(QNO) – Một vùng rừng núi đại ngàn thâm u được biết đến trên bản đồ với cụm từ mà bây giờ không thấy ai dùng: “Sơn phần công hoang quốc gia”. Là cụm từ chính quyền Sài Gòn ngày trước dành để gọi vùng đất từ lâu họ không còn kiểm soát được. Dò trên một bản đồ cũ lại thấy thêm tên Bến Hiên bên cạnh những Bến Giằng, Thạnh Mỹ…
Sau 1975, biết thêm rằng vùng ấy thuộc huyện Hiên, một huyện nghèo và xa xôi ở miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng. Biết thêm một thị trấn miền núi qua câu thơ “Qua T’rao rồi lại Bến Giằng”… ra đời mấy chục năm trước.
Rồi, mắt người con gái nào đó trong “Trăng người Hiên” của Nguyễn Trung Bình: “đồi cao thắp ngọn lửa thiêng/ âm ỉ cháy nghìn đời trăng vạt cỏ / mùa lá thu cựa khô còn cơn gió / em nói gì cho ta hiểu người Hiên” vẽ ra một Hiên – Đông Giang – Tây Giang bát ngát. “Dân Lăng nói dân Tr’Hy xa nữa/ giật mình nghe tiếng hú đêm P’rao”. Một vùng đất cứ như đang thúc giục, mời gọi. Ngày đêm…
Nhớ đêm đầu tiên đến Làng Gừng (P’rao – Đông Giang) hồi mới tái lập tỉnh với rượu cần và tâng tung, da dá đắm đuối. Ngày đó, già A Tùng Vẽ còn phơi phới sức xuân. Uống và múa và hát, thâu đêm.
Trong cơn say chếnh choáng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ và mấy người nữa đi quanh các nhà quanh gươl. Cứ như là đi thăm Tết cho dù lúc ấy đang mùa hè. Nhà nào cũng ghé, nhà nào cũng uống. Người Cơ Tu vốn hiếu khách nên không dễ gì từ chối được. Nên, cứ đi, hai chân chập choạng, đi đến lúc không biết nhà nào đã vào, nhà nào chưa…
Buổi sáng, giật mình thức giấc mới hay hai thằng đang nằm co ro… dưới chân gươl! Ấn tượng ấy dễ gì phai được cho dù năm tháng trôi qua lâu lắm, nghệ nhân Cơ Tu nổi tiếng A Tùng Vẽ cũng đã về với Giàng từ nhiều năm trước.
Nhớ lần đầu đến với Tây Giang, vùng đất phía tây của huyện Hiên cũ, tất cả cứ như mở ra, mở ra mãi. Một không gian kỳ diệu và bí ẩn từng lung linh dưới mắt một người ham thích khám phá là tôi.
Ở đó từng mở ra trong mắt mình nhiều ấn tượng mới mẻ. Một vùng đất hoang sơ. Những mái gươl ấm áp trong đêm đầu tháng ở xã Dang. Một bữa sáng ghé vội một ngôi làng nhỏ bé nép dưới chân đèo T’ Coong dẫn lên A Xan còn một bên là con suối nhỏ.
Làng ẩn mình trong cỏ cây như nếp vốn có của bản làng vùng cao. Một khu trung tâm huyện sơ sài với gươl làng vừa mới phục dựng bên dòng sông A Vương thơ mộng. Một bãi đất trống, nơi sẽ diễn ra “chợ huyện” mỗi sáng chóng vánh trong hai giờ đồng hồ rồi tất cả như biến mất, như chưa hề có chợ.
Sau này hình thành “chợ năm ngàn” nghe như huyền thoại. Một đêm lưu lại, giao lưu cùng các chiến sĩ biên phòng ở đồn A Nông, nghe kể về địa đạo năm xưa, về những câu chuyện hồi còn chiến tranh, về nắng mưa khác biệt giữa núi rừng hai bên biên giới…
Là sự xông xáo, nhanh nhẹn của một lớp lãnh đạo trẻ của huyện thời mới thành lập huyện Tây Giang… Rồi những Bh’riu Liếc, Cơ lâu Năm, người đàn bà Cơ Tu đánh đàn jưl ở thôn Nal bên con suối nhỏ dưới chân núi T’ Coong … Một Tây Giang đậm chất đại ngàn.
