RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch

Độc đáo vật dụng che mưa nắng vùng Tây Nguyên

Advertisement

(LV) – Tây Nguyên đầy nắng gió nhưng mưa cũng dầm dề dai dẳng không kém, kéo dài suốt sáu tháng trong năm. Để chống chọi với thiên nhiên trong mùa mưa, đồng bào các dân tộc đã tự tạo cho mình những tấm áo, nón đi mưa khá độc đáo từ các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng.

Đa dạng về hình dáng và kích thước

Những vật dụng để che mưa của các dân tộc vùng Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng về hình dáng và kích thước. Có cái hình tròn, cái hình vuông, hình chữ nhật và đặc biệt có loại thoạt trông người ta liên tưởng giống như nửa con thuyền. Nguyên liệu để làm chúng là một loại lá cây rừng gần giống với cây cọ rừng, hoặc lá của một loài cây hay mọc ở vùng đầm lầy mà người K’ho gọi là Tờm Sra. Ngoài ra, đồng bào còn dùng tre, lồ ô để làm khung, dây mây, hoặc vỏ cây để thắt kết làm quai đội.

Loại hình tròn được tạo dáng giống với cái khiên, có đường kính từ 70 – 80 cm. Chính giữa có một khuôn tròn để tròng đầu khi đội như nón quai thao của người Kinh. Toàn bộ chiếc nón được đan, kết rất tỉ mỉ và khá chắc chắn, từ bộ khung xương đến phần quai đều toát lên vẻ thẩm mĩ cao.
Dulichgo
Loại hình vuông có kích thước các cạnh từ 60 – 70 cm. Chính giữa có khuôn tròn để đặt lên đầu khi đội. Loại hình chữ nhật cũng có kết cấu tương tự nhưng có nhiều kích thước lớn, nhỏ khác nhau, phổ biến nhất là: 45 x 70 cm và 45 x 80 cm.

Các loại vật dụng nói trên cũng có thể gọi là nón che mưa vì người dùng chủ yếu là để đội trên đầu khi đi lại trong mưa. Mỗi chiếc nón thường có 3 lớp, trong đó lớp lá được chèn ở giữa, hoặc phủ bên ngoài khung xương bằng tre, lồ ô. Phần quai được làm bằng dây mây hoặc bằng lớp vỏ lụa mềm dẻo của một loại cây rừng. Quai nón được đan tết rất đẹp và khá cầu kỳ.

Những chiếc áo che mưa độc đáo

Ngoài những chiếc nón nói trên, đồng bào ở Tây Nguyên còn có một kiểu áo đi mưa khá đặc biệt, nó có hình dáng giống như nửa con thuyền khi cắt làm đôi. Phần khung áo thường được đan bằng tre hoặc lồ ô. Lớp lá được chèn ở giữa hoặc đan chằm phủ ở bên ngoài. Áo đi mưa có độ dài khoảng từ 140 – 150 cm. Khi mang người ta đội phần chóp nhọn lên đầu. Loại áo đi mưa này thường thấy nhiều ở vùng đồng bào Xơ Đăng ở Bắc Tây Nguyên. Người Xơ Đăng thường cư trú ở những vùng núi dốc nên áo mưa này rất thuận tiện cho việc di chuyển, đi lại trong mùa mưa.
Dulichgo
Người K’ho ở Lâm Đồng trước đây cũng thường sử dụng những tấm áo đi mưa hình chữ nhật có kích thước khoảng từ 80 x 120 cm, được đan kết bằng lá cây Tờm sra và sợi mây rừng. Loại áo mưa này có thể cuộn lại cho vào gùi mang theo khi đi nương rẫy rất thuận tiện. Điều đặc biệt là nó không có dây hoặc quai đeo, nên người K’ho chỉ dùng để đội lên đầu che mưa.

Ở vùng người Mạ sinh sống, bà con cũng dùng những chiếc áo đi mưa được kết bằng dây mây và lá cây rừng có hình dáng gần giống như chiếc áo tơi của người Kinh.

Những chiếc nón, áo đi mưa của các tộc người vùng Tây Nguyên hiện nay hầu như không còn hiện diện trong đời sống sinh hoạt của đồng bào trong các buôn làng. Bởi ngày nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với sự giao lưu kinh tế – văn hóa với các vùng, miền trong nước, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, họ đã biết chọn cho mình loại nón, áo che mưa gọn nhẹ và tiện lợi hơn có thể mua trên thị trường để thay thế chúng.
Dulichgo
Để tìm hiểu và khám phá nét văn hóa độc đáo cũng như cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, du khách có thể đến các bảo tàng địa phương của vùng Tây Nguyên.

Theo Ts. Đoàn Bích Ngọ (Làng Việt)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468