RaoVat24h
Kiến thức Phổ thông

Đề số 1

Advertisement

Đăng ở mục Bồi dưỡng học sinh giỏi>>tuyển tập đề thi HSG >> nhan đề “Đề số 1”


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2017 – 2018
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 04/10/2017
Thời gian làm bài: 180 phút (không tính thời gian giao đề)
(Đề thi gồm: 01 trang)
 Câu 1 (4,0 điểm).
CÁI LẠNH
Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.
Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.
Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.
Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”
Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính:“Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó”.
Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù:“Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”
Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khá trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ:“Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước”.
Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt.
Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.
(Theo “Lời nói của trái tim”, NXB Văn hóa Sài Gòn)
Suy nghĩ của anh (chị) từ ý nghĩa của câu chuyện trên?
Câu 2 (6,0 điểm).
Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.
(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” – Nguyễn Đình Thi)
Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm”Vội vàng” của Xuân Diệu và “Chí Phèo” của Nam Cao.
————–Hết————-
A. YÊU CẦU CHUNG
·         Giám khảo phải nắm chắc phương pháp và nội dung bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
·         Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
Lưu ý: Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn số.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (4,0 điểm)
a. Về kĩ năng
·         Thí sinh nắm vững và tạo lập được một bài văn nghị luận xã hội.
·         Kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận…dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
·         Bố cục rõ ràng, mạch lạc, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục song cần tập trung làm rõ những nội dung cơ bản sau:
Ý
Đáp án
Điểm
1
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Sự ích kỉ, thành kiến dẫn đến thất bại. Tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
0,25
2
Cắt nghĩa nội dung của câu chuyện.
1,00
– Cái hang lạnh và sâu: hoàn cảnh ngặt nghèo thử thách con người, là môi trường để bộc lộ bản chất người.
– Que củi, thanh củi, khúc củi: tượng trưng cho những điều quý giá mà mỗi người sở hữu.
– Đống lửa: là điều kiện để chống lại cái lạnh, duy trì sự sống và là biểu tượng cho hơi ấm của tình người, của sự đoàn kết, chia sẻ.
– Hành động khư khư cầm thanh củi trên tay: sự ích kỉ, nhỏ nhen, muốn sở hữu và giữ chặt thứ mình có.
– Khuôn mặt da đen và da trắng: là sự khác nhau về chủng tộc; không đi chung nhà thờ: không cùng một tôn giáo, đức tin; người phụ nữ, người với bộ quần áo nhàu nátngười đàn ông nhà giàu và tên khố rách áo ôm… chỉ những con người khác biệt, đối lập về giới tính, hoàn cảnh và địa vị; mình sẽ cho thanh củi nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước: đây là suy nghĩ đầy toan tính …những biểu hiện trên cho thấy sự kì thị, tị nạnh, đố kị, không hợp tác.
+ Sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn: Là sự thơ ơ, vô cảm, dửng dưng, không chịu chia sẻ, cảm thông, gần gũi.
Đống lửa lụi tắt; sáu con người chết cóng: kết cục và hậu quả của lối sống nhỏ nhen, ích kỉ.
– Ý nghĩa của câu chuyện: phê phán sự toan tính đầy ích kỉ trong suy nghĩ và hành động. Đề cao tình yêu thương, đoàn kết và chia sẻ vượt lên trên mọi định kiến trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
3
Lý giải vấn đề
1,25
– Cuộc sống vốn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thử thách, những hoàn cảnh ngặt nghèo ập đến bất ngờ, không lường trước được. Trong hoàn cảnh ấy, việc con người nắm tay xích lại gần nhau hình thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn sưởi ấm tâm hồn để vượt qua những gian lao là cần thiết.
– Sự ích kỉ, nhỏ nhen là lối sống tiêu cực, hèn hạ. Thành kiến khiến con người cách xa nhau, chúng sẽ đưa con người đến thế giới của sự cô đơn (Cái lạnh của thời tiết và hang tối có thể không là gì nếu cả sáu người biết bỏ qua những nhỏ nhen ích kỉ trong suy nghĩ và hành động, họ đã để cho cái lạnh và sự băng giá của tâm hồn đẩy đến cái chết). Đó không chỉ là cái chết về thể xác mà còn là cái chết trong tâm hồn.
– Tình yêu thương là chất keo gắn kết con người trong một mối đồng cảm, chia sẻ, không còn phân phân biệt màu da, khác biệt tôn giáo, vượt qua mọi định kiến, toan tính cá nhân.
– Tình yêu thương, sự đoàn kết, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn tạo nên sức mạnh tập thể, đưa con người vượt lên sự nhỏ nhen, tầm thường, tỏa sáng nhân cách. Trong hoàn cảnh thử thách, con người có thể phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn giúp họ đưa bản thân mình và người khác vượt lên khó khăn và giành chiến thắng.
Thí sinh cần lấy dẫn chứng minh họa
4
Bàn luận mở rộng
1,00
– Câu chuyện khẳng định một quan niệm nhân sinh đúng đắn, tích cực: Con người cần vượt qua sự ích kỉ, khư khư giữ lợi ích của riêng mình, biết yêu thương, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn.
– Làm thế nào để vượt để vượt lên sự toan tính, ích kỉ và những thành kiến:
+ Hiểu được ý nghĩa và giá trị của cho và nhận, của tình yêu thương trong cuộc sống cùng những giá trị đạo đức, nhân văn tích cực.
+ Hiểu được vai trò và sức mạnh của đoàn kết và chia sẻ, đặc biệt là trước những thử thách của cuộc sống.
– Biểu dương những người có hành động ứng xử tốt đẹp, biết đoàn kết, sẻ chia, thậm chí hi sinh bản thân vì người khác.
