(VNN) – Ăn thịt vịt để xua xui xẻo năm cũ, dâng cúng tổ tiên đặc sản thịt chuột hay niêm phong ‘nông cụ’ suốt 10 ngày… là những phong tục đón Tết đặc biệt ở các dân tộc.
Đầu năm đi ăn, có rượu thịt mang về
Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Cũng như các dân tộc khác, người Nùng ở Lạng Sơn quan niệm, Tết là dịp để mọi người dẹp bỏ mọi lo toan trong cuộc sống sau một năm làm việc vất vả để vui chơi, tận hưởng hạnh phúc.
Ông Hoàng Văn Làng, trưởng thôn Nà Han (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết, mỗi bản người Nùng ở đây đều có một đình, miếu để thờ cúng Thành hoàng, Thổ công và là nơi sinh hoạt chung của dân bản.
Hàng năm, người Nùng ở thôn Nà Han cúng Thổ công vào mùng 2 Tết. Người dân mang lễ đến miếu thắp hương. Mâm lễ gồm gà luộc, bánh chưng, bát cơm, chai rượu, hương, bánh kẹo… Họ tỏ lòng biết ơn sau một năm mùa màng bội thu và mong năm mới thời tiết thuận hòa, thuận lợi cho làm ăn.
‘Những dịp này, người dân cũng góp tiền làm cỗ, sau đó tập trung ăn uống tại miếu. Mỗi gia đình, sau khi cùng nhau ăn, được mang về nhà một bát nhỏ thịt và ít rượu. Chúng tôi thường xào qua số thức ăn đó, đặt lên bàn thờ để dâng tổ tiên’, ông Làng nói.
Cũng theo người dân tộc Nùng, ở đây, một bữa cơm khác khá quan trọng của họ là bữa cơm xua đi những rủi ro dịp cuối năm. Mâm cơm này nhiều món thịt, măng, rau, nhưng không thể thiếu thịt vịt. Theo quan niệm của người Nùng, thịt vịt là món ăn để kết thúc một năm, xua đi những điều xui xẻo và sang năm mới đón nhận nhiều điều tốt đẹp.
Dâng thịt chuột cúng tổ tiên
Điều đặc biệt trong Tết của người Dao Tiền (Hòa Bình) lại là món thịt chuột trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào năm mới.
Ông Lê Văn Sinh (SN 1967), Chủ tịch xã Tân Pheo (Hòa Bình), cho biết, ngày xưa khi thiếu thốn thực phẩm, người Dao Tiền bắt chuột làm thức ăn.
Theo quan niệm ăn gì thờ nấy, vào các ngày lễ Tết, người Dao Tiền dùng thịt chuột để dâng lên thờ tổ tiên. Bởi vậy, nếu như các địa phương khác cúng tổ tiên ngày 30 Tết bằng thịt gà, lợn… thì người Dao Tiền xưa lại cúng bằng thịt chuột.
Gia đình nào không có cũng phải cố mua 2 – 3 con để làm món dâng cúng tỏ lòng thành kính. Ngoài dâng thịt chuột cúng tổ tiên, người Dao Tiền còn làm mâm cỗ cúng Thành hoàng.
Mỗi xóm đều có miếu thờ Thành hoàng. Vào ngày mùng 2 Tết hàng năm, người thì chai rượu, người thì thịt trâu, bò, lợn, gà… đem đến góp chung cỗ để thờ cúng. Sau đó cả xóm đem đồ cúng về nhà ông mo (người đứng ra tổ chức lễ thờ, cúng). Tất cả tập trung ăn hết bánh chưng, uống hết rượu rồi hát hò, vui chơi nhảy múa để khai xuân’.
Người H’Mông ‘niêm phong’ nông cụ đón năm mới
Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người H’Mông ở Sơn La ăn Tết vào đầu tháng 12 âm lịch. Năm 2019, để thuận tiện về thời gian, người H’Mông được khuyến khích ăn Tết theo lịch của người Kinh. Tuy vậy, chị Hà Thị Xua (SN 1989, người dân tộc H’Mông ở Vân Hồ, Sơn La) cho biết, năm nay – 2020, người H’Mông lại tiếp tục ăn Tết theo lịch truyền thống của họ.
Theo đó, trước ngày 30/11 âm lịch, người H’Mông tạm gác mọi công việc thường ngày để tập trung sửa sang nhà cửa, thay mới bàn thờ…
Các hộ gia đình cũng tiến hành mổ lợn, mổ gà và làm bánh dầy (thay vì làm bánh chưng như người Kinh)… chuẩn bị đón Tết.
Buổi chiều cuối năm, tất cả các dụng cụ canh tác như cày, cuốc, xẻng, dao, cào… đều được gia chủ dán giấy niêm phong rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ, 3 ngày sau mới lấy ra sử dụng. Người H’Mông quan niệm, sau một năm vất vả, họ muốn cho nông cụ được nghỉ ngơi để chờ năm sau tiếp tục lao động, sản xuất.
Người H’Mông cũng chọn một cành tre còn xanh lá và buộc 3 sợi dây có màu xanh, đỏ, vàng để làm chổi quét nhà. Họ quan niệm rằng, chiếc chổi sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Tuy nhiên trong 3 ngày tết, người H’Mông không quét rác ra khỏi nhà, mà gom lại một góc vì cho rằng không nên quét may mắn ra ngoài.
Ông Giàng A Sử (50 tuổi, ở Vân Hồ) cũng chia sẻ thêm, người H’Mông rất mến khách, nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người H’Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người H’Mông còn mừng tuổi cho khách 2 chiếc bánh dầy do chính tay họ làm ra.
Tết cổ truyền của người H’Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau qua các trò chơi truyền thống như ném pao, đánh quay…
Theo Ngọc Trang (Vietnamnet)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.