RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Độc đáo phố cổ Hải Phòng

Advertisement

(BHP) – Hải Phòng không chỉ được biết đến với những khu du lịch biển nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà mà còn là một trong những đô thị cảng biển phát triển sớm nhất của cả nước. Dấu tích còn lưu giữ trên những con phố cổ độc đáo ngay giữa trung tâm thành phố.

Chuyến hành trình khám phá những con phố xưa cũ giữa lòng thành phố Cảng bắt đầu từ chân cầu Lạc Long – nơi tọa lạc tòa nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi. Tòa nhà này được người Pháp xây từ năm 1885 nằm ở đầu phố Nguyễn Tri Phương ngày nay đặt trụ sở Ngân hàng Đông Dương. Ngày nay, đây là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng. Điểm độc đáo của công trình là toàn bộ chân móng, tường vây xây bằng hàng chục nghìn viên đá xanh được đục đẽo, cắt gọt vuông thành sắc cạnh, có bề dày 0,4-0,45 m tạo nên sự khác biệt cho tòa nhà.

Đối diện với tòa nhà này là 2 phố cổ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển đô thị của thành phố Cảng. Uốn lượn theo con sông Tam Bạc thơ mộng, phố Tam Bạc trước đây khá sầm uất với các bến tàu luôn tấp nập ngược xuôi thuyền bè.

Hiếm có con phố nào được giới nghệ thuật ưu ái khắc họa đậm nét như phố Tam Bạc. Những bức tranh sơn dầu, bài thơ phác họa nhịp sống nơi góc phố cổ kính ấy đã đi vào lòng người. Hải Phòng trước đây có nhiều phố ven sông, chạy thẳng đến bến tàu, thuận tiện cho giao thương, buôn bán như Quang Trung, Nguyễn Đức Cảnh (cạnh sông Lấp trước đây), Lạch Tray (cạnh sông Lạch Tray)…

Tuy nhiên, hiện nay, do quá trình đô thị hóa, chỉ còn phố Tam Bạc là giữ được phần nào cảnh quan xưa cũ, gợi nhớ đến thời “trên bến, dưới thuyền”.

Chạy song song với phố Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa. Nhà ở đây xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Tam Bạc. Những bức tường vàng ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao của các ngôi nhà ống lợp ngói âm dương theo phong cách kiến trúc cổ Trung Quốc (thời kỳ trước phố này được gọi là phố Khách vì có nhiều người Hoa đến đây sinh sống, buôn bán) xen lẫn với những ngôi biệt thự kiến trúc Gô-tích của Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 với những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong, tạo nên vẻ đẹp kiến trúc giao thoa Đông – Tây cho con phố.

Nhà số 14 ngõ Gạo (nay là ngõ 61) từng là trạm giao liên quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời trước Cách mạng Tháng Tám.

Khu vực cuối phố Lý Thường Kiệt và phố Tam Bạc gồm hàng chục dãy phố ngang, dọc. Phố nào cũng có tên nhưng ngay cả người dân Hải Phòng cũng ít nhớ hết tên của các con phố này. Đó là những phố Trạng Trình, Ký Con, Hoàng Ngân… Người ta hay gọi chung khu vực này là khu chợ Đổ (chợ Tam Bạc). Chợ Tam Bạc là một trong những chợ hình thành sớm nhất và sầm uất bậc nhất của thành phố cho đến hiện nay. Khu chợ sầm uất bán buôn cơ man các loại hàng hóa. Chợ lan tỏa tới nhiều đường ngang, ngõ dọc đan xen hình bàn cờ. Trong chợ có bia tưởng niệm ghi lại tội ác của giặc Mỹ năm 1972 trong trận ném bom làm hư hỏng hoàn toàn khu chợ sầm uất (từ đó, chợ Tam Bạc còn được gọi là chợ Đổ).

Một con phố cổ khác mà hầu như ai đến Hải Phòng cũng ghé qua là phố Cầu Đất. Thời Pháp thuộc, nơi đây được mệnh danh là khu phố “của đổ về”. Cầu Đất từng được coi là phố giàu có bậc nhất của Hải Phòng với nhiều nghề thủ công nổi tiếng từ thời Pháp thuộc như giày da, bật bông (làm chăn bông), bánh kẹo, tiệm ăn, tạp hóa, chụp ảnh, vàng bạc…

Ngày nay, phố Cầu Đất không chỉ một khu phố thương mại tấp nập mà còn giữ được nét ấn tượng độc đáo khi được coi là khu phố bánh kẹo truyền thống của người Hải Phòng, tương tự như phố Hàng Đường của Hà Nội. Mỗi hiệu bánh gia truyền như Đông Phương, Thanh Lịch, Như Ý, Song Kim… với những công thức bí truyền làm nên những loại bánh, kẹo đặc sản mang hương vị của thành phố Cảng luôn tấp nập người mua, nhất là vào dịp Trung thu, lễ, Tết. Bánh rán phố Cầu Đất với vỏ mỏng tang, giòn, thơm, nhân mịn cũng được nhiều người ưa chuộng.

Hải Phòng không chỉ có những con phố hối hả, gấp gáp mà còn những “góc phố dịu dàng” như Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Hồ Xuân Hương…

Dù nằm giữa trung tâm thành phố sôi động, nhưng nhịp sống ở những phố cổ này luôn tĩnh lặng và yên ả với những ngôi biệt thự cổ kính, rêu phong được xây dựng theo lối kiến trúc từ trăm năm trước. Dường như, mỗi người khi qua những con phố nằm im lìm dưới những tán cây cổ thụ xanh um quanh năm này tự đi chậm lại để thong dong thưởng thức sự chậm rãi, yên bình trong nhịp sống hối hả thời hiện đại.

Dạo bước qua những con phố buôn bán sầm uất, nhấm nháp ly và phê nóng bên những quán cà phê vỉa hè tĩnh lặng hoặc thưởng thức thứ quà vặt bình dân nóng giòn bên chén trà trên những phố cổ độc đáo trong những ngày đông lạnh giá ngay giữa trung tâm thành phố Cảng chắc chắn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho mỗi du khách.

Theo Bảo Nam (Báo Hải Phòng)
Người miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468