(BQN) – Khu di tích đình – chùa Hổ Lao, nơi thành lập Chiến khu Đông Triều, được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 38 ngày 12-7-2001 để bổ sung vào quyết định số 2379 ngày 5-9-1994 công nhận địa điểm trung tâm Chiến khu Đông Triều ở xã Bình Dương…
Đình và chùa Hổ Lao được nghĩa quân cách mạng dùng làm căn cứ luyện tập quân sự những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Chiều ngày 8-6-1945, sau khi nghĩa quân cách mạng với vũ khí thô sơ như kiếm, mã tấu, giáo mác, gậy gộc đi đánh chiếm được các đồn Chí Linh, Đông Triều, Tràng Bạch và tước vũ khí của chủ mỏ Mạo Khê, các đoàn quân khởi nghĩa thắng lợi đã mang vác vũ khí thu được của binh lính ở các đồn cùng kéo quân về đây. Nhân dân làng Hổ Lao đã hồ hởi mang gạo, bò, lợn ra khao nghĩa quân ăn mừng chiến thắng. Đồng thời, Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã họp tại Chùa kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khởi nghĩa và đề ra những nhiệm vụ trước mắt nhằm xây dựng và bảo vệ Chiến khu.
Quyết định thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng (gồm 4 người: Đồng chí Hải Thanh, Bí thư phụ trách công tác chính trị; Nguyễn Hiền, Uỷ viên quân sự; Nguyễn Bình, Uỷ viên kinh tế; Trần Cung, Uỷ viên phụ trách công tác dân tộc, xây dựng chính quyền và liên lạc với cấp trên) cũng được công bố tại đây. Sáng ngày hôm sau, 9-6-1945, cũng tại sân đình Hổ Lao đã diễn ra cuộc mít tinh lớn và đồng chí Trần Cung đã thay mặt Ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố chính thức thành lập Chiến khu cách mạng mang tên: “Đệ tứ chiến khu” cùng lực lượng vũ trang chiến khu mang tên: “Du kích cách mạng quân” và công bố danh sách Uỷ ban quân sự cách mạng lãnh đạo chiến khu. Đồng chí Nguyễn Bình, đại diện Uỷ ban quân sự cách mạng, tuyên đọc: “Bảy điều kỷ luật” của du kích cách mạng quân…
Chỉ có 8 ngày sau đó, vào ngày 16-6-1945 thì nghĩa quân chiến khu đã kéo quân lên Bến Tắm, thuộc TX Chí Linh (Hải Dương) phục kích tấn công đoàn xe ô tô của Nhật, diệt 1 tên quan hai và làm bị thương 5 tên khác.
Dulichgo
Sau trận này, quân Nhật không dám đưa quân vào căn cứ chiến khu cách mạng. Và những ngày sau đó, Đệ tứ chiến khu (hay còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Đông Triều) đã nhanh chóng toả ra cả một địa bàn rộng lớn ở vùng duyên hải phía bắc, cùng các địa phương đập tan chính quyền thực dân phong kiến và tay sai trước và trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
< Đình Hổ Lao xưa, nơi diễn ra cuộc mít tinh thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo 8-6-1945.
Theo sử cũ thì đình và chùa Hổ Lao trước đây thuộc xã Hổ Lao, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Đình được xây dựng khá sớm nhưng tư liệu gốc về việc xây dựng đình đã bị thất lạc, chỉ còn lại một số bia thời Nguyễn ghi lại việc trùng tu đình vào năm 1864 thời Tự Đức. Thời kỳ sau đó, ngôi đình tiếp tục được trùng tu lại và xây dựng thêm chùa và tạc tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh để thờ tại chùa. Tại đình Hổ Lao, trước ngày khởi nghĩa 8-6, bức trướng màu đỏ trong đình đã được cắt ra để may thành lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn nghĩa quân tiến về đánh chiếm đồn Đông Triều. Với những đóng góp của nhân dân cho Chiến khu trước và trong ngày khởi nghĩa 8-6-1945, năm 1972, nhân dân thôn Hổ Lao đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng “Có công với nước”.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình, chùa Hổ Lao đều bị phá huỷ. Năm 1993 nhân dân thôn Hổ Lao đã đóng góp tiền của dựng tạm một ngôi chùa nhỏ để thờ Phật. Theo các cụ già ở địa phương cho biết thì trước khi bị thực dân Pháp tàn phá, đình Hổ Lao có kiến trúc kiểu chữ nhị, mái lợp ngói vẩy rồng, cột xà bằng gỗ lim, quay hướng Đông Nam. Phía sau đình là ngôi chùa thờ Phật, chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh. Các văn bia đá cổ hiện nay đang được lưu giữ tại chùa.
Dulichgo
Năm 1997, xã Tân Việt đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm ghi dấu sự kiện nơi thành lập Đệ tứ chiến khu và bia ghi tên các liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhà bia xây dựng theo kiểu đạo quán, mái lợp ngói vẩy rồng, gồm 2 tầng 8 mái, đầu đao uốn lượn hoa văn, 8 góc mềm mại tinh tế, đầu bờ nóc đắp đầu kìm.
Bệ đặt bia ốp đá dài 3m, rộng 80cm xây theo kiểu nhị cấp, chạm hoa sen, trán và diềm bia khắc hoa văn dây leo, giữa trán bia có ngôi sao vàng 5 cánh trong ô tròn trắng viền vàng. Năm 2009 thì đình, chùa Hổ Lao đã được đầu tư hoàn thiện. Nhằm từng bước khơi dậy nét đẹp văn hoá truyền thống và phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đầu xuân Nhâm Thìn 2012 vừa qua, nhân dân trong xã cùng nhà sư trụ trì đã tổ chức phục dựng Lễ hội đình, chùa Hổ Lao sau rất nhiều năm bị gián đoạn.
Dulichgo
Từ Hổ Lao, ta có thể ghé sang thăm chùa Bác Mã, ngôi chùa có vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành căn cứ Chiến khu và nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều, nằm ngay ở xã Bình Dương gần cạnh. Tại địa điểm của trung tâm Chiến khu Đông Triều, sáng ngày 8-6-1945, các đoàn quân của nghĩa quân đã xuất phát đi khởi nghĩa, giành chính quyền về tay cách mạng.
Theo Xuân Quảng (Báo Quảng Ninh)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.