RaoVat24h
NHÓM 10
(AN NHƠN 3, NGUYỄN HỮU QUANG,
AN LƯƠNG, CHU VĂN AN)
ĐỀ THAM KHẢO THI THPT QUỐC GIA 2019
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC ĐIỂU (3,0 điểm)
          Đọc đoạn trích dưới đây:
Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ.
Đó là lời Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi kể về một câu chuyện lúc ông học cấp hai. Thầy giáo phát hiện áo mưa của mình xếp trên bàn đã bị cuộn thành quả bóng dưới chân bạn Huy. Khi thầy truy hỏi, chỉ có bạn Huy nhận lỗi. Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”. Khi đó, Ngô Bảo Châu rất xấu hổ vì làm sai mà không dám nhận. Về sau, ông và vợ mình đều rút ra bài học: muốn thành người tử tế, phải biết xấu hổ.
Tại sao con người cần biết xấu hổ khi làm điều sai, việc xấu, hay nói cách khác, khi phạm lỗi? Câu hỏi này rất quan trọng, vì cách xử sự của một người đối với sự xấu hổ sẽ biểu hiện nhân cách người đó…
Trong quá trình đấu tranh giữa thiện – ác, xấu – tốt trong một con người, sự xấu hổ khi làm điều sai quấy có vai trò đặc biệt. Con người không là thần thánh, nên ai cũng từng lầm lỗi, lớn nhỏ, nặng nhẹ. Sự xấu hổ là cái mà xã hội văn minh gọi là “lương tâm cắn rứt”. Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.
Muốn con người trở nên tử tế, hãy dạy cho người đó biết xấu hổ khi làm điều xấu, điều ác. Nhờ biết xấu hổ, người ta sẽ ngần ngại khi phạm lỗi. Nhưng ngay đối với những người đang làm điều sai quấy, cho dù chưa thể chấm dứt ngay hành vi sai trái, sự xấu hổ, cái lương tâm cắn rứt ấy sẽ là lực cản để người ta không dấn sâu hơn vào tội lỗi, và giúp người ta trở lại làm người tử tế vào một lúc nào đó, khi có một cơ hội nào đó.
        (Trích Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt! Trương Trọng Nghĩa, Báo nguoidothi.net.vn)
          Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, sự xấu hổ có những vai trò gì đối với con người?
Câu 3 (1 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói sau: Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.
Câu 4 (1 điểm). Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ?  Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện nay.
 


NHÓM 10
(AN NHƠN 3, NGUYỄN HỮU QUANG,
AN LƯƠNG, CHU VĂN AN)
ĐỀ MINH HỌA THI THPT QUỐC GIA 2019
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
Bài thi: NGỮ VĂN
Phần
Câu
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
3,0
1
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận
0,5
2
Theo tác giả, sự xấu hổ sẽ khiến con người ngần ngại khi phạm lỗi; là lực cản để người ta không dấn sâu vào tội lỗi và giúp con người trở lại làm người tử tế khi có cơ hội.
0,5
3
Khi để cảm giác hổ thẹn trơ đi, lỳ đi, con người sẽ làm những việc xấu, ác mà không cảm thấy day dứt hay có lỗi và những điều tốt đẹp trong họ sẽ dần mất đi.
1,0
4
Thí sinh nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lý giải hợp lý, thuyết phục về mối quan hệ giữa người tử tế và cảm xúc xấu hổ.
1,0
II
LÀM VĂN
7,0
1
Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống
2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của những việc tử tế đối với con người và xã hội.
Có thể theo hướng sau:
– Việc tử tế là những việc làm đúng đắn, tích cực, tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
– Những biểu hiện cụ thể của việc làm tử tế (HS trình bày 1 đến 2 việc làm cụ thể)
– Việc tử tế đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc chính đáng cho những người sống quanh mình và cho chính mình.
– Việc tử tế làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, văn minh.
– Bài học nhận thức và hành động.
1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
0,25
2
Phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện nay.
5,0
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phẩm chất của người đàn bà hàng chài và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện nay.
0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”
0,5
* Phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài
– Khái quát về ngoại hình, cuộc sống, số phận của người đàn bà hàng chài
– Vẻ đẹp phẩm chất của người đàn bàn hàng chài
+ Thấu hiểu lẽ đời, cảm thông cho chồng, nhận ra được vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình cũng như trách nhiệm của người đàn bà với thiên chức làm vợ, làm mẹ.
+ Tình thương con vô bờ.
+ Biết chắt chiu những hạnh phúc nhỏ bé của cuộc sống để giữ con thuyền gia đình trước bờ vực của sự đổ vỡ.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được đặt trong tình huống độc đáo, ngôn ngữ phù hợp tính cách.
– Đánh giá về nhân vật: Hình ảnh người phụ nữ thương chồng, thương con; thấu hiểu lẽ đời, bao dung, vị tha và giàu đức hi sinh.
* Đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống ngày nay. Thí sinh cần nêu được những ý sau:
– Khẳng định: đức hy sinh là một trong những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
– Đức hi sinh được thể hiện cụ thể như thế nào?
– Thái độ: ca ngợi, trân trọng, học tập.
2,0
0,5
* Đánh giá khái quát lại vấn đề
– Phẩm chất đáng quý của người đàn bà hàng chài.
– Đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống ngày nay.
0,5
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
0,5

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468