhà văn thế nào, có mệt không thì chú tươi cười vui vẻ đáp: – Đi nhẹ như bay ấy Cường ạ. Hình như là có ai đó nâng đỡ mình thì phải.
– Cháu cũng có cảm giác nhẹ nhàng như chú ấy. Chuyến đi này chú cháu mình chẳng mong cầu được một lần thỏa chí tang bồng rồi còn gì. Hình như là có Trời, Phật độ cho chúng ta đấy chú ạ, tôi động viên.
Chỉ còn 24 năm nữa là chú Hải tròn 100 tuổi, mà mỗi bước chân leo núi cứ chắc nịch khiến tôi vô cùng thán phục về sức bền, dẻo dai của con người “không bao giờ biết ngưng nghỉ” này. Chú chia sẻ:
Dulichgo
– Cường ạ, cuộc đời chú chỉ có hai việc chính để làm. Một là viết. Hai là đi. Viết thì cháu biết rồi. Còn đi thì chú đi nhiều lắm, từ Bắc vô Nam, chẳng chỗ nào là chú không đặt chân cả. Người xưa nói: Có đi nhiều mới biết được nhiều, có biết được nhiều mới làm nên sự nghiệp cháu ạ. Những chuyến đi điền dã thế này rất bổ ích và lý thú. Có đi xâm nhập thực tế mới có tư liệu sống để viết, chứ ngồi trong máy lạnh, chẳng muốn đi đâu thì chỉ tạo ra được một thứ “gà công nghiệp” thôi, vừa nói chú vừa cười khoái chí.
Như ngày trước, thi thoảng tôi cũng cùng bạn bè, hay cùng gia đình đi thăm thú đâu đó nhưng hầu như thời gian ấy tôi chỉ dành cho việc chơi và hưởng thụ thú ăn uống mà quên làm bổn phận ghi chép. Đi xong là xong, chẳng còn đọng lại cái gì trong đầu ngoài cái tên địa danh, điểm đến.
Giờ thì khác rồi, mỗi một chuyến đi với chú là một trải nghiệm với bao điều thú vị. Chỉ cần quan sát, biết lắng nghe và đầu óc muốn khám phá thì cuốn từ điển sống ấy đang ở trước mặt mình rồi. Biết ghi khắc vào bộ não mình bằng một cách nào đó có hệ thống thì chuyến đi ấy nó cứ theo mình mãi, gợi lại là nó hiện ra liền.
Đang miên man trong những câu chuyện điền dã thú vị thì trước mặt với cơ man nào là sặt (thân nhỏ giống cây trúc, họ nhà tre), những khóm sặt mọc thành búi, ken dầy lối đi. Anh “ma rừng” Oanh kêu to: “Sắp leo đến đỉnh Thạch Bàn rồi”. Nghe chỉ có vậy, đoàn như được tiếp thêm năng lượng, tiến bước về phía trước. Chú Tiến tiếp lời: “Tiến lên ta quyết tiến lên. Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu. Hàng đầu rồi sẽ đi đâu. Đi đâu không biết hàng đầu tiến lên”. Cả đoàn lại cười vang.
Trời mỗi lúc một mưa dầy, nặng hạt. Những hạt mưa rớt xuống lá rồi rơi xuống đỉnh đầu, va vào áo mưa kêu lộp độp, tí tách. Đến lúc này nhìn đồng hồ là 12h trưa, đoàn chúng tôi ai cũng ướt như chuột lột, ướt từ đầu đến chân. Đúng là hóa mù ra mưa có khác. Dưới chân núi thì nắng đẹp thế. Bụng bảo dạ, thế này thì an tâm với loại vắt xanh rồi, chúng chỉ xuất hiện khi có mưa nhiều thôi. Thế mà càng lên cao, trời mỗi lúc một tối xầm lại, ban đầu chỉ là cái mưa láy pháy, rồi sau mỗi lúc một nặng hạt. Nhìn xuống chân, ngoài đất, rong rêu bám vào giầy ra còn vương cả mủn xác lá cây nữa.
