RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 9

Advertisement

ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA THPT
 MÔN: NGỮ VĂN KHỐI 12
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Phn I. Đọc hiu (3,0 đim)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
VIẾT CHO CON
Bây giờ con ở đây
từng khóm lá xanh đang lặng lẽ nép trong vườn
bàn chân con chưa để dấu muôn nơi
những cánh hoa tay con chưa chạm tới
trong mắt con trời xanh yên ả
những đám mây như gấu trắng bồng bềnh.

Bây giờ con ở đây
khi những cánh rừng già châu Phi bốc cháy
voi chạy về châu Âu chết cóng giữa mùa đông
khi hàng triệu con chim rời xứ lạnh bay về xứ nóng
kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu.

Hôm nay con học đi
ông hàng xóm chống gậy ra vườn lê từng bước nặng nề
hôm nay con học nói
bà hàng xóm thều thào với chồng về một miền quê thời tuổi trẻ.

Mai ngày con lớn lên
bố không biết những điều con sẽ nghĩ
bố không biết những con voi còn chết cóng phía trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?…
bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.

          2-1988 
Trương Đăng Dung
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản?
Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong hai câu thơ:
 trong mắt con trời xanh yên ả
          những đám mây như gấu trắng bồng bềnh. 
Câu 3. Cấu trúc sóng đôi trong những câu thơ sau có ý nghĩa gì?
 Hôm nay con học đi
           ông hàng xóm chống gậy ra vườn lê từng bước nặng nề
           hôm nay con học nói
          bà hàng xóm thều thào với chồng về một miền quê thời tuổi trẻ.

