" />
RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 24 (Đề tập huấn tỉnh Bình Định 2019)

Advertisement

            SỞ GD&ĐT BÌNH ĐỊNH                     KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019
TẬP HUẤN THPT QUỐC GIA 2019

NHÓM 2
(THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Huệ,
THPT số 1 Tuy Phước, PTDTNT Vĩnh Thạnh)
            Bài thi: NGỮ VĂN
     Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
“Một bộ phận thanh niên ngày nay chạy theo thời đại mà quên mất những giá trị xưa cũ. Biểu hiện là coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ. Họ thường nói vấn đề đó xưa lắm rồi, bây giờ ai nghĩ thế, ai làm thế. Chúng ta đâu biết rằng chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống, văn hóa luôn bắt rễ vào hiện tại và thúc đẩy hiện tại. Nếu ta không coi trọng những giá trị văn hóa gia đình và dân tộc, ta sẽ mất gốc và thiếu đi sức sống bên trong vì vậy sự phát triển của ta sẽ không thể lâu bền được. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…”
        (ThS. Phạm Thạch Hoàng, ĐH Lâm nghiệp – Tạp chí Thanh niên, số tháng 8/2018)
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Trình bày tác hại của việc chạy theo thời đại của một bộ phận thanh niên ngày nay được nêu trong đoạn trích. (NB)
2. Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…  (TH)
3. Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định: chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống? (TH)
4. Anh/chị hãy nêu thông điệp tác giả gửi gắm qua đoạn trích? (VD)
II. LÀM VĂN (7,0 đim)
Câu 1. (2,0 đim)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “coi trọng những giá trị văn hóa gia đình” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 đim)
Trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã hai lần miêu tả hình ảnh người lái đò. Đó là “Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Và “Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh…cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”.
Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò qua hai lần miêu tả trên. Từ đó bình luận những nét độc đáo trong cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người.
.———–HẾT———-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần
Câu/Ý
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
3.0
1
Tác hại của việc chạy theo thời đại của một bộ phận thanh niên ngày nay được nêu trong đoạn trích:
– Quên mất những giá trị xưa cũ
– Coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ
0.5
2
  Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…
– Biện pháp tu từ: liệt kê
– Hiệu quả: nhấn mạnh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc       
0.5
3
Chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống.
Có thể hiểu:
Nói văn minh là xưa cũ vì các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn lại là những di sản được tích lũy (tri thức, tinh thần và vật chất) của con người kể từ khi loài người hình thành cho đến thời điểm xét đến. Văn minh có thể thay đổi theo thời gian;
Văn hóa không bao giờ mất đi sức sống: Văn hóa là tất cả mọi giá trị vật chất và tinh thần mà con người ta đã sáng tạo ra hay thu nhận được trong quá trình lịch sử. Đó là những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc được tích lũy, kế thừa từ nhiều thế hệ. Văn hóa truyền thống góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên những chuẩn mực xã hội, hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách của mỗi cá nhân.
1.0
4
Thông điệp tác giả gửi gắm:
-> Gợi ý: HS có thể nêu
+ Phê phán nhận thức sai lệch của thanh niên
+ Đề cao vai trò giá trị văn hóa gia đình
+ Ý thức trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống
1.0
II
LÀM VĂN
1
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “coi trọng những giá trị văn hóa gia đình” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu.
2.0
Trả lời:
            a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo các cách: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành; có liên kết chặt chẽ.
            b. Xác định đúng nội dung vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc “coi trọng những giá trị văn hóa gia đình” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.          
0.25
0.25
            c. Triển khai vấn đề nghị luận:
            Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ việc “coi trọng những giá trị văn hóa gia đình” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
 Gợi ý:
 + Gia đình là cái nôi sinh thành của mọi người, “hạt nhân” của xã hội.          
 + Gia đình có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng, góp phần xây nên văn hóa, đạo đức cả xã hội.
 + Ý nghĩa của giá trị văn hóa gia đình trong vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
       + Phê phán một bộ phận giới trẻ không coi trọng giá trị văn hoá gia đình: bất hiếu, bất kính với cha mẹ, ông bà; anh em mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi vật chất…
       + Bài học nhận thức và hành động phù hợp.
1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0.25
         e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0.25
2
Phân tích hình ảnh ông lái đò trong hai lần miêu tả trên. Từ đó bình luận những nét độc đáo trong cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người.
5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
 Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.              
0,25
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Chi tiết Người lái đò lúc vượt thác và chi tiết sau khi vượt thác trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