Lễ hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam là cơ hội hiếm có để về cùng Tây Giang. Vẫn con đường quen thuộc nhưng nay đã thênh thang hơn rất nhiều, từ ngã ba xã Bha Lêê, rẽ vào chừng hơn chục kilomet vượt qua con đường đèo ngoằn ngoèo là tới trung tâm huyện.
Con đường “sạn đạo” mà 13 năm trước cán bộ, nhân dân Tây Giang mơ ngày ước đêm giờ đã hoàn chỉnh và cũng từng được mở rộng nhiều lần. Đường như thu ngắn hẳn dù chúng tôi đi bằng xe máy.
Vào mùa lễ hội, khu trung tâm huyện thuộc xã A Tiêng vô cùng nhộn nhịp. Đã có các đoàn từ 14 tỉnh, với 17 dân tộc từ Lạng Sơn tới Bình Phước, Đắk Nông tụ hội về đây trong mấy ngày vui.
Thị trấn vùng cao bỗng trở nên lung linh các sắc màu thổ cẩm từ khắp các vùng đất nước. Tây Giang đã thành điểm đến hấp dẫn người ở khắp miền. Sắc màu 17 dân tộc anh em hội tụ lại trong không gian ấm cúng của nhà dài thuộc Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu.
Ẩm thực đặc sắc các dân tộc được trình bày bằng những nét văn hóa riêng biệt và cuốn hút. Chảy cùng dòng người nô nức chen chân tới các gian trưng bày là tiếng khèn, tiếng k’long put, t’rưng, đàn tính, đàn then, đàn đá, tù và sừng trâu… rộn rã xen lẫn với tiếng hát then, sli, ….
Các chàng trai, cô gái Nùng, Sán Dìu… còn trình diễn cả các trích đoạn lễ hội của dân tộc mình trong ánh mắt ngạc nhiên và thích thú của mọi người. Các sản phẩm du lịch độc đáo của nhiều vùng miền cũng được giới thiệu ở đây. Tuy còn sơ lược nhưng người xem phần nào cũng nhận ra nét độc đáo của từng dân tộc, từng địa phương.
Tạo dấu ấn đậm nét nhất là những cây nêu dựng ở sân trung tâm bảo tồn. Chiếm khoảng không gian khá rộng giữa sân, cây nêu của người Cơ Tu – Tây Giang trông thật hoành tráng. Trên cây trụ nêu cao vút trời được trang trí nhiều vòng với các họa tiết đẹp mắt còn có hình tượng cặp “ta-cooi” gắn lên thân nêu.
Cặp “ta-cooi” được ví như cánh tay giương cao của người phụ nữ trong điệu múa da dá, thể hiện niềm tin và ngưỡng vọng của đồng bào Cơ Tu. Trên cặp “ta-cooi”, những họa tiết được vẽ theo hoa văn thổ cẩm nhiều sắc màu khiến cây nêu thêm ấn tượng. Gần ngọn nêu có họa tiết hình chữ nhật, hai đầu nối với hình trụ của nêu, tượng trưng cho cối và chày trong đời sống sinh hoạt của người vùng cao.
Chiếc apác được kỳ công trang trí những hình tượng con rồng và các họa tiết về loài hoa rừng rực rỡ, ví như sắc đẹp quyến rũ của người phụ nữ Cơ Tu. Trên đỉnh ngọn nêu có vòng p’pa, nơi để già làng ném lễ vật linh thiêng khi kết thúc lễ hội, hàm ý cầu trời đất ban điều lành cho làng.
Khác với nhiều cây nêu của nhiều dân tộc, sự hoành tráng của cây nêu Cơ Tu được tôn lên nhờ hai đ’ đoong bằng tre trồng từ hai phía và được buộc vào đỉnh cây nêu tạo nên vòng cung mềm mại, duyên dáng cho cây nêu đồng thời cũng tạo ra không gian rộng lớn bên dưới, nơi sẽ tổ chức lễ hội. Cây nêu của dân tộc Cơ Tu – Quảng Nam đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho lễ hội.
Bây giờ đã có thêm những làng du lịch Bhờ Hôồng, Cổng trời Đông Giang, điểm dừng chân Đỉnh Quế, rừng pơmu nguyên sinh, rừng hoa đỗ quyên, làng truyền thống Pơr’ning… biến Hiên – Đông Giang – Tây Giang thành một điểm đến ngày càng thêm quyến rũ.
Những câu thơ Nguyễn Trung Bình mấy chục năm trước lại thôi thúc: “đây mùa trăng hoang dại nhắn ta về/ những đôi mắt mơ gì buồn như thế/ làn tóc rối thời gian màu khói/ em người Hiên trên môi người Hiên”.
