(TH) – Nhắc đến ruộng bậc thang Sa Pa, nhiều người nghĩ ngay đến thung lũng Mường Hoa hay thung lũng Tả Phìn nổi tiếng. Thế nhưng, Sa Pa còn có những khu ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở những xã vùng hạ huyện, mà đẹp nhất phải kể đến là ruộng bậc thang ở Nậm Cang.
Nậm Cang là một xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai – cách thị trấn Sa Pa khoảng 30km. Theo nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, những thửa ruộng bậc thang ở đây đẹp như ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái). Ruộng bậc thang tại Nậm Cang trùng trùng điệp điệp và có rất nhiều góc để ngắm – chụp cảnh vật đẹp hơn những nơi khác.
Từ xa nhìn lại, trên những tràn ruộng bậc thang là hàng chục chiếc lều canh lúa của đồng bào vùng cao Nậm Cang, tạo nên bức tranh phong cảnh và cuộc sống thật gần gũi mà thơ mộng.
Dulichgo
Ruộng bậc thang Nậm Cang không trải mênh mông bao quát như ở Tả Van, Lao Chải… mà là những thung lũng hẹp có nhiều đá tai mèo.
Ngoài vẻ đẹp của những đường cong mềm mại, ruộng bậc thang nơi đây hút hồn du khách bởi những chiếc chòi canh lúa; trông xa cứ ngỡ nhỏ như những chiếc chuồng chim bồ câu xinh xắn và độc đáo.
Hầu hết chòi canh lúa được làm bằng gỗ chắc chắn, có kiến trúc nhà sàn với cầu thang lên và sàn cao để tránh rắn rết, thú dữ.
Tuy diện tích nhỏ nhưng mỗi chiếc chòi canh lúa của đồng bào Dao đỏ xã Nậm Cang có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Dulichgo
Đó là nơi nghỉ trưa tránh nắng, nấu ăn của các gia đình khi vào vụ cấy hoặc mùa gặt. Đó cũng là nơi cất giữ lúa, ngô sau khi thu hoạch, cất máy cày, xe máy và các nông cụ cần thiết trong sản xuất, hay nơi chăn nuôi gà, vịt.
Về Nậm Cang mùa nước đổ hay mùa lúa chín, bạn sẽ được ngắm bức tranh bình yên và thơ mộng.
Dulichgo
Giữa những tấm gương nước khổng lồ phản chiếu bầu trời hay màu vàng miên man của lúa chín là những chiếc chòi canh xinh xắn như trong chuyện cổ tích tạo nên khung cảnh bình yên của xóm núi. Buổi trưa và chiều tối, khói bếp từ những chiếc lều canh lúa bay lên, hòa lẫn với sương trắng mộng mơ.
Mỗi chiếc chòi canh lúa đều gắn với những câu chuyện về cuộc sống gia đình, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào vùng cao Nậm Cang.
Dù mỗi năm cuộc sống ở chòi canh lúa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng vào mùa cày cấy hay mùa lúa chín, nhưng luôn đầy ắp kỷ niệm với những người dân vùng cao nơi đây.
Người Miền Trung tổng hợp từ báo Lào Cai, ảnh minh họa từ internet
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.