0,25
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1. Mở bài: 0.25đ
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, tuỳ bút Người lái đò Sông Đà, chú ý phong cách nghệ thuật của nhà văn;
(Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách độc đáo: tài hoa, uyên bác. Thế mạnh của Nguyễn Tuân là thể văn tuỳ bút)
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, chi tiết người lái đò lúc vượt thác và chi tiết sau khi vượt thác đã thể hiện vẻ đẹp của người lao động bình thường trong cuộc đời thường … Xây dựng hình tượng người lái đò, Nguyễn Tuân đã thể hiện những nét độc đáo trong cách nhìn nghệ thuật về con người.
3.2. Thân bài: 3.50đ
a. Khái quát:
Người lái đò Sông Đà được rút ra từ tập tuỳ bút Sông Đà (xuất bản lần đầu năm 1960, gồm 15 tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo). Đây là kết quả của nhiều chuyến đi thực tế vùng Tầy Bắc của nhà văn, đặc biệt là chuyến đi năm 1958.
b. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà qua 2 lần miêu tả:
b.1. Lần thứ nhất: Vẻ đẹp trí dũng, tài hoa
– Hoàn cảnh xuất hiện:
+ Khắc họa trong tương quan với hình ảnh sông Đà hung bạo, hùng vĩ.
+ Cuộc giao tranh với ba trùng vi thạch trận; (đoạn trích là cuộc chiến giữa ông đò với trùng vi thứ hai)
– Phân tích cuộc giao tranh giữa người và sông:
+ Ở trùng vi thứ nhất, vừa vào trận, sóng nước, đá sông hò la vang dậy, ùa vào bẻ gãy cán chèo võ khí, đá trái thúc vào bụng, vào hông thuyền. Nước như đô vật túm thắt lưng ông đò rồi đánh miếng đòn độc, đánh vào chỗ hiểm. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái, mặt méo bệch đi. Trên con thuyền sáu bơi chèo vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn và tỉnh táo của người cầm lái. Ông đò thực là một chiễn sĩ dũng cảm, rất bình tĩnh nén mọi đau đớn để chiến thắng kẻ thù.
+ Sang trùng vi thứ hai, không một phút ngừng tay nghỉ mắt, ông đò thay đổi chiến thuật. Rất nham hiểm, xảo quyệt, sông Đà tăng thêm cửa tử, bố trí cửa sinh lệch sang bên phải để đánh lừa ông lái…Hai câu văn: “Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này” được Nguyễn Tuân sử dụng ngôn ngữ quân sự (binh pháp, phục kích), biện pháp tu từ nhân hoá (thần sông thần đá), động từ mạnh toàn thanh trắc (nắm, thuộc) nhằm tạo cảm giác mãnh liệt khi tả chân dung ông đò.Nắm chặt bờm sóng, ông đò  ghì cương bám chắc lấy luồng nước đúng, phóng nhanh vào cửa sinh mà lái miết một đường chéo. Hành động của ông lão thành thạo, chính xác, dũng mãnh trong từng động tác, đúng là tay lái ra hoa, điêu luyện của người nghệ sĩ. Bằng trí dũng, nghị lực kiên cường, người lái đò đã đánh bại “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh”.
+ Trùng vi thứ ba ít cửa hơn, nhưng bên phải bên trái đều là cửa tử. Luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu vệ. Như một lão tướng, dày dạn kinh nghiệm, dũng cảm, nhanh gọn, dứt khoát, ông đò bình tĩnh tiến vào trận địa, rồi bất ngờ phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa. Con thuyền như một mũi tên lao vút xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa lái được, lượn được qua cổng đá cánh mở cánh khép. Thế là qua luồng chết, thế là hết cửa tử, ra đến cửa sinh,… dòng sông vặn mình vào một bến cát có hang lạnh. Ông đò uy nghi rạng rỡ trở về từ cõi chết. Ông đã chiến thắng thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Cuối cùng thiên nhiên phải khuất phục dưới sự tài ba và lòng dũng cảm tuyệt vời của con người.
b.2. Lần thứ hai: Vẻ đẹp nghệ sĩ lãng mạn
– Hoàn cảnh xuất hiện: sau khi ông đò đã vượt qua 3 vòng trùng vi và thành người chiến thắng;
– Phân tích: “ Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh…cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”.
+ Thời gian: ban đêm; không gian: nơi hang đá
           + Nghệ thuật liệt kê hàng loạt việc làm của nhà đò: đốt lửa nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua
– Ý nghĩa:
+ Phong thái nghệ sĩ trong cách ông nhìn nhận về công việc của mình, bình thản đến độ lạ lùng;
+ Ông chọn lối sống giản dị, yêu đời và đức tính khiêm nhường. Đó là phẩm chất đáng quý của người nghệ sĩ giữa đời thường mà tác giả đã phát hiện và ngợi ca.
c. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:
– Nguyễn Tuân có ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình.
– Tác giả chú ý tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò.
– Ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, hoàn toàn phù hợp với đối tượng.
– Thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân
d. Bình luận:
– Người lái đò trí dũng và tài hoa đã nổi bật trên dòng sông hung bạo và trữ tình, có khả năng chinh phục thiên nhiên, bắt nó phải phục vụ con người, xây dựng đất nước.
– Đó chính là chất vàng mười của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong thời kì mới.
    – Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng – nghệ sĩ không phải chỉ có trong chiến đấu, trong nghệ thuật mà còn có cả trong cuộc mưu sinh thường nhật của người lao động bình thường, vật lộn với thiên nhiên, tìm kiếm miếng cơm manh áo.
3.3. Kết bài: 0.25
– Hình ảnh ông lái đò băng băng trên dòng thác sông Đà một cách ung dung, bình tĩnh, tự tại trong cuộc chiến đầy cam go nhưng cũng thật hào hùng, tài hoa.
           – Bài học cuộc sống từ nhân vật ông đò: ca ngợi người lao động, học tập vẻ đẹp của lòng dũng cảm, bản lĩnh kiên cường, đức tính khiêm nhường…
4.00
4. Sáng tạo                                                   
            Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        
            Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (901) 369.468