RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 31 (Đề tập huấn tỉnh Bình Định 2019)

Advertisement

SỞ GD&ĐT BÌNH ĐỊNH
NHÓM 9
( THPT Nguyễn Hồng Đạo, Số 2 An Nhơn, Lý Tự Trọng, PTDTNT THCS & THPT An Lão
ĐỀ THI THAM KHẢO KỲ THPT QUỐC GIA
NĂM HỌC 2018 – 2019
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:
     (1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tấn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn có bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa?Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (…)
    (2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của “cái Tôi” bên trong bạn?
    (3) Một “cái Tôi” luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một “cái Tôi” khắc khoải mong được thừa nhận. Một “cái Tôi” thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một “cái Tôi” nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên không thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một “cái Tôi” vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe dọa và lo lắng về tương lai. Khi “cái Tôi” tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.
    (Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình, Dương Thùy, Nxb Hà Nội, 2016, Tr 118-119)
Câu 1.Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như thế nào? (0,5 điểm) (Nhận biết)
Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản?(0.75 điểm) (nhận biết + thông hiểu)
Câu 3. Qua đọc – hiểu văn bản, anh/chị hãy cho biết việc đề cao “cái Tôi” cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? (0.75 điểm) (thông hiểu)
Câu 4.Theo anh/ chị “Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng” không?Tại sao? (1.0 điểm) (vận dụng)
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết một đoạn văn ngắn (khoảng  200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của lối sống thiên về đề cao “cái Tôi” cá nhân trong xã hội hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm) Bàn về hình tượng Nhân dân trong đoạn trích Đất Nước (Trích Trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm), có ý kiến cho rằng: vẻ đẹp nổi bật của hình tượng Nhân dân là sự gần gũi, bình dị, đời thường. Lại có ý kiến nhấn mạnh vẻ đẹp sâu xa của hình tượng này chính là sự lớn lao, cao cả, phi thường. Từ cảm nhận về đoạn thơ sau, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên:
“Em ơi em…
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
          Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
          Khi có giặc người con trai ra trận
          Người con gái trở về nuôi cái cùng con
          Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
          Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
          Nhưng họ đã làm ra Đất Nước…”      
(Trích Đất Nước – Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
——— Hết ——–
Phần
Câu
Nội dung
Điểm
ĐỌC HIỂU
3.0 điểm
1
Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như: luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy; khắc khoải mong được thừa nhận; thích chiến đấu hơn là nhún nhường;…
0.5 điểm
2
Phép tu từ được sử dụng trong đoạn (3)
– Phép liệt kê -> diễn tả đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện của “cái Tôi” tù túng để mọi người nhận biết rõ, sâu sắc hơn sự phong phú, phức tạp của nó.
– Phép điệp từ, điệp ngữ (một “cái Tôi”, mình) -> tạo giọng hùng biện mạnh mẽ, thuyết phục, nhấn mạnh mặt không tích cực của “cái Tôi” khi bị đẩy đến mức thái quá, cực đoan. Qua đó, bộc lộ thái độ không đồng tình, phê phán của tác giả và thức tỉnh những cá nhân luôn đề cao cái tôi bản thân nhằm định hướng nhận thức, cách sống đúng đắn, tích cực.
0,75 điểm
3
Việc đề cao “cái Tôi” cá nhân có tác động nhiều chiều đối với lối sống của thế hệ trẻ hiện nay:
– Ở chiều hướng tích cực: việc đề cao “cái Tôi” cá nhân là nhu cầu chính đáng, là khát vọng mang tính nhân bản và nhân văn. Nó giúp mỗi người trở nên khác biệt, nổi bật; khẳng định được giá trị và năng lực của bản thân; sống bản lĩnh, chủ động: dám làm những điều mình muốn, dám thể hiện bản thân, tự tin, năng động hơn trong cuộc sống và độc lập trong suy nghĩ…
– Ở chiều hướng tiêu cực: không ít bạn trẻ tuyệt đối hóa, tôn sùng “cái Tôi” cá nhân một cách cực đoan, tìm mọi cách thể hiện nó một cách thái quá dẫn đến hàng loạt những hệ lụy: làm xấu đi hình ảnh của bản thân, biến mình thành người dị biệt, nảy sinh bệnh ích kỉ, vô trách nhiệm, khiến xã hội lo ngại, mất niềm tin vào thế hệ trẻ,….
à Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải biết đặt “cái Tôi” trong mối quan hệ với “cái Ta”, với cộng đồng; “cái Tôi” dám thể hiện sự khác biệt nhưng cần tuân theo những chuẩn mực đạo lí, văn hóa dân tộc, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội,…
0.75 điểm
4
Học sinh có thể trả lời: có hoặc không và có sự lí giải hợp lí
1.0 điểm
LÀM VĂN
1
Học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống. Có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng miễn sao đảm bảo hình thức của một đoạn văn và nội dung yêu cầu đề bàitác hại của lối sống thiên về đề cao “cái Tôi” cá nhân
2.0 điểm
a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn (có câu chủ đề)
0.25 điểm
b) Xác định đúng vấn đề nghị luận
0.25 điểm
Học sinh có thể triển khai vấn đề bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
– Giải thích: “cái Tôi” cá nhân là bản ngã, là cá tính của mỗi con người. Cách sống“Thiên về đề cao “cái Tôi” cá nhân” là đề cao chính mình, cho mình là trên hết….
