Thành cổ Diên Khánh tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang khoảng 10 km về phía Nam.
Sử sách ghi lại, với địa hình chiến lược quan trọng, nằm dựa vào dãy Trường Sơn và hai nhánh núi hình cánh cung vòng ra sát biển như một vành đai phòng ngự vững chãi, hơn ba thế kỷ trước, Diên Khánh được chúa Nguyễn Phúc Tần rồi sau đó là vua Tây Sơn Nguyễn Huệ chọn làm thủ phủ của Dinh Bình Khang (tên cũ của tỉnh Khánh hòa).
Với diện tích khoảng 36.000m2, thành Diên Khánh là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 – 18 ở Tây Âu. Cổng thành là một công trình kiến trúc khối vuông vững chãi, xây bằng gạch nung cỡ 4,5cm x 1,38cm gồm 2 tầng: tầng dưới gắn liền với tường thành, mặt ngoài rộng 16,8m, cao 4,5m, xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao khoảng 2m, cách mặt ngoài 2,5m để lèn đất vào giữa.
Các góc thành được đắp nhô ra ngoài, có khả năng quan sát được hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm nơi trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác gọi là pháo đài góc, trên thành được trồng nhiều tre hoặc cây có gai. Bên ngoài thành có đào hào sâu từ 3 – 5m, rộng hẹp không đều nhau, tùy theo địa hình. Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3 – 4m, có đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào cũng không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15m) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40m. Bên ngoài hào nước đắp một đường đi – đường ngoài hào để tuần tra, vận chuyển, người dân gọi là đường quan phòng. Lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào và có nhiều chướng ngại vật để ngăn kẻ địch bất ngờ đột nhập.
Theo các tư liệu cũ còn lưu lại, bên trong thành Diên Khánh có nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam) dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần là một cột cờ lớn. Sau cột cờ là hoàng cung – công trình có quy mô lớn nhất so với các công trình khác trong thành.
Trước hoàng cung là một sân gạch lớn – gọi là sân chầu – nơi các quan văn võ trong tỉnh đứng chầu khi có lễ lớn. Vị trí đứng của mỗi người được qui định trong bảng gỗ, đặt thành hai hàng hai bên, theo thứ tự từ cửu phẩm lên nhất phẩm. Giữa hoàng cung đặt một bệ gỗ lớn 3 tầng, mỗi tầng cao khoảng 0,2 m. Trên cùng đặt một ngai vàng, nơi vua ngự. Bên trái hoàng cung là dinh Tuần vũ, sau đó là dinh Án sát, và sau nữa là dinh Lãnh binh. Phía dưới là dinh quan Tham tri.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.