Mùa này, xuân, phải về Hiên – Đông Giang – Tây Giang thôi!
Theo Lê Trâm (Báo Quảng Nam)
– Bến Giằng, bến Hiên là tên gọi của hai vùng đất phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, ngày nay ít người biết tới bởi cả hai đã được đổi tên.
Theo mục “Quảng Nam – Đà Nẵng qua các địa danh” trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn), bến Giằng là vùng đất nơi ngã ba con sông Thanh đổ vào sông Nước Mỹ, có một bãi cát bằng phẳng nằm ở phía trên thác, làm nơi đậu của ghe thuyền có tên là bến Giằng Xay. Về sau bến Giằng Xay được rút gọn lại còn bến Giằng. Tháng 1 năm 1948, chính quyền cách mạng thành lập châu Bến Giằng theo quyết định của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các làng dân tộc miền núi tách ra khỏi huyện Đại Lộc. Đến tháng 6-1949, châu Bến Giằng đổi thành huyện Bến Giằng, sau rút gọn lại thành huyện Giằng. Nay đổi thành huyện Nam Giang.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có một địa danh Giằng Xay nữa, đó là một con dốc làm ranh giới tự nhiên giữa thành phố Tam Kỳ và huyện Tiên Phước, phía đông là xã Tam Lộc, phía tây là xã Tiên Sơn, trên con đường Tam Kỳ đi Việt An.
Cũng theo trang web dẫn trên, bến Hiên là một bãi bồi rộng ở vùng đất nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con. Đầu thế kỷ XX, có một người miền xuôi lên đây vỡ hoang trồng lúa, bắp,… Ghe lái buôn chở hàng từ hạ lưu lên trao đổi với người dân tộc đều ghé vào đây. Người Cơ tu đem lâm sản từ các buôn làng đổi lấy muối, vải,…
Năm 1950, đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập lấy tên là huyện Hiên theo quyết định của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở các xã miền núi phía tây bắc tách ra từ huyện Đại Lộc. Huyện Hiên ngày nay được chia thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang.
Khi xưa, giao thông ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, chủ yếu là đường thủy, từ đó phát sinh ra các bến – là nơi tàu, thuyền đỗ lại để khách lên xuống và xếp dỡ hàng hóa.
Tỉnh Quảng Nam có nhiều địa danh bắt đầu từ bến. Cũng như bến Giằng, bến Hiên, các địa danh này đều có một “lịch sử” riêng.
Bến Trễ là bến sông nằm bên sông Cổ Cò, thuộc làng Thanh Hà, Hội An. Trễ từ cổ chỉ một loại xuồng, ghe nhỏ đan bằng tre, trét dầu rái, bề ngang từ 50 – 80cm, bề dài từ 4-5m, được ngư dân dùng để đánh bắt tôm, cá,… Bến Trễ là quê hương của Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu), thủ lĩnh của Nghĩa hội Quảng Nam. Từ bến Trễ – Thanh Hà, ông đã đi ghe ngược sông Cổ Cò ra làng Hà Lộc (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) để theo học Cử nhân Lê Tấn Toán.
Bến Cồn Chăm là một bến sông rộng ở làng Bàn Thạch, nay thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, là điểm hội tụ của ba dòng sông chính: Thu Bồn, Bà Rén (đoạn qua khu vực Duy Vinh gọi là sông Ly Ly), Trường Giang trước khi đổ ra Cửa Đại. Sở dĩ có tên là bến Cồn Chăm, bởi xưa đây là điểm cuối của đường bộ nối từ kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) đến cửa Đại Chiêm, một bến cảng quan trọng của Vương quốc Chăm-pa.
Bến Dầu là một bến ghe thuyền, cũng là tên một chợ nằm ở tả ngạn sông Thu Bồn, nay thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các nguồn hàng lâm thổ sản khai thác từ rừng phía tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà mặt hàng đặc trưng là dầu rái, được tập trung về đây, rồi chở đi tiêu thụ ở Hội An, Đà Nẵng và các tỉnh.
Bến Ván là một bến thuyền (tên chữ là Bản Tân), nằm hữu ngạn con sông cùng tên. Ngày xưa gỗ khai thác từ nguồn Hữu Ban chuyển theo đường nước về đây, được xẻ thành ván cung cấp cho ngành đóng thuyền và làm đồ gia dụng. Bến Ván nay thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
ĐNCT
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.