– Biểu hiện: Chỉ biết nghĩ cho mình, chỉ cho mình là đúng, tự cho mình hơn hẳn người khác, không biết lắng nghe, chia sẻ ý kiến của bất kì ai…..
– Tác hại: Gây tổn hại lớn đến thể chất, tinh thần, công danh, sự nghiệp, làm bào mòn đi các mối quan hệ xã hội, mất dần tình cảm từ những người xung quanh, bị mọi người xa lánh, dễ vấp ngã, thất bại, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội…
– Ca ngợi những con người sống khiêm tốn, biết người biết mình, biết chia sẻ, biết lắng nghe…
– Đề xuất một cách sống đúng đắn
1.0 điểm
d) Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, văn hoá, pháp luật.
0.25 điểm
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
0.25 điểm
2
Cảm nhận đoạn thơ để làm sáng tỏ tư tưởng Đất Nước của Nhân dân theo quan niệm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
5.0 điểm
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (gồm 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài)
0.5 điểm
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
0.5 điểm
c) Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, biết kết hợp chặt chẽ giữa nêu lí lẽ và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình giảng)
µ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
– Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.
 – Đất Nước được trích từ phần đầu chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm
– Dẫn hai ý kiến
µ Giải thích các ý kiến:
– Vẻ đẹp nổi bật là vẻ đẹp gây ấn tượng mạnh, dễ nhận thấy, làm nên giá trị cho đặc sắc đối tượng. Ý kiến thứ nhất khẳng định sự bình dị, gần gũi, thân thiết là vẻ đẹp của hình tượng Nhân dân.
– Vẻ đẹp sâu xa là vẻ đẹp ẩn chìm, đòi hỏi phải có tri thức sâu rộng và chiêm nghiệm công phu mới có thể khám phá được; vẻ đẹp sâu xa làm nên giá trị về chiều sâu tư tưởng cho đối tượng. Ý kiến thứ 2 nhấn mạnh sự lớn lao, cao cả, phi thường là vẻ đẹp sâu xa của hình tượng Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
µCảm nhận về hình tượng Nhân dân trong đoạn trích “ …Em ơi em /… Có nội thù thì vùng lên đánh bại …” và bình luận hai ý kiến.
a. Cảm nhận về hình tượng Nhân dân:
– Vẻ đẹp nổi bật là sự bình dị, gần gũi, thân thiết:
+ Nhân dân hiện diện qua hình ảnh của những con người cụ thể như “anh”, “em”, “những người con gái, con trai bằng tuổi chúng ta”,…
+ Nhân dân hiện lên trong những phương diện đời sống bình dị, đời thường như lao động sản xuất “khi cần cù làm lụng”,cuộc sống gia đình “nuôi cái cùng con”, … là những con người sống hay chết đều vô danh, bình dị, không tên không tuổi “Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên”…
-Vẻ đẹp sâu xa là sự lớn lao, cao cả, phi thường:
+ Nhìn về quá khứ rất xa để thấy được năm tháng nào cũng tiếp nối những “người người lớp lớp” vừa cần cù làm lụng vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ
+ Họ gác lại những tình cảm riêng tư như tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng để ra đi đánh giặc bảo vệ độc lập dân tộc.
 + Họ là tập thể những người anh hùng, từ già trẻ, đàn ông đến đàn bà, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính“Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.
 + Họ là những người anh hùng bình dị, vô danh; họ đã sống và chết một cách giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính họ đã làm ra Đất Nước; họ đã tạo dựng, gữ gìn và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau mọi giá trị văn hóa, tinh thần và vật chất như: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói,… …
->Những khám phá, phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm trên nhiều bình diện về vai trò của Nhân dân trong việc làm nên lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước; khẳng định một chân lí mang tính thời đại: “Đất Nước của Nhân dân”, chính nhân dân là người đã làm ra đất nước.
* Nghệ thuật khắc họa  hình tượng:
+ Cảm xúc thơ chân thành, tha thiết.
+ Giọng điệu tâm tình, da diết, sâu lắng, có sự hòa quyện giữa chất trữ tình và chính luận, vừa thể hiện chiều sâu tư tưởng vừa thấm thía mà sức lay động trái tim con người, đặc biệt là tinh thần của thế hệ trẻ trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước đương thời.
+ Hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc, vừa gần gũi quen thuộc vừa mang tính khái quát
 + Thể thơ: tự do.
 + Các biện pháp tu từ:  được sử dụng một cách linh hoạt. …
µBình luận:
– Mỗi ý kiến đều có tính khái quát, sâu sắc, nhấn mạnh một vẻ đẹp khác nhau của hình tượng Nhân dân. Nếu ý kiến thứ nhất khẳng định vẻ đẹp nổi bật của hình tượng Nhân dân là sự bình dị, gần gũi, thân thiết thì ý kiến thứ hai nhấn mạnh vẻ đẹp sâu xa của hình tượng này là sự lớn lao, cao cả, phi thường.
 – Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện, thống nhất và mới mẻ về vẻ đẹp của hình tượng Nhân dân trong đoạn trích.
3.0 điểm
d) Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo và độc đáo; thể hiện khả năng cảm nhận sâu sắc, mới mẻ; văn viết giàu cảm xúc,bộc lộ quan điểm, thái độ riêng nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức, văn hoá và pháp luật.
0.5 điểm
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
0.5 điểm
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468