KỲ THI TRUNG HỌC PH" />
RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 16

Advertisement

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120  phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới
Họ làm việc suốt cả tuần đằng đẵng, họ khổ sở vì làm việc, không phải vì họ thích làm việc mà họ cảm thấy họ phải làm. Họ phải làm việc, vì họ phải trả tiền thuê nhà, vì họ phải nuôi gia đình. Họ gánh tất cả những nhọc nhằn bất mãn ấy và khi họ nhận lại được những đồng tiền của mình, họ không hạnh phúc. Họ có hai ngày để nghỉ ngơi, làm điều họ muốn làm, và họ làm gì? Họ tìm cách chạy trốn. Họ uống say mềm, vì họ không yêu chính họ. Họ không thích cuộc sống của họ. Có nhiều cách để chúng ta tự làm tổn thương mình, khi chúng ta không yêu bản thân mình.
            Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện. Các phần thưởng rồi sẽ đến, nhưng bạn không bị ràng buộc vào phần thưởng. Bạn thậm chí còn nhận được cho mình nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng, khi không mong chờ phần thưởng. Nếu chúng ta yêu thích điều chúng ta làm, nếu chúng ta làm hết khả năng của mình, khi ấy chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Chúng ta có niềm vui, chúng ta không nhàm chán và chúng ta không thất vọng…..
(Bốn thỏa ước, Don Miguẹl Ruiz, Nguyễn Trung Kỳ dịch, NXB Tri thức, 2017)
Câu 1. Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)
Câu 2. Trong văn bản trên, tác giả chỉ ra những thái độ nào của con người đối với công việc? Những biểu hiện nào thể hiện thái độ tích cực ? (1,0 điểm)
Câu 3. Trong đoạn trích có câu Họ tìm cách chạy trốn. Theo anh/chị, tác giả muốn nói họ tìm cách chạy trốn khỏi điều gì? (0,5 điểm)
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó  mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện? Vì sao? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1( 2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về cách để mỗi người có thể tận hưởng được cuộc sống một cách thực sự.
Câu 2. (5,0 điểm)
            Vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)?
           