Dulichgo
Đúng là, “có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất cho quê hương”. Thi thoảng chúng tôi lại gặp những cây to lực lưỡng mấy người ôm không xuể, thân cây xù xì, gân guốc, tạo ra một dáng vẻ rất hiên ngang, thách thức trời đất. Đâu đó trong sách tôi được biết đến những khu rừng phòng hộ, những rừng cây nguyên sinh mọc ken dày để giữ đất, giữ nước, phòng tránh được biết bao thiên tai, lũ quét và sạt lở đồi núi trọc. Hôm nay được mục sở thị, khi chính bước chân mình dẫm lên những lớp lá cây rụng, mục rữa, lớp này chồng lên lớp khác tôi mới cảm nhận được hết giá trị của việc trồng cây giữ rừng, giữ đất cho quê hương. Thật độc ác thay cho những kẻ vì tham lam, vô minh, đói nghèo… đã đang tay chặt phá rừng bừa bãi, gây bao tổn thất về người, về của mỗi khi mưa lũ về.
Đoàn lên tới đỉnh ngọn núi Thạch Bàn, đồng hồ điểm 12h45. Từ điểm này tôi phóng tầm mắt nhìn về 4 phương 8 hướng, hút tầm mắt là một thứ màu xanh thăm thẳm của núi rừng. Xa xa là những mái nhà đỏ tươi nhỏ như ô bàn tay, ẩn khuất sau những đám mây mù. Cái cảm giác hạnh phúc, tràn ngập niềm vui vì lần đầu tiên trong đời chinh phục một ngọn núi cao 1.388m. Anh Oanh cho biết, Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” (3.143m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là “Hủa Xi Pan” và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Tuy là cao như vậy nhưng nếu xét về độ dốc đứng và sự khó trèo thì còn thua xa đỉnh Thạch Bàn này. Thế cũng có nghĩa là chúng tôi là những người chiến thắng, mà chiến thắng trước tiên là chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng nỗi sợ hãi ẩn sâu trong cái “xác phàm” chỉ mong cầu “ngồi mát ăn bát vàng” này.
Khi cái lâng lâng, ngây ngất tạm lắng xuống, tôi mới mò tìm trên đỉnh núi Thạch Bàn này dấu vết “đền Đồng Cổ” xưa kia. Chẳng còn sót lại gì nữa ngoài những mảnh gạch đá vỡ vụn, phong hóa theo thời gian. Anh Oanh cho biết, thời chống Pháp, chúng cũng đã qua đây, vơ vét và lấy đi tượng Trống Đồng và mang về mẫu quốc rồi.
Dulichgo
Mới đây vài năm, có một chị làm nghề kinh doanh ở Hà Nội, chắc được cụ thần Đồng Cổ báo mộng nên đã khăn gói quả mướp về đây dựng tạm ngôi đền mái tôn, khung sắt, rộng chừng 2m2, tồn tại đến tận bây giờ. Tôi lặng thầm, đưa mắt ngắm nghía một lượt ngôi đền “tạm” này rồi đứng sững người nhìn vào trong đền. Chú Tiến và anh Oanh đặt chân lên đỉnh ngọn núi này trước nên đã kịp thắp một tuần nhang rồi. Trong đền có một lư hương, một bức tượng Bồ tát Quán Thế âm, đều bằng đồng vàng hết, 01 chiêng đồng, bán kính khoảng 40cm, 01 trống gỗ, hai đầu bịt da trâu đã hỏng, vài chiếc hòm tôn, 01 bát hương để dưới gầm thờ ông hổ, vị chúa sơn lâm và một vài thứ đồ rách nát khác còn lại trong ngôi đền tạm này.
Vậy là mọi dấu vết xưa không còn lại gì nữa. Tôi gạt nước mưa đang lã chã vương trên mặt, lòng ray rứt tiếc nuối. Bỏ chiếc ba lô xuống, tôi lấy ra hộp trầm nụ, trầm hương, trống đồng (nhỏ khoảng một gang tay xòe tròn, tôi đã rước về từ Khâm điện thiên văn – ngôi đền nơi cụ nhạc sỹ Lê Thanh Bảo làm thủ từ, ngõ 103 phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội), trang trọng đặt lên trước án. Tôi thắp trầm nụ, trầm hương và mời chú Hải, chị Vĩnh cùng dự lễ. Một hồi chiêng được gióng lên, xua tan mọi tà khí, sự lạnh lẽo và vắng vẻ đã ngự trị nơi đây bấy lâu. Tiếng chiêng ngân vang như mở ra một hào khí trầm hùng, vang vọng, thu cả đất trời về một cảnh.
Trời bỗng ngừng mưa, mây đã quang đãng. Cả ba chúng tôi đều quỳ lạy, chắp tay niệm Phật, một lòng thành kính hướng về tổ tiên người Việt xưa cách nay vài ngàn năm, hướng về các vị tiên liệt đã bao đời ngã xuống vì giang sơn xã tắc, hướng về cụ thần Đồng Cổ, hướng về Mẫu Tây Thiên, hướng về vùng đất linh thiêng này,…và hướng về cõi u linh huyền ảo, nơi ngự trị trong tâm linh của chúng tôi.
Một lòng thành tâm cầu cho quốc thái dân an, cầu cho thế giới được hòa bình an lạc, cầu cho đất nước Việt Nam và muôn dân được hưởng cảnh thái bình muôn thuở. Xin hồn thiêng sông núi nước Việt Nam hãy che chở con dân đất Việt, phù hộ độ trì cho con cháu được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, độc lập và tự chủ.
Dulichgo
Trong âm hưởng trầm lắng linh thiêng, nghẹn ngào xúc động này, tôi đã cất cao tiếng đọc:
VANG VỌNG NGÀN NĂM
“Chương Dương nước đã đổi dòng
Biển Đông dậy sóng Trống Đồng ngân vang
Vọng từ phố Hiến, Đông Quan
Vọng từ Kiến Thái, Thiên trường, Thành Nam
Vọng từ Kinh Bắc, Thăng Long
Vọng từ chốn tổ vua Hùng vọng đi
Hả lòng đất mẹ Sơn Vi
Bi, Vang, Thàng, Động, sử thi xứ Mường
Giang sơn trải mấy đoạn trường
Mà lòng nhân thế tự thành đá xây
Trống Đồng động chín tầng mây
Khiến ông Xanh cũng ngất ngây với đời
Tay vàng tâm ngọc sáng ngời
Thành công âu cũng mệnh trời đó chăng?
Nợ đời trả mấy mươi xuân
Duyên đời đẹp một trăm phần đắng cay
Rượu nồng chẳng uống mà say
Tình người chất chứa ví tày non cao
Thánh thần cũng thỏa ước ao
Trống Đồng vang mãi tự hào Vạn Xuân!
(Nhạc sỹ Lê Thanh Bảo)
Tuần hương trầm vừa hết cũng là lúc chúng tôi cũng tỏ ngộ được đôi ba điều, rằng Trống Đồng là biểu tượng của linh khí trời đất Việt Nam, là hồn thiêng sông núi, là kết tinh của niềm kiêu hãnh và tự hào của muôn dân đất Việt. Trống Đồng không chỉ là đỉnh cao của nghệ thuật, của nền văn minh nông nghiệp lúa nước mà ông cha ta đã dày công hun đúc và kiến tạo nên, phản ánh đời sống ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt, mà Trống Đồng còn là biểu tượng của sức mạnh thần thánh, sức mạnh tổng hợp, muôn người như một, kình chống với các thế lực ngoại bang.
Dulichgo
Người được giữ Trống Đồng này phải là các tộc trưởng, tù trưởng, trưởng thôn, trưởng bản, các vị tướng lĩnh, những người có đủ chữ “TÍN” để hiệu triệu và tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên dựng nước và giữ nước, ứng với các thời vua Hùng năm xưa. Thật tự hào biết bao khi Tam Đảo lại có một ngôi đền “Trống Đồng” như thế, nơi hội tụ của đạo Phật – đạo Mẫu – đạo thờ tổ tiên. Tiếc thay dấu vết xưa nay đâu còn nữa?!
Xong việc, cả đoàn cùng chụp ảnh lưu niệm, và rồi, dù muốn lưu lại lâu hơn nữa nơi đỉnh trời Tam Đảo này, nhưng nhớ lời anh Thà dặn, nghĩ đến chặng đường dốc đứng trơn trượt và những cơn mưa rừng bất chợt có thể gây nguy hiểm cho mọi người, chúng tôi đành lưu luyến thu xếp đồ đoàn, rồi hạ sơn.
Theo Tâm Pháp (Phật Giáo.org), ảnh internet
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.