– Phê phán những người sống nhỏ nhen, ích kỉ, toan tính chỉ biết nghĩ đến bản thân, để cho những thành kiến trong đời sống phá vỡ những mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp.
Thí sinh cần lấy dẫn chứng minh họa
5
Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động.
0,50
– Phải nhìn cuộc sống và con người bằng đôi mắt của tình thương và sự cảm thông khi ấy con người sẽ vượt qua mọi rào cản của thành kiến, phát hiện ra những điều tốt đẹp của người khác từ đó ta sẵn lòng chia sẻ, yêu thương và đoàn kết cùng họ. Không để những toan tính cá nhân điều khiển và chi phối bản thân.
– Tu dưỡng, rèn luyện nhân cách theo chuẩn mực của đạo đức và đạo lí xã hội, lấy tình thương, lương tâm, trách nhiệm làm thước đo giá trị đời sống sẽ khiến con người có một cuộc sống thật sự có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp.
– Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người biết sẻ chia, có tấm lòng vị tha, đoàn kết để cùng nhau nỗ lực vượt khó, chinh phục mọi thử thách để sinh tồn và phát triển.
Câu 2 (6,0 điểm)
a. Về kĩ năng
·            Thí sinh tạo lập được một bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
·            Biết chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
·            Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
0,25
2
Giải thích
0,75
– Tác phẩm: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.
– Nghệ sĩ: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.
– Vật liệu mượn ở thực tại: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.
– Ghi lại cái đã có rồi: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.
– Muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.
– Cặp quan hệ từ: không những….mà còn….: chỉ quan hệ bổ sung.
=> Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
3
Lí giải vấn đề.
1,50
3.1 Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại ?
0,75
– Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.
– Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.
– Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.
3.2 Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?
0,75
– Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.
– Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.
– Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy – những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.
– Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.
– Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.
– Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.
4
Chứng minh
3,00
4.1. Phân tích tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu.
1,50
Chất liệu mượn từ thực tại đời sống.
– Bức tranh mùa xuân (ong bướm, hoa lá, đồng nội, chim muông, ánh sáng…); bức tranh hoàng hôn buồn….
– Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.
Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
– Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt “xanh non” của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra “thiên đường trên mặt đất”, bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa .
– Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).
– Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.
– Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa,
chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.
* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:
Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí…). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, hôn, cắn; no nê, đã đầy, chuếnh choáng…), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng. Nhạc điệu của thơ là nhạc của “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.
Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
0,50
0,75
0,25
4.2. Phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.
1,50
Chất liệu từ thực tại đời sống.
– Bức tranh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ngột ngạt, đen tối với nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, địa chủ với địa chủ.
– Cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh và những thành kiến nặng nề ở nông thôn, những người nông dân lạnh lùng xa cách nhau.
* Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
– Khám phá hiện thực ở bề sâu: Viết về cuộc sống của những người nông dân Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: bi kịch tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Khái quát hiện tượng mang tính quy luật: chừng nào xã hội còn những áp bức bất công thì những người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người sẽ không chấm dứt.
– Tiếng nói nhân đạo sâu sắc và mới mẻ: Nam Cao vẫn thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Khẳng định tình thương có sức cảm hóa lớn, khơi dậy, đánh thức phần người bị vùi lấp, chà đạp. Trân trọng, đề cao khát vọng được làm người đúng nghĩa.
* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ: Kết cấu vòng tròn, trần thuật theo mạch tâm lí, điểm nhìn trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, xây dựng nhân vật điển hình, kiểu nhân vật đa diện, miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật; chi tiết nghệ thuật độc đáo; ngôn ngữ đa thanh; có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời gián tiếp với lời nửa trực tiếp. Nam Cao đã góp phần cách tân văn xuôi Việt Nam.
0,50
0,75
0,25
5
Bàn luận.
0,50
– Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.
– Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.
– Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.
– Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.
————Hết———-

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468