           
                                                                        ………..Hết……….
                        Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ tên thí sinh: ………………………………………….; Số báo danh: ………………………………………………………………..
     HUỚNG DẪN CHẤM BÀI
Phần
Câu
                                                    Nội dung
Điểm
   I
ĐỌC HIỂU
3,0
1
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
0,5
2
– Những thái độ của con người với công việc: 
+ Công việc như một việc phải làm, không có niềm đam mê, yêu thích với công việc
+ Công việc như một niềm đam mê, họ yêu thích công việc của mình
– Biểu hiện thái độ tích cực:
+ Nếu hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn mình tưởng tượng.
+ Làm điều mình yêu thích bằng tất cả khả năng của mình sẽ là cách bạn tận hưởng cuộc sống một cách thật sự.
+ Khi ấy, chúng ta sẽ có niềm vui, không chán nản, không thất vọng…
0, 5
0,5
3
 Điều Họ tìm cách chạy trốn là: công việc không yêu thích, những gánh nặng đè nặng lên vai họ: tiền nhà, gia đình… và họ chạy trốn chính bản thân mình
0,5
4
Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó  mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện? Vì sao?
Học sinh có thể lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý miễn sao có cách lí giải phù hợp
– Nếu lựa chọn đồng tình, có thể lí giải: khi chúng ta làm vì niềm yêu thích, đam mê với công việc thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn, có hứng thú trong công việc hơn.
– Nếu lựa chọn không đồng tình, có thể lí giải: Mỗi công việc nếu không có phần thưởng được đặt ra, chúng ta sẽ thiếu đi động lực để tiến lên, vượt qua những trở ngại. Phần thưởng càng lớn, động lực quyết tâm phấn đấu càng cao.
1,0
II
LÀM VĂN
1
Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về cách để mỗi người có thể tận hưởng được cuộc sống một cách thực sự.
2,0
a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn: có câu mở đoạn, thân đoạn và câu kết đoạn. Câu mở đầu nêu được chủ đề cần bàn luận, Thân đoạn triển khai được đúng trọng tâm vấn đề, Kết đoạn khái quát lại vấn đề
0,25
b. Triển khai nhất quán luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng
Giải thích “tận hưởng được cuộc sống một cách thực thụ” là sự hưởng thụ trọn vẹn tất cả niềm vui, sự hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi con người.
0,25
– Cách tận hưởng cuộc sống thực thụ
0,5
    Phê phán những quan niệm sai lầm
0,5
– Bài học nhận thức và hành động: Rút ra bài học cho bản thân
0,25
c.    Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
0,25
2
Vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)?
5,0
a.  Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, Kết bài kết luận được vấn đề.
0,25
b. Xác định vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của xứ Huế qua hai tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận so sánh để làm rõ sự giống và khác nhau trong việc thể hiện vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm
– Giới thiệu khái quát về hai tác phẩm và khẳng định vấn đề cần nghị luận
0, 5
Vẻ đẹp của xứ Huế qua “Đây thôn Vĩ Dạ”của Hàn Mặc Tử
+ Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động. Con người xứ Huế hiền lành, phúc hậu.
+ Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền chở đầy ánh trăng nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn.
+ Khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực.
ð  Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết.
1,0
Vẻ đẹp của dòng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
+ Vẻ đẹp được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên:
Sông Hương có vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại, rầm rộ, mãnh liệt, một bản trường ca của rừng già” khi nó đi qua giữa lòng Trường Sơn; có vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ khi trở thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa đất cố đô, có vẻ đẹp phản quang nhiều màu sắc của nền trời tây nam thành phố “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, có vẻ đẹp “trầm mặc” khi lặng lẽ chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn; có vẻ đẹp mang màu sắc “triết lí, cổ thi” khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long; có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói” khi nó dời xa dần thành phố để đi qua những nương dâu, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ….
+ Vẻ đẹp sông Hương nhìn từ góc độ văn hóa. Tác giả cho rằng đã có một dòng thi ca về con sông Hương, một dòng thơ không lặp lại mình, ấy là “dòng sông trắng- lá cây xanh”, trong thơ Tản Đà, là vẻ đẹp hùng tráng “như kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát, là nỗi quan hoài vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu.
+ Vẻ đẹp nhìn từ góc độ lịch sử: sông Hương từng là dòng sông bảo vệ biên thùy tổ quốc thời Đại Việt, từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa, rồi đến cách mạng tháng tám, chiến dịch mậu thân năm 1968….
+ Vẻ đẹp trong trí tưởng tượng đầy tài hoa của tác giả: Ông đã nhìn sông Hương như một cô gái Huế, từng có lúc là một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, nhưng nói chung là một thiếu nữ tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô phang, giống như những cô dâu Huế ngày xưa trong sắc áo điều đục. “Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông…”.
1,0
– Điểm tương đồng:
+ Cả hai nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế (Vĩ Dạ và sông Hương) làm điểm nhấn và khởi hứng cảm xúc.
+ Cùng tái hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc con người xứ Huế rất riêng, rất thơ mộng. Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế đã chiếm chỗ sâu bền nhất trong lòng các tác giả.
+ Cả hai đều là những cây bút tài hoa,tinh tế, nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.
0,5
– Điểm khác biệt:
+ Đây thôn Vĩ DạBài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp mà Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử nên điểm nhìn cảm xúc trong một khônggian hẹp, cái nhìn từ kí ức. Cảnh vật của xứ Huế hiện lên với những nét đặctrưng rất bình dị, quen thuộc, gần gũi nhưng cũng thật lãng mạn: cảnh khu vườn mướt như ngọc, sông trăng huyền ảo, con người với vẻ đẹp đằm thắm, dịudàng…cảnh vật in đậm cảm xúc về tình đời, tình người.
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông?: Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn điểm nhìn là sông Hương, đặt trong một không gian phóng khoáng, rộng lớn hơn. Vẻ đẹp của xứ Huế hiện lên ở rất nhiều góc độ từ quá khứ cho đến hiện tại, từ lịch sử, thơ văn đến địa lí, văn hóa….Vì thế vùng đất cố đô hiện lên toàn diện hơn, hiện thực hơn bởi sông Hương chính là linh hồn của Huế,là nơi tích tụ những trầm tích văn hóa lâu đời của mảnh đất kinh thành cổ xưa.
0,5
– Lí giải sự khác biệt:
+Xuất phát từ đặc điểm của thể loại thơ và bút kí là khác nhau. Thơ nghiêng về cảm xúc, tâm trạng. Bút kí không chỉ đòi hỏi có cảm xúc mà ít nhiều có tính xác thực và khách quan.
+ Đối với Hàn Mặc Tử, Huế là nơi tác giả từng gắn bó, giờ đã trở thành kỉ niệm. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người con của xứ Huế nên chất Huế đã thấm sâu vào tâm hồn máu thịt của ông.
0,5
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
0,25
c. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
0,25
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10.00 điểm
                 —————Hết—————-
           

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468