          
Câu 4. Qua bài thơ, anh/ chị hiểu gì về tâm hồn tác giả?
Phn II. Làm văn (7,0 đim)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về hai câu kết của bài thơ:bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.
Câu 2. (5,0 đim)
Phân tích hình tượng Đất Nước trong đoạn thơ sau:
 Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
 Dạy anh biết ” yêu em từ thuở trong nôi”
 Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
 Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
 Đi trả thù mà không sợ dài lâu
 Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
 Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
 Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
 Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”.
( Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)
-HẾT-
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Phần
Câu/Ý
Nội dung
Điểm
I
Đọc hiểu
3.0
1
Thể thơ tự do
0.5
2
Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong hai câu thơ:
 trong mắt con trời xanh yên ả
          những đám mây như gấu trắng bồng bềnh. 
– Biện pháp tu từ so sánh: đám mây như gấu trắng..
– Hiệu quả nghệ thuật: gợi hình ảnh cụ thể khi miêu tả đám mây trên bầu trời. Qua đó, tác giả thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên cũng là vẻ đẹp tâm hồn trong sáng của thế giới tuổi thơ.
0.5
3
 Cấu trúc sóng đôi trong những câu thơ có ý nghĩa tương phản: sự bắt đầu mới mẻ ( con học đi, con học nói)- sự kết thúc già nua (ông hàng xóm chống gậy ra vườn lê từng bước nặng nề/bà hàng xóm thều thào với chồng về một miền quê thời tuổi trẻ). Sự đối lập mở ra hành trình của đời người, đọng lại những suy tư sâu lắng về quy luật cuộc sống.
1.00
4
            Tác giả là người nhạy cảm trước sự thay đổi của cuộc đời, giàu lòng yêu thương con người và luôn suy tư, trăn trở trước quy luật của cuộc sống.
1.00
II
Làm văn
1
Từ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về câu kết của bài thơ..
2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Thái độ sống đúng đắn trong cuộc đời.
0.25
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan từ bài thơ Viết cho con thể hiện trong phần Đọc hiểu để nêu vấn đề cần nghị luận: trái tim đừng lạc lõng trước vui buồn bất hạnh ở cuộc đời.
– Các câu phát triển đoạn:
     + Giải thích:
       ++ trái tim là hình ảnh biểu tượng cho tình cảm, thái độ của con người trước thiên nhiên, cuộc sống, xã hội. Lạc lõng là từ láy diễn tả tình trạng con người không hoà hợp được với xung quanh, với mọi người. Vui buồn bất hạnh là trạng thái tâm lí, những biểu hiện tâm trạng, cảm xúc trước cuộc đời của con người.
        ++ Ý của 2 câu thơ: Người bố khuyên con thể hiện tình cảm chân thực của mình trong cuộc sống vô cùng phong phú, nghịch lí.
       + Phân tích, chứng minh: Tại sao người bố có cảm xúc và suy nghĩ khi viết cho con: trái tim đừng lạc lõng trước vui buồn bất hạnh?
         ++ Cuộc sống của con người tồn tại ở hai dạng thể chất và tinh thần. Một cuộc sống có ý nghĩa phải là sự hài hoà giữa hai trạng thái trên. Một cuộc sống tinh thần đầy đủ đúng nghĩa là phải được thoả mãn đầy đủ về mặt tâm hồn. Nghĩa là phải biết rung động trước cuộc đời, biết yêu và biết ghét, yêu cái đẹp và ghét những cái xấu xa; không để tâm hồn chai sạn, vô cảm trước mọi nỗi buồn vui của cuộc đời.
         ++ Nếu để trái tim lạc lõng trước vui buồn bất hạnh thì con người trở nên vô cảm, sống ích kỉ, chẳng khác gì tự đào hố chôn mình.
         + Bình luận mở rộng: phê phán một bộ phận giới trẻ sống thờ ơ, lạc lõng với chính mình, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội; ca ngợi những người sống vì mọi người, yêu ghét rõ ràng, biết đấu tranh với chính mình để giữ vững nhân cách.
1.00
          – Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: sống là chính mình; sống vị tha, độ lượng, nhận hậu; sống vì mọi người…            
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25
2
  Phân tích hình tượng Đất Nước trong đoạn thơ …
5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một hình tượng trong một đoạn thơ.  
             Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
               Hình tượng Đất Nước trong đoạn thơ …
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
a/ Mở bài:  (0,25)
– Nguyễn Khoa Điềm là thế hệ nhà thơ trẻ thời đánh Mĩ, có nhiều đóng góp cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam;
– Đất Nước là chương thứ V của trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng chủ đạo của chương V là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”
– Đoạn thơ thể hiện hình tượng Đất Nước..
b/ Thân bài:
– Khái quát trường ca, chương V và đoạn thơ (về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng…)(0,25)
-Phân tích hình tượng Đất Nước trong đoạn thơ:(2,75 điểm)
+ Đất nước được làm nên từ tâm hồn dân tộc Việt Nam:
      ++Đoạn thơ “Đất Nước của Nhân dân… trăm dáng sông xuôi” được coi là điểm hội tụ của cảm xúc và cũng là tư tưởng trung tâm của đoạn thơ: Đất nước là sự hội tụ của những giá trị.muôn đời bền vững, là chiều sâu văn hoá, là thế giới tình cảm mênh mông của nhân dân, của ca dao, cổ tích.
       ++ Câu thơ “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” có cấu tạo như một đẳng thức trong đó mỗi vế đều được bắt đầu bằng đại lượng Đất Nước và kết thúc bằng đại lượng Nhân dânca dao, thần thoại. Tạo nên mối quan hệ có tính sở hữu giữa những đại lượng này là từ của. Bằng cách thiết lập mối quan hệ sở hữu ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã cho người đọc một định nghĩa về đất nước mà nhìn ở góc độ nào cũng thấy hồn vía nhân dân, cũng thấy thấm đẫm chất ca dao, cổ tích. Đất nước hoài thai từ nhân dân, đất nước lung linh thơ mộng nhưng cũng đầy mạnh mẽ quyết liệt bởi sự hoá thân, nhập hồn của nhân dân vào đất nước. Và tâm hồn, cuộc sống nhân dân lại được tìm thấy trong ca dao, thần thoại. Một cách định nghĩa về đất nước ngắn gọn, giản dị mà độc đáo. Chất liệu văn hoá dân gian vừa bao bọc tính triết lí- chính luận của khái niệm đồng thời mở cho đoạn thơ một thế giới nghệ thuật – thế giới đời sống tâm hồn của nhân dân.
     ++ Mỗi câu ca là một câu chuyện tình nhỏ bé, riêng tư. Và khi neo đậu vào trang thơ Nguyễn Khoa Điềm bỗng hoá thành vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Việt Nam – đắm say trong tình yêu:              “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”.Tình yêu đất nước bền vững thường bắt đầu từ tình yêu nhỏ bé, rất riêng tư cá nhân như vậy.
      ++Dân tộc ấy, đất nước ấy không chỉ yêu say đắm mà còn sống đầy nghĩa tình: Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội. Câu thơ có tính gợi nhiều hơn kể. Nó làm ta nhớ tới nghĩa thuỷ chung của những con người trong truyện cổ tích Trầu cau hay ca dao xưa “Cầm vàng mà lội qua sông…”
    ++Vẻ đẹp đầy chất thơ của tâm hồn yêu nồng nàn, thuỷ chung rất mực ấy đã hun đúc lên một đất nước anh hùng, kiên cường: Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu. Hai khía cạnh tưởng chừng tương phản mà lại thống nhất hài hoà: vẻ đẹp thơ mộng, dịu hiền của một đời sống tinh thần phong phú và vẻ đẹp anh dũng quật khởi trong đấu tranh.  Thực ra biểu tượng cây tre cũng đã từng xuất hiện ngay trong phần mở đầu và những phần tiếp theo của đoạn trích (Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc ; Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại). Hiệu quả của cách điệp lại tứ thơ ở những vị trí khác nhau đã tạo ra mạch ngầm về lịch sử chống giặc ngoại xâm thao thiết chảy ngay trong chính đòi sống hằng ngày của nhân dân, ngân vang trong ca dao, thần thoại. Đến câu thơ này, truyền thống ấy được khơi sâu hơn bởi đức tin “Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Vì thế hình ảnh cây tre không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nuớc mà còn là biểu tượng cho sự tích tụ sức mạnh của lòng yêu nước.
+ Đất nước được làm nên từ vẻ đẹp lung linh của sông nước(4 câu thơ cuối)
      ++Trong dòng suy tưởng của nhà thơ, đất nước là sự hoá thân của nguồn mạch tuôn chảy dạt dào từ muôn dòng sông bất tận, từ núi non, ruộng đồng bờ bãi dồn tụ về với biển lớn của tình yêu đất nước. Câu thơ mang ý nghĩa của câu hỏi tu từ “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu” trở thành khúc dạo đầu lắng nhẹ, thiết tha cho một câu chuyện kể về tiếng nước, tiếng hát được lưu giữ trên những dòng sông: “Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát”. Từ miền sơn thượng với bao thác ghềnh hiểm trở đến những dòng sông uốn mình ôm dải đồng bằng phì nhiêu, dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt, nơi cửa sông hay ngoài khơi xa sóng to gió cả đâu đâu cũng vang vọng những giọng hò.
      ++Không chỉ là tiếng lòng, sông nước còn là nhịp đời, nhịp sống cần lao đầy tự tin, hào sảng. Nhịp điệu câu chuyện kể về những dòng sông dâng dần lên theo điệu hát, theo người chèo đò kéo thuyền vượt thác để cuối cùng tuôn chảy dào dạt như vô vàn dòng sông rộng lớn trong không gian mênh mông (Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi). Vì được hoá thân từ những câu dân ca sông nước mà đất nước trở nên có một tâm hồn thơ mộng, hay chính tâm hồn thơ-giàu chất thơ của dân tộc đã hoà nhập soi bóng cùng vẻ đẹp của nủi sông mà rất nên thơ. Nhuộm dòng sông bằng điệu hát, tiếng lòng : “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm – Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?” (Chế Lan Viên); gắn bó với dòng sông bằng tình yêu và trách nhiệm : “Cho con xin nắm đất nồng – Chắn đê giữ nước sông Hồng đang lên” (Thu Bồn) cũng là một cách để các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ tình yêu của mình trước vẻ đẹp trường tồn của Tổ quốc.
– Đánh giá chung: (0,5)
++Đoạn thơ nói riêng và chương V nói chung là minh chứng cho sự thành công của thơ Nguyễn Khoa Điềm trong việc thể hiện hình tượng Đất Nước: Đất nước được làm nên từ tâm hồn dân tộc Việt Nam, trong đó chính Nhân dân đã để lại vốn văn hoá thinh thần- văn hoá dân gian vô cùng phong phú.
++ Đoạn thơ sử dụng thể thơ tự do, giọng thơ trữ tình, chính luận; lời thơ chiêm nghiệm, đúc kết chân lí, đưa bạn đọc trở về với không gian của ca dao, thần thoại…đã làm nên vẻ đẹp hình tượng Đất Nước.
c/ Kết bài:(0,25)
– Tóm lại vấn đề đã nghị luận
          – Cảm nghĩ của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.
(4.00)
4. Sáng tạo                                                   
            Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        
            Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
( 0